Viêm Da Cơ Địa Ở Đầu

Tổng quan

Viêm da cơ địa ở đầu là tình trạng vùng da đầu và xung quanh đầu bị viêm nhiễm, bong tróc, nứt nẻ, thậm chí là khô, ngứa. Viêm da cơ địa ở vùng đầu khi được phát hiện chủ yếu đã đến giai đoạn mãn tính, có liên quan tới yếu tố di truyền, miễn dịch và rất khó điều trị dứt điểm.1

Định nghĩa

Viêm da cơ địa ở đầu – bệnh da liễu mãn tính và được đặc trưng bởi các dấu hiệu như bong tróc, nứt nẻ, khô, ngứa, nổi mẩn đỏ, thậm chí là xuất hiện mụn nước. Tình trạng viêm da có thể xuất hiện ở bất cứ bộ phận nào trên cơ thể, đặc biệt là vùng da đầu.

Hình ảnh

Triệu chứng và nguyên nhân

Triệu chứng

Khi gặp phải tình trạng viêm da cơ địa ở da đầu, các triệu chứng bệnh có thể lan xuống cổ, mặt hay vai và ngực. Những dấu hiệu này đôi khi khiến người bệnh nhầm lẫn với nấm, viêm da dầu hay gàu,… Nếu bạn đang phân vân đó có phải viêm da cơ địa đầu hay không thì có thể quan sát và nhận biết thông qua một số triệu chứng nổi bật sau:

  • Ở chân tóc, gáy, trán, sau vành tai xuất hiện các mảng da đỏ.
  • Xuất hiện tình trạng da bong tróc, đổi màu, khô và ngứa ngáy dữ dội.
  • Tóc bị rụng nhiều bất ngờ.
  • Một số trường hợp có biểu hiện da bị phồng rộp, nhờn dính.
  • Thậm chí có trường hợp nặng hơn, khi bị nhiễm trùng có thể xuất hiện các vết loét, nổi mẩn đỏ, sưng tấy hay chảy dịch, mủ và máu.

Nguyên Nhân

Hiện nay, nguyên nhân gây bệnh viêm da cơ địa ở người lớn nói chung và viêm da cơ địa ở đầu nói riêng vẫn chưa được khoa học xác minh cụ thể. Tuy nhiên, đã có kết quả nghiên cứu cho thấy, một số yếu tố khiến bệnh viêm da cơ địa ở đầu bùng phát hoặc tiến triển nặng hơn. Cụ thể:

  • Do yếu tố di truyền: Nghiên cứu cho thấy có hơn 80% các trường hợp cha mẹ mắc viêm da cơ địa ở đầu, con cái của họ sinh ra cũng sẽ bị bệnh này. Nếu chỉ có mẹ hoặc cha mắc bệnh này thì nguy cơ mắc bệnh ở con chiếm khoảng 60%.
  • Do suy giảm hệ miễn dịch: Tình trạng cơ thể bị suy giảm hệ miễn dịch cũng là một trong những điều kiện thuận lợi khiến các tác nhân gây bệnh dễ dàng tấn công.
  • Do thay đổi nội tiết tố: Khi mang thai, sinh con, dùng thuốc tân dược… có thể làm thay đổi nội tiết tố trong cơ thể. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến bệnh viêm da cơ địa trên đầu bùng phát.
  • Do dị ứng với một số loại mỹ phẩm, xà phòng: Cụ thể một số loại dầu gội, kem xả, gel vuốt tóc, ủ tóc, thuốc nhuộm tóc, thuốc tạo kiểu… chứa một số hóa chất độc hại gây tác động đến vùng da đầu. Từ đó khiến vùng da đầu bị kích ứng, dị ứng và tạo thành viêm nhiễm mãn tính.
  • Do thời tiết: Thời tiết thay đổi, nhiệt độ quá lạnh, quá nóng đều có thể ảnh hưởng tới vùng da đầu, khiến hệ miễn dịch ở bộ phận này bị suy giảm. Nhờ đó mà vi khuẩn, mầm bệnh có điều kiện sinh sôi và phát triển.
  • Do cấu trúc làn da: Làn da của bạn quá khô hoặc quá nhờn đều có thể là nguyên nhân hình thành bệnh viêm da cơ địa trên đầu.
  • Do một số yếu tố khác: Một số tác nhân khác gây nên bệnh viêm nhiễm da đầu phải kể tới đó chính là việc sử dụng thuốc tân dược, vệ sinh vùng da đầu kém hay do ốm đau, bệnh tật…

Biến chứng

Viêm da cơ địa phát triển ở vùng đầu lại có những triệu chứng khá giống các bệnh lý da liễu khác nên rất khó để nhận biết. Đặc biệt ở chị em phụ nữ có mái tóc dài càng khó để nhận ra bệnh. Đa số các trường hợp đến bệnh viện khám khi viêm da cơ địa đã chuyển biến nặng, kèm theo viêm loét, có mủ, bùng phát diện rộng.

