9+ Thuốc Chữa Viêm Xoang Hiệu Quả
Các biện pháp y tế nhằm giảm viêm xoang thường bao gồm việc sử dụng thuốc. Các loại thuốc trị viêm xoang được sử dụng nhằm cải thiện tình trạng viêm và phù nề trên niêm mạc hô hấp, cũng như bình thường hóa quá trình lưu thông của mũi – xoang. Khi bệnh nhân tìm kiếm sự tư vấn y tế, bác sĩ sẽ đưa ra đề xuất về việc sử dụng thuốc dựa trên nguyên nhân và triệu chứng cụ thể mà bệnh nhân đang gặp phải.
TOP 9+ Loại thuốc trị viêm xoang tốt nhất
Viêm xoang là tình trạng mô xoang bị viêm, phù nề do nhiều tác nhân khác nhau như nấm mốc, virus, vi khuẩn và các chất gây dị ứng, kích ứng. Mô xoang có vai trò chính là dẫn lưu dịch tiết. Chính vì vậy khi cơ quan này bị phù nề và viêm sưng, dịch có thể ứ đọng, tắc nghẽn dẫn đến các triệu chứng khó chịu như nghẹt mũi, sổ mũi, nặng vùng mắt, hắt hơi, ho, đau đầu, ứ đờm ở cổ họng,…
Viêm xoang là bệnh viêm đường hô hấp trên khá phổ biến, có thể gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Mặc dù ít khi nguy hiểm đến sức khỏe nhưng các triệu chứng của bệnh lý này gây ra nhiều phiền toái và khó chịu khi ăn uống, sinh hoạt, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu suất lao động – học tập và chất lượng cuộc sống.
Điều trị viêm xoang chủ yếu là sử dụng thuốc tại chỗ (thuốc xịt, thuốc nhỏ mũi,…) và thuốc uống. Tuy nhiên trên thực tế, có rất nhiều loại thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh lý này. Bác sĩ sẽ chỉ định thuốc dựa trên nguyên nhân và triệu chứng cụ thể mà bệnh nhân gặp phải.
Dưới đây là 9 nhóm thuốc điều trị viêm xoang thông dụng nhất hiện nay:
1. Thuốc kháng histamin H1 – Điều trị viêm xoang do dị ứng
Thuốc kháng histamin H1 thường được sử dụng để điều trị bệnh viêm xoang do dị ứng (dị ứng nấm mốc, bụi bẩn, phấn hoa, thời tiết,…). Thuốc có tác dụng ức chế chọn lọc với histamin ở thụ thể H1, từ đó làm giảm phóng thích histamin vào mô xoang và một số cơ quan hô hấp khác. Ngoài ra, nhóm thuốc này cũng được sử dụng để điều trị một số bệnh lý có cơ chế dị ứng như viêm mũi dị ứng, mề đay mẩn ngứa và dị ứng thời tiết.
Thuốc kháng histamin H1 tương đối an toàn ở liều điều trị. Tuy nhiên, nhóm thuốc này tác động lên hệ thần kinh trung ương nên có thể gây ra tác dụng an thần (buồn ngủ). Để hạn chế tác dụng ngoại ý, bệnh nhân nên sử dụng các loại thuốc kháng histamin H1 thế hệ 2 như Cetirizine, Ebastine, Desloratadine, Levocetirizine, Loratadin,…
Hiện nay, thuốc kháng histamin H1 không chỉ được bào chế ở dạng uống mà còn được sản xuất dạng xịt và thuốc nhỏ mũi. Vì vậy, bệnh nhân nên trao đổi với bác sĩ/ dược sĩ để được tư vấn loại thuốc phù hợp.
2. Kháng sinh trị viêm xoang do vi khuẩn/ viêm xoang bội nhiễm
Đa phần các trường hợp bị viêm xoang đều xảy ra do dị ứng và nhiễm virus. Tuy nhiên ở một số ít trường hợp, bệnh cũng có thể xảy ra do vi khuẩn. Khác với những nguyên nhân thông thường, viêm xoang do vi khuẩn có triệu chứng nghiêm trọng và dễ gây ra biến chứng nếu không được kiểm soát kịp thời.
Ngoài ra, kháng sinh cũng có thể được sử dụng trong trường hợp viêm xoang bội nhiễm (nhiễm trùng thứ phát do vi khuẩn). Nhóm thuốc này có tác dụng tiêu diệt hoặc kìm hãm sự phát triển của các vi khuẩn gây bệnh, từ đó kiểm soát nhiễm trùng mô xoang và cải thiện các triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên, kháng sinh cần được dùng liên tục trong 8 – 10 ngày hoặc hơn để tránh hiện tượng kháng thuốc.
Các loại kháng sinh được dùng trong điều trị viêm xoang:
- Lựa chọn ưu tiên là kháng sinh nhóm penicillin (Amoxicillin)
- Trường hợp dị ứng với kháng sinh penicillin, bệnh nhân sẽ được thