Nhức Mỏi Chân Tay Vào Ban Đêm
Nhức mỏi chân tay vào ban đêm có thể do các nguyên nhân như thiếu nước, do nằm sai tư thế nhưng cũng có thể là dấu hiệu liên quan đến một số bệnh lý khác. Tình trạng này kéo dài sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến giấc ngủ, sức khỏe và tinh thân của mỗi người nên cần sớm phát hiện và có biện pháp cải thiện nhanh chóng.
Nguyên nhân
Giấc ngủ ban đêm là một thời điểm quan trọng để cơ thể dần phục hồi những năng lượng đã mất trong ngày, đào thải độc tố để ngày hôm sau khỏe khoắn, tỉnh táo và tràn đầy năng lượng. Tuy nhiên có không ít người lại bị mất ngủ, ngủ không ngon do bị nhức mỏi chân tay về đêm.
Cơ thể lúc này có cảm giác ê ẩm, rã rời, tê bì chân tay khiến bạn chỉ muốn nằm yên một chỗ nhưng lại cực kỳ khó chịu. Đây là tình trạng phổ biến gặp ở khá nhiều người, nhất là người già. Tuy nhiên nếu các triệu chứng này kéo dài với mức độ tần suất tăng lên thì không được chủ quan mà cần có hướng thăm khám nhanh chóng.
Vậy nhức mỏi chân tay vào ban đêm do nguyên nhân nào?
Các nguyên nhân ngắn hạn
Thường nếu tình trạng không quá nghiêm trọng thì các triệu chứng đau nhức, tê mỏi sẽ chỉ diễn ra trong một hoặc vài ngày. Nguyên nhân có thể do căng cơ, máu huyết kém lưu thông, do thiếu chất, thiếu nước hoặc chỉ đơn giản là do thay đổi thời tiết. Các biện pháp cải thiện nếu liên quan đến các nguyên nhân này cũng rất đơn giản nên không cần quá lo lắng.
Cụ thể, các nguyên nhân gây nhức mỏi chân tay vào ban đêm ngắn hạn như
- Lao động quá sức: nếu ngày hôm đó bạn chơi thể thao, tập thể dục hay làm việc quá sức thì về đêm cũng khiến các cơ bị căng quá mức nên gây đau nhức, tê tay, tê chân khó chịu. Đặc biệt ở những người mới tập gym, người tập thể dục mà không làm nóng cơ thể trước đó rất dễ bị ê ẩm toàn thân ở những ngày đầu.
- Thiếu vận động: ngược lại nếu ban ngày bạn nằm quá nhiều cũng khiến xương khớp bị co cứng, kém lưu thông, máu không đủ đi đến các cơ nên cũng dễ gây đau nhức về đêm.
- Nằm sai tư thế: tư thế nằm úp, nằm đè lên tay, co quắp người hoàn toàn là các nguyên nhân khiến máu huyết không lưu thông được và làm cho bạn cảm thấy ê ẩm giữa đêm.
- Thiếu nước: nếu bỗng nhiên cảm thấy khô miệng, đau đầu, chân tay ê ẩm, đói, hoa mắt thì rất có thể là dấu hiệu cảnh báo cơ thể bị thiếu nước. Nguyên nhân là nước cũng tham gia vào quá trình hoạt động của các cơ quan, thiếu nước làm mất cân bằng chất điện giải dẫn tới chuột rút, mỏi cơ về đêm.
- Do thay đổi thời tiết: tình trạng nhức mỏi chân tay vào ban đêm cực kỳ dễ gặp ở người già đặc biệt vào những ngày trời lạnh, giao mùa. Đau nhức xương khớp ở người già là do quá trình lão hóa, thiếu chất hoặc máu huyết kém lưu thông. Mặt khác một vài nghiên cứu cũng chỉ ra vào thời điểm giao mùa từ đông sang hè hoặc ngược lại, hệ thống thần kinh có sự thay đổi các nhu cầu về vitamin D, đây cũng chính là nguyên nhân làm kích hoạt tình trạng đau nhức về đêm.
- Do tính chất công việc: nếu bạn bị nhức mỏi chân thì có thể do tính chất công việc phải đứng nhiều, hoạt động nhiều hay tê mỏi cánh tay có thể do gõ bàn phím nhiều, lái xe.. Những người lao động chân tay phải mang vác nặng quá sức cũng thường xuyên bị nhức mỏi chân tay vào ban đêm nếu không có biện pháp thư giãn từ sớm.
