Top Các Loại Thuốc Chữa Mất Ngủ Hiệu Quả An Toàn

Các loại thuốc chữa mất ngủ thường được sử dụng để điều trị các rối loạn giấc ngủ thường gặp như khó ngủ, giấc ngủ đến muộn, ngủ chập chờn, dễ thức giấc giữa đêm,… Bác sĩ sẽ dựa vào biểu hiện lâm sàng, độ tuổi, tình trạng sức khỏe và khả năng đáp ứng của từng trường hợp để chỉ định loại thuốc phù hợp.

thuốc chữa mất ngủ
Tìm hiểu các loại thuốc chữa mất ngủ được sử dụng phổ biến nhất hiện nay

Các loại thuốc chữa mất ngủ an toàn, phổ biến hiện nay

Mất ngủ là tình trạng cơ thể khó chìm vào giấc ngủ, có cảm giác buồn ngủ nhưng không ngủ được, ngủ chập chờn, ngủ không sâu giấc,… Tình trạng này có thể là hệ quả do não bộ căng thẳng quá mức, cơ thể suy nhược, ảnh hưởng của tuổi tác, cao huyết áp, tiểu đường và một số nguyên nhân, yếu tố tác động khác.

Giấc ngủ có vai trò quan trọng đối với việc phục hồi các cơ quan trong cơ thể sau một ngày học tập và làm việc mệt mỏi. Chất lượng giấc ngủ suy giảm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tổng thể nói chung và hoạt động của các cơ quan nói riêng. Hơn nữa, mất ngủ kéo dài còn tăng nguy cơ mắc các bệnh lý mãn tính như cao huyết áp, tiểu đường type 2, thoái hóa thần kinh và các vấn đề tim mạch.

Đối với những trường hợp mất ngủ mãn tính hoặc chất lượng giấc ngủ không được cải thiện khi điều chỉnh lối sống, bác sĩ có thể cân nhắc về việc sử dụng thuốc. Thuốc chữa mất ngủ được chia thành 2 nhóm chính bao gồm thuốc Tây và thuốc thảo dược.

Dưới đây là 10 loại thuốc được sử dụng để điều trị chứng mất ngủ phổ biến nhất hiện nay:

1. Diazepam – Thuốc chữa mất ngủ phổ biến

Diazepam (biệt dược Seduxen) là một trong những loại thuốc chữa mất ngủ phổ biến. Loại thuốc này thuộc nhóm 1,4 benzodiazepin có tác dụng chính là an thần, gây ngủ, giảm lo âu, kích động và căng thẳng thần kinh. Bên cạnh đó, Diazepam còn có tác dụng thư giãn cơ bắp và chống co giật.

Cơ chế của loại thuốc này là liên kết đặc hiệu với các thụ thể trên hệ thần kinh trung ương và ngoại vi. Sau đó, các thụ thể benzodiazepin ở hệ thần kinh liên kết chức năng với thụ thể gamma amino butyric acid (GABA) nhằm tăng tác dụng tác dụng của GABA và tạo ra cảm giác thư giãn.

Loại thuốc này được sử dụng để điều trị mất ngủ và cải thiện trạng thái kích động, lo âu. Trong trường hợp trầm cảm có các trạng thái căng thẳng, kích động, rối loạn lo âu, bác sĩ thường chỉ định Diazepam cùng với thuốc chống trầm cảm. Bên cạnh đó, Diazepam còn được sử dụng để gây mê trước khi phẫu thuật, dùng trong điều trị cơ co cứng do thần kinh ngoại biên hoặc do não bộ.

thuốc chữa mất ngủ
Diazepam (biệt dược Seduxen) là thuốc được dùng phổ biến trong điều trị bệnh mất ngủ

Chống chỉ định:

  • Quá mẫn với bất cứ thành phần nào trong thuốc
  • Trường hợp có tiền sử dị ứng với nhóm thuốc benzodiazepine
  • Suy hô hấp nặng
  • Nhược cơ
  • Bệnh nhân loạn thần mãn tính
  • Không sử dụng đơn độc trong điều trị trầm cảm hoặc lo âu kết hợp với trầm cảm. Sử dụng thuốc đơn độc có thể thúc đẩy hành vi và suy nghĩ tự sát ở bệnh nhân.
  • Không dùng cho trường hợp có người thân chết vì loại thuốc này có thể gây ức chế trong việc điều chỉnh tâm lý
  • Không sử dụng đồng thời với các benzodiazepine khác vì có thể gây ra chứng quên

Thuốc Diazepam chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn với liều điều trị thông thường. Ở những trường hợp sử dụng thuốc trong thời gian dài, cần cân nhắc về nguy cơ nghiện thuốc.

