U Nang Bao Hoạt Dịch Khớp Gối
U nang bao hoạt dịch khớp gối hình thành do bao hoạt dịch tăng tiết dịch khớp, gây ứ đọng tại khớp và hình thành nang. Với những trường hợp nặng nếu không được xử lý sẽ gây ra một số biến chứng nặng nề như tràn dịch khớp gối, viêm tắc tĩnh mạch,...
Định nghĩa
Bao hoạt dịch là cơ quan nằm bên trong khớp với chức năng chính là tiết ra chất hoạt dịch để nuôi dưỡng khớp, bôi trơn khớp và chống nhiễm trùng xương. Bao hoạt dịch sẽ tăng tiết chất hoạt dịch nhiều hơn bình thường nếu gặp vấn đề hoặc bị tổn thương. Lúc này, dịch khớp sẽ tràn ra bên ngoài và hình thành nên khối u nang bao hoạt dịch. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào trên cơ thể nhưng thường gặp nhất là khớp gối, khớp vai, cột sống và thắt lưng.
U nang bao hoạt dịch khớp gối là sự hình thành khối u nang hoạt dịch bên trong khớp gối. Đây chính là kết quả của quá trình tiến triển tự nhiên nên không nguy hiểm và không cần phải điều trị chuyên khoa. Theo thời gian, dịch khớp trong khối u nang có thể di chuyển trở lại khớp và khiến khối u này bị mất đi hoàn toàn.
Nhưng cũng có nhiều trường hợp, khối u nang sẽ phát triển lớn theo thời gian và gia tăng áp lực lên khớp gối. Lúc này, chúng sẽ chèn ép lên dây thần kinh và mạch máu, kích thích khởi phát nhiều triệu chứng khó chịu. Khi khối u phát triển với kích thước quá lớn cũng có thể vỡ ra và gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng khác như đau nhức dữ dội, tràn dịch khớp gối, tắc tĩnh mạch,...
Hình ảnh
Triệu chứng
U nang hoạt dịch khớp gối khi mới khởi phát ở giai đoạn đầu sẽ chưa phát sinh triệu chứng lâm sàng. Theo thời gian, khối u nang sẽ phát triển với kích thước ngày càng lớn và gây ra các ảnh hưởng sau đây:
- Bị đau nhức kèm theo mỏi khớp hoặc bị đau ở vùng khoeo sau đầu gối. Cơn đau sẽ tăng lên mỗi khi bạn đi lại hoặc mang vác vật nặng.
- Dùng tay sờ vào sau gối sẽ cảm nhận được sự xuất hiện của khối tròn nhỏ bên trong. Thể tích của khối tròn này có thể thay đổi và mất hẳn đi khi bạn thực hiện động tác gấp cẳng chân.
- Cứng khớp gối gây khó khăn khi thực hiện các cử động tại khớp. Khi bệnh tiến triển sang giai đoạn sau, bạn không thể thực hiện động tác uốn cong đầu gối, gập duỗi chân, ngồi xổm,...
- Khi khối u gây chèn ép lên rễ thần kinh, người bệnh sẽ có cảm giác tê bì như kiến bò hoặc nóng ran ở vùng đầu gối và bắp chân.
Nguyên Nhân
Khối u nang hoạt dịch khớp gối hình thành do đầu gối sản xuất ra quá nhiều chất hoạt dịch, khiến chúng bị tích tụ lại ở mặt sau khớp và phát triển thành nang. Hiện tại, y học vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể gây ra tình trạng này. Tuy nhiên, bệnh có thể khởi phát do có liên quan đến tình trạng thoái hóa tại khớp.
Khi khớp gối bị hư tổn do ảnh hưởng từ quá trình thoái hóa khớp sẽ khiến bao hoạt dịch chịu áp lực nhiều hơn bình thường. Điều này đã kích thích bao hoạt dịch tăng tiết dịch khớp nhiều hơn bình thường. Ngoài ra, khối u nang bao hoạt dịch khớp gối cũng có thể hình thành do ảnh hưởng từ một số yếu tố khác như nhiễm khuẩn khớp gối, chấn thương khớp gối,...
Biện pháp chẩn đoán
Để chẩn đoán tình trạng u nang bao hoạt dịch khớp gối, bác sĩ sẽ tiến hành xem xét về tiền sử bệnh lý trước đó và kiểm tra thể chất của người bệnh. Thông qua việc thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ thấy được sự xuất hiện của khối u nang ở bên trong khớp gối. Để có thể đưa ra chẩn đoán chắc chắn hơn, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh làm một số xét nghiệm hình ảnh cần thiết như siêu âm, chụp MRI, chụp CT,... Thông qua xét nghiệm hình ảnh, bác sĩ sẽ xem xét được tổn thương đang xảy ra tại khớp cũng như các khả năng có thể xảy ra trong tương lai.
