Viêm Mũi Dị Ứng Thời Tiết
Viêm mũi dị ứng thời tiết xảy ra khi cơ thể phản ứng quá mức với thời tiết, đặc biệt là trong thời điểm chuyển mùa. Tình trạng này cần được điều trị phù hợp để tránh các rủi ro khác, chẳng hạn như hen suyễn, nhiễm trùng xoang mãn tính hoặc polyp mũi.
Định nghĩa
Viêm mũi dị ứng thời tiết là một dạng thường gặp của bệnh viêm mũi dị ứng. Bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức với các chất gây dị ứng liên quan đến thời tiết, chẳng hạn như quá nóng, quá lạnh, gió mang nhiều phấn hoa. Khi tiếp xúc với các chất gây dị ứng, cơ thể sẽ tạo ra histamin để giúp cơ thể chống lại các dị nguyên. Điều này dẫn đến một số triệu chứng chẳng hạn như sổ mũi, hắt hơi, ngứa da, ngứa xoang hoặc tắc nghẽn mũi.
Viêm mũi dị ứng thời tiết thường xảy ra khi chuyển mùa, đặc biệt là những mùa có gió lớn. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này thường là gió lạnh, phấn hoa, nấm mốc, sợi lông, bụi bẩn và các yếu tố khác dẫn đến viêm niêm mạc mũi.
Viêm mũi dị ứng thời tiết có thể ảnh hưởng đến mọi đối tượng, tuy nhiên trẻ em dưới 10 tuổi thương có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Tùy thuộc vào tác nhân gây dị ứng, bác sĩ có thể đề nghị nhiều biện pháp xử lý khác nhau. Tuy nhiên, điều quan trọng là người bệnh cần tránh khỏi các tác nhân gây dị ứng và giữ vệ sinh môi trường sống.
Thời tiết ảnh hưởng như thế nào đến bệnh viêm mũi dị ứng?
Thời tiết là tác nhân phổ biến dẫn đến dị ứng và viêm mũi dị ứng. Mối liên hệ giữa các triệu chứng và thời tiết phụ thuộc vào các dị nguyên gây dị ứng, chẳng hạn như:
- Những ngày hanh khô, nhiều gió: Gió có thể thổi phần hoa bay vào không khí, dẫn đến bệnh sốt cỏ khô. Do đó, nếu bị dị ứng phấn hoa, người bệnh nên thường xuyên đóng cửa sổ và ở trong nhà những ngày có gió.
- Những ngày mưa hoặc ẩm ướt: Độ ẩm có thể làm cho nấm mốc phát triển cả trong nhà lẫn ngoài trời. Mạt bụi cũng có thể phát triển mạnh trong không khó ẩm ước.
- Không khí lạnh: Người bệnh hen suyễn dị ứng nên hạn chế ra ngoài khi thời tiết lạnh. Điều này có thể dẫn đến một cơn ho kéo dài.
- Nhiệt độ cao: Những ngày nắng nóng, nhiệt độ cao khiến tình trạng ô nhiễm không khí trở nên nghiêm trọng hơn. Do đó, người bệnh hen suyễn dị ứng nên hạn chế ra ngoài và hạn chế tiếp xúc với khói bụi để ngăn ngừa các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.
Hình ảnh
Triệu chứng
Khi bị viêm mũi dị ứng, hệ thống miễn dịch phản ứng quá mức với các dị nguyên trong môi trường. Khi hệ thống miễn dịch hoạt động quá mức sẽ làm tăng nồng độ histamine và leukotrienes, dẫn đến viêm niêm mạc đường mũi, xoang và mí mắt. Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể gặp một số triệu chứng khác, chẳng hạn như:
- Ngạt mũi hoặc chảy nước mũi;
- Hắt hơi, đặc biệt là khi tiếp xúc với không khí lạnh;
- Ho;
- Ngứa miệng, cổ họng hoặc tai;
- Sưng phù niêm mạc mũi dẫn đến Hội chứng chảy dịch mũi sau;
- Trong trường hợp nhiễm khuẩn, người bệnh có thể bị chảy nước mũi màu vàng đục hoặc xanh;
- Các triệu chứng kèm theo bao gồm phát ban, nổi mề đay, viêm da cơ địa;
- Xuất hiện quầng thâm dưới mắt.
