Những Món Ăn Chữa Bệnh Gút Hiệu Quả, Dễ Chế Biến
Những món ăn chữa bệnh gút hiệu quả và dễ chế biến là cháo củ cải, gỏi khổ qua và rau cần, thịt lợn hầm củ cải, đậu hũ nấu nấm rơm,… Khi bị gút, bạn nên bổ sung các món ăn này vào trong thực đơn ăn uống hàng ngày để hỗ trợ kiểm soát triệu chứng của bệnh. Bên cạnh đó, bạn cũng cần linh hoạt cách chế biến để có cảm giác ăn ngon miệng hơn.
Những món ăn chữa bệnh gút hiệu quả và dễ chế biến là cháo củ cải, gỏi khổ qua và rau cần, thịt lợn hầm củ cải, đậu hũ nấu nấm rơm,… Khi bị gút, bạn nên bổ sung các món ăn này vào trong thực đơn ăn uống hàng ngày để hỗ trợ kiểm soát triệu chứng của bệnh.
Nguyên tắc ăn uống dành cho người bị gút
Gút là bệnh lý rối loạn chuyển hóa mãn tính, bệnh khởi phát khi nồng độ acid uric trong máu tăng cao, dần tích tụ tại khớp dưới dạng tinh thể muối và kích thích phản ứng viêm xảy ra. Nếu không có biện pháp kiểm soát bệnh lý đúng cách, tổn thương tại khớp sẽ trở nên ngày càng nghiêm trọng và phát sinh biến chứng.
Chuyên gia cho biết, chế độ ăn uống hàng ngày có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình điều trị bệnh gút. Ăn uống kiêng khem đúng cách có tác dụng làm hạ acid uric trong máu, ngăn chặn cơn đau cấp tính khởi phát và ngăn ngừa mức độ tiến triển của bệnh. Vì thế, người bệnh nên đến gặp chuyên gia dinh dưỡng để được hướng dẫn lên thực đơn ăn uống hỗ trợ điều trị gút cho phù hợp. Dưới đây là một số nguyên tắc ăn uống dành cho người bị gút bạn có thể tham khảo:
- Hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm chứa nhiều nhân purin, nước ngọt đóng chai, rượu bia, chất kích thích,… Tăng cường bổ sung vào trong thực đơn ăn uống hàng ngày nhóm thực phẩm giàu vitamin và ít nhân purin.
- Khi chế biến món ăn, cần hạn chế các món chiên xào nhiều dầu mỡ, đặc biệt là mỡ động vật. Ưu tiên các món hấp, luộc để có thể hấp thụ được tối đa dưỡng chất có trong thực phẩm.
- Với các loại trái cây hoặc rau sống, bạn nên ưu tiên chế biến dưới dạng gỏi, salad, làm nước ép hoặc xay sinh tố. Với các loại thực phẩm như thịt cá, bạn nên rạch đường nhỏ khi nấu để lượng purin thoát bớt ra ngoài, giúp giảm thấp lượng nhân purin trong món ăn.
- Nên thay đổi linh hoạt các món ăn sử dụng trong thực đơn ăn uống hàng ngày để đa dạng dưỡng chất nạp vào cơ thể, không nên sử dụng một món ăn liên tục trong thời gian dài.
Những món ăn chữa bệnh gút hiệu quả
Việc tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều nhân purin sẽ khiến hàm lượng acid uric trong máu tăng cao và ảnh hưởng không tốt đến quá trình điều trị bệnh gút. Vì thế, thực đơn ăn uống hàng ngày của người bị gút nên tăng cường sử dụng các loại thực phẩm chứa ít nhân purin và thực phẩm có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh. Dưới đây là một số món ăn chữa bệnh bệnh gút hiệu quả và hướng dẫn chi tiết về cách thực hiện bạn bạn có tham khảo:
Ba ba hầm đỗ trọng
Ba ba hầm đỗ trọng là một trong những món ăn hỗ trợ điều trị gút rất tốt mà người bệnh không nên bỏ qua. Tác dụng của món ăn này là bổ thận, trị đau lưng mỏi gối, giảm đau nhức xương khớp và phòng ngừa cơn đau gút cấp tính khởi phát. Bạn có thể chế biến món ăn này theo hướng dẫn bên dưới đây:
Cách chế biến:
- Chuẩn bị 100 gram thịt ba ba, 15 gram đỗ trọng, muối hạt và gia vị nêm nếm.
- Đỗ trọng đem rửa sạch, cho vào ấm cùng với 800ml nước rồi bắt lên bếp sắc trên lửa nhỏ cho đến khi cạn còn 300ml là được.
- Ba ba sau khi mua về làm sạch, lọc bỏ ruột rồi rửa qua nhiều lần nước cho sạch. Chặt ba ba thành miếng nhỏ vừa ăn rồi cho vào nồi nước sắc đỗ trọng thu được.
- Nấu ba ba cho đến khi thịt chín mềm thì nêm nêm gia vị vừa ăn rồi tắt bếp. Múc canh ra bát rồi sử dụng chung với cơm ngay khi còn nóng.
Canh cá rô đồng nấu cải xanh
Canh cá rô đồng nấu cải xanh là món ăn hỗ trợ điều trị gút rất hiệu quả, bạn hoàn toàn có thể bổ sung vào trong thực đơn ăn uống hàng ngày. Cải xanh là thực phẩm lợi tiểu, nếu người bệnh sử dụng thường xuyên sẽ có tác dụng tăng đào thải acid uric ra ngoài cơ thể. Còn cá rô đồng là thực phẩm chứa hàm lượng dưỡng chất rất đa dạng và ít nhân purin.
Cách chế biến:
- Chuẩn bị 200 gram cá rô đồng, 500 gram cải xanh, gừng tươi, gia vị nêm nếm.
- Rau cải xanh đem rửa sạch rồi cắt ngắn khoảng 1cm. Gừng tươi rửa sạch, cạo vỏ rồi đập dập.
- Cá rô đồng đem làm sạch sẽ rồi cho vào nồi nước luộc cùng với ít gừng. Khi cá chín thì vớt ra, lọc lấy thịt ướp cùng với ít gia vị.
- Đun sôi nước lộc cá rồi cho thịt cá và rau cải xanh vào nấu chung. Khi nước sôi trở lại thì nêm nếm gia vị vừa ăn rồi tắt bếp.
- Múc canh ra bát rồi sử dụng chung với cơm ngay khi còn nóng.
Cháo củ cải
Cháo củ cải là món ăn dễ tiêu hóa và có chứa hàm lượng purin rất thấp, thích hợp sử dụng khi bị gút. Đồng thời, cháo củ cải còn là món ăn có tác dụng thanh nhiệt giải độc và kháng viêm rất tốt. Khi người bệnh sử dụng thường xuyên sẽ tăng đào thải acid uric qua thận và cải thiện triệu chứng nóng đỏ tại khớp.
Cách chế biến:
- Chuẩn bị khoảng 30 gram gạo tẻ, 250 gram củ cải và gia vị nêm nếm.
- Củ cải rửa sạch, gọt vỏ rồi thái chỉ. Đem củ cải đi chiên xơ rồi vớt ra để cho ráo dầu.
- Gạo tẻ vo sạch rồi đem nấu nhừ thành cháo, sau đó cho củ cải đã chiên sơ vào nấu chung.
- Nêm nếm gia vị cho vừa ăn rồi tắt bếp. Múc cháo ra bát, cho thêm một ít hành ngò hoặc hành phi vào, trộn đều lên rồi ăn ngay khi còn nóng.
- Chia món ăn này thành 2 phần sử dụng để ăn hết trong ngày.
Gỏi khổ qua và rau cần
Khổ qua và rau cần là hai loại thực phẩm được chuyên gia dinh dưỡng khuyên dùng khi đang bị gút. Thành phần chất chống oxy hóa dồi dào trong cần tây có tác dụng chống viêm tốt, tăng cường chuyển hóa protein và giảm acid uric trong máu. Còn khổ qua thì chứa hàm lượng lớn hoạt chất flavonoid có tác dụng giảm viêm đau và chữa lành tổn thương tại khớp do gút gây ra.
Cách chế biến:
- Chuẩn bị 150 gram khổ qua, 150 gram rau cần, tỏi, dầu mè và gia vị.
- Khổ qua đem rửa sạch, lọc bỏ phần ruột rồi thái sợi nhỏ. Trụng khổ qua qua nước sôi cho bớt đắng, vớt ra cho vào trong nước lạnh khoảng 2 phút rồi để ráo.
- Rau cần rửa sạch sẽ rồi cắt thành khúc ngắn vừa ăn, tỏi lột vỏ rồi băm nhuyễn.
- Trộn đều rau cần, khổ qua, tỏi, dầu mè cùng một số gia vị khác. Dọn món ăn ra đĩa rồi ăn chung với nước chấm hoặc một số món ăn phụ khác.