Biện pháp điều trị
Sau khi đã có kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ dựa vào kích thước khối u nang cũng như mức độ chèn ép lên các cơ quan lân cận để chỉ định phương pháp điều trị sao cho phù hợp. Nếu khối u có kích thước nhỏ và không phát sinh triệu chứng thì không cần điều trị. Còn với những trường hợp u nang phát triển lớn và có triệu chứng, bạn cần điều trị để cải thiện triệu chứng và phòng ngừa biến chứng. Dưới đây là một số phương pháp điều trị u nang bao hoạt dịch khớp gối mà chúng tôi tổng hợp được bạn có thể tham khảo:
Điều trị nội khoa
Đây là phương pháp điều trị u nang hoạt dịch khớp gối được ưu tiên áp dụng trong y khoa và mang lại hiệu quả tích cực với hầu hết các trường hợp. Thông thường, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh dùng thuốc Tây y kết hợp vật lý trị liệu để tình trạng bệnh nhanh chóng được cải thiện.
Dùng thuốc
Khi triệu chứng đau nhức khởi phát ở vùng khớp gối, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh sử dụng thuốc giảm đau Acetaminophen để cải thiện. Đây là thuốc giảm đau không kê đơn, có tác dụng giảm đau nhanh chóng và cải thiện tình trạng sốt nhẹ do viêm gây ra.
Trường hợp không đáp ứng điều trị với thuốc giảm đau không kê đơn, bác sĩ sẽ yêu cầu sử dụng thuốc chống viêm steroid. Nhóm thuốc này có tác dụng kháng viêm và giảm đau rất hiệu quả nhưng dễ phát sinh tác dụng phụ, bạn cần phải dùng theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Với những trường hợp đau nhức nghiêm trọng và không đáp ứng điều trị với hai loại thuốc ở trên, bác sĩ sẽ yêu cầu tiêm thuốc steroid để cải thiện triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên, việc tiêm thuốc steroid vào khớp có thể gây tổn thương khớp khỏe mạnh và khiến hoạt động của tuyến thượng thận bị suy yếu. Vì thế, loại thuốc này chỉ nên sử dụng khi thực sự cần thiết và không được quá lạm dụng.
Vật lý trị liệu
U nang hoạt dịch khớp gối cũng có thể hình thành khi bạn hoạt động khớp quá mức. Lúc này, bạn nên nghỉ ngơi và hạn chế thực hiện các vận động tại khớp để khớp có thời gian nghỉ ngơi và phục hồi tổn thương. Bên cạnh việc nghỉ ngơi, bạn cũng có thể áp dụng thêm một số biện pháp trong vật lý trị liệu để cải thiện triệu chứng của bệnh. Các biện pháp đó là:
- Chườm đá mỗi khi cơn đau nhức xuất hiện. Nên chườm đá từ 15 - 20 phút/lần và tần suất chườm tối đa là 4 lần/ngày.
- Thực hiện một số bài tập đơn giản giúp giảm áp lực lên khớp gối và hỗ trợ phục hồi tổn thương tại khớp. Tốt nhất, bạn nên tập luyện dưới sự hướng dẫn của chuyên gia để đảm bảo an toàn cũng như hiệu quả mang lại.
- oa bóp mỗi ngày giúp tăng tuần hoàn máu đến khớp để chữa lành tổn thương. Bạn có thể tiến hành xoa bóp kết hợp bấm huyệt để làm tăng hiệu quả mang lại.
- Nên sử dụng thêm dụng cụ hỗ trợ khi di chuyển để hạn chế gây áp lực lên khớp gối và ngăn ngừa tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn.
Điều trị ngoại khoa
Với những trường hợp khối u nang có kích thước quá lớn gây đau nhức nghiêm trọng hoặc chèn ép lên các cơ quan xung quanh, bác sĩ sẽ xem xét và chỉ định điều trị bằng phương pháp can thiệp ngoại khoa. Y khoa có hai phương pháp phẫu thuật điều trị u nang bao hoạt dịch, cụ thể là:
- Mổ nội soi: Mổ nội soi được tiến hành nhằm mục đích chặn lỗ liên hợp giữa khớp và khối u nang giúp làm giảm kích thước khối u. Từ đó, áp lực lên khớp sẽ giảm dần và các triệu chứng của bệnh cũng dần được cải thiện.
- Mổ hở loại bỏ khối u: Được chỉ định thực hiện khi khối u nang tái phát nhiều lần. Mục đích của phương pháp điều trị này là loại bỏ hoàn toàn nguyên nhân gây đau nhức và sưng khớp. Tuy nhiên, việc mổ hở loại bỏ khối u tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, bạn cần cân nhắc kỹ trước khi áp dụng.
- Chuyên gia
- Cơ sở