Mổ Hở Lấy Sỏi Thận Là Phương Pháp Gì? Đánh Giá Ưu Nhược Điểm

Hiện nay có rất nhiều phương pháp giúp loại bỏ sỏi thận một cách nhanh chóng, hiệu quả. Tuy nhiên mổ hở lấy sỏi thận vẫn được áp dụng và cực kỳ hiệu quả trong nhiều trường hợp bệnh. Vậy, phương pháp này là gì và có những ưu – nhược điểm nào?

Mổ hở lấy sỏi thận là phương pháp gì? Khi nào nên áp dụng?

Sỏi thận được hình thành khi lượng nước tiểu giảm và nồng độ chất khoáng tăng cao. Sau đó nước tiểu lắng đọng lại ở thận, bàng quang, niệu quản,… và lâu ngày hình thành những tinh thể rắn.

Sỏi nhỏ có thể được nước tiểu tống ra ngoài hoặc sử dụng các biện pháp điều trị nội khoa. Tuy nhiên đối với sỏi to thì rất khó dùng thuốc tan sỏi mà cần can thiệp bằng các phương pháp ngoại khoa. Tình trạng bệnh cần có biện pháp điều trị sớm, nếu không sẽ gây tắc nghẽn đường tiểu và ảnh hưởng tới chức năng thận.

Hiện nay, có rất nhiều phương pháp điều trị sỏi thận ít xâm lấn như: Phương pháp tán sỏi qua da, tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi nội soi ống mềm, tán sỏi nội soi ngược dòng,… Tuy nhiên, phương pháp mổ hở lấy sỏi thận vẫn được chỉ định trong một số trường hợp sau:

  • Trường hợp mắc sỏi san hô phức tạp hoặc nhiều viên hoặc sỏi có đường kính > 2,5cm nằm trong xoang mà không có chỉ định tán sỏi.
  • Sỏi thận và sỏi niệu quản có ở nhiều vị trí, sỏi niệu quản đi kèm hẹp niệu quản dưới sỏi, lao tiết niệu, u niệu quản, viêm xơ hóa sau phúc mạc hoặc niệu quản nằm sau tĩnh mạch chủ dưới, sau động mạch chậu, được lấy sỏi kết hợp tạo hình niệu quản hẹp.
  • Sỏi thận đi kèm với tình trạng dị dạng đường tiết niệu như trào ngược bàng quang – niệu quản hoặc phình to niệu quản.
  • Sỏi thận đã gây ra biến chứng ứ nước, ứ mủ thận, nhiễm trùng.
  • Trong khi phẫu thuật mổ hở phát hiện sỏi thận niệu quản di chuyển hoặc chưa lấy được hết sỏi.
Mổ hở lấy sỏi thận được áp dụng trong trường hợp sỏi lớn hoặc ở nhiều vị trí
Mổ hở lấy sỏi thận được áp dụng trong trường hợp sỏi lớn hoặc ở nhiều vị trí

Quy trình mổ hở lấy sỏi thận

Quy trình thực hiện phương pháp mổ hở lấy sỏi thận được các bác sĩ thực hiện theo các bước sau đây:

Chuẩn bị trước khi mổ

Trước khi tiến hành mổ, bác sĩ cần thực hiện thăm khám và chẩn đoán tình trạng sỏi cho bệnh nhân. Trường hợp có thể áp dụng phương pháp mổ hở sẽ được chỉ định các bước chuẩn bị như sau:

  • Trước khi mổ, người bệnh cần tiến hành làm đầy đủ các xét nghiệm cơ bản và đánh giá chức năng 2 bên thận.
  • Thực hiện siêu âm hoặc chụp cắt lớp để đánh giá số lượng, hình dạng sỏi và mức độ ảnh hưởng của sỏi và các bệnh lý tiết niệu khác (nếu có) đến chức năng thận, đường tiết niệu.
  • Người bệnh cần được điều trị ổn định các bệnh nội khoa khác như tăng huyết áp, đái tháo đường,.. trước khi thực hiện phẫu thuật, trừ trường hợp sỏi gây biến chứng khẩn cấp cần phải cấp cứu.
  • Người bệnh cần thụt tháo, nhịn ăn và vệ sinh vùng phẫu thuật cũng như toàn thân.
  • Tiêm kháng sinh dự phòng trước mổ để phòng ngừa nguy cơ nhiễm trùng.

Các bước tiến hành mổ hở lấy sỏi thận

Các bước phẫu thuật lấy sỏi:

Bước 1: Tư thế bệnh nhân

  • Bác sĩ hướng dẫn bệnh nhân nằm nghiêng 90 độ, chân dưới co, chân trên duỗi, kê gối độn dưới thắt lưng.
  • Sau đó tiến hành gây mê nội khí quản và gây tê tủy sống.

Bước 2: Thực hiện phẫu thuật

  • Tiến hành mở ổ bụng theo đường sườn thắt lưng vào khoang sau phúc mạc sao cho bộc lộ thận niệu quản.
  • Căn cứ vào vị trí sỏi mà tiến hành mở bể thận – niệu quản hay nhu mô thận. Sau đó tiến hành bơm hút rửa bể thận để lấy những mảnh sỏi nhỏ.