- Yếu tố tuổi tác: tuổi càng cao, quá trình lão hóa diễn ra càng nhanh chóng, các cơ quan không thể hoạt động hiệu quả như trước. Bởi vậy dù không hoạt động nặng nhọc nhiều nhưng những người lớn tuổi vẫn thường xuyên gặp tình trạng đau nhức chân tay về đêm. Tỷ lệ gặp tình trạng này ở người già cao hơn người trẻ rất nhiều.
- Một số nguyên nhân khác: béo phì, thừa chân, người đang trong tình trạng căng thẳng stress kéo dài
Đa số với các nguyên nhân này đều không kéo dài và bạn chỉ cần có biện pháp nghỉ ngơi, thư giãn thì có thể cải thiện nhanh chóng.
Các nguyên nhân lâu dài
Nếu tình trạng nhức mỏi chân tay vào ban đêm đã kéo dài lâu ngày, mức độ tăng dần đến nỗi không thể ngủ được thì có thể là dấu hiệu của rất nhiều bệnh lý khác. Nếu nguyên nhân có liên quan đến các bệnh lý thì cần phải thăm khám và điều trị y tế càng sớm càng tốt để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm khác có thể xuất hiện.
Cụ thể, các bệnh lý gây ra tình trạng nhức mỏi chân tay vào ban đêm bao gồm
- Các bệnh về xương khớp: đây chính là một trong những nguyên nhân chính khiến chân tay buồn bực, ê ẩm, tê rân rân như kiến bò vô cùng khó chịu. Rất nhiều bệnh lý có thể gây ra tình trạng này như loãng xương, thoát vị đĩa đệm, đau dây thần kinh tọa, gout.. Không chỉ về đêm mà ban ngày người bệnh cũng sẽ bị đau nhức nghiêm trọng, cản trở các hoạt động vận động thường ngày,
- Bệnh tiểu đường: đau nhức xương khớp cũng là một trong những triệu chứng của bệnh tiểu đường, đặc biệt đua nhiều nhất ở chân và tay, hông, cột sống cổ. Nguyên nhân là do việc kiểm soát lượng đường máu hoạt động suy yếu dẫn tới tổn thương và các dây thần kinh, gây ra các triệu chứng nhức mỏi chân tay vào ban đêm. Ngoài ra nếu bạn kiểm tra lòng bàn chân còn có thể xuất hiện cả các vết loét lâu lành.
- Thiếu chất: thiếu canxi, thiếu vitamin D3 cùng một số dưỡng chất khác hoàn toàn có thể là yếu tố khiến bạn thường bị đau nhức cơ thể mà không thể tìm ra được nguyên nhân. Thực tế cho thấy rất ít người quan tâm đến các chỉ số dinh dưỡng của cơ thể nên hầu như không biết bản thân đang bị thiếu chất gì, dư thừa chất gì.
- Bệnh huyết áp: đau nhức xương khớp, chân tay và huyết áp có mối liên quan mật thiết với nhau. Bên cạnh đó việc dùng các loại thuốc trị đau nhức xương khớp cũng làm ảnh hưởng đến các chỉ số huyết áp khiến tình trạng này nghiêm trọng hơn.
- Trầm cảm: ở người trầm cảm có thể luôn cảm thấy những cơn đau nhức xương khớp vô hình nhưng lại không thể tìm ra các nguyên nhân thực thể dù đã đi khám. Do đó nếu bản thân đang rơi vào trạng thái u uất, mệt mỏi, chán nản, tuyệt vọng, mất ngủ, dễ cáu gắt, tâm tình tiêu cực thì rất có thể bạn đang bị trầm cảm và cần đi đến các bệnh viện tâm thần hay trung tâm tâm lý để điều trị càng sớm càng tốt.
Biến chứng
Dù liên quan đến bất cứ nguyên nhân nào thì tình trạng nhức mỏi chân tay vào ban đêm cũng làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến giấc ngủ. Cơ thể không ngủ đủ sẽ không thể nạp đủ năng lượng khiến cho tình trạng cơ thể ê ẩm, tinh thần uể oải, chán chường kéo dài đến cả ngày hôm sau.
