Mổ Thoát Vị Đĩa Đệm Có Tái Phát Không? Làm Gì Để Tránh Tái Phát?
Mổ thoát vị đĩa đệm có thể tái phát với tỷ lệ từ 4-15% do nhiều nguyên nhân như:
- Sức khỏe người bệnh yếu, có tiền sử mắc các bệnh lý về xương khớp.
- Tuổi tác người bệnh cao.
- Chế độ nghỉ ngơi, dinh dưỡng không đảm bảo theo đúng chỉ định từ bác sĩ.
Mổ thoát vị đĩa đệm có tái phát không? Nguyên nhân gây tái phát
Mổ thoát vị đĩa đệm là phương pháp xâm lấn nhằm loại bỏ nhân nhầy bị lệch chèn lên dây thần kinh, gây đau nhức cho người bệnh. Nhiều người cho rằng bằng cách này, bệnh đĩa đệm sẽ được trị dứt điểm hoàn toàn. Nhưng kết quả thực tế cho thấy người bệnh mổ thoát vị đĩa đệm vẫn có thể tái phát, tỷ lệ dao động từ 4 – 15%.
Tái phát sau mổ thoát vị đĩa đệm xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, điển hình như:
Tình trạng sức khỏe trước đó
So với người bình thường, người từng có tiền sử mắc các bệnh xương khớp như thoái hóa đĩa đệm, thoái hóa cột sống, gai cột sống sẽ có nguy cơ tái phát thoát vị đĩa đệm cao hơn. Sức khỏe hệ xương khớp không đảm bảo dễ gây ra tình trạng thoát vị tại nhiều vị trí khác nhau trên thân cột sống.
Vậy nên, dù đã giải quyết được vùng thương tổn này nhưng vùng cột sống khác có thể bị lệch nhân nhầy bất cứ lúc nào.
Độ tuổi
Người trung niên, cao tuổi cần nhiều thời gian để hồi phục đĩa đệm hậu phẫu thuật hơn so với người trẻ. Tuổi tác cao khiến hệ xương khớp không còn phát triển mà dần lão hóa do thiếu hụt các dưỡng chất cần thiết. Khung xương yếu, dễ bị gãy và tổn thương khi bị tác động cũng là nguyên do khiến tỷ lệ xuất hiện thoát vị đĩa đệm trên những vị trí khác của cột sống nhiều hơn.
Chế độ nghỉ ngơi, dinh dưỡng
Làm việc, vận động mạnh quá sớm sau phẫu thuật hoặc có chế độ dinh dưỡng không hợp lý đều là nguyên do khiến đĩa đệm lâu hồi phục và có nguy cơ tái phát cao. Không chỉ vậy, chúng còn là tăng nguy cơ lệch nhân nhầy, hình thành thoát vị đĩa đệm tại nhiều vị trí khác trên cột sống.
Mổ thoát vị đĩa đệm lần 2 có được không?
Tái phát thoát vị đĩa đệm hậu phẫu thuật đòi hỏi người bệnh phải có giải pháp khắc phục nhanh chóng, tránh bệnh tình trở nên nặng hơn. Theo đó, để mổ thoát vị đĩa đệm lần 2, bệnh nhân cần phải đáp ứng được các tiêu chí sau:
- Thoát vị đĩa đệm xảy ra ở vị trí mới, không tái phát trên khu vực đã phẫu thuật trước đó.
- Vị trí mổ cũ xuất hiện biến chứng, có biểu hiện mất ổn định cột sống, đĩa đệm dịch chuyển bất thường.
- Kết quả thăm khám đáp ứng được các yêu cầu về phẫu thuật và được bác sĩ chỉ định làm phẫu thuật.
Lưu ý:
- Nếu đĩa đệm đã được cắt bỏ hoàn toàn trong lần mổ trước đó thì không phải tiến hành phẫu thuật lần 2.
- Trường hợp đĩa đệm mới bị thoát vị, bác sĩ sẽ căn cứ vào kết quả thăm khám để chỉ định phương pháp mổ thích hợp cho người bệnh.
- Phẫu thuật lần 2 có nguy cơ bị nhiễm trùng cao hơn do xâm lấn nhiều vào mô mềm xung quanh cột sống. Khả năng hình thành các mô sẹo cũng rất cao.
Làm gì để tránh tái phát sau mổ thoát vị đĩa đệm?
Sau mổ, bất cứ bệnh nhân nào cũng có thể bị tái phát thoát vị đĩa đệm nếu không được chăm sóc tốt và có kế hoạch kiêng khem đúng mực. Để bảo tồn cấu trúc, chức năng cho cột sống sau phẫu thuật và giảm thiểu nguy cơ tái phát bệnh, người bệnh cần lưu ý:
Vận động nhẹ nhàng, nghỉ ngơi đầy đủ
- Nghỉ ngơi tại chỗ trong ít nhất 2 – 3 tuần đầu sau mổ để vết thương lành hoàn toàn.
- Sau khi vết mổ khô có thể bắt đầu tập ngồi và di chuyển nhẹ nhàng để kích thích lưu thông máu, giúp hạn chế tình trạng teo cơ, cứng cột sống.
- Tránh các tư thế xấu trong sinh hoạt hàng ngày như cúi khom lưng trong thời gian dài, xoay người, vặn mình một cách đột ngột.
- Mang đai lưng định hình và giảm áp lực cho cột sống trong thời gian phục hồi.
- Tập thể dục hàng ngày kết hợp tập vật lý trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ để phục hồi chức năng cho cột sống.
Chế độ dinh dưỡng khoa học: Bổ sung các thực phẩm giàu protein, vitamin, canxi và vitamin D để xương cột sống chắc khỏe hơn và giúp vết mổ nhanh phục hồi.
Kiểm soát trọng lượng cơ thể: Không để xảy ra tình trạng tăng cân quá nhiều hoặc béo phì khiến cột sống chịu nhiều áp lực.
Tái khám định kỳ: Theo dõi tiến độ hồi phục sau phẫu thuật và phát hiện các dấu hiệu bất thường cho thấy bệnh thoát vị đĩa đệm tái phát nếu có.
Như vậy, mổ thoát vị đĩa đệm có thể tái phát nếu người bệnh không có chế độ vận động, sinh hoạt, bổ sung dinh dưỡng hợp lý. Một số trường hợp người bệnh có thể tái phẫu thuật lần 2 nhưng cần đáp ứng đủ điều kiện và sẵn sàng đối mặt với nhiều rủi ro hơn. Vậy nên, bệnh nhân cần chú ý nghỉ ngơi nhiều và tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để giảm thiểu nguy cơ tái phát thoát vị đĩa đệm sau mổ.