Uống Gì Để Giảm Triglyceride?
Triglyceride là một chất béo phổ biến trong cơ thể, nếu ở mức quá cao có thể gây hại đến sức khỏe. Một số loại đồ uống có tác dụng giảm Triglyceride mà bạn có thể tham khảo như trà nghệ mật ong, trà xanh, nước chanh tỏi, nước râu ngô, sữa đậu nành, sữa hạnh nhân, nước ép táo, rau riếp cá, cần tây, nước ép mướp đắng.
Uống gì để giảm triglyceride là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Theo các chuyên gia, triglyceride là một chất béo phổ biến trong cơ thể, nếu ở mức quá cao có thể gây hại đến sức khỏe. Bài viết dưới đây sẽ gợi ý cho bạn 10 loại đồ uống giúp kiểm soát triglyceride hiệu quả.
Uống gì để giảm triglyceride?
Triglyceride trong cơ thể đến từ nhiều nguồn khác nhau, đặc biệt là các loại thực phẩm giàu chất béo như bơ và dầu. Ngoài ra, calo dư thừa cũng là nguồn chuyển hóa chất béo trung tính, tạo ra triglyceride lưu trữ trong cơ thể. Mức độ chất béo này càng cao thì càng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch như: Đau tim, đột quỵ, động mạch vành,…
Theo các chuyên gia, bên cạnh việc thay đổi chế độ sinh hoạt, bạn có thể bổ sung các loại thức uống sau để làm giảm nồng độ triglyceride trong máu.
Trà nghệ mật ong
Trong nghệ có chứa hoạt chất flavonoid – một chất chống oxy hóa có tác dụng phòng chống ung thư. Loại củ này cũng rất giàu curcumin – có khả năng giúp cơ thể giảm sản sinh và tăng tiêu thụ mỡ máu xấu, hạn chế tích tụ triglycerid trong gan và máu.
Chuẩn bị: Gừng tươi, tinh bột nghệ, mật ong, nước nóng.
Cách làm:
- Bỏ vỏ gừng tươi, đập dập rồi cho vào một cốc nước nóng.
- Chờ nước gừng nguội bớt rồi cho 2 thìa cafe tinh bột nghệ, không nên cho vào khi nước sôi để tránh làm giảm lượng curcumin trong nghệ.
- Ngâm khoảng 10 phút cho tinh chất ngấm ra nước, dùng rây lọc lấy nước và bỏ bã.
- Cho thêm mật ong vào tùy theo khẩu vị, nên uống khi trà đang còn ấm.
Trà xanh
Trà xanh chứa hàm lượng catechin lớn, có khả năng chuyển hóa chất béo và làm giảm nồng độ triglyceride trong máu hiệu quả. Lượng chất chống oxy hóa dồi dào trong trà xanh giúp thanh lọc cơ thể, loại bỏ các độc tố gây hại, hỗ trợ giải độc gan và tăng cường sức khỏe. Uống trà xanh đều đặn giúp phòng ngừa bệnh máu nhiễm mỡ, ngăn oxy hóa cholesterol LDL, từ đó hạn chế nguy cơ hình thành mảng xơ vữa động mạch.
Chuẩn bị: Trà xanh và nước lọc.
Cách làm:
- Rửa sạch lá trà xanh.
- Hãm với nước nóng, ủ 10-15 phút cho tinh chất trà ngấm đều vào nước thì lấy ra sử dụng.
- Mỗi ngày nên uống từ 3- 5 tách trà xanh sau bữa ăn để giúp gián đoạn tổng hợp cholesterol xấu ở gan, từ đó hỗ trợ loại bỏ lượng cholesterol ra khỏi máu.
Lưu ý: Không nên uống nước trà xanh trước khi đi ngủ hoặc lúc đang đói vì cafein trong trà có khả năng kích thích thần kinh, gây ra cảm giác cồn cào, khó ngủ.
Nước chanh tỏi
Theo các chuyên gia, chanh và tỏi chứa nhiều hoạt chất có khả năng đào thải lượng triglyceride dư thừa trong cơ thể. Dịch chiết từ tỏi có thể làm giảm 30% lượng chất béo dư thừa, đẩy lùi nguy cơ xơ cứng động mạch. Trong nước cốt chanh có hoạt chất phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh tim, ngăn mỡ dư thừa bám dính vào các thành động mạch.