Bước 3: Kiểm tra và lấy sỏi ở khu vực xung quanh

  • Bác sĩ tiến hành kiểm tra sỏi ở những vị trí khác (nếu có) như ở đài thận nhỏ, niệu quản dưới. Nếu không thể lấy hết được thì sẽ dùng ống soi mềm để quan sát và tán sỏi bằng laser và bơm rửa sỏi ra khỏi cơ thể.
  • Tiếp theo kiểm tra sự lưu thông từ niệu quản xuống bàng quang, đặt ống thông JJ, sau đó thực hiện khâu lại nhu mô và bể thận bằng chỉ tiêu chậm.
  • Trong trường hợp bệnh nhân có mắc kèm các bệnh như hẹp khúc nối bể thận – niệu quản thì cần tiến hành tạo hình lại bể thận – niệu quản.
Kiểm tra và lấy sỏi ở khu vực xung quanh
Kiểm tra và lấy sỏi ở khu vực xung quanh

Bước 4: Làm sạch và khâu

  • Sau khi lấy hết sỏi cần làm sạch ổ mổ, đặt dẫn lưu ổ mở.
  • Kiểm tra ổ bụng và đếm lại gạc mổ.
  • Cuối cùng tiến hành khâu và băng lại vết  mổ.

Kiểm tra sau khi mổ hở lấy sỏi thận

Sau khi mổ, bệnh nhân cần được theo dõi và tiến hành các bước thăm khám để xác định tình trạng an toàn. Thông thường bệnh nhân cần được nằm viện và  thực hiện theo dõi sức khỏe như sau:

  • Bệnh nhân được theo dõi huyết động, tình trạng ổ bụng, dấu hiệu đau sau mổ, số lượng và màu sắc nước tiểu, tình trạng lưu thông tiêu hóa xem có vấn đề gì bất thường hay không.
  • Tiêm kháng sinh dự phòng bằng kháng sinh phối hợp nhóm cephalosporin và quinolon trong khoảng 5 – 7 ngày.
  • Theo dõi dẫn lưu ổ bụng như màu sắc, số lượng dịch. Và cần rút dẫn lưu ổ mổ  2 – 3 sau mổ. Nếu phát hiện rò nước tiểu sau mổ > 50ml nước tiểu/ngày và kéo dài cần có biện pháp xử lý kịp thời.
  • Rút sonde dẫn tiểu sau 2 – 3 ngày mổ hở lấy sỏi thận.
  • Mổ hở sỏi thận bao lâu thì lành? Nếu tình trạng sức khỏe và vết mổ ổn định, bệnh nhân được ra viện sau 5 – 7 ngày và hẹn tái khám sau 2 – 4 tuần. Khi tái khám, bác sĩ tiến hành siêu âm, chụp X-quang đánh giá sự phục hồi của thận và thực hiện nội soi bàng quang rút sonde niệu quản.

Ưu – nhược điểm phương pháp mổ hở lấy sỏi

Mổ hở lấy sỏi thận có ưu và nhược điểm như sau:

Ưu điểm: Có thể đưa sỏi ra khỏi cơ thể nhanh chóng nhất là các loại sỏi có kích thước lớn hoặc sỏi có mức độ nguy hiểm cao như sỏi san hô.

Nhược điểm: 

  • Có thể xuất hiện các biến chứng sau mổ soi thận như: Có thể bị chảy máu do tổn thương mạch thận, động mạch chủ, nhu mô thận khi đó cần khâu để cầm máu; Bị rách phúc mạc, tổn thương các tạng xung quanh như ruột non, đại tràng, bác sĩ cần phối hợp với phẫu thuật viên tiêu hóa để xử lý.
  • Xuất hiện một số biến chứng khác sau khi mổ: Rách, bục chỉ khâu dẫn đến hở vết mổ và chảy máu nhiều sau mổ, biện pháp khắc phục là mổ lại để kiểm tra và cầm máu; Tụ dịch hoặc áp xe: Khối dịch < 5cm thì có thể dẫn lưu dưới siêu âm để xử lý, nếu khối dịch lớn hơn 5cm thì cần mổ lại để dẫn lưu và làm sạch; Rò nước tiểu: Trường hợp sonde dẫn tiểu bị tắc hoặc gập thì tiến hành đặt lại, nếu không khắc phục được hoàn toàn thì phẫu thuật để xử lý chỗ rò.
  • Mổ hở là phương dễ để lại sẹo gây mất thẩm mỹ.
  • Phương pháp này khiến bệnh nhân lâu hồi phục sức khỏe, tình trạng đau kéo dài.
Bệnh nhân mổ hở có thời gian nằm viện và hồi phục lâu hơn so với phương pháp khác
Bệnh nhân mổ hở có thời gian nằm viện và hồi phục lâu hơn so với phương pháp khác

Do có nhiều nhược điểm như trên do đó hiện nay phương pháp mổ hở được thay thế bằng các phương pháp tán sỏi ít xâm lấn khác. Trong trường hợp không thực sự cần thiết bác sĩ cũng khuyến cáo không nên lựa chọn thực hiện.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Ẩn

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android