2. Thuốc trị mất ngủ chứa Bromazepam

Các loại thuốc chứa Bromazepam (Lexotan, Lexomil) thường được sử dụng trong điều trị rối loạn giấc ngủ. Hoạt chất này là một trong những loại thuốc bình thần thuộc nhóm benzodiazepine với tác dụng chính là gây ngủ, an thần, giãn cơ nhẹ và chống lo âu. Tương tự Diazepam, Bromazepam có thể gây ra tình trạng phụ thuộc và quen thuốc nếu lạm dụng trong thời gian dài.

Ngoài ra, thuốc Bromazepam còn được dùng trong điều trị ngắn hạn tình trạng hoảng loạn, lo âu, cải thiện các triệu chứng cai thuốc phiện và cai rượu, rối loạn chức năng hệ tiết niệu, rối loạn chức năng hệ tiêu hóa, tim mạch và hô hấp.

thuốc chữa mất ngủ
Bromazepam là một trong những thuốc bình thần thuộc nhóm benzodiazepine

Chống chỉ định:

  • Không sử dụng cho người có tiền căn dị ứng với Bromazepam hoặc các benzodiazepine khác

Người bị nhược cơ nên thận trọng khi sử dụng Bromazepam vì thuốc có thể làm nghiêm trọng các triệu chứng của bệnh lý này. Bên cạnh đó, cần tránh điều khiển phương tiện giao thông, vận hành máy móc và đưa ra quyết định quan trọng trong thời gian sử dụng thuốc.

3. Thuốc chữa bệnh mất ngủ Phenobarbital

Phenobarbital là thuốc chống co giật thuộc nhóm barbiturate. Thuốc có tác dụng chính là chống co giật, gây mê, an thần và gây ngủ. Cơ chế chính của loại thuốc này là tăng cường tác dụng ức chế synap của GABA (gamma aminobutyric) ở não bộ nhằm tạo ra cảm giác thư giãn và buồn ngủ.

Ngoài tác dụng điều trị mất ngủ, thuốc Phenobarbital còn được dùng để điều trị động kinh giật cơ, động kinh cục bộ và các cơn động kinh lớn (không dùng cho động kinh cơn nhỏ), phòng ngừa co giật do sốt cao tái phát ở trẻ em, chứng không tan huyết bẩm sinh, chứng tăng bilirubin huyết không liên hợp bẩm sinh và một số bệnh lý khác.

thuốc chữa mất ngủ
Thuốc Phenobarbital có tác dụng chính là chống co giật, gây mê, an thần và gây ngủ

Chống chỉ định:

  • Quá mẫn với Phenobarbital hoặc các loại thuốc bình thần thuộc nhóm barbiturate
  • Suy gan nặng
  • Suy hô hấp nặng (có tắc nghẽn hoặc khó thở)
  • Rối loạn chuyển hóa porphyrin

Người bị trầm cảm, suy thận, bệnh nhân cao tuổi và người có tiền sử nghiện rượu, nghiện ma túy nên thận trọng khi sử dụng loại thuốc này. Tương tự các loại thuốc chữa mất ngủ khác, Phenobarbital có thể gây ra tình trạng lệ thuộc nếu lạm dụng trong thời gian dài.

4. Pentobarbital – Thuốc an thần, gây ngủ

Pentobarbital (hay còn gọi là Pentobarbital) là loại thuốc bình thần nhóm barbiturate. Thuốc được dùng để trị chứng mất ngủ, kiểm soát co giật trong trường hợp khẩn cấp và thôi miên trong thời gian ngắn.

Bên cạnh đó, thuốc cũng được sử dụng để làm giảm áp lực nội sọ ở bệnh nhân khởi phát hôn mê do thiếu máu não, hội chứng Reye và chấn thương sọ não. Tuy nhiên hiện nay, thuốc Pentobarbital chủ yếu được dùng trong điều trị ngắn hạn chứng mất ngủ.

Cơ chế chính của thuốc là giảm khả năng dẫn canxi thần kinh nhạy cảm với gCa (GABA) nhằm tăng cường cấp tính tác dụng ức chế của GABAergic.