Chuẩn bị: Chanh, tỏi tươi và 1.5 lít nước lọc.
Cách làm:
- Tỏi bóc vỏ, nghiền nát.
- Rửa sạch chanh, để nguyên vỏ và cắt chanh thành các lát mỏng.
- Cho tỏi, chanh và nước vào một nồi nhỏ, đun sôi trong vòng 15 phút, sau đó lọc nước, bỏ bã.
- Uống 3 lần mỗi ngày, liên tiếp trong 3 ngày để giải độc cơ thể, sau đó nghỉ 1 tuần rồi lại tiếp tục uống.
- Bảo quản nước chanh tỏi ở nhiệt độ phòng hoặc trong tủ lạnh để tiện lấy ra sử dụng.
Lưu ý: Nếu bạn không muốn đun sôi thì có thể cho các nguyên liệu vào bình và ngâm trong 24 giờ để hoạt chất thấm đều ra nước. Khi uống sẽ có vị đắng hơi khó chịu , vì vậy bạn có thể thêm 1 thìa mật ong để dễ uống hơn.
Nước râu ngô
Trong râu ngô có chứa phytosterol, có khả năng ngăn chặn quá trình hấp thu triglyceride vào máu, giảm nguy cơ hình thành các mảng xơ vữa động mạch. Từ đó giúp ngăn ngừa và cải thiện bệnh mỡ máu, gan nhiễm mỡ và bệnh cao huyết áp.
Chuẩn bị: 100g râu ngô và nước lọc.
Cách làm:
- Làm sạch râu ngô, cho vào nồi đun cùng nước lọc.
- Đun đến khi còn khoảng 3 chén nước, lấy chia làm 3 lần và uống hết trong ngày.
Lưu ý: Không dùng nước râu ngô để qua đêm vì có thể gây đau bụng, tiêu chảy.
Sữa đậu nành
Trong đậu nành rất giàu isoflavone, có khả năng giảm cholesterol LDL và giảm mức triglyceride trong máu. Theo một nghiên cứu năm 2004, sau 6 tuần sử dụng, protein đậu nành làm giảm mức triglyceride nhiều hơn 12,4% so với protein động vật.
Bổ sung sữa đậu nành vào chế độ ăn mỗi ngày giúp hạn chế tích tụ mỡ máu. Bạn có thể mua sữa đậu nành pha sẵn hoặc tự làm sữa đậu nành theo công thức sau:
Chuẩn bị: Đậu nành, mè, lá dứa và nước sạch.
Cách làm:
- Rửa sạch đậu nành, ngâm nước khoảng 8 – 10 giờ rồi vớt ra, để ráo.
- Rửa sạch mè và lá dứa, để ráo nước, cột lá dứa thành bó để dễ sử dụng.
- Đem đậu nành và mè xay với một lượng nước vừa đủ, cho vào nồi nấu đến khi sờ vào thấy nóng tay thì tắt bếp.
- Chờ khoảng 15-30 phút để đậu nành nguội, cho vào túi vải nhồi và vắt lọc lấy phần nước
- Cho sữa vừa vắt được vào nồi đun cùng bó lá dứa, đun bằng lửa nhỏ trong khoảng 20 phút thì tắt bếp, vớt bọt và bỏ xác lá dứa.
- Bạn có thể thêm đường, uống khi còn ấm hoặc uống lạnh tùy theo sở thích.
Sữa hạnh nhân
Hạt hạnh nhân chứa một lượng lớn chất béo không bão hòa, axit béo omega-3, vitamin khoáng chất. Có tác dụng làm giảm cholesterol xấu, kiểm soát tốt tình trạng rối loạn lipid máu. Đặc biệt, chất chống oxy hóa Flavonoid có trong hạnh nhân giúp hỗ trợ sức khỏe tim mạch, ngăn hình thành các mảng xơ vữa động mạch.
Theo nghiên cứu từ Đại học Australia, ăn 30g hạt hạnh nhân (khoảng 30 hạt) mỗi ngày có tác dụng hỗ trợ giảm cân cho người béo phì. Bạn có thể dùng loại hạt này để để trộn salad, ăn kèm sữa chua hoặc chế biến thành sữa để uống.
Chuẩn bị: 120gr hạt hạnh nhân, 2 lít nước sôi để nguội, muối, túi vải lọc sữa.
Cách làm:
- Ngâm hạt hạnh nhân ngập trong nước lọc, khoảng 8-12 tiếng hoặc ngâm qua đêm.
- Sau khi ngâm hạt, vớt hạnh nhân ra và bóc bỏ lớp vỏ lụa màu nâu để sữa được trắng đẹp.
- Xay mịn hạt hạnh nhân.
- Cho hỗn hợp vừa xay vào vải lọc, lọc lấy sữa.
- Đổ sữa vào nồi và đun với lửa nhỏ, tùy vào sở thích mà bạn có thể cho thêm một chút muối để sữa đậm vị.
Lưu ý: Bạn có thể uống sữa nấu chín hoặc sữa sống tùy theo sở thích, nhưng đối với trẻ em hoặc mẹ bầu và cho con bú thì cần phải nấu chín để đảm bảo an toàn cho hệ tiêu hóa.
Nước ép táo
Nếu bạn đang băn khoăn không biết nên uống gì để giảm triglyceride thì có thể thử dùng nước ép táo. Trong táo có hàm lượng pectin phong phú, hỗ trợ đào thải cholesterol dư thừa ra khỏi cơ thể. Hợp chất này còn có thể kết hợp với vitamin C và đường, ngăn cản sự tăng cao của cholesterol, từ đó giảm mỡ máu.
Bên cạnh đó, táo cũng phân giải ra axit axetic, hỗ trợ quá trình phân giải chất béo trung tính, ngăn cản quá trình tăng cân. Theo kết quả nghiên cứu, người trường thành ăn 2 quả táo/ngày liên tục trong 2 tháng có thể giảm lượng cholesterol một cách rõ rệt. Nếu ít ăn táo, bạn có thể làm nước ép hoặc sinh tố táo để uống mỗi ngày.
Chuẩn bị: 2 quả táo, ¼ quả chanh, muối, nước lọc, một ít đá bào.
Cách làm:
- Gọt bỏ vỏ táo, cắt táo thành các miếng nhỏ.
- Vắt chanh vào bát nước lọc, cho thêm một ít muối, quấy cho tan đều rồi bỏ táo vào ngâm để giữ táo không bị thâm đen.
- Vớt táo ra rồi cho vào máy ép trái cây, ép lấy nước, sau đó cho thêm đá bào vào và thưởng thức.
Nước ép rau diếp cá
Trong rau diếp cá có một hàm lượng lớn xenlulôzơ, bản thân chất này không bị hấp thụ vào cơ thể nhưng lại có tác dụng làm no bụng, bổ sung các chất chống oxy hóa và đẩy chất thải ra khỏi ruột. Từ đó làm giảm cảm giác thèm ăn, hạn chế chất béo hấp thụ vào cơ thể, giúp giảm mỡ máu nhanh chóng.
Sử dụng rau diếp cá liên tục trong 3 tháng làm giảm cholesterol xấu xuống còn 10%. Nhưng mùi vị của rau này khá kén người ăn, vì vậy bạn có thể ăn kèm các món chính hoặc ép lấy nước uống theo công thức như sau:
Chuẩn bị: Rau diếp cá, nước sôi để nguội, đường hoặc muối, đá viên.
Cách làm:
- Nhặt rau diếp cá, rửa sạch và ngâm trong nước muối loãng khoảng 30 phút để loại bỏ bụi bẩn và các chất gây hại, sau đó vớt ra để ráo nước.
- Dùng máy xay sinh tố hoặc máy ép để ép lấy nước, đối với máy xay sinh tố sau khi xay xong cần lọc bỏ cặn.
- Để nước ép trong ngăn mát tủ lạnh khoảng 5 phút, có thể cho thêm ít đường hoặc muối tùy theo khẩu vị.
Nước ép rau cần tây
Trong cần tây có chiết xuất magnesium, butylphathalide, pthalides và các khoáng chất giúp kích thích tiết dịch mật, tăng cường độ hoạt động giúp giảm thiểu mỡ máu. Trong Y học cổ truyền, cần tây có tính mát, vị ngọt đắng, có công dụng thanh nhiệt, hạ hỏa, dưỡng huyết mạch tốt. Đồng thời hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường và giảm bớt các triệu chứng bệnh huyết áp.
