Gãy Xương Bánh Chè Có Đi Lại Được Không?
Gãy xương bánh chè là một loại chấn thương khớp gối, gây sưng to, đau nhức và hạn chế vận động.
- Trong giai đoạn đầu, cần nằm nghỉ để khớp hồi phục, sau đó thực hiện các bài tập vật lý trị liệu như tập co cơ tĩnh và tăng dần độ linh hoạt của khớp.
- Đối với trường hợp bó bột, cần bất động khớp và sau đó tập luyện các khớp chủ động.
- Sau phẫu thuật, từ tuần thứ hai, cần tập duỗi gối tối đa kết hợp gấp gối 90 độ, sử dụng nạng hỗ trợ khi cần thiết và tiếp tục vận động khớp thông qua các bài tập vật lý trị liệu.
- Việc tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ chuyên khoa sẽ giúp tái tạo xương bánh chè và khôi phục vận động của khớp gối hiệu quả.
Gãy xương bánh chè có đi lại được không?
Khi bị gãy xương bánh chè, khả năng vận động của khớp gối sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Lúc này bạn cần nằm bất động trong một khoảng thời gian nhất định để khớp gối có thời gian phục hồi.
Sau khi tổn thương tại khớp đã ổn định, người bệnh có thể thực hiện các bài tập vật lý trị liệu dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa giúp tổn thương nhanh chóng phục hồi. Cụ thể là:
Trường hợp bó bột:
- Khi mới bó bột, người bệnh nên bất động khớp và tập co cơ tĩnh bên trong nẹp, đặc biệt là vùng cơ tứ đầu đùi. Ngoài ra, bạn cũng có thể kết hợp tập luyện tại các khớp chủ động như cổ chân, háng,… giúp kích thích tuần hoàn máu diễn ra bên trong cơ thể. Sau khi bột khô, nên đứng dậy và tập đi với nạng.
- Sau khi bột hoặc nẹp cố định khớp đã được tháo ra, cần tập duỗi gấp khớp gối với cường độ tăng dần để phục hồi khả năng vận động của khớp. Các bài tập được ưu tiên áp dụng lúc này là gấp gối, đạp xe đạp, tập bơi, lên xuống cầu tràng,…
Trường hợp phẫu thuật:
- Trong hai tuần sau phẫu thuật, người bệnh nên tiến hành duỗi gối tối đa kết hợp gấp gối 90 độ. Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng băng chun ép cố định khớp hoặc tiến hành chườm lạnh mỗi khi xuất hiện triệu chứng đau nhức. Trong thời điểm này, bạn vẫn có thể đi lại nhưng cần sử dụng nạng hỗ trợ cho đến khi có thể kiểm soát được cơ đùi.
- Từ tuần thứ 2 – 6 sau phẫu thuật, người bệnh cần vận động khớp gối thông qua các bài tập vật lý trị liệu để tăng cường sức mạnh nhóm cơ đùi và giúp khớp có thể co duỗi một cách tối đa.
Gãy xương bánh chè bao lâu thì lành?
Chuyên gia cho biết, thời gian phục hồi sau gãy xương bánh chè còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như thời gian điều trị, phương pháp điều trị, phương pháp hỗ trợ, chế độ nghỉ ngơi và ăn uống,… Cụ thể là:
Dựa vào thời gian điều trị
Nếu tình trạng gãy xương bánh chè được điều trị đúng cách ngay từ sớm thì xương sẽ nhanh liền hơn bình thường. Ở trường hợp này, khớp gối có thể phục hồi chức năng trở lại bình thường sau khoảng 3 – 4 tháng.
Ngược lại, nếu bạn chủ quan trong việc điều trị có thể gây ra các biến chứng như teo cơ tứ đầu đùi, vôi hóa dây chằng và bao khớp,… Lúc này, ngoài việc điều trị gãy xương bạn còn phải tiếp tục điều trị biến chứng nên thời gian phục hồi sẽ kéo dài hơn bình thường.
Dựa vào phương pháp điều trị
Khi điều trị bảo tồn, người bệnh chỉ cần cố định khớp trong một thời gian đầu, sau đó thực hiện vật lý trị liệu để chống co cứng khớp và phục hồi chức năng. Sau khoảng 6 tháng điều trị và phục hồi, người bệnh có thể tham gia các hoạt động sinh hoạt một cách bình thường.
Còn với trường hợp gãy xương cần phải điều trị bằng phương pháp phẫu thuật thì thời gian phục hồi sẽ kéo dài hơn do ảnh hưởng từ vết thương, nhiễm trùng,… Thông thường, thời gian phục hồi gãy xương bánh chè sau phẫu thuật phải kéo dài hơn 6 tháng.
Phương pháp hỗ trợ
Phương pháp hỗ trợ sau điều trị cũng có ảnh hưởng rất lớn đến thời gian phục hồi sau gãy xương bánh chè. Phục hồi chức năng đúng cách sẽ có tác dụng làm tăng tuần hoàn máu bên trong cơ thể, chống teo cơ và cứng khớp, đẩy nhanh tốc độ phục hồi.
Vì thế, người bệnh cần tiến hành vật lý trị liệu đúng cách theo hướng dẫn của chuyên gia để tổn thương tại khớp nhanh chóng được phục hồi.
Chế độ nghỉ ngơi và ăn uống
Khi bị gãy xương bánh chè, thực đơn ăn uống hàng ngày của người bệnh cần cung cấp đầy đủ các nhóm dưỡng chất cần thiết cho xương khớp, giúp quá trình phục hồi tổn thương có thể diễn ra một cách tốt nhất.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần hạn chế thực hiện các động tác gây ảnh hưởng xấu đến quá trình phục hồi như làm việc nặng và quá sức, vận động mạnh,.. Thay vào đó, nên dành nhiều thời gian nghỉ ngơi và tập luyện thể dục thể thao vừa sức.
Gãy xương bánh chè là một dạng chấn thương khớp gối thường gặp, cần được xử lý y tế đúng cách để tránh phát sinh biến chứng. Trong quá trình điều trị và phục hồi, người bệnh cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để có thể mang lại hiệu quả tốt nhất.