- Người bị gút nên ăn món ăn này khoảng 3 lần/tuần để mang lại hiệu quả điều trị bệnh.
Móng giò lợn hầm rễ tỳ bà
Móng giò lợn là thực phẩm chứa rất nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe. Rễ tỳ bà là dược liệu hỗ trợ điều trị bệnh gút khá tốt. Khi dùng kết hợp hai nguyên liệu này với nhau để chế biến thành món ăn sử dụng sẽ có tác dụng bồi bổ cơ thể, tăng cường chuyển hóa acid uric và điều trị bệnh gút. Cách chế biến món móng giò lợn hầm rễ tỳ bà khá đơn giản, bạn có thể thực hiện theo hướng dẫn bên dưới đây:
Cách chế biến:
- Chuẩn bị 250 gram rễ tỳ bà, 2 cái móng giò lợn, rượu trắng, gừng, hành lá, hành củ và gia vị nêm nếm.
- Rễ tỳ bà đem rửa sạch sẽ rồi cho vào ấm sắc cùng với 700ml nước trên lửa nhỏ. Sắc cho đến khi nước cạn còn 150ml thì ngừng.
- Gừng rửa sạch, cạo vỏ rồi thái sợi. Hành củ lột vỏ rồi băm nhuyễn. Hành lá nhặt bỏ phần hư hỏng, rửa sạch rồi thái nhỏ.
- Móng lợn sau khi mua về đem rửa sạch, để cho ráo nước rồi chặt khúc ngắn vừa ăn.
- Bắc nồi lên bếp cho dầu ăn, hành băm và gừng vào phi thơm. Cho giò lợn vào xào săn rồi đổ nước sắc rễ tỳ cùng một ít rượu trắng vào nấu chung.
- Cho một ít gia vị vào, đậy nắp nồi rồi vặn nhỏ lửa. Hầm trên lửa nhỏ liu riu cho đến khi móng giò chín mềm thì cho hành lá vào rồi tắt bếp.
- Múc món ăn ra bát rồi sử dụng chung với cơm trắng khi còn nóng.
Nấm rơm nấu đậu phụ
Nấm rơm nấu đậu phụ là món ăn có chứa hàm lượng chất xơ và đạm thực vật rất cao. Khi đang bị gút, bạn nên bổ sung món ăn này vào trong thực đơn ăn uống hàng ngày. Thành phần dưỡng chất trong món ăn sẽ mang lại hiệu quả chữa lành tổn thương tại khớp do gút gây ra và nâng cao sức khỏe tổng thể. Đồng thời, đây còn là món ăn cải thiện chứng chán ăn và đầy bụng khá hiệu quả.
Cách chế biến:
- Chuẩn bị 400 gram đậu phụ, 150 gram nấm rơm, gừng, tỏi, hành lá, dầu mè và gia vị nêm nếm.
- Nấm rơm đem cắt bỏ phần gốc, rửa sạch sẽ rồi ngâm trong nước muối loãng. Sau 5 phút thì vớt ra, rửa sạch với nước một lần nữa rồi để cho ráo. Sau đó, dùng dao thái thành hình hạt lựu.
- Đậu phụ thái nhỏ vừa ăn. Gừng và tỏi làm sạch rồi băm nhuyễn. Hành lá nhặt sạch rồi thái nhỏ.
- Bắc nồi lên bếp, cho dầu ăn, tỏi và gừng băm vào phi thơm. Sau đó, cho nấm vào đảo đều tay trong khoảng vài phút rồi đổ 1 tô nước vào.
- Đun đến khi nước sôi thì cho đậu phụ vào nấu chung, nêm nêm gia vị vừa ăn rồi cho thêm 1 thìa dầu mè vào.
- Nấu cho đến khi nước sôi trở lại thì thả hành hoa và một ít hạt tiêu đen vào rồi tắt bếp. Múc canh ra bát rồi sử dụng trong bữa cơm.
Rau diếp cá nấu lê
Nghiên cứu khoa học hiện đại đã chỉ ra, trong rau diếp cá có chứa hàm lượng lớn chất kháng sinh tự nhiên, khi đi vào cơ thể sẽ mang lại hiệu quả giảm viêm sưng. Còn theo y học cổ truyền, diếp cá thuộc nhóm dược liệu tính mát với tác dụng thanh nhiệt giải độc và lợi tiểu, rất thích hợp sử dụng để cải thiện triệu chứng nóng đỏ tại khớp do gút gây ra và tăng đào thải acid uric qua thận.