Loại rau này chứa hầu hết các thành phần dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể như carbohydrate, protein, vitamin (A, B, C, E, K…), khoáng chất và chất xơ. Nhưng lại có hàm lượng calo rất thấp, hầu như không có chất béo và cholesterol. Chính vì vậy, cần tây là loại thực phẩm đầu bảng giúp giảm triglyceride và hỗ trợ giảm cân “cấp tốc”.
Thường xuyên uống nước ép cần tây trong 1 tháng sẽ thấy lượng mỡ máu giảm rõ rệt, đồng thời cải thiện hiệu quả tình trạng thiếu máu.
Chuẩn bị: 250g cần tây và 100ml nước lọc.
Cách làm:
- Nhặt cần tây, rửa sạch và ngâm nước muối trong khoảng 5 phút. Sau đó vớt ra rửa với nước sạch, cắt thành khúc cho vừa với máy ép.
- Cho cần tây đã cắt khúc vào máy ép lấy nước cốt, sau đó đổ vào cốc và pha thêm nước lọc cho vừa miệng.
- Nên uống nước ép cần tây ngay sau khi ép và tốt nhất là không cho thêm đường.
Nước ép mướp đắng
Với thắc mắc uống gì để giảm triglyceride bạn không nên bỏ qua nước ép mướp đắng. Theo rất nhiều nghiên cứu Y học, mướp đắng là “kẻ thù của chất béo”. Loại quả này có khả năng phân hủy mỡ thừa, giảm hàm lượng cholesterol xấu trong máu, điều chỉnh về mức an toàn cho cơ thể.
Mặt khác, trong mướp đắng có hàm lượng vitamin C và glycoside dồi dào, có khả năng ngăn ngừa đáng kể nguy cơ mắc các bệnh như: tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, rối loạn mỡ máu,… Trong Đông y, mướp đắng còn được dùng để hạ nhiệt, giải độc, làm mát gan và giải khát rất tốt. Bạn có thể chế biến mướp đắng thành các món ăn hằng ngày, hoặc ép lấy nước để uống.
Chuẩn bị: 200g mướp đắng, 1 quả táo, 1 thìa cà phê mật ong.
Cách làm:
- Rửa sạch mướp đắng, bỏ ruột và cắt thành những miếng nhỏ.
- Rửa sạch táo, để nguyên vỏ và bổ thành các miếng nhỏ.
- Cho mướp đắng và táo vào máy ép hoa quả, ép lấy nước, sau đó đổ ra cốc, cho thêm mật ong và thưởng thức.
Lưu ý khi sử dụng đồ uống để giảm triglyceride
Sử dụng đồ uống để giảm triglyceride chỉ là một phương pháp hỗ trợ, không có tác dụng điều trị. Vì vậy để giảm lượng mỡ máu hiệu quả, bạn nên lưu ý một số điều sau:
- Cần xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, bổ sung đầy đủ dưỡng chất và hạn chế các loại đồ ăn không tốt cho sức khỏe như: đồ ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn, đồ ăn cay nóng, đồ chiên rán dầu mỡ,…
- Tích cực vận động có thể giúp bạn giảm cân và kiểm soát chỉ số triglyceride, vì vậy nên luyện tập thể dục thể thao ít nhất 30 phút/ngày vào hầu hết các ngày trong tuần.
- Cần theo dõi lượng chất béo và đường bão hòa thường xuyên, để có kế hoạch kiểm soát mức cholesterol và chất béo trung tính hiệu quả.
- Nếu chế độ ăn kiêng và tập thể dục của bạn không đủ để giảm cholesterol, hãy hỏi ý kiến bác sĩ về việc dùng thuốc.
- Bệnh tiểu đường cũng là một trong các nguyên nhân có thể dẫn tới tăng nồng độ triglyceride, vì vậy cần hết sức chú ý nếu bạn mắc bệnh tiểu đường.
- Sinh hoạt, làm việc và nghỉ ngơi điều độ cũng hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bạn. Giữ tâm trạng thoải mái, tránh xa stress cũng là cách hạ triglyceride hiệu quả.
Trên đây là câu trả lời cho câu hỏi “uống gì để giảm triglyceride”. Hy vọng với các công thức đơn giản như trên, bạn có thể chế biến ra loại đồ uống vừa ngon miệng, vừa giúp giảm mỡ máu hiệu quả. Ngoài ra, hãy kết hợp cùng các bài tập thể dục để nâng cao sức khỏe, giữ gìn vóc dáng cân đối khỏe mạnh.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!