- Hầu hết các triệu chứng dị ứng đều nhằm mục đích bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân dị ứng. Tuy nhiên, người bệnh nên đến bệnh viện ngay khi nhận thấy các triệu chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như:
- Các triệu chứng dị ứng gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống;
- Các triệu chứng kéo dài;
- Các loại thuốc kê đơn không mang lại hiệu quả điều trị hoặc có tác dụng phụ nghiêm trọng;
- Người bệnh có các vấn đề khác, chẳng hạn như hen suyễn, nhiễm trùng xoang mãn tính hoặc có polyp bên trong mũi.
Các triệu chứng viêm mũi dị ứng thời tiết có thể tự cải thiện. Tuy nhiên, người bệnh nên có kế hoạch điều trị cũng như ngăn ngừa tình trạng dị ứng trở nên nghiêm trọng hơn. Trong trường hợp cần thiết, người bệnh có thể cần được điều trị y tế để tránh các rủi ro không mong muốn.
Nguyên Nhân
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm mũi dị ứng thời tiết. Tuy nhiên, trên thực tế, các nguyên nhân có thể bao gồm:
- Cơ địa dị ứng: Cơ địa nhạy cảm là một trong những yếu tố phổ biến dẫn đến viêm mũi dị ứng, hen suyễn, mề đay mẩn ngứa cũng như các bệnh lý dị ứng khác.
- Dị truyền: Nếu một thành viên trong gia đình bị viêm mũi dị ứng hoặc các bệnh lý dị ứng khác, nguy cơ mắc bệnh thường cao hơn.
- Có bệnh lý dị ứng hoặc hen suyễn: Những người mắc bệnh dị ứng hoặc hen suyễn cũng có nguy cơ bị viêm mũi dị ứng thời tiết cao hơn.
- Giới tính và độ tuổi: Trước tuổi vị thành niên, viêm mũi dị ứng theo mùa thường phổ biến ở các trẻ em trai. Tuy nhiên sau tuổi vị thành niên, trẻ em gái thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Khói thuốc lá: Thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá, đặc biệt là trong những năm đầu đời, có thể làm tăng nguy cơ viêm mũi dị ứng.
- Hệ thống miễn dịch suy giảm: Hệ thống miễn dịch giảm, chẳng hạn như ở bệnh nhân HIV, cơ thể thường nhạy cảm hơn đối với các yếu tố của thời tiết, chẳng hạn như phấn hoa, không khí, độ ẩm, điều này dẫn đến các triệu chứng viêm mũi dị ứng.
Ngoài ra, các tác nhân khác có thể dẫn đến viêm mũi dị ứng theo mùi bao gồm lông thú cưng, mạt bụi, nấm mốc và bụi gián. Xác định được nguyên nhân gây dị ứng là cách tốt nhất để cải thiện các triệu chứng và ngăn ngừa các rủi ro liên quan.
Biến chứng
Viêm mũi dị ứng thời tiết là bệnh lý đường hô hấp phổ biến, thường không nguy hiểm và có thể tự cải thiện. Điều quan trọng là người bệnh nên xác định được nguyên nhân gây dị ứng và có kế hoạch phòng ngừa phù hợp.
Tuy nhiên, đôi khi tình trạng này cũng có thể dẫn đến một số biến chứng và rủi ro nếu không được điều trị phù hợp. Cụ thể các biến chứng bao gồm:
- Ù tai, nhức đầu;
- Tăng nguy cơ dẫn đến các bệnh đường hô hấp khác, chẳng hạn như viêm họng, viêm amidan, viêm xoang hoặc viêm thanh quản;
- Hình thành polyp xoang, polyp mũi, gây tiết dịch đường hô hấp và dẫn đến các vấn đề liên quan khác;
- Ứ đọng dịch trong các hốc xoang, dẫn đến bội nhiễm vi khuẩn với các triệu chứng chính như ớn lạnh, mệt mỏi, đau đầu hoặc nóng sốt.