Chống chỉ định:

  • Không sử dụng cho các trường hợp quá mẫn với Pentobarbital
  • Tiền sử rối loạn chuyển hóa porphyrin

5. Eszopiclone – Thuốc chữa rối loạn giấc ngủ

Thuốc Eszopiclone được sử dụng trong điều trị ngắn hạn chứng mất ngủ (mất ngủ thứ phát, mất ngủ tạm thời, khó ngủ, hay thức giấc giữa đêm,…). Thuốc được dùng ở liều thấp nhất có đáp ứng và bệnh nhân cần uống thuốc ở tư thế đứng trước khi đi ngủ để giảm nguy cơ phát sinh tác dụng phụ.

Cơ chế chính xác của loại thuốc này vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên một số nghiên cứu cho thấy, hiệu quả của thuốc là kết quả là của sự tương tác với thụ thể GABA hoặc kết hợp thụ thể benzodiazepine ở não bộ.

thuốc chữa mất ngủ
Thuốc Eszopiclone được sử dụng trong điều trị ngắn hạn chứng mất ngủ ở người trưởng thành

Chống chỉ định:

  • Quá mẫn với bất cứ thành phần nào trong thuốc
  • Trẻ nhỏ
  • Người bị suy gan nặng
  • Hội chứng ngưng thở nặng khi ngủ
  • Suy hô hấp
  • Nhược cơ nặng

Thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như miệng có vị kim loại/ vị đắng và rối loạn tiêu hóa có mức độ nhẹ (khô miệng, đau đầu, ngủ gật, chóng mặt, buồn nôn và nôn mửa). Để giảm thiểu tác dụng phụ, chỉ nên sử dụng loại thuốc này trong tối đa 4 tuần hoặc hơn nếu có chỉ định của bác sĩ. Lạm dụng trong thời gian dài có thể gây ra tình trạng lệ thuộc thuốc và phát sinh các phản ứng bất lợi có mức độ nghiêm trọng.

6. Thuốc trị mất ngủ chứa Zolpidem

Zolpidem là một trong những loại thuốc chữa chứng mất ngủ được sử dụng phổ biến. Loại thuốc này có tác dụng nhanh và ngắn với tác dụng chính là gây ngủ, rút ngắn thời gian bắt đầu ngủ, giúp duy trì giấc ngủ sâu, ngủ ngon và kéo dài thời gian ngủ.

Zolpidem là dẫn xuất của imidazopyridine có cơ chế hoạt động phức tạp. Một số nghiên cứu lâm sàng cho thấy, Zolpidem có tác dụng gây ngủ mạnh và có thể gây ra tình trạng lạm dụng thuốc nếu sử dụng trong thời gian dài. Loại thuốc này chủ yếu được dùng cho người trưởng thành, không chỉ định cho trẻ em và thiếu niên bị chứng mất ngủ.

thuốc chữa mất ngủ
Thuốc Zolpidem có tác dụng rút ngắn thời gian bắt đầu ngủ, giúp duy trì giấc ngủ sâu và ngon giấc

Chống chỉ định:

  • Quá mẫn với bất cứ thành phần nào trong thuốc
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính
  • Ngưng thở khi ngủ
  • Suy hô hấp cấp
  • Chứng nhược cơ
  • Loạn thần
  • Suy thận, suy gan nặng
  • Phụ nữ mang thai và cho con bú

Thuốc ngủ Zolpidem được dùng trong 2 – 3 tuần và chỉ được sử dụng hơn thời gian này khi có chỉ định của bác sĩ. Tương tự như các loại thuốc điều trị mất ngủ khác, Zolpidem có thể thúc đẩy suy nghĩ và hành vi tự tử ở bệnh nhân trầm cảm hoặc trầm cảm kết hợp với lo âu nếu sử dụng đơn độc.

7. Thuốc điều trị chứng mất ngủ Zaleplon

Zaleplon là thuốc an thần thế hệ mới (Z-drugs hay còn gọi là nonbenzodiazepin) có thể khắc phục các mặt hạn chế của các nhóm thuốc an thần thế hệ cũ như tình trạng lệ thuộc thuốc của nhóm benzodiazepine và tình trạng quen thuốc của nhóm phenobarbital.

Zaleplon hoạt động bằng cách tác động lên thụ thể GABA-A (chủ yếu ở type 1) nhằm tạo ra tác dụng an thần và gây ngủ. Do tác dụng phụ thấp hơn so với benzodiazepine nên loại thuốc này có thể sử dụng trong vòng vài tháng mà không gây ra tai biến hay tác dụng phụ nghiêm trọng.

Tuy nhiên trên thực tế, thuốc Zaleplon và các loại thuốc ngủ thế hệ mới khác như Eszopiclone và Zolpidem vẫn có nguy cơ gây lệ thuộc thuốc nếu sử dụng lâu dài. Hơn nữa ngưng thuốc đột ngột có thể gây ra một số phản ứng nghịch như co giật, mê sảng và các triệu chứng có mức độ nghiêm trọng khác.

