Acid Acetylsalicylic Là Thuốc Gì? Thành Phần, Công Dụng Và Lưu Ý
Acid Acetylsalicylic là loại thuốc giảm đau, hạ sốt đang phổ biến trên thị trường hiện nay. Acid Acetylsalicylic có nhiều loại, được sử dụng trong nhiều trường hợp khác nhau. Để tìm hiểu rõ hơn về thành phần, công dụng, cách dùng loại thuốc này, bạn đọc hãy tham khảo ngay nội dung trong bài viết dưới đây của Vietmec.
Acid Acetylsalicylic là thuốc gì?
Acid Acetylsalicylic hay còn được gọi là Aspirin, thuộc nhóm thuốc giảm đau, chống viêm không chứa steroid. Thuốc được dùng cho cả đối tượng trẻ em và người lớn. Hiện nay trên thị trường có rất nhiều dạng thuốc Acid Acetylsalicylic với hàm lượng khác nhau như:
- Viên nén: Hàm lượng 325mg, 500mg, 650mg.
- Viên nén nhai được: Hàm lượng 75mg, 81mg.
- Viên nén giải phóng chậm: Hàm lượng 81mg, 162mg,165mg, 325mg, 500mg, 650mg, 975mg.
- Viên nén bao phim: Hàm lượng 325mg, 500mg.
Thành phần
Acid Acetylsalicylic có chứa thành phần chính giống như tên gọi của thuốc, đó là acid acetylsalicylic. Hàm lượng của thành phần này sẽ khác nhau tùy thuộc vào loại thuốc. Ngoài ra, thuốc còn được điều chế từ một số tá dược khác.
Công dụng của thuốc Acid Acetylsalicylic
Acid Acetylsalicylic thuộc nhóm thuốc giảm đau, chống viêm, hạ sốt không steroid. Những tác dụng cụ thể của thuốc bao gồm:
- Hạ sốt: Acid Acetylsalicylic giúp ức chế prostaglandin, làm giảm tổng hợp prostaglandin, nhờ đó ức chế các quá trình sinh nhiệt, đồng thời tăng cường quá trình thải nhiệt và giúp trung tâm điều khiển nhiệt được cân bằng.
- Giảm đau: Loại thuốc này có tác dụng giảm đau từ nhẹ đến vừa, chủ yếu là đau do viêm với khả năng tác động trực tiếp đến các receptor cảm giác ngoại vi. Acid Acetylsalicylic không thể giảm đau đối với trường hợp đau mạnh, không giảm đau sâu trong nội tạng và không ức chế hô hấp.
- Chống viêm: Aspirin có thể ức chế enzym cyclooxygenase, ngăn chặn quá trình tổng hợp prostaglandin – chất trung gian hóa học gây viêm, từ đó giảm quá trình viêm cho cơ thể.
- Giảm thải trừ acid uric: Acid Acetylsalicylic có khả năng giảm thải trừ acid uric khi dùng liều từ 1 – 2g/ngày hoặc thấp hơn. Trong trường hợp dùng liều trên 2g/ngày sẽ làm tăng thải acid uric qua thận.
- Ngăn ngừa các bệnh lý liên quan đến tim mạch, phòng tránh nguy cơ đột quỵ
Cách dùng và liều dùng Acid Acetylsalicylic
Trước khi sử dụng Acid Acetylsalicylic, bạn nên tìm hiểu kỹ về hướng dẫn sử dụng của sản phẩm để tránh gặp tác dụng phụ và đảm bảo được hiệu quả điều trị bệnh.
Cách dùng
- Bạn dùng Acid Acetylsalicylic theo hướng dẫn ghi trên bao bì hoặc theo chỉ định của bác sĩ.
- Khi uống thuốc, nên dùng với một ly nước đầy, nuốt trực tiếp, không ngậm hay nhai vì có thể làm tăng khả năng gặp tác dụng phụ từ thuốc.
- Sau khi uống thuốc, nên ngồi hoặc nằm thư giãn để hoạt chất được thấm sâu vào cơ thể và phát huy tác dụng, tránh hoạt động trong 10 phút đầu.