Bên cạnh đó, nếu không được điều trị phù hợp, các triệu chứng viêm mũi dị ứng có thể trở nên nghiêm trọng hơn, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do đó, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và có kế hoạch điều trị phù hợp.
Biện pháp chẩn đoán
Viêm mũi dị ứng thời tiết thường dễ chẩn đoán hơn các bệnh lý khác. Nếu các triệu chứng xuất hiện vào một mùa nhất định trong năm, bác sĩ có thể chẩn đoán người bệnh viêm mũi dị ứng thời tiết. Để tăng tính chính xác của xét nghiệm, bác sĩ có thể kiểm tra tai, mũi và họng để hỗ trợ chẩn đoán.
Trong một số trường hợp, người bệnh có thể cần thử nghiệm dị ứng để xác định dị nguyên gây dị ứng. Tuy nhiên xét nghiệm này thường không được thực hiện đối với bệnh viêm mũi dị ứng thời tiết.
Biện pháp điều trị
Biện pháp tốt nhất để điều trị tình trạng viêm mũi dị ứng là tránh xác các chất gây dị ứng. Người bệnh cũng có thể sử dụng các loại thuốc chống dị ứng cũng như thực hiện các biện pháp cải thiện các triệu chứng tại nhà.
Tùy thuộc và tình trạng cơ bản và các triệu chứng cụ thể, các biện pháp điều trị phổ biến có thể bao gồm:
1. Tránh các tác nhân gây dị ứng
Để cải thiện tình trạng viêm mũi dị ứng theo mùa, người bệnh nên tránh tiếp xúc với các tác nhận gây dị ứng, chẳng hạn như sử dụng máy điều hòa không khí để làm mát vào mùa hè thay vì dùng quạt trần, điều này có thể hạn chế mạt bụi và nấm mốc. Kiểm tra tin dự báo thời tiết địa phương và tránh ra ngoài vào những ngày nhiều gió.
Vào những mùa có nhiều gió, người bệnh nên lưu ý một số vấn đề, chẳng hạn như:
- Đóng cửa sổ, đặc biệt là phòng ngủ;
- Giới hạn thời gian ở ngoài trời;
- Cân nhắc đeo khẩu trang để chống bụi khi ở bên ngoài, đặc biệt là khi có gió to;
- Tắm và thay quần áo ngày khi từ bên ngoài vào nhà;
- Sử dụng kính râm khi ra ngoài và đội mũ để bụi, phấn hoa không thể tiếp xúc với đường hô hấp;
- Tắm thú nuôi trong nhà và làm sạch lông thường xuyên.
Điều quan trọng là người bệnh cần tránh hút thuốc lá và khói thuốc lá. Các tác nhân này có thể khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.
2. Sử dụng thuốc điều trị
Các loại thuốc chống dị ứng và thuốc điều trị viêm mũi dị ứng thường được sử dụng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn. Người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc mà không trao đổi với bác sĩ để tránh các rủi ro không mong muốn.
Các loại thuốc thường được sử dụng để điều trị viêm mũi dị ứng thời tiết bao gồm:
- Thuốc xịt mũi corticosteroid: Các loại thuốc này được sử dụng để điều trị các triệu chứng như ngứa, sổ mũi, nghẹt mũi và giúp người bệnh thở dễ dàng hơn. Thuốc cũng có tác dụng giảm đau trong vòng 12 giờ kể từ liều sử dụng đầu tiên. Các loại thuốc phổ biến thường chứa các hoạt chất như budesonide, fluticasone, mometasone và có thể sử dụng lâu dài, tuy nhiên người bệnh nên sử dụng thuốc dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
- Thuốc kháng histamine: Các loại thuốc này có dưới dạng viên nén, thuốc xịt mũi và thuốc nhỏ mắt, thường được sử dụng để điều trị và ngăn ngừa các triệu chứng viêm mũi dị ứng hoặc các bệnh dị ứng khác. Các loại phổ biến bao gồm cetirizine, fexofenadine và loratadine, có tác dụng chống chảy nước mũi, ngăn ngừa hắt hơi và cải thiện tình trạng ngứa da, ngứa mắt.