Ngoài ra, thuốc còn có thể gây ra một số trạng thái tâm thần phức tạp như mất điều hòa (dễ té ngã, giảm phối hợp vận động và khả năng vận động), hoảng sợ, thay đổi suy nghĩ, suy giảm trí nhớ, tăng tính dục, đau đầu, mất nhân cách, có các hành vi bất thường,…

thuốc chữa mất ngủ
Zaleplon là thuốc an thần thế hệ mới (Z-drugs hay còn gọi là nonbenzodiazepin)

Chống chỉ định thuốc:

  • Phụ nữ mang thai, cho con bú
  • Ngưng thở khi ngủ
  • Quá mẫn với bất cứ thành phần nào trong thuốc
  • Suy hô hấp nặng
  • Suy gan nặng

Không sử dụng đồng thời Zaleplon với rượu bia, đồ uống chứa cồn và các loại thuốc ức chế thần kinh trung ương khác. Ngoài ra, cần theo dõi người cao tuổi trong suốt thời gian sử dụng thuốc vì thuốc có thể gây té ngã dẫn đến chấn thương và đe dọa đến tính mạng.

8. Một số loại thuốc kháng histamine H1

Các loại thuốc kháng histamine H1 thường được dùng để điều trị chứng dị ứng và say tàu xe. Tuy nhiên một số loại thuốc kháng histamine như Promethazine và Diphenhydramin còn được dùng để điều trị chứng mất ngủ. Hai loại thuốc này có tác dụng an thần đáng kể nên có thể cải thiện tình trạng mất ngủ, khó ngủ, ngủ không sâu giấc và ngủ chập chờn.

So với các loại thuốc an thần, thuốc kháng histamine H1 có độ an toàn cao và ít khi phát sinh các tác dụng phụ nguy hiểm. Tuy nhiên loại thuốc này có thể gây ra phản ứng bất lợi đối với người có tăng nhãn áp góc hẹp, người bị nhược cơ, hẹp môn vị, tắc bàng quang và phì đại tuyến tiền liệt. Bên cạnh đó, không được sử dụng thuốc đồng thời với rượu và các loại thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương khác.

thuốc chữa mất ngủ
Diphenhydramin là một trong những loại thuốc kháng histamine H1 có tác dụng an thần, gây ngủ

Chống chỉ định:

  • Quá mẫn với bất cứ thành phần nào trong thuốc
  • Trẻ sơ sinh
  • Hen suyễn

Thuốc kháng histamine H1 được sử dụng để điều trị mất ngủ có thể gây ra một số tác dụng phụ như mệt mỏi, choáng váng, giảm khả năng phối hợp và suy giảm hệ thần kinh trung ương. Ngoài ra thuốc cũng có thể gây táo bón, mờ mắt, khô miệng và đau đầu.

9. Cây nữ lang – Vị thuốc trị mất ngủ an toàn, hiệu quả

Bên cạnh thuốc Tây y, các thảo dược tự nhiên có tác dụng an thần, gây ngủ cũng được ứng dụng trong điều trị chứng mất ngủ. So với thuốc Tây, thuốc ngủ thảo dược có độ an toàn cao, ít gây ra tình trạng phụ thuộc và lệ thuộc nếu sử dụng dài ngày.

thuốc chữa mất ngủ
Cây nữ lang – Vị thuốc thuốc chữa mất ngủ an toàn và hiệu quả

Cây nữ lang là một trong những loại thảo dược có tác dụng chống co thắt, giảm đau và an thần. Hiện nay, thảo dược này đã được ứng dụng trong nhiều chế phẩm hỗ trợ điều trị các rối loạn giấc ngủ ở người trưởng thành. Tinh dầu từ cây nữ lang có tác dụng thư giãn cơ, giải phóng hoạt động co thắt của cơ trơn, giảm độ hưng phấn của phản xạ thần kinh và tăng cường hoạt động ức chế vỏ đại não.

Để giảm chứng mất ngủ, bạn có thể sử dụng các viên uống bổ sung chứa chiết xuất từ cây nữ lang hoặc có thể dùng 10 – 15g dược liệu sắc uống hằng ngày.

10. Lá vông nem chữa chứng mất ngủ

Lá vông nem thường được dùng để gói bánh hoặc dùng như một loại rau ăn. Bên cạnh đó, thảo dược này còn được sử dụng trong bài thuốc điều trị kinh nguyệt không đều, rong kinh, phong tê thấp và cải thiện chứng mất ngủ.

