Đột Quỵ Xuất Huyết Não
Đột quỵ xuất huyết não là một căn bệnh vô cùng nguy hiểm, có nguy cơ gây tử vong cao hoặc để lại biến chứng nghiêm trọng cho sức khỏe. Vậy triệu chứng nhận biết đột quỵ chảy máu não là gì? Nguyên nhân nào gây ra bệnh? Có những cách nào để điều trị và phòng tránh bệnh? Bài viết dưới đây sẽ giải đáp tất cả những thắc mắc của bạn về căn bệnh này.
Định nghĩa
Đột quỵ não là biểu hiện triệu chứng xảy ra đột ngột do tổn thương ở não. Đây là nguyên nhân gây tử vong cao thứ 3 sau bệnh tim mạch và ung thư theo thống kê của WHO. Mỗi năm có khoảng 200.000 người bị đột quỵ não tại Việt Nam và tỷ lệ tử vong là 50%.
Đột quỵ não có 2 dạng: Đột quỵ xuất huyết não và đột quỵ nhồi máu não. Thể xuất huyết não sẽ xảy ra khi mạch máu não bị vỡ khiến máu đột ngột xâm lấn và làm tổn thương não bộ.
Đột quỵ chảy máu não được phân loại thành 2 dạng dựa vào vị trí xuất huyết:
- Xuất huyết nội sọ: Xảy ra khi mạch máu bên trong não bị vỡ. Các yếu tố nguy cơ cao gây nên loại đột quỵ này bao gồm: Huyết áp cao, uống rượu và sử dụng các loại chất kích thích thần kinh hoặc dị tật động mạch bị rò rỉ. Dị tật động mạch là tình trạng một mạch máu yếu bất thường do bẩm sinh. Khi huyết áp tăng cao đột ngột sẽ khiến động mạch đó bị kéo giãn và vỡ ra, dẫn đến đột quỵ xuất huyết não.
- Xuất huyết dưới nhện: Xảy ra khi mạch máu trên bề mặt não bị vỡ khiến máu xâm lấn và lấp đầy một phần không gian giữa hộp sọ và não, đồng thời trộn lẫn với dịch não tủy. Khi máu hòa vào dịch não tủy sẽ làm tăng áp lực lên não và xuất hiện triệu chứng đau đầu dữ dội.
Hình ảnh
Triệu chứng
Các triệu chứng của đột quỵ xuất huyết não thường khác nhau dựa trên nguyên nhân gây bệnh. Các triệu chứng của đột quỵ xuất huyết nội sọ thường xảy ra khi bệnh nhân tỉnh táo, khởi phát đột ngột và chuyển biến xấu nhanh chóng trong khoảng 30 - 90 phút. Những triệu chứng dễ nhận biết nhất của xuất huyết sọ nội gồm:
- Cơ thể đột ngột yếu, liệt một hoặc một số bộ phận nào đó của cơ thể.
- Mất khả năng ngôn ngữ.
- Mất khả năng kiểm soát chuyển động vùng mặt, đặc biệt là mắt.
- Buồn nôn, đi lại khó khăn, thở gấp và không đều, choáng váng rồi rơi vào tình trạng hôn mê.
Với đột quỵ xuất huyết dưới nhện, một số triệu chứng thông thường bao gồm:
- Đột ngột đau đầu dữ dội, đi kèm buồn nôn, choáng váng nặng.
- Mất ý thức và mất khả năng kiểm soát cơ thể.
- Mất khả năng nhìn, cứng cổ, chóng mặt và dần rơi vào hôn mê.
- Co giật.
Đột quỵ xuất huyết não là chứng bệnh vô cùng nguy hiểm, có thể xảy ra đột ngột và có nguy cơ gây tử vong cao do những biến chứng nặng trong vòng 2 ngày kể từ khi cơn đột quỵ não khởi phát. Những người sống sót cũng phải đối mặt tình trạng phục hồi rất chậm, di chứng khó điều trị. Do đó, ngay khi nhận thấy bất cứ dấu hiệu nào của bệnh, cần đưa bệnh nhân đi cấp cứu càng sớm càng tốt.