Liều dùng
Liều dùng Acid Acetylsalicylic còn phụ thuộc vào tình hình sức khỏe của người bệnh. Đây cũng là vấn đề bạn cần chú ý để bảo an toàn khi dùng thuốc:
1. Đối với trẻ em
Dùng khi bị sốt:
- Từ 2 – 11 tuổi: Dùng 10 – 15mg/kg ở dạng thuốc uống hoặc thuốc đặt. Mỗi liều thuốc cách nhau từ 4 – 6 tiếng và không dùng quá 4g/ngày.
- Trẻ nhỏ từ 12 tuổi trở lên: Dùng 325 – 650mg/ngày ở dạng thuốc uống hoặc thuốc đặt. Khoảng cách giữa 2 liều liên tiếp là 4 – 6 giờ và không dùng quá 4g/ngày.
Dùng để giảm đau:
- Trẻ nhỏ từ 2 – 11 tháng tuổi: Dùng 10 – 15mg/kg ở dạng uống hoặc dạng thuốc đặt. Khoảng cách giữa 2 liều gần nhau là 4 – 6 giờ, không dùng quá 4g/ngày.
- Trẻ nhỏ trên 12 tuổi: Dùng 325 – 650mg/ngày ở dụng thuốc uống hoặc thuốc đặt, khoảng cách giữa 2 liều liên tiếp là 4 – 6 giờ và không dùng quá 4g/ngày.
Dùng trong trường hợp bị mắc bệnh viêm đa khớp:
- Trẻ nhỏ từ 2 – 11 tuổi hoặc có cân nặng nhỏ hơn 25kg: Dùng 60 – 90mg/kg/ngày, chia đều thành các liều bằng nhau.
- Trẻ từ 12 tuổi trở lên hoặc có cân nặng trên 25kg: Dùng 2,4 – 3,6g/ngày, chia thành các liều đều nhau.
Dùng trong trường hợp mắc bệnh Kawasaki:
- Giai đoạn cấp tính: Dùng 80 – 100mg/kg/ngày ở dạng thuốc uống hoặc thuốc đặt, chia thành 4 liều bằng nhau. Khoảng cách giữa 2 liều là 4 – 6 giờ và chỉ sử dụng tối đa 14 ngày.
- Giai đoạn duy trì: Dùng 3 – 5mg/kg ở dạng thuốc uống hoặc thuốc đặt, dùng 1 lần trong ngày.
Dùng trong trường hợp sốt do viêm khớp dạng thấp:
- Dùng 90 – 130mg/kg/ngày, chia thành 4 liều bằng nhau, mỗi liều cách nhau 4 – 6 tiếng đồng hồ.
2. Đối với người lớn
- Dùng khi bị sốt: Sử dụng 325 – 650mg, khoảng cách giữa 2 liều liên tục là 4 – 6 giờ và không dùng quá 4g mỗi ngày.
- Dùng để giảm đau: Sử dụng 325 – 650mg/lần, liều tiếp theo dùng sau ít nhất 4 giờ, không dùng quá 4g mỗi ngày.
- Dùng khi bị sốt do viêm khớp dạng thấp: Sử dụng 80mg/kg/ngày, chia thành 4 liều bằng nhau, khoảng cách giữa các liều từ 4 – 6 giờ và không dùng quá 6,5g/ngày.
- Dùng để dự phòng nhồi máu cơ tim, đột quỵ: Sử dụng 75 – 325mg mỗi ngày, chỉ dùng 1 lần trong ngày hoặc theo chỉ định của bác sĩ.
- Dùng để điều trị viêm khớp: Uống 3g Aspirin pH8 mỗi ngày, chia thành 3 – 4 lần.
Đối tượng chỉ định và chống chỉ định
Mặc dù Acid Acetylsalicylic hiện đang phổ biến trên thị trường và có tác dụng đối với nhiều đối tượng, tuy nhiên không phải bất kỳ ai cũng có thể sử dụng loại thuốc này. Theo đó, Acid Acetylsalicylic được chỉ định dùng trong các trường hợp sau:
- Người bị sốt, cảm lạnh, đau đầu.
