Phác Đồ Điều Trị Viêm Khớp Dạng Thấp

Nguyên tắc điều trị viêm khớp dạng thấp

  • Điều trị sớm: Khi có dấu hiệu như đau, sưng khớp, cứng khớp buổi sáng, hãy tìm đến bác sĩ thấp khớp ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
  • Điều trị toàn diện: Ngoài thuốc, kế hoạch điều trị cần bao gồm cả vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, chế độ ăn uống và thay đổi lối sống (bao gồm tập thể dục phù hợp và quản lý stress) để đảm bảo điều trị toàn diện và tăng cường sức khỏe.
  • Theo dõi và phối hợp với bác sĩ: Theo dõi chặt chẽ và thực hiện các xét nghiệm được chỉ định như công thức máu, chức năng gan, thận, X-quang để đánh giá hiệu quả điều trị và phát hiện kịp thời các tác dụng phụ có thể xảy ra.
  • Chia sẻ thông tin: Chủ động chia sẻ với bác sĩ về bất kỳ triệu chứng hoặc tác dụng phụ nào bạn gặp phải. Đừng ngần ngại hỏi thêm về cách sử dụng thuốc và các lưu ý liên quan.
Người bệnh viêm khớp cần tiến hành thăm khám và điều trị sớm
Người bệnh viêm khớp cần tiến hành thăm khám và điều trị sớm

Các nhóm thuốc sử dụng trong điều trị viêm khớp dạng thấp

Nhóm thuốc DMARDs

DMARDs là nhóm thuốc quan trọng nhất trong điều trị viêm khớp dạng thấp. Chúng không chỉ giảm đau như thuốc thông thường mà còn tác động lâu dài lên hệ thống miễn dịch, giảm quá trình viêm, ngăn chặn sự phá hủy khớp. DARDs gồm nhiều nhóm nhỏ:

DMARDs là nhóm thuốc quan trọng nhất trong điều trị viêm khớp dạng thấp.
DMARDs là nhóm thuốc quan trọng nhất trong điều trị viêm khớp dạng thấp.

DMARDs kinh điển

  • Methotrexate: Là sự lựa chọn đầu tiên được chọn để điều trị trong nhóm DMARDS kinh điển.
  • Sulfasalazine, hydroxychloroquine, leflunomide: Tùy vào tình trạng bệnh nhân, bác sĩ có thể lựa chọn các thuốc này đơn lẻ hoặc kết hợp.

DMARDs sinh học (bDMARDs)

Khi các DMARDs kinh điển không kiểm soát đủ tốt triệu chứng, bác sĩ sẽ cân nhắc bDMARDs. Chúng là các thuốc sinh học nhắm đến những mục tiêu đặc hiệu trong hệ miễn dịch, bao gồm:

  • Thuốc ức chế TNF-alpha: Etanercept, adalimumab, infliximab…
  • Thuốc ức chế IL-6, ức chế tế bào T, JAK: Có nhiều loại và được bác sĩ cân nhắc kỹ càng trước khi sử dụng.

DMARDs có thể mất từ vài tuần đến vài tháng để có tác dụng tối ưu. Bệnh nhân cần xét nghiệm định kỳ để đánh giá chức năng gan thận và tác dụng phụ tiềm ẩn.

NSAIDs và Glucocorticoid – Hỗ trợ giảm triệu chứng

  • NSAIDs: Nhóm thuốc kháng viêm không steroid phổ biến (Ibuprofen, naproxen, diclofenac…) giúp giảm nhanh triệu chứng đau và kháng viêm nhanh. Tuy nhiên, NSAIDs không ngăn ngừa được biến dạng khớp và có thể tăng nguy cơ tim mạch, dạ dày nếu lạm dụng trong thời gian dài.
  • Glucocorticoid (prednisone): Giảm viêm mạnh, thường dùng ngắn hạn để khống chế các đợt viêm cấp tính. Sử dụng liều cao hoặc kéo dài có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng.

Các biện pháp điều trị phối hợp

Điều trị viêm khớp dạng thấp không chỉ dựa vào thuốc mà còn có sự kết hợp của những biện pháp quan trọng khác để kiểm soát triệu chứng bệnh, duy trì chức năng vận động, và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Vật lý trị liệu và phục hồi chức năng

Mục tiêu: Giảm đau, duy trì tầm vận động, tăng cường sức mạnh cơ bắp, và giúp người bệnh viêm khớp dạng thấp thực hiện các sinh hoạt hàng ngày tốt hơn.

Các phương pháp vật lý trị liệu được chỉ định:

  • Tập khớp chủ động và thụ động
  • Các bài tập tăng cường sức cơ
  • Phương pháp điều trị bằng nhiệt (chườm nóng, lạnh)
  • Điện xung trị liệu, sóng ngắn
Duy trì thói quen sinh hoạt tích cực giúp cải thiện sức khỏe xương khớp và hỗ trợ điều trị bệnh
Các bài tập tăng cường sức cơ giúp cải thiện sức khỏe xương khớp và hỗ trợ điều trị bệnh

Phục hồi chức năng: Hướng dẫn bệnh nhân điều chỉnh tư thế, sử dụng các dụng cụ hỗ trợ phù hợp để bảo vệ khớp, tiết kiệm năng lượng khi làm việc. Đây là điều vô cùng quan trọng đặc biệt với những bệnh nhân đã tổn thương khớp nặng.

Chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh

Dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát viêm, giảm các đợt bùng phát bệnh, tăng cường sức khỏe toàn diện cho người bệnh.

  • Các thực phẩm nên ăn: Cá biển giàu omega-3, trái cây, rau xanh, các loại hạt, ngũ cốc nguyên cám, dầu olive.
  • Hạn chế: Đồ ăn chiên rán, chế biến sẵn, thịt đỏ, đường, đồ uống có gas, cồn.
  • Cân nặng phù hợp: Giảm cân khi thừa cân/ béo phì sẽ giảm áp lực lên các khớp, giảm triệu chứng đau.
  • Tập thể dục đều đặn: Các môn thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội, yoga… giúp khớp linh hoạt lại giảm căng thẳng mệt mỏi.
  • Kiểm soát stress: Stress làm trầm trọng thêm viêm khớp dạng thấp. Các phương pháp thư giãn như thiền, hít thở sâu, hoặc đơn giản là dành thời gian cho sở thích cá nhân rất tốt cho sức khỏe tinh thần và cả thể chất.

Phẫu thuật chỉnh hình

Đây là phương pháp có thể được cân nhắc ở một số bệnh nhân có các thương tổn khớp nghiêm trọng gây đau đớn nhiều, biến dạng, hoặc hạn chế vận động đáng kể. Phẫu thuật có thể bao gồm:

  • Thay khớp nhân tạo: Thay thế các phần khớp đã hỏng bằng khớp mới.
  • Cắt màng hoạt dịch: Loại bỏ lớp màng viêm trong khớp giúp giảm đau và sưng.
  • Cắt xương sửa trục: Phẫu thuật chỉnh lại dáng xương khi khớp bị biến dạng quá nặng.

Các phương pháp điều trị phối hợp đóng vai trò thiết yếu trong kiểm soát viêm khớp dạng thấp. Nếu trước đây việc trị viêm khớp dạng thấp chỉ chú trọng đến thuốc, thì các biện pháp thay đổi lối sống, vật lý trị liệu, hay phẫu thuật khi cần thiết sẽ góp phần quan trọng giúp người bệnh sống khỏe mạnh và năng động hơn, hạn chế biến chứng của bệnh.

Theo dõi sau khi điều trị

Việc điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp cần phải diễn ra trong thời gian khá dài mới mang lại hiệu quả tích cực. Trong quá trình dùng thuốc điều trị, bạn cần thường xuyên làm xét nghiệm để theo dõi tình trạng sức khỏe, tránh các biến chứng không mong muốn. Một số xét nghiệm định kỳ cần thực hiện trong suốt quá trình điều trị bệnh là:

  • Xét nghiệm công thức máu: Giúp bác sĩ kiểm tra tốc độ lắng máu, tế bào máu ngoại vị, protein phản ứng C,…
  • Xét nghiệm hình ảnh thông qua X-quang, CT hoặc MRI: Giúp bác sĩ quan sát được cụ thể tổn thương tại khớp cũng như mức độ tiến triển của bệnh.
  • Sinh thiết gan hoặc xét nghiệm gan: Nếu nghi ngờ tổn thương gan, trường hợp men gan cao gấp đôi chỉ số bình thường trong thời gian dài thì cần ngưng dùng thuốc Methotrexate.

Phác đồ điều trị viêm khớp dạng thấp theo Hội Thấp khớp học Hoa Kỳ (ACR)

Điều trị theo mục tiêu

Mục tiêu chính là cải thiện triệu chứng viêm, giảm đau, duy trì khả năng vận động của người bệnh. Để theo dõi và đánh giá, các bác sĩ sẽ sử dụng các thang điểm như DAS28, SDAI, CDAI…

Lựa chọn thuốc ban đầu

  • Khởi phát với Methotrexate: Đây là thuốc được lựa chọn đầu tiên cho đa số bệnh nhân viêm khớp dạng thấp
  • Phối hợp các DMARDs truyền thống: Nếu Methotrexate đơn thuần không hiệu quả, có thể kết hợp 2-3 thuốc DMARD kinh điển
  • Glucocorticoid ngắn hạn: Dùng trong lúc chờ DMARDs phát huy tác dụng hoặc đợt cấp nặng, liều thấp nhất có thể và giảm liều nhanh trong thời gian ngắn.

Khi không phản ứng với liệu pháp ban đầu

  • Thêm hoặc thay đổi DMARDs: Có thể tăng liều, đổi sang thuốc khác trong nhóm, hoặc kết hợp phối hợp các DMARDs kinh điển.
  • Sử dụng DMARDs sinh học (bDMARDs): Cân nhắc bDMARDs nếu các thuốc kinh điển không hiệu quả. Có nhiều nhóm bDMARDs khác nhau với cơ chế và hiệu quả riêng. Bác sĩ sẽ là người chỉ định phù hợp với từng bệnh nhân.

Trên đây là phác đồ điều trị viêm khớp dạng thấp theo ACR bạn có thể tham khảo. Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý mãn tính gây tổn thương nghiêm trọng đến khớp, nếu không điều trị sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cũng như khả năng vận động thông thường. Khi có các dấu hiệu của bệnh, bạn cần thăm khám chuyên khoa để được bác sĩ lên phác đồ điều trị phù hợp, tránh các rủi ro không mong muốn.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Ẩn

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android