Lê là loại trái cây chứa rất nhiều vitamin và khoáng chất có lợi cho cơ thể. Nếu bạn sử dụng thường xuyên sẽ có tác dụng tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch và hỗ trợ chữa lành tổn thương tại khớp. Bạn có thể dùng kết hợp diếp cá với lê để chế biến thành món ăn chữa bệnh gút theo hướng dẫn bên dưới đây:
Cách chế biến:
- Chuẩn bị 1 bó rau diếp cá tươi, 1 quả lê to và đường cát trắng.
- Diếp cá nhặt lấy lá và phần ngọn non, rửa kỹ với nước để loại bỏ hết tạp chất bám xung quanh.
- Lê đem rửa sạch, cho vào chậu nước muối loãng ngâm khoảng 15 phút rồi vớt ra để ráo. Dùng dao cắt quả lê làm 4, loại bỏ phần cứng và hạt bên trong rồi đem băm nhuyễn.
- Đun sôi khoảng 800ml nước rồi cho rau diếp cá vào và vặn nhỏ lửa lại. Đun liu riu trong khoảng 30 phút thì tắt bếp, vớt bỏ bã và lọc lấy phần nước.
- Cho lê băm nhuyễn vào trong nước diếp cá rồi bắc lên bếp đun. Nấu cho đến khi lê chín mềm thì cho lượng đường vừa đủ vào, khuấy đều cho đường tan hết rồi tắt bếp.
- Chia món ăn này thành 2 phần để sử dụng trong ngày, nên ăn hết cả nước và cái để có thể mang lại hiệu quả tốt nhất.
Trứng hấp củ năng
Trứng hấp củ năng là món ăn bài thuốc có tác dụng tư âm thanh nhiệt, thường sử dụng để điều trị chứng thống phong do thận. Đồng thời, đây còn là món ăn giúp thanh nhiệt giải độc và giải tỏa mệt mỏi khá hiệu quả.
Nghiên cứu khoa học hiện đại cũng đã chỉ ra, hàm lượng dưỡng chất trong món ăn này khá đa dạng và đặc biệt tốt với người bị gút như chất xơ, canxi, vitamin, magie, protein thực vật,… Nếu cơ thể người bệnh được bổ sung đầy đủ các dưỡng chất này sẽ có tác dụng giảm viêm đau, tăng cường trao đổi chất và tăng đào thải acid uric trong máu.
Cách chế biến:
- Chuẩn bị 2 quả trứng gà, 5 củ năng và gia vị vừa đủ. Củ năng đem rửa sạch, gọt bỏ lớp vỏ đen bên ngoài rồi thái thành lát mỏng.
- Trứng gà đập ra bát, thêm một ít gia vị vào rồi khuấy đều. Sau đó, trộn đều trứng gà và củ năng rồi đem đi hấp cách thủy.
- Hấp cho đến khi trứng chín thì lấy ra và ăn ngay khi còn nóng. Khi bị gút, bạn nên tiêu thụ món ăn này từ 1 – 2 lần/tuần.
Thịt gà xào tàu hũ ky
Thịt gà xào tàu hủ ky là món ăn cung cấp rất nhiều dưỡng chất có lợi cho cơ thể. Nếu sử dụng thường xuyên sẽ có tác dụng giảm đau nhức tại khớp do bệnh gút gây ra. Đồng thời, đây còn là món ăn kích thích vị giác, tạo cảm giác ngon miệng khi ăn và cải thiện thể trạng gầy yếu.
Cách chế biến:
- Chuẩn bị 200 gram tàu hủ ky, 100 gram thịt gà, 100 gram củ mài, gừng tươi, bột năng và gia vị nêm nếm.
- Gừng rửa sạch sẽ, cạo vỏ rồi cắt sợi. Hành khô lột vỏ, rửa sạch rồi băm nhỏ. Củ mài rửa sạch rồi thái mỏng.
- Thịt gà sau khi mua về đem rửa sạch, chặt miếng nhỏ vừa ăn. Cho thịt gà vào bát ướp cùng với một ít gia vị, hành băm và gừng thái sợi.
- Bắc nồi lên bếp, cho một ít dầu ăn và hành băm vào phi thơm. Khi hành dậy mùi thì cho thịt gà vào xào sơ, khi thịt gà săn lại thì cho củ mài vào xào chung.