Bệnh viêm da cơ địa khiến người mắc cảm thấy ngứa ngày và vô cùng khó chịu. Chưa kể đến những nốt sùi to xuất hiện ở trán, gáy, vảy gàu rơi nhiều khiến người bệnh rất mất tự tin mỗi khi giao tiếp. Khi bệnh đã chuyển nặng với những dấu hiệu kể trên nếu không được điều trị kịp thời sẽ vô cùng nguy hiểm, gây ra biến chứng ảnh hưởng đến hệ thần kinh như:

  • Đau đầu: Lúc này người bệnh thường xuyên bị đau, nhức đầu, kém tập trung và làm giảm hiệu quả khi làm việc cũng như học tập.
  • Nhiễm trùng huyết và viêm màng não: Khi vi khuẩn tấn công qua các vị trí tổn thương trên da, tiếp đó đi sâu vào não, mạch máu và gây ra nhiễm trùng.

Phòng ngừa

  • Khi sử dụng thuốc Tây (dạng bôi và uống) cần phải có sự chỉ định của bác sĩ. Trong quá trình điều trị cần sử dụng đúng hướng dẫn cũng như liều lượng, thời gian để tránh những tác dụng không mong muốn.
  • Khi da đầu bị ngứa cũng nên tránh việc chà xát hoặc cào quá mạnh, sẽ dễ gây tổn thương cho da, tránh bị nhiễm trùng.
  • Lựa chọn dầu gội đầu phù hợp với tình trạng bệnh là vô cùng cần thiết. Theo đó bạn cần tránh sử dụng các loại dầu gội chứa nhiều hóa chất, thay vào đó nên ưu tiên dùng dầu gội thảo dược.
  • Khi bị viêm da cơ địa ở đầu cần tránh làm tóc, nhuộm tóc, tạo kiểu vì đây là những hành động có thể khiến tình trạng bệnh trở nên phức tạp và nghiêm trọng hơn.
  • Không sử dụng nước nóng để gội đầu, đồng thời bạn cũng không nên sấy tóc ở nhiệt độ quá cao.
  • Thường xuyên vệ sinh chăn ga gối đệm sạch sẽ. Vì đây có thể là nơi cư trú của nhiều vi khuẩn gây bệnh.
  • Bạn cần xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp nhất với tình trạng bệnh. Cụ thể khi bị viêm da bạn nên bổ sung nhiều rau xanh và trái cây tươi. Đồng thời hạn chế thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, dễ gây kích ứng da như thịt gà, muối, rau muống,…
  • Bên cạnh đó bạn cần giữ tâm trạng thoải mái, tránh căng thẳng.
  • Tránh đội mũ quá chật khiến đầu bị nóng, bí… dẫn đến viêm da cơ địa bội nhiễm.
Chẩn đoán và điều trị

Biện pháp chẩn đoán

Việc chẩn đoán chính xác viêm da cơ địa ở đầu rất quan trọng để phân biệt với các bệnh lý da đầu khác như gàu, nấm da đầu, hoặc viêm tiết bã nhờn. Bác sĩ da liễu sẽ dựa vào các yếu tố sau để đưa ra kết luận:

  • Tiền sử bệnh: Bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử cá nhân và gia đình liên quan đến các bệnh dị ứng, viêm da cơ địa hoặc các bệnh lý về da khác.
  • Khám da đầu: Bác sĩ sẽ kiểm tra kỹ vùng da đầu, đánh giá các triệu chứng như mẩn đỏ, tróc vảy, mụn nước, chảy dịch… Lưu ý, viêm da cơ địa ở đầu thường không gây rụng tóc.
  • Xét nghiệm: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định làm xét nghiệm dị ứng để xác định các yếu tố kích thích gây bùng phát viêm da cơ địa.

