Các Cách Phục Hồi Giãn Dây Chằng Đầu Gối Hiệu Quả
Cách phục hồi giãn dây chằng đầu gối đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị bệnh. Bác sĩ có thể đề nghị bạn làm vật lý trị liệu kết hợp với nghỉ ngơi, điều chỉnh chế độ ăn uống và tập luyện các bài tập giãn dây chằng đầu gối để nhanh chóng chữa lành tổn thương.
7 cách phục hồi giãn dây chằng đầu gối
Giãn dây chằng đầu gối là bệnh lý thường xảy ra sau khi gặp chấn thương, tai nạn. Để nhanh chóng phục, bạn có thể áp dụng một số cách dưới đây:
1. Chườm lạnh giảm đau
Khi mới bị chấn thương, căng giãn quá mức, dây chằng thường có biểu hiện bị sưng và đau nhức dữ dội. Bạn cần nhanh chóng sơ cứu bằng cách chườm đá lạnh để xoa dịu cơn đau và ngăn chặn tình trạng sưng phù ở khớp gối.
Khi tiếp xúc với nhiệt độ lạnh, các mạch máu và tế bào sưng viêm sẽ bị co lại. Điều này sẽ giúp ngăn chặn tình trạng bơm máu quá nhiều đến tổn thương khiến cho khu vực đầu gối bị sưng phù. Thêm vào đó, chườm lạnh còn có tác dụng gây tê nhẹ ở dây thần kinh cảm giác, làm giảm khả năng truyền phát tín hiệu đau về não bộ, qua đó tạm thời giảm bớt cảm giác đau cho người bệnh, giúp bệnh giãn dây chằng đầu gối nhanh phục hồi hơn.
Cách thực hiện:
- Bỏ vài cục đá lạnh vào trong túi chườm (hoặc nhúng khăn vào trong nước lạnh và vắt ráo bớt nước).
- Đặt vật chườm lên khớp gối bị giãn dây chằng, để khoảng 20 phút
- Lặp lại sau mỗi 3 – 4 tiếng nếu vẫn còn sưng đau.
Chườm lạnh thường cho hiệu quả giảm đau rõ rệt khi áp dụng trong 48 tiếng đầu tiên sau chấn thương. Trường hợp bị giãn dây chằng có dấu hiệu chảy máu bên trong khớp gối cần tích cực chườm lạnh để cầm máu.
2. Để khớp gối được nghỉ ngơi
Nghỉ ngơi hợp lý cũng là một cách phục hồi giãn dây chằng đầu gối bất kỳ ai cũng nên cố gắng thực hiện. Nhiều người dù dây chằng mới bị chấn thương nhưng vẫn cố gắng đi lại, làm việc khiến cho tình trạng bệnh ngày càng trở nên tồi tệ, thậm chí khiến dây chằng bị rách, đứt hoàn toàn.
Do vậy, sau khi phát hiện bản thân có dấu hiệu bị giãn dây chằng đầu gối, bạn nên hạn chế tối đa các hoạt động ở bên chân bị ảnh hưởng. Tránh đi lại, chạy nhảy, vận động mạnh hay tham gia các bộ môn thể thao gây áp lực mạnh lên khớp gối. Ưu tiên cho việc nghỉ ngơi tại nhà để thúc đẩy quá trình phục hồi giãn dây chằng đầu gối.
Tuy nhiên, nghỉ ngơi không đồng nghĩa với việc bạn phải nằm im hay ngồi bất động ở một vị trí quá lâu. Việc ít vận động trong thời gian dài vô tình lại gây thêm áp lực cho dây chằng và cơ bắp, đồng thời làm giảm tuần hoàn máu và gây teo cơ chân, cứng khớp gối. Bạn nên vận động nhẹ nhàng trở lại khi cơn đau đã thuyên giảm để phục hồi chức năng vận động của cơ thể.
3. Mang băng, nẹp khớp
Hạn chế tác động từ ngoại lực sẽ giúp giãn dây chằng đầu gối phục hồi nhanh hơn. Bạn có thể mang băng ép hay nẹp cố định khớp.