Nguyên Nhân
Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra đột quỵ xuất huyết não. Một số đối tượng có nguy cơ cao xuất hiện tình trạng đột quỵ chảy máu não như:
- Người có dị dạng mạch não bẩm sinh và chỉ có thể chẩn đoán được khi đã xuất hiện triệu chứng đột quỵ xuất huyết não.
- Người bị chấn thương sọ não hoặc vận động thể chất quá độ khiến huyết áp tăng mạnh, gây áp lực căng thẳng lên mạch máu não.
- Bệnh nhân huyết áp cao lâu dài gây suy yếu thành mạch máu, nếu không điều trị kịp thời sẽ gây nên tình trạng xuất huyết não.
- Chứng phình động mạch khi thành mạch máu bị suy yếu, có nguy cơ vỡ và chảy máu vào não đột ngột.
- Đối tượng bị mạch máu dạng bột - chứng bệnh có thể gây ra tình trạng vi xuất huyết rất khó nhận biết trước khi tình trạng xuất huyết nặng xảy ra.
- Bệnh nhân có tiền sử hoặc đang mắc chứng rối loạn đông máu.
- Người có bệnh lý nghiêm trọng về gan hay u não.
- Người có tiền sử ít vận động, thừa cân - béo phì, hàm lượng Cholesterol trong máu cao.
- Người bị sốc nhiệt do làm việc quá lâu dưới trời nắng nóng.
Phòng ngừa
Đột quỵ xuất huyết não có thể xảy ra với bất cứ ai, dù ở độ tuổi, chủng tộc hay giới tính nào. Tuy nhiên, nguy cơ bị đột quỵ não sẽ tăng gấp đôi cứ sau 10 năm từ khi 35 tuổi. Hiện nay trên thế giới có 5% dân số trên 65 tuổi đã bị đột quỵ. Những di chứng mà căn bệnh này để lại là vô cùng nặng nề và khó có thể phục hồi hoàn toàn. Chính vì thế việc ngăn ngừa bệnh còn quan trọng hơn điều trị.
Căn bệnh nguy hiểm này có thể phòng tránh với một số biện pháp dưới đây:
- Kiểm soát huyết áp: Các nguyên nhân gây ra đột quỵ chảy máu não thường liên quan đến tăng huyết áp, đặc biệt những bệnh nhân huyết áp cao có nguy cơ phát bệnh rất cao. Do đó, việc thường xuyên theo dõi và ổn định huyết áp sẽ giúp phòng chống đột quỵ xuất huyết não hiệu quả. Hãy hạn chế lượng muối hấp thu vào cơ thể hàng ngày, vận động thường xuyên và giảm mỡ thừa, giảm cân nếu có tình trạng béo phì, thừa cân.
- Hãy bỏ thuốc lá: Thuốc lá không chỉ có hại cho phổi mà còn gây tích tụ chất béo trong động mạch cảnh, tăng nguy cơ tắc nghẽn động mạch. Đồng thời, nicotine và carbon monoxide trong khói thuyết sẽ làm tăng huyết áp, tăng khả năng đông máu và hạ thấp khả năng mang oxy lên não của máu.
- Kiểm soát và điều trị bệnh tiểu đường: Bệnh tiểu đường có thể gây tổn thương hệ thống mạch máu trên toàn cơ thể, trong đó có mạch máu não. Kiểm soát tốt lượng đường huyết trong máu, điều trị bệnh tiểu đường cũng giúp ngăn ngừa và trì hoãn đột quỵ xuất huyết não.
- Ăn uống và sinh hoạt lành mạnh: Hãy thực hiện chế độ ăn uống khoa học để tăng cường chất xơ, vitamin và khoáng chất có lợi từ rau xanh và hoa quả, hạn chế nạp vào cơ thể các chất béo bão hòa hay chất kích thích như: Rượu bia, caffein, thuốc lá,... để bảo vệ hệ tuần hoàn tim mạch luôn khỏe mạnh. Đồng thời, chế độ sinh hoạt thể dục thể thao, thường xuyên, ngủ nghỉ đúng giờ, ít áp lực sẽ giúp hạn chế nguy cơ lên cơn đột quỵ.