Biện pháp điều trị

Hiện tại, bệnh viêm da cơ địa ở đầu vẫn chưa có phương pháp điều trị triệt để. Tuy nhiên tùy vào mức độ bệnh, bác sĩ chuyên khoa có thể chỉ định bạn áp dụng một số phương pháp điều trị dưới đây:

Uống thuốc tân dược trị viêm da cơ địa ở đầu

Ngay khi có dấu hiệu của bệnh viêm nhiễm cơ địa vùng da đầu bạn nên đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám. Dựa vào kết quả kiểm tra, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn phương pháp điều trị tối ưu nhất có thể. Thông thường sẽ có 2 biện pháp để cải thiện triệu chứng căn bệnh này. Cụ thể như sau:

Dùng thuốc tân dược

Bị viêm da cơ địa ở đầu có thể sử dụng thuốc uống hoặc bôi theo theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Dưới đây là một số loại thuốc điều trị viêm da cơ địa thường được bác sĩ chỉ định:

  • Thuốc có tác dụng chống viêm Corticoid: Dexamethason, Mometasone, Clobetasol, Betamethasone, … Những loại thuốc này có tác dụng giảm ngứa, chống viêm và giúp giảm nhanh tình trạng bong tróc, sưng đỏ…
  • Thuốc kháng Histamin H1: Desloratadine, Loratadin, Cetirizin, … Các loại thuốc này có tác dụng ức chế chất gây ngứa.
  • Sử dụng loại thuốc bôi ức chế miễn dịch: Tacrolimus, Pimecrolimus… công dụng làm giảm các triệu chứng viêm, ngứa, phát ban, sưng tấy…
  • Thuốc uống điều hòa miễn dịch như: Methotrexate, Cyclosporin,… chỉ sử dụng ở những trường hợp bệnh nặng.
  • Một số loại thuốc kháng sinh và thuốc chống nấm: Loại thuốc này được sử dụng khi có bội nhiễm vi nấm hoặc vi khuẩn. Loại thuốc này cần được sự chỉ định của bác sĩ bởi vì nó có thể gây nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.

Bên cạnh đó, người bệnh còn có thể sử dụng các loại dầu gội có chứa hoạt chất kháng sinh, chống nấm, chống viêm. Một số loại dầu gội có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh như: Nizoral, Head & Shoulders, Selsun… Tuy nhiên khi sử dụng bạn cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của chuyên gia, tuyệt đối không được lạm dụng.

Với các loại thuốc tân dược kể trên có thể gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm cho cơ thể. Vì vậy trong quá trình điều trị người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, sử dụng đúng liều lượng cũng như cách dùng.

Chữa bệnh bằng liệu pháp ánh sáng (quang trị liệu)

Bên cạnh phương pháp sử dụng thuốc Tây y, bạn có thể được áp dụng liệu pháp ánh sáng để điều trị triệu chứng bệnh viêm da này. Theo đó phương pháp sử dụng ánh sáng tự nhiên hoặc nhân tạo để giảm nhanh tình trạng ngứa, mẩn đỏ, viêm, sưng trên vùng da đầu.

Phương pháp này mang lại hiệu quả nhanh nhưng không kéo dài. Nhược điểm là có thể khiến người bệnh bị rụng tóc, thậm chí làm tăng nguy cơ ung thư da. Vì vậy liệu pháp ánh sáng chỉ áp dụng với những trường hợp bệnh nặng, thuốc không đáp ứng hoặc các trường hợp mãn tính nguy hiểm.

Cách chữa viêm da cơ địa trên đầu bằng mẹo dân gian

Ngoài các phương pháp chữa viêm da cơ địa ở đầu kể trên người bệnh có thể áp dụng một số mẹo dân gian an toàn, lành tính để cải thiện triệu chứng. Tuy nhiên phương pháp này chỉ thích hợp với các trường hợp bệnh ở mức độ nhẹ, mới khởi phát. Cụ thể:

  • Gội đầu với lá ổi: Lá ổi rửa sạch, vò nát sau đó đun sôi cùng 2 lít nước trong khoảng 10 phút. Đổ nước lá ổi ra chậu sạch, pha thêm nước lạnh ở nhiệt độ vừa phải và tiến hành gội đầu. Lúc này các bạn có thể ủ thêm 10 phút sau đó gội sạch lại với nước.
  • Gội đầu với tinh dầu tràm: Pha một chậu nước ấm, sau đó nhỏ khoảng 5 giọt tinh dầu tràm. Tiếp theo gội đầu với tinh dầu tràm mới pha. Phương pháp này có thể áp dụng 2 lần trong tuần.
  • Gội đầu bằng trầu không: Lấy một nắm lá trầu không, rửa sạch sau đó vò nát, đun sôi trong khoảng 5 phút. Sử dụng nước trầu không và gội đầu tương tự như các bước gội với lá ổi.
  • Gội đầu với lá lốt: Lấy một nắm lá lốt, rửa sạch, vò nhẹ sau đó cho nước vào đun sôi  trong thời gian khoảng 5 đến 10 phút. Sau đó pha với nước lạnh và thực hiện gội đầu. Các bạn có thể áp dụng phương pháp trị bệnh viêm da cơ địa tại nhà này 3 lần một tuần.