- Thuốc thông mũi: Các loại thuốc thông mũi được sử dụng để làm giảm sưng bên trong mũi, cải thiện tình trạng nghẹt mũi và giúp người bệnh thở dễ dàng hơn. Không được sử dụng các loại thuốc thông mũi lâu hơn 5 ngày liên tục và trao đổi với bác sĩ về các triệu chứng liên quan để được hướng dẫn cụ thể.
- Corticosteroid đường uống: Nếu các triệu chứng nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh sử dụng corticosteroid đường uống. Các loại thuốc này chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn để tránh nguy cơ loãng xương, đục thủy tinh thể, yếu cơ và loãng xương.
3. Liệu pháp miễn dịch
Phương pháp này được chỉ định cho các trường hợp viêm mũi dị ứng theo mùa nghiêm trọng. Liệu pháp thường được chỉ định đối với các tác nhân môi trường phổ biến, chẳng hạn như phấn hoa, khói ô nhiễm hoặc mạt bụi.
Trong liệu pháp này bác sĩ sẽ đề nghị người bệnh kiểm tra tác nhân gây dị ứng. Cụ thể, một lượng nhỏ chất gây dị ứng sẽ được tiêm vào da của người bệnh (còn được gọi là xét nghiệm chích da) để quan sát phản ứng của người bệnh.
Sau khi xác nhận được tác nhân gây dị ứng, người bệnh sẽ được tiêm một lượng nhỏ các chất gây dị ứng và tăng liều lượng dần dần đến khi đạt được một lượng nhất định mà người bệnh có thể dung nạp. Tuy nhiên, người bệnh nên thường xuyên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể và có biện pháp xử lý các rủi ro có thể xảy ra.
Các triệu chứng viêm mũi dị ứng thời tiết cần được chăm sóc và điều trị đúng cách để tránh các biến chứng liên quan. Do đó, người bệnh nên đến bệnh viện để được hướng dẫn và có kế hoạch điều trị phù hợp.
Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà
Viêm mũi dị ứng thời tiết là tình trạng phổ biến và tái phát thường xuyên khi gặp điều kiện thuận lợi. Hiện tại không có biện pháp điều trị dứt điểm tình trạng này, do đó người bệnh nên có kế hoạch phòng tránh để ngăn ngừa nguy cơ tái phát.
Để hạn chế các triệu chứng, người bệnh nên lưu ý một số vấn đề như:
- Lưu ý đến thời tiết: Xem dự báo thời tiết địa phương và hạn chế ra ngoài vào thời điểm gió lớn, nhiều phấn hoa, nấm mốc.
- Chuẩn bị cho đợt dị ứng: Nếu có tiền sử viêm mũi dị ứng thời tiết, người bệnh nên lưu ý về thời điểm phát bệnh để có kế hoạch chuẩn bị phù hợp. Trao đổi với bác sĩ về việc sử dụng thuốc chống dị ứng khoảng 2 tuần để cải thiện tình trạng hắt hơi, ho hoặc ngứa ngáy.
- Vệ sinh môi trường sống: Sử dụng máy lọc không khí để loại bỏ nấm mốc, phấn hoa và sử dụng máy hút ẩm để ngăn chặn sự phát triển của mạt bụi cũng như nấm mốc.
- Trao đổi với bác sĩ chuyên môn: Chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây dị ứng có thể hỗ trợ cải thiện các triệu chứng cũng như hạn chế tình trạng viêm mũi dị ứng thời tiết tái phát. Ngoài ra, người bệnh không nên tự ý chẩn đoán bệnh và điều trị tại nhà. Điều này có thể khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.
Người bệnh viêm mũi dị ứng thời tiết nên chú ý đến thời tiết và các tác nhân dẫn đến dị ứng. Điều này giúp người bệnh chủ động hơn trong việc tránh cũng như làm giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Điều quan trọng là người bệnh nên trao đổi với bác sĩ chuyên môn để được hướng dẫn cụ thể.
- Chuyên gia
- Cơ sở