Sơ Cứu Trật Khớp
Sơ cứu tại hiện tượng đúng cách khi bị trật khớp có tác dụng giảm nhẹ triệu chứng đau nhức cho người bệnh, tránh gây ảnh hưởng đến các cơ quan xung quanh và phát sinh ra các rủi ro không mong muốn. Bài viết dưới đây là các bước sơ cứu trật khớp đúng chuẩn mà chúng tôi tổng hợp được bạn có thể tham khảo.
Trật khớp là gì?
Trật khớp là hiện tượng một đoạn xương trong cơ thể bị trượt ra khỏi vị trí khớp ban đầu. Vùng khớp nào trên cơ thể cũng có nguy cơ bị trật nhưng thường gặp nhất là trật khớp gối, trật khớp háng, trật khớp vai và trật khớp mắt cá chân. Trật khớp khiến xương không còn nằm ở đúng vị trí ban đầu của nó. Vì thế, chúng ta cần phải có các biện pháp xử lý đúng cách và tiến hành cấp cứu kịp thời. Nếu chủ quan trong việc điều trị, tình trạng trật khớp sẽ gây tổn thương đến hàng loạt các mô mềm xung quanh như dây chằng, bao khớp, thần kinh, mạch máu và cơ.
Ngay khi có dấu hiệu trật khớp, bạn cần đến gặp bác sĩ để được xử lý đúng cách. Dựa vào vị trí trật khớp và mức độ nghiêm trọng của chấn thương, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị sao cho phù hợp. Dưới đây là các phương pháp điều trị trật khớp được áp dụng phổ biến hiện nay bạn có thể tham khảo:
- Nắn chỉnh khớp: Bác sĩ sẽ sử dụng lực tay để nắn chỉnh khớp, đưa đầu xương trở về vị trí giải phẫu bình thường. Thông thường, người bệnh sẽ được tiêm thuốc gây tê tại chỗ hoặc gây mê toàn thân trước khi nắn chỉnh. Sau khi nắn chỉnh khớp, vùng khớp bị tổn thương sẽ được cố định lại bằng cách mang đai hoặc bó bột treo.
- Dùng thuốc: Nếu khớp có triệu chứng đau nhức hoặc phù nề sau nắn chỉnh, bác sĩ sẽ yêu cầu dùng thuốc giảm đau hoặc thuốc giãn cơ để cải thiện. Đây là phản ứng bình thường của cơ thể, bạn không nên quá lo lắng.
- Phẫu thuật: Phẫu thuật sẽ được chỉ định thực hiện với những trường hợp bị trật khớp gây tổn thương đến thần kinh, mạch máu hoặc trật khớp tái phát nhiều lần.
- Vật lý trị liệu: Mục đích của việc thực hiện vật lý trị liệu là phục hồi chức năng khớp và sức mạnh cơ, từ đó phạm vi vận động của khớp sẽ được cải thiện đáng kể. Sau khoảng vài tháng thực hiện, vùng khớp bị trật sẽ phục hồi hoàn toàn.
Ngoài việc điều trị chuyên khoa, người bệnh cũng cần chăm sóc bản thân đúng cách giúp giảm bớt triệu chứng đau nhức và đẩy nhanh tốc độ làm lành chấn thương. Thời gian phục hồi trật khớp sẽ khác nhau ở từng đối tượng dựa vào mức độ tổn thương tại khớp. Nếu bị chấn thương nhẹ, tổn thương sẽ phục hồi hoàn toàn chỉ sau vài tuần. Nhưng nếu tình trạng trật khớp xảy ra ở vùng khớp háng thì thời gian phục hồi sẽ lâu hơn, có thể kéo dài từ vài tháng cho đến vài năm
Các bước sơ cứu trật khớp đúng chuẩn
Sơ cứu khi bị trật khớp cũng có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình điều trị và phục hồi sau đó. Mục đích của việc sơ cứu là hạn chế tối đa nguy cơ tổn thương đến các cơ quan xung quanh. Từ đó, quá trình phục hồi và điều trị sẽ diễn ra đơn giản và thuận lợi hơn. Dưới đây là hướng dẫn cụ thể bạn có thể tham khảo:
1. Hạn chế di chuyển khớp: Người bị trật khớp cần hạn chế tối đa việc di chuyển để giảm lực tác động lên khu vực bị tổn thương. Tuyệt đối không tự ý nắn, chỉnh hoặc cố cử động vùng khớp đang bị trật. Điều này sẽ khiến cho tổn thương tại khớp trở nên ngày càng nghiêm trọng hơn.