Lưu ý: Khi gội đầu với các nguyên liệu từ thiên nhiên này không nên gãi mạnh, chà sát nhiều vì có thể khiến da đầu tổn thương, nguy cơ nhiễm trùng cao.

Các bài thuốc Đông y chữa viêm da cơ địa trên đầu

Theo các tài liệu y học cổ truyền, bệnh viêm da cơ địa ở đầu là hệ quả quá trình xâm nhập của phong hàn, nhiệt độc, tà khí uất kết và tích tụ độc tố dưới da. Tình trạng viêm da cơ địa ở đầu sẽ trở nên khó chữa và nghiêm trọng hơn khi cơ thể bị suy nhược, can thận suy giảm chức năng điều hòa khí huyết, thải độc.

Theo Đông y, để khắc phục triệt để thì cần tập trung điều trị bệnh từ gốc, kết hợp điều hòa chức năng can thận, cân bằng âm dương.

Dưới đây là một số bài thuốc Đông y giúp điều trị viêm da cơ địa trên đầu hiệu quả:

  • Bài thuốc uống chữa viêm da cơ địa trên đầu: Kết hợp giữa bồ công anh, kinh giới, hoàng cầm, tang bạch bì, kim ngân hoa,… đun sôi, sau đó uống mỗi ngày 2 đến 3 lần.
  • Bài thuốc gội chữa viêm da cơ địa ở đầu: Kết hợp giữa dâu tằm, trầu không, ô liên rô… đun nước sôi và chờ khoảng 10 phút sau đó dùng để gội đầu.
  • Bài thuốc bôi ngoài: Kết hợp giữa lá trầu không, củ nghệ, củ ráy dại, cây sơn, trúc diệp… nấu thành cô đặc. Sau đó sử dụng để bôi và massage phần da đầu bị viêm nhiễm.

Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà

Mặc dù không có thuốc đặc trị dứt điểm viêm da cơ địa, nhưng bạn có thể kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa bệnh tái phát bằng cách thay đổi lối sống và thực hiện các biện pháp chăm sóc tại nhà như:

  • Xác định và tránh các yếu tố kích thích: Giữ nhật ký theo dõi để nhận biết những yếu tố khiến tình trạng viêm da cơ địa ở đầu bạn trở nặng hơn, chẳng hạn như stress, thời tiết hanh khô, bụi bẩn, mạt bụi, các sản phẩm chăm sóc tóc có chứa chất kích ứng…
  • Gội đầu thường xuyên: Gội đầu nhẹ nhàng với dầu gội dịu nhẹ, không chứa sulfat để làm sạch da đầu và loại bỏ các tác nhân gây kích ứng. Nên gội đầu 2-3 lần/tuần và tránh gội quá thường xuyên.
  • Dưỡng ẩm da đầu: Sử dụng kem dưỡng ẩm chuyên biệt cho da đầu khô hoặc da nhạy cảm để giúp duy trì độ ẩm cần thiết, giảm ngứa và bong tróc.
  • Chườm lạnh: Nếu da đầu bị ngứa nhiều, bạn có thể chườm lạnh bằng khăn bông ẩm để làm dịu tạm thời.
  • Ngăn ngừa gãi: Gãi nhiều có thể làm tổn thương da đầu, gây nhiễm trùng và khiến tình trạng viêm da cơ địa nặng hơn. Cắt ngắn móng tay và mang bao tay khi ngủ để hạn chế gãi vô ý thức.
  • Quản lý stress: Stress có thể làm tình trạng viêm da cơ địa trở nên tồi tệ hơn. Thực hiện các biện pháp giảm stress như yoga, thiền định hoặc hít thở sâu sẽ mang lại nhiều lợi ích.

Chuẩn bị khi đi khám

  • Bạn nên đến gặp bác sĩ khi các vết tổn thương trên da đầu có dấu hiệu chuyển thành nhiễm trùng với các vết loét đổi màu, chảy nhiều dịch. Bên cạnh đó còn có mủ màu vàng, đặc và mùi hôi nhẹ.
  • Dù là trẻ em hay người lớn bị viêm da cơ địa ở đầu dẫn tới ăn kém, sụt cân, mất ngủ do ngứa gây nên hoặc gặp một số triệu chứng khác. Nếu thấy những dấu hiệu này bạn cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được hướng dẫn điều trị.
Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
Bác Sĩ Lê Hữu Tuấn
Bác Sĩ Lê Hữu Tuấn
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh
Verified
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android