Biện pháp điều trị
Đột quỵ xuất huyết não là một chứng bệnh cực kỳ nguy hiểm. Khi bệnh trở nặng, bệnh nhân có thể trở thành người thực vật hoặc tử vong do bội nhiễm, suy kiệt cơ thể. Bệnh có tỷ lệ tử vong là 50% trong vòng 30 ngày đầu tiên, trong đó một nửa xảy ra trong 2 ngày đầu sau cơn đột quỵ. Những bệnh nhân còn sống thường phải đối mặt những di chứng nặng nề ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, cuộc sống.
Hiện nay, cách sơ cứu cho bệnh nhân đột quỵ là kiến thức cần thiết mà mỗi người đều nên nắm rõ. Sau khi được sơ cứu, bệnh nhân cần được điều trị cấp cứu bằng các biện pháp y khoa chuyên nghiệp. Đối với những bệnh trạng tiền đột quỵ hoặc điều trị di chứng và ngăn ngừa tái phát có thể áp dụng các pháp trị y học cổ truyền hay sử dụng các bài thuốc dân gian từ thảo mộc để hỗ trợ.
Sơ cứu đúng cách cho bệnh nhân đột quỵ đứt mạch máu não
Việc nhận biết triệu chứng, sơ cứu khẩn cấp và đưa bệnh nhân đột quỵ xuất huyết não đi cấp cứu rất quan trọng. Chỉ cần chậm một phút thì nguy cơ tử vong càng tăng cao và di chứng bệnh cũng càng khó khắc phục.
Ngay khi xuất hiện triệu chứng khởi đầu của đột quỵ não, người nhà hay bất cứ ai ở bên bệnh nhân nên nới lỏng quần áo và đỡ người bệnh nằm lên trên mặt phẳng. Sau đó, điều chỉnh bệnh nhân để gối đầu lên cao khoảng 30cm và nằm ở tư thế nghiêng, tránh nguy cơ bị sặc do các chất nôn từ miệng. Ngoài ra, bạn cần chú ý bệnh nhân vô thức nuốt lưỡi gây khó thở.
Khi nghi ngờ đột quỵ não, tuyệt đối không cho người bệnh ăn hay uống bất cứ loại thuốc nào mà chưa có tư vấn của bác sĩ. Nếu bệnh nhân vẫn tỉnh táo, cần hít thở sâu và đều.
Cần nhanh chóng liên hệ và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để thực hiện cấp cứu y khoa. Việc di chuyển đường dài và kéo dài thời gian cấp cứu, điều trị sẽ khiến bệnh tình chuyển biến xấu, gia tăng nguy cơ tử vong.
Phác đồ điều trị đột quỵ xuất huyết não của Tây y
Hiện nay, điều trị đột quỵ xuất huyết não bằng các phương pháp Tây y vẫn là phương pháp kịp thời và hiệu quả nhất, được các chuyên gia, bác sĩ khuyến cáo nên áp dụng khi xuất hiện dấu hiệu bệnh hay đã lên cơ đột quỵ.
Dưới đây là phương pháp điều trị cơ bản cho bệnh đột quỵ xuất huyết não theo y học hiện đại:
- Cách chẩn đoán và phân loại bệnh chính xác nhất
Trước hết cần chẩn đoán và phân loại bệnh kết hợp xác định nguyên nhân gây đột quỵ xuất huyết não ở bệnh nhân. Bác sĩ sẽ xét nghiệm hình ảnh chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc ảnh chụp cộng hưởng từ (MRI) não của người bệnh.
Chụp CT là cách xét nghiệm đột quỵ xuất huyết não nhanh và hiệu quả nhất. Nếu bác sĩ nghi ngờ xuất huyết dưới nhện, có thể thực hiện chọc dò tủy sống để kiểm tra dịch não tủy có chứa máu hay không.