2. Cố định khớp: Khi bị trật khớp, bạn nên nhờ người thân trong nhà cố định tạm thời vùng khớp đang bị tổn thương. Nếu bị trật khớp vùng tay hoặc khuỷu tay, nếu cột tay cố định vào trong thân người. Trường hợp bị trật khớp chân, dùng chân lành làm nẹp cố định và tiến hành cột hai chân lại với nhau
3. Chườm lạnh: Nếu vùng khớp bị trật có dấu hiệu sưng viêm, bạn có thể tiến hành chườm lạnh để cải thiện. Cách thực hiện khá đơn giản, bạn chỉ cần cho đá lạnh vào một miếng vải sạch, bọc lại rồi dùng để chườm lên da. Không nên áp đá lạnh trực tiếp lên da để tránh bị bỏng lạnh. Khi bị trật khớp, bạn tuyệt đối không được chườm nóng, xoa bóp rượu thuốc hoặc đắp muối. Các cách này có tác dụng làm tăng tuần hoàn máu đến khớp và khiến tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn.
4. Di chuyển người bệnh đến cơ sở y tế: Sau khi đã sơ cứu xong, người nhà cần đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và kiểm tra tổn thương tại khớp. Lúc này, bác sĩ sẽ yêu cầu làm xét nghiệm hình ảnh để xác định chính xác mức độ tổn thương tại khớp. Sau khi đã có kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ dựa vào đó để lên phác đồ điều trị bệnh cho phù hợp. Nếu không đủ điều kiện để đưa người bệnh đi, bạn cũng có thể gọi cấp cứu.
Lưu ý khi sơ cứu trật khớp
Trật khớp là một dạng chấn thương nghiêm trọng tại khớp nên cần được xử lý đúng cách ngay từ sớm. Khi tiến hành sơ cứu tại hiện trường cho nạn nhân, bạn cần phải lưu ý những điều sau đây để tránh các rủi ro không mong muốn:
- Không cố gắng nắn chỉnh khớp xương trở về vị trí ban đầu hoặc làm thay đổi vị trí của nó.
- Tuyệt đối không được di chuyển nạn nhân khi vùng chấn thương chưa được cố định hoàn toàn.
- Không di chuyển người bệnh nếu nghi ngờ có chấn thương cổ, chấn thương khớp háng và chấn thương xương chậu. Nếu buộc phải di chuyển nạn nhân, hãy kéo gián tiếp thông qua quần áo.
- Không cho bất kỳ thứ gì vào miệng của nạn nhân, kể cả thức ăn và nước uống.
- Cần gọi cấp cứu ngay nếu nạn nhân bị gãy xương di lệch hoặc chảy máu nhiều. Trường hợp không thể tự sơ cứu cố định chấn thương cho nạn nhân, bạn nên gọi hỗ trợ y tế.
Trật khớp là một dạng chấn thương cấp cứu, cần được sơ cứu và xử lý đúng cách. Sơ cứu nhằm mục đích hạn chế gây tổn thương đến khớp và phòng ngừa phát sinh rủi ro không mong muốn. Lúc này, người bệnh cần bất động vùng khớp bị tổn thương và không tự ý nắn chỉnh, sau đó gọi cấp cứu đến cơ sở y tế gần nhất.
<