- Đối tượng bị đau xương khớp, đau các cơ.
- Nữ giới bị đau bụng trong kỳ kinh nguyệt.
- Những người bị viêm khớp dạng thấp, viêm xương khớp, viêm cơ, viêm gân, viêm màng hoạt dịch.
- Người đang gặp các vấn đề về tim mạch như: Đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim,…
Acid Acetylsalicylic không được chỉ định dùng cho những trường hợp sau:
- Những người bị dị ứng hoặc mẫn cảm với thành phần của Aspirin.
- Đối tượng bị viêm loét dạ dày – tá tràng, xuất huyết tiêu hóa.
- Bệnh nhân gặp chứng rối loạn đông máu.
- Phụ nữ có thai.
- Đối tượng bị suy gan, thận mức độ nặng.
- Đối tượng có tiền sử bệnh hen.
Dược lực học và dược động học
Các nhà khoa học đã nghiên cứu và đưa ra dược lực học và dược động học của Acid Acetylsalicylic như sau:
Dược lực học
Acid Acetylsalicylic có tác dụng giảm đau, chống viêm, hạ nhiệt. Cơ chế hoạt động của loại thuốc này tương tự như các thuốc chống viêm không steroid khác. Acid Acetylsalicylic có khả năng ức chế enzym cyclooxygenase (COX), từ đó ức chế tổng hợp prostaglandin, thromboxan hay prostacyclin của cyclooxygenase.
Người ta tìm thấy có 2 loại enzym COX: Một loại có trong các mô của tế bào bình thường trong cơ thể, có vai trò duy trì chức năng thận, tiểu cầu và niêm mạc dạ dày bình thường. Một loại khác chủ yếu được tìm thấy ở vị trí bị viêm, làm kích thích tạo prostaglandin do các cytokin và trung gian hóa học của quá trình viêm.
Cơ chế ức chế enzym COX của Acid Acetylsalicylic khác biệt so với các thuốc chống viêm không steroid khác. Cụ thể, Aspirin gắn cộng trị đối với cả 2 loại COX nêu trên, dẫn đến ức chế không đảo ngược hoạt tính enzym này. Cũng bởi vậy, thời gian tác động của Aspirin liên quan đến tốc độ vòng chuyển hóa của cyclooxygenase. Đối với các loại thuốc chống viêm không steroid khác, thời gian tác động sẽ chịu ảnh hưởng bởi thời gian thuốc tồn tại trong cơ thể.
Acid Acetylsalicylic có khả năng ức chế kết tập tiểu cầu. Do tiểu cầu là tế bào không nhân, không có khả năng tổng hợp COX mới nên Aspirin ức chế không thuận nghịch kết tập tiểu cầu và có tác động đến toàn bộ thời gian sống của tiểu cầu (thường từ 8 – 11 ngày). Một liều Acid Acetylsalicylic 20 – 50mg có khả năng ức chế gần như hoàn toàn sự tổng hợp thromboxan của tiểu cầu trong vài ngày. Đối với liều cao 100 – 300mg có thể ức chế tối đa.
Bên cạnh đó, Acid Acetylsalicylic còn có khả năng ức chế sản sinh prostaglandin ở thận. Đối với người có thận bình thường, sự sản sinh prostaglandin không có nhiều ảnh hưởng về mặt sinh lý nhưng với những ai đang bị suy thận mãn tính, suy tim, suy gan hoặc gặp rối loạn về thể tích huyết tương, quá trình này đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì lưu thông máu qua thận. Vì vậy, tác dụng ức chế tổng hợp prostaglandin của Acid Acetylsalicylic có thể dẫn đến suy thận cấp tính, suy tim cấp tính hoặc giữ nước ở người đang có vấn đề về các cơ quan này.