Mặt khác cũng không nên coi thường các dấu hiệu của nhức mỏi chân tay vào ban đêm. Việc bạn lao động quá sức hay đứng nhiều làm đau chân nếu kéo dài, không thay đổi thì chính là nguyên nhân đẩy hệ thống xương khớp đến quá trình lão hóa nhanh chóng hơn.
Nhiều người khi thấy các triệu chứng cơ thể bị đau nhức thường chủ quan chỉ cho rằng do đã làm việc quá sức và chủ quan không đi thăm khám. Rõ ràng việc đau nhức cho thấy sức khỏe đang bất thường và cơ thể đang đình công, đòi hỏi bạn phải được nghỉ ngơi nhanh chóng. Nếu lúc này bạn vẫn tiếp tục làm việc quá sức sẽ dần khiến sức khỏe suy giảm nghiêm trọng hơn.
Nói chung không nên chủ quan với bất cứ vấn đề bất thường nào của sức khỏe mà cần tìm rõ nguyên nhân và tìm hướng giải quyết càng sớm càng tốt.
Phòng ngừa
Để biết chính xác nhức mỏi chân tay vào ban đêm kéo dài là do đâu bạn nên đến bệnh viện để thực hiện một số kiểm tra và thăm khám chi tiết. Bên cạnh đo tình trạng này cũng rất dễ lặp lại, đặc biệt với những người lớn tuổi hay người lao động nặng nhọc hằng ngày. Vì vậy cần có biện pháp cải thiện từ sớm.
Bạn có thể tham khảo một số cách giúp cải thiện nhức mỏi chân tay về đêm như sau
- Ngâm chân với nước ấm trước khi đi ngủ sẽ giúp chân thư giãn, kích thích máu huyết lưu thông ổn định, nếu bị đau nhức chân bạn cũng có thể áp dụng cách này. Bạn nên kết hợp thêm với muối hồng, các loại tinh dầu hay thảo dược như gừng hoa hồng, sả để xoa dịu chân tay tốt hơn
- Mặc ấm khi đi ngủ, nếu hay bị đau nhức tay chân thì bạn nên đeo tất và mặc quần áo dài khi đi ngủ, đặc biệt vào những ngày trời lạnh hay thời điểm giao mùa
- Không nên để quạt hay điều hòa thổi thẳng vào người
- Uống đủ nước trước khi đi ngủ, nên ưu tiên nước ấm nhưng cũng không nên uống quá nhiều sẽ khiến bạn phải thức dậy nhiều lần vì đi vệ sinh
- Tắm nước ấm trước khi đi ngủ cũng là cách giúp bạn có giấc ngủ tuyệt vời hơn
- Xông hơi hay sử dụng các máy khuếch tán tinh dầu sẽ vừa giúp tinh thần, cơ thể được thư giãn, thả lỏng, dễ đi vào một giấc ngủ sâu
- Gác chân lên một cái gối hay chăn mỏng sẽ giúp máu huyết lưu thông và giảm đau nhức. Với tay bạn nên tránh nằm các tư thế đè lên tay, bạn cũng có thể dùng một chiếc chăn mỏng kê dưới tay cũng phòng tránh được nguy cơ nhức mỏi chân tay vào ban đêm.
- Hằng ngày nên vận động nhẹ nhàng, không nên cố gắng quá sức. Với những người không thể vận động mạnh có thể tham khảo đi bộ nhẹ nhàng hoặc luyện tập thiền, yoga, dưỡng sinh sẽ đem đến rất nhiều lợi ích tuyệt vời
- Tắm nắng hằng ngày để bổ sung các vitamin D3 tự nhiên, không nên ở trong nhà quá nhiều
- Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng theo nhu cầu của cơ thể, đặc biệt tăng cường bổ sung rau xanh, trái cây, thịt nạc, sữa, các loại hạt..
- Tránh xa bia rượu, thuốc lá, đồ uống có cồn, chất kích thích, nhóm thức ăn quá mặn/ quá ngọt; thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh, đồ ăn có lượng đạm xấu..
- Giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan, thoải mái, tránh căng thẳng quá nhiều
- Mỗi người, đặc biệt là người lớn tuổi nên dành thời gian đi khám sức khỏe định kỳ để bảo vệ sức khỏe tốt nhất, kịp thời điều trị các bệnh lý liên quan nếu có.