Mang băng ép có tác dụng hỗ trợ giảm sưng. Tuy nhiên, bạn không nên quấn băng quá chặt khiến cho máu khó lưu thông xuống dưới cẳng chân và bàn chân gây nguy cơ bị hoại tử cao. Trong quá trình băng ép, nếu bạn cảm thấy vùng tổn thương bị đau nhiều hơn hoặc có dấu hiệu sưng nề, tê bì thì nên nới lỏng băng hoặc tháo bỏ. Tốt nhất, nên nhờ bác sĩ có kinh nghiệm chuyên môn trợ giúp.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể đeo nẹp để tạm thời bất động khớp gối. Dụng cụ này sẽ giúp hạn chế được tối đa tác động từ ngoại lực lên vùng tổn thương, qua đó đẩy nhanh tốc độ phục hồi giãn dây chằng đầu gối.
4. Lựa chọn tư thế ngủ phù hợp
Ngoài việc nghỉ ngơi, chườm lạnh hay mang nẹp cố định, bạn cũng có thể áp dụng cách phục hồi giãn dây chằng đầu gối thông qua tư thế ngủ hàng ngày. Lựa chọn được tư thế nằm thích hợp sẽ giúp vùng tổn thương được thư giãn, thoải mái và bớt gây đau nhức, đồng thời ngăn ngừa mất ngủ vào ban đêm do ảnh hưởng của cơn đau.
Khi nằm ngủ, bạn nên kê một chiếc gối mỏng dưới đầu gối để dây chằng được thư giãn và hạn chế tình trạng căng cơ. Trường hợp khớp gối có biểu hiện sưng, hãy dùng gối nâng cổ chân cao hơn tim để giảm bớt lượng máu và dịch ứ đọng tại khớp gối.
Tránh tư thế nằm nghiêng đè lên chân bị thương khiến cho dây chằng và khớp gối bị chèn ép dẫn đến đau đớn nhiều hơn.
5. Phục hồi giãn dây chằng đầu gối nhờ chế độ dinh dưỡng hợp lý
Để nhanh chóng phục hồi giãn dây chằng đầu gối, việc duy trì một chế độ dinh dưỡng khoa học là điều cần thiết. Bạn cần bổ sung đầy đủ các dưỡng chất cần thiết từ thực phẩm sử dụng hàng ngày để dây chằng nhanh chóng được tái tạo và phục hồi lại cấu trúc ban đầu.
Vậy giãn dây chằng đầu gối nên ăn gì?
Các thực phẩm tốt nhất cho quá trình phục hồi giãn dây chằng đầu gối bao gồm:
- Các thực phẩm giàu chất đạm: Giúp đẩy nhanh tốc độ tái tạo tế bào mới, cân bằng chất lỏng, bổ sung năng lượng, chống mệt mỏi và cải thiện khả năng chuyển hóa chất dinh dưỡng có lợi cho dây chằng cũng như khớp gối.
- Thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất: Rau xanh và trái cây chính là nguồn bổ sung các loại vitamin và khoáng tố tuyệt vời cho cơ thể. Chúng thúc đẩy quá trình chữa lành, phục hồi tổn thương ở dây chằng và đầu gối, giúp người bệnh có khả năng vận động tốt hơn. Một số loại quả mọng như cam, quýt, nho, kiwi, việt quất còn cung cấp chất chống oxy hóa giúp ức chế phản ứng viêm tại dây chằng, giảm sưng đau khớp gối.
- Thực phẩm chứa omega 3: Chất này có nhiều trong các loại hạt, dầu ô liu, dầu hạt lanh, dầu đậu nành, cá hồi, cá thu hay cá tuyết… Hàm lượng omega 3 phong phú mà nhóm thực phẩm này cung cấp chính là một phương thuốc kháng viêm an toàn cho người bị giãn dây chằng. Ngoài ra, omega 3 còn làm tăng tiết dịch nhầy cho khớp, giúp khớp gối bị giãn dây chằng hoạt động linh hoạt hơn.
- Thực phẩm giảm đau: Gừng, tỏi, nghệ, bạc hà, quả anh đào,… là những thực phẩm có đặc tính giảm đau tự nhiên. Bạn nên thường xuyên thêm chúng vào thực đơn trong thời gian điều trị, phục hồi giãn dây chằng đầu gối.
Các thực phẩm không nên tránh:
- Thức ăn nhanh
- Thực phẩm đông lạnh
- Đồ ăn chế biến sẵn
- Món ăn, bánh kẹo hay các loại nước giải khát chứa nhiều đường
- Thức ăn chứa nhiều dầu mỡ
- Gia vị cay nóng
- Chất kích thích: Bia, rượu, nước chè đặc, cà phê.
6. Vật lý trị liệu phục hồi giãn dây chằng đầu gối
Một số bệnh nhân được đề nghị tiến hành các liệu pháp trị liệu để hỗ trợ giảm đau, chống viêm, cải thiện phạm vi cũng như khả năng vận động cho khớp gối.