Dược động học
Nếu dùng Acid Acetylsalicylic bằng đường uống, thuốc được hấp thụ nhanh chóng qua đường tiêu hóa. Theo đó, một phần Aspirin được thủy phân thành salicylat trong thành ruột. Một nửa còn lại sẽ chuyển hóa thành salicylat sau khi vào tuần hoàn. Trong 20 phút đầu sau khi uống thuốc, Aspirin vẫn giữ nguyên dạng huyết tương.
Acid Acetylsalicylic có thể gắn protein huyết tương với tỷ lệ 80 – 90%, đồng thời được phân bố rộng với thể tích ở người lớn là 170ml/kg. Khi nồng độ thuốc trong huyết tương tăng sẽ có hiện tượng bão hòa vị trí gắn protein huyết tương và tăng thể tích phân bố. Lúc này, salicylat cũng gắn với protein huyết tương và phân bố rộng trong cơ thể, có thể vào được trong sữa mẹ và hàng rào nhau thai.
Salicylat được đào thải chủ yếu ở gan với các chất chuyển hóa là acid salicyluric, acid gentisic, salicyl phenolic glucuronide, salicylic acyl glucuronid.
Sau liều 325mg Aspirin, thải trừ tuân theo động học bậc 1 và nửa đời của salicylat trong huyết tương là khoảng 2 – 3 giờ. Đối với liều cao hơn, nửa đời salicylat có thể tăng lên 15 – 30 giờ.
Ngoài ra, salicylat cũng được đào thải dưới dạng không thay đổi qua nước tiểu, lượng thải này tăng theo liều dùng và phụ thuộc vào độ pH của nước tiểu. Việc thải trừ qua thận liên quan đến các quá trình lọc cầu thận, thải trừ tích cực qua ống thận và tái hấp thu thụ động qua ống thận.
Xử lý khi dùng thiếu liều, quá liều
Trong quá trình dùng Acid Acetylsalicylic, có rất nhiều trường hợp dùng quá liều hoặc thiếu liều. Do đó, bạn nên tìm hiểu kỹ đã biết cách xử lý trong các trường hợp này:
Khi dùng thiếu liều
Tùy từng tình trạng bệnh và đối tượng khác nhau sẽ được chỉ định liều dùng khác nhau. Nếu bạn dùng thiếu liều, cần bổ sung ngay khi nhớ ra. Trong trường hợp thời điểm nhớ ra gần với liều dùng tiếp theo, hãy bỏ qua liều đã quên và tiếp tục sử dụng liều mới như bình thường. Tuyệt đối không dùng 2 liều liên tục trong vòng ít hơn 4 giờ đồng hồ. Đồng thời, không dùng gấp đôi lượng trong 1 liều.
Khi dùng quá liều
Nếu bệnh nhân dùng quá liều có thể xảy ra các triệu chứng như: Chóng mặt, buồn nôn, nôn, ù tai, rối loạn tâm thần, thở gấp,.. Trường hợp quá liều nặng có thể bị hôn mê, trụy mạch, khó thở.
Lúc này, bệnh nhân nên đến ngay các cơ sở y tế để được kiểm tra và xử lý. Thông thường, bệnh nhân sẽ được rửa sạch dạ dày, tiêm truyền máu, thẩm tách máu, thẩm tách màng bụng. Ngoài ra còn có thể dùng vitamin K để điều trị chảy máu nếu cần.
Tương tác thuốc
Hiện tượng tương tác thuốc xảy ra khi Acid Acetylsalicylic phản ứng với các hoạt chất có trong nhóm thuốc khác, khiến cho hiệu quả của thuốc suy giảm, đồng thời tăng nguy cơ gặp tác dụng phụ. Theo đó, Acid Acetylsalicylic có thể tương tác với một số loại thuốc sau:
- Indomethacin, Naproxen, Fenoprofen: Khi dùng chung với Aspirin có thể làm giảm hiệu quả của nhóm thuốc này.
- Warfarin: Kết hợp cùng Acetylsalicylic sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu.