Sau khi xét nghiệm cho thấy người bệnh có dấu hiệu đột quỵ, bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu hơn để tìm ra nguyên nhân cụ thể gây xuất huyết. Điều này nhằm đánh giá khả năng đông máu của bệnh nhân, đặc biệt người có sử dụng các loại thuốc chống đông máu.
Bên cạnh đó, một số xét nghiệm khác cũng cần được kiểm tra như: Chụp điện tâm đồ, X-quang ngực, xét nghiệm máu,...
- Điều trị khẩn cấp
Phác đồ điều trị khẩn cấp đột quỵ xuất huyết não thường gồm đo và hạ áp lực nội sọ. Bác sĩ sẽ đặt nội khí quản và kết nối với máy thở cơ học chi bệnh nhân để giảm áp lực trong và xung quanh não.
Đối với một số trường hợp, phẫu thuật để cắt xương sọ sẽ là điều cần thiết để giảm sự chèn ép của mô não, đồng thời loại bỏ huyết khối sau khi xuất huyết.
Huyết áp của bệnh nhân sau khi lên cơn đột quỵ xuất huyết não cần được theo dõi chặt chẽ. Các bác sĩ sẽ xem xét mức độ phù não của bệnh nhân để kiểm soát mức huyết áp nào là phù hợp.
Đối với bệnh nhân đột quỵ thể xuất huyết dưới nhện do phình động mạch, bác sĩ thường kê thuốc ngăn ngừa tình trạng hẹp động mạch khi co thắt mạch máu cho bệnh nhân.
Với tình trạng xuất huyết do dị tật động mạch bẩm sinh, bệnh nhân sẽ cần phẫu thuật sửa chữa loại loại bỏ dị tùy theo tư vấn của bác sĩ.
- Điều trị phục hồi
Sau quá trình điều trị khẩn cấp, bệnh nhân cần chuyển sang giai đoạn điều trị phục hồi với mục tiêu là phục hồi càng nhiều chức năng càng tốt. Bệnh nhân thường phải điều trị tại trung tâm phục hồi chức năng sau khi nhập viện. Đây là nơi cung cấp các liệu pháp chuyên sâu gồm: Trị liệu nghề nghiệp và trị liệu vật lý.
Quá trình điều trị phục hồi sẽ giúp phục hồi cơ năng của bệnh nhân, khắc phục các di chứng của đột quỵ não, đồng thời cải thiện sức khỏe sau chấn thương hệ thần kinh não.
Câu hỏi thường gặp
Theo kết quả các cuộc nghiên cứu, đột quỵ xảy ra nhiều nhất ở độ tuổi trên 65, có bệnh nền và thói quen sinh hoạt thiếu khoa học. Tuy nhiên con số này đang có dấu hiệu trẻ hoá với độ tuổi đột quỵ từ 18-50.
Xem chi tiếtCó, đột quỵ có thể chữa khỏi tùy thuộc vào thời gian phát hiện và điều trị sớm, cũng như mức độ nặng nhẹ của bệnh. Tuy nhiên, kết quả còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như cách cấp cứu, phản ứng thuốc, chế độ ăn uống, tập luyện và phương pháp phục hồi chức năng sau tai biến. Việc nhận biết triệu chứng sớm và cấp cứu kịp thời là quan trọng để tăng khả năng phục hồi.
Xem chi tiếtCó, trẻ em có thể bị đột quỵ từ khi mới sinh ra đến khi trưởng thành. Đột quỵ ở trẻ nhỏ có thể gây nhiều hậu quả nặng nề như liệt nửa người, thị lực yếu, mất kiểm soát cảm xúc, khó nuốt, thay đổi nhận thức và khả năng ghi nhớ kém. Đột quỵ ở trẻ em có thể xảy ra trong ba giai đoạn khác nhau: khi còn trong bụng mẹ, giai đoạn sơ sinh (trong vòng 28 ngày đầu đời) và giai đoạn từ sơ sinh đến 18 tuổi.
Xem chi tiết- Chuyên gia
- Cơ sở