Các nghiên cứu khoa học đều nhận thấy, lá vông nem có tác dụng gây ngủ, hạ huyết áp, hạ thân nhiệt, trấn tĩnh và ức chế hệ thần kinh trung ương. Vì vậy, sử dụng thảo dược này có thể giúp ngủ ngon, giảm tình trạng giấc ngủ đến muộn, ngủ không sâu giấc và thường xuyên thức giấc giữa đêm.

Hiện nay trên thị trường có khá nhiều sản phẩm cải thiện chất lượng giấc ngủ chứa lá vông nem. Bạn có thể cân nhắc về bảng thành phần và giá cả để lựa chọn được sản phẩm phù hợp. Hoặc có thể dùng lá vông nem phơi khô và hãm lấy nước uống trước khi đi ngủ.

Một số lưu ý khi dùng thuốc chữa bệnh mất ngủ

Thuốc chữa mất ngủ được sử dụng để điều trị các rối loạn giấc ngủ thường gặp như khó ngủ, giấc ngủ đến muộn, ngủ không sâu giấc, ngủ chập chờn,… Mặc dù có hiệu quả nhanh và mạnh nhưng các loại thuốc này có thể gây ra tác dụng phụ nếu thiếu thận trọng khi sử dụng.

thuốc chữa mất ngủ
Để đảm bảo an toàn, nên tham vấn y khoa trước khi sử dụng các loại thuốc chữa mất ngủ

Vì vậy khi dùng thuốc chữa mất ngủ, cần lưu ý một số thông tin sau:

  • Chỉ sử dụng thuốc Tây điều trị mất ngủ theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý sử dụng khi chưa tham vấn y khoa.
  • Các loại thuốc thảo dược như lá vông nem và cây nữ lang có độ an toàn cao và phù hợp với nhiều đối tượng. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, bạn nên tham khảo ý kiến thầy thuốc hoặc đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng.
  • Đa số các loại thuốc chữa mất ngủ đều gây ức chế hệ thần kinh trung ương. Vì vậy trong thời gian sử dụng thuốc, nên tránh điều khiển phương tiện giao thông, vận hành máy móc, làm việc trên cao và đưa ra những quyết định quan trọng.
  • Tác dụng an thần của các loại thuốc Tây và thảo dược có thể tăng lên nếu sử dụng đồng thời với thuốc kháng histamine H1, rượu bia và chất kích thích. Vì vậy không nên sử dụng đồng thời với các loại thuốc và thức uống nói trên.
  • Các loại thuốc trị mất ngủ chỉ đem lại hiệu quả nếu sử dụng đúng liều lượng trong thời gian được chỉ định. Sử dụng quá liều có thể gây chậm nhịp thở, nhìn mờ, giảm khả năng nhận thức hoặc thậm chí gây mất ý thức, hôn mê và tử vong. Trong trường hợp lạm dụng dài ngày, thuốc có thể gây ra tình trạng lệ thuộc và quen thuốc.
  • Không tự ý ngưng thuốc đột ngột hoặc hiệu chỉnh liều lượng khi chưa có chỉ định.
  • Thông báo với bác sĩ nếu gặp phải tác dụng phụ khi dùng thuốc – kể cả những triệu chứng có mức độ nhẹ.
  • Nên ưu tiên sử dụng thuốc ngủ được chiết xuất từ thảo dược trước khi dùng thuốc ngủ đặc hiệu.
  • Phụ nữ mang thai, cho con bú, người cao tuổi, suy giảm chức năng gan, thận hoặc có các vấn đề sức khỏe đặc biệt nên tham vấn y khoa trước khi sử dụng thuốc điều trị mất ngủ.
  • Để hỗ trợ hiệu quả của thuốc và giảm nguy cơ lạm dụng, lệ thuộc, nên phối hợp việc dùng thuốc với một số biện pháp như giảm thời gian làm việc, tập thể dục thường xuyên, áp dụng liệu pháp mùi hương, tránh ăn tối quá no, hạn chế dùng rượu bia, cà phê, chất kích thích,…

Bài viết đã tổng hợp các loại thuốc chữa mất ngủ được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Tuy nhiên thông tin trên chỉ có giá trị tham khảo, không thay thế cho chỉ định của dược sĩ/ bác sĩ. Vì vậy trước khi dùng các loại thuốc này, bạn nên tham vấn y khoa để được tư vấn cụ thể về loại thuốc, liều lượng và thời gian sử dụng.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Ẩn

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android