- Methotrexat, Phenytoin, Acid Valproic: Có thể làm tăng nồng độ của Aspirin trong huyết thanh, từ đó tăng độc tính trong cơ thể.
- Probenecid, Sulphinpyrazol: Aspirin có thể làm giảm tác dụng của các thuốc này.
- Ngoài ra, tương tác khác của Acid Acetylsalicylic bao gồm sự đối kháng với natri niệu do spironolacton và sự phong bế vận chuyển tích cực của penicillin từ dịch não – tủy vào máu.
Một số tác dụng phụ thường gặp
Cũng giống như các loại thuốc Tây khác, Acid Acetylsalicylic có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn, chủ yếu liên quan đến thần kinh, hệ tiêu hóa và cầm máu. Tần số gặp tác dụng phụ phụ thuộc vào liều dùng. Theo như nghiên cứu, có đến 50% tổng số người được điều trị xuất hiện các triệu chứng dưới đây:
Tác dụng phụ thường gặp:
- Buồn nôn và nôn.
- Đầy bụng, khó tiêu.
- Ợ nóng hoặc khó chịu vùng thượng vị.
- Đau dạ dày.
- Viêm loét dạ dày.
- Cảm giác mệt mỏi ở hệ thần kinh trung ương.
- Trên da nổi mẩn đỏ, mề đay.
- Thiếu máu.
- Yếu cơ.
- Khó thở.
Tác dụng phụ hiếm gặp:
- Mất ngủ, bồn chồn, hay cáu gắt.
- Cơ thể thiếu sắt.
- Chảy máu ẩn trong thời gian dài.
- Giảm lượng bạch cầu, tiểu cầu.
- Gan nhiễm độc.
- Suy giảm chức năng của các cơ quan như thận, gan.
- Co thắt phế quản.
Những tác dụng phụ ảnh hưởng đến thần kinh trung ương có thể tự hồi phục trong 2 – 3 ngày sau khi ngưng dùng thuốc. Nếu người bệnh xuất hiện các triệu chứng chóng mặt, ù tai, giảm thính lực, gan bị tổn thương, không được tiếp tục uống Acid Acetylsalicylic.
Những người cao tuổi nên điều trị Acid Acetylsalicylic với liều thấp nhất và trong thời gian ngắn để tránh gặp tác dụng phụ không mong muốn. Trong trường hợp người bệnh bị sốc phản vệ do Aspirin, có thể điều trị bằng liệu pháp giống như điều trị các phản ứng phản vệ cấp tính khác.
Những lưu ý khi dùng Acid Acetylsalicylic
Dưới đây là một số lưu ý cho người bệnh trong quá trình dùng Acid Acetylsalicylic để đảm bảo tính hiệu quả và an toàn:
- Acid Acetylsalicylic chỉ phát huy tác dụng khi cơn đau chỉ vừa mới xuất hiện. Nếu cơn đau có xu hướng tăng về tần suất và mức độ, bạn nên báo với bác sĩ để được chỉ định dùng thuốc khác.
- Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và chỉ định của bác sĩ, tuân thủ đúng liều lượng để tránh xảy ra tác dụng phụ ảnh hưởng đến sức khỏe.
- Acid Acetylsalicylic có thể tương tác với một số loại thuốc, do đó bạn nên thông báo cho bác sĩ nếu đang hoặc đã dùng loại thuốc nào khác gần đây.
- Bảo quản thuốc ở nơi khô ráo, thoáng mát, không để độ ẩm, nước, ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào thuốc, đặc biệt tránh xa tầm tay trẻ em.
- Bạn cần ngưng dùng thuốc trong những trường hợp sau: Ho ra máu, ù tai, sốt hơn 3 ngày, cơn đau kéo dài hơn 10 ngày,…
- Khi dùng thuốc, bệnh nhân không được sử dụng thuốc lá, đồ uống có cồn hay chất kích thích.
Acid Acetylsalicylic mặc dù có nhiều công dụng và cho hiệu quả điều trị bệnh cao, tuy nhiên bạn nên thận trọng trong suốt thời gian sử dụng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bản thân.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!