- Xào đến khi chín thì nêm nếm gia vị cho vừa ăn. Sau đó, cho tàu hủ ky vào đảo đều tay trong vài phút rồi tắt bếp.
- Dọn món ăn ra đĩa, cho thêm một ít tiêu và hành lá vào để dậy mùi thơm. Sử dụng món ăn cùng với cơm nóng.
- Người bệnh nên sử dụng món ăn này khoảng 2 lần/tuần để hỗ trợ điều trị bệnh gút.
Thịt lợn hầm củ cải
Củ cải là thực phẩm tính mát chứa rất ít nhân purin. Ăn củ cải sẽ có tác dụng tăng cường chuyển hóa dưỡng chất, hỗ trợ đào thải acid uric qua thận và ngăn ngừa viêm cấp tính tại khớp. Hàm lượng vitamin C trong củ cải còn có tác dụng đẩy nhanh tiến độ chữa lành tổn thương tại khớp và giúp quá trình điều trị gút nhanh mang lại hiệu quả.
Thịt lợn hầm củ cải là món ăn chữa bệnh gút khá hiệu quả với các tác dụng như kiện tỳ, lợi thấp, thanh nhiệt,… Cách chế biến món ăn này khá đơn giản, bạn có thể thực hiện theo hướng dẫn bên dưới đây:
Cách chế biến:
- Chuẩn bị khoảng 500 gram củ cải, 250 gram thịt nạc heo, gừng, hành, gia vị nêm nếm.
- Thịt sau khi mua về đem rửa sạch, thái vuông rồi ướp với một ít gia vị. Củ cải đem rửa sạch, gọt vỏ rồi thái vuông. Hành và gừng đem rửa sạch rồi thái mỏng.
- Cho dầu vào chảo, đun nóng lên rồi cho đường vào đảo đều. Khi đường ngã sang màu vàng cánh gián thì cho thịt vào, xào cho đến khi thịt ngấm màu vàng thì thêm nước ấm, gừng và hành vào.
- Đậy kín nắp nồi, ninh cho đến khi thịt gần chín thì cho củ cải và một ít gia vị vào. Nấu cho đến khi củ cải chín mềm thì nêm nếm gia vị vừa ăn rồi tắt bếp.
- Dọn món ăn ra bát rồi sử dụng chung với cơm ngày khi còn nóng. Người bị gút nên sử dụng món ăn này 3 lần/tuần.
Salad rau củ
Salad rau củ là món ăn nên được bổ sung vào thực đơn ăn uống hàng ngày của những người đang bị gút. Trong rau củ có chứa hàm lượng dưỡng chất rất đa dạng và dồi dào như vitamin, chất xơ, khoáng chất, chất oxy hóa,… Nếu người bệnh sử dụng thường xuyên sẽ có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, giảm viêm, tăng cường chức năng xương khớp và hỗ trợ trao đổi chất bên trong cơ thể.
Khi bạn chế biến rau củ thành món salad để sử dụng sẽ giúp cơ thể hấp thụ được tối đa hàm lượng dưỡng chất có trong thực phẩm, tránh tình trạng thất thoát dưỡng chất dưới tác dụng nhiệt khi chế biến.
Cách chế biến:
- Chuẩn bị 300 gram rau xà lách, 2 quả cà chua, 1 quả dưa leo và 1 quả ớt chuông. Bạn có thể linh hoạt trong việc thay đổi nguyên liệu và liều lượng.
- Rửa sạch các loại thực phẩm trên, đem ngâm trong nước muối loãng 15 phút rồi vớt ra để ráo. Xà lách đem đi cắt khúc. Cà chua, ớt chuông và dưa leo thì đem thái mỏng.
- Trộn đều các loại rau củ trên cùng với một ít giấm ăn, dọn món ăn ra đĩa là có thể sử dụng. Bạn có thể ăn salad cùng với nước chấm hoặc sốt mayonnaise đều được
- Khi bị gút, bạn nên ăn salad rau củ ít nhất 3 lần/tuần để hỗ trợ điều trị bệnh.
Trên đây là thông tin về các món ăn chữa gút hiệu quả, bạn có thể tham khảo và bổ sung vào trong thực đơn ăn uống hàng ngày. Ăn uống khoa học là cách hỗ trợ điều trị gút khá tốt, ngăn ngừa bệnh tiến triển sang giai đoạn nặng và phát sinh biến chứng. Bên cạnh đó, người bệnh cũng nên kết hợp thăm khám và điều trị chuyên khoa để tình trạng bệnh nhanh chóng chuyển biến tốt.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!