- Chiếu đèn hồng ngoại: Kỹ thuật viên sử dụng đèn hồng ngoại chiếu trực tiếp vào khu vực đầu gối bị giãn dây chằng với khoảng cách từ 50 – 70cm. Thời gian chiếu mỗi lần khoảng 20 – 30 phút. Phương pháp này có tác dụng chống sưng viêm đầu gối, xoa dịu cơn đau, làm thư giãn cơ và tăng tuần hoàn máu ngoại vi.
- Đắp paraffine: Giúp giảm đau, giảm co thắt cơ, cải thiện lưu thông máu.
- Điều trị bằng sóng ngắn: Ức chế phản ứng viêm, cải thiện tình trạng phù nề, sưng đau đầu gối, kích thích tái tạo tổn thương ở các dây chằng và mô sụn.
- Phương pháp điện xung: Chống co thắt cơ, ức chế dẫn truyền cảm giác đau về hệ thần kinh trung ương, cải thiện tuần hoàn máu.
- Trị liệu bằng siêu âm: Chống viêm, làm tăng tuần hoàn máu, rút ngắn thời gian phục hồi giãn dây chằng đầu gối.
7. Bài tập phục hồi giãn dây chằng đầu gối
Cuối cùng, bạn không nên bỏ qua cách phục hồi giãn dây chằng đầu gối thông qua các bài tập. Kế hoạch luyện tập sẽ được chuyên gia vật lý trị liệu xây dựng dựa trên mức độ tổn thương, thể trạng cũng như khả năng vận động của từng bệnh nhân.
Dưới đây là một số bài tập giãn dây chằng đầu gối đang được áp dụng rộng rãi:
- Tăng cường cơ bắp chân: Cơ bắp chân đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định cho khớp gối khi vận động, giúp giảm áp lực lên dây chằng. Bạn có thể tăng cường sức mạnh cho cơ bắp chân bằng cách đứng thẳng và từ từ dồn trọng lượng nhiều hơn sang chân bị bệnh ở tuần đầu tiên. Bước sang tuần thứ 2 có thể đứng hoàn toàn với 1 chân bị tổn thương. Qua tuần thứ 3, nếu cơn đau đã chấm dứt, hãy tập chạy chậm để phục hồi chức năng vận động cho dây chằng bị giãn và khớp gối.
- Gập bàn chân: Nằm ngửa trên giường với 1 chiếc gối mềm được kê dưới đầu gối, duỗi thẳng chân. Gập mu bàn chân cùng các ngón chân về phía thân người hết mức có thể trong 10 giây. Tập luyện khoảng 20 lần với bài tập phục hồi chức năng giãn dây chằng đầu gối này.
- Duỗi gối thụ động: Ngồi trên giường và kê bên gót chân bị bệnh lên một cái gối mỏng. Sau đó, nhẹ nhàng dùng tay ấn đầu gối xuống giường sao cho đầu gối được duỗi thẳng trong khoảng 5 giây. Thả lỏng, nghỉ khoảng 10 giây rồi tiếp tục thực hiện thêm vài lần nữa.
- Bài tập cơ đùi sau: Bạn có thể bắt đầu tập luyện bài tập giãn dây chằng đầu gối cho cơ đùi sau khi khi kết thúc tuần đầu tiên bị chấn thương. Trước tiên, hãy nằm ngửa và duỗi thẳng chân trên giường, ấn gót chân xuống giường kết hợp gồng cơ sau đùi trong 6 giây. Thực hiện động tác từ 8 – 12 lần liên tục.
- Nhón chân: Đứng vịn tay vào tường hoặc bàn và đứng nhón chân để cơ thể đứng hoàn toàn trên các ngón chân. Sau 2 – 3 giây hãy hạ xuống và lặp lại khoảng 25 lần.
- Bài tập ưỡn hông: Nằm ngửa và gấp nhẹ đầu gối, để phàn gót chân chống sàn. Từ từ nâng hông lên cao hết cỡ đến khi chỉ còn lại gót chân và bả vai chạm đất. Thực hiện 20 lần liên tục, mỗi lần giữ trong 10 giây.
Trên đây là những cách phục hồi giãn dây chằng đầu gối đang được áp dụng. Bạn nên cố gắng thực hiện tốt và tuân thủ theo đúng khuyến cáo của bác sĩ để nhanh chóng trở lại sinh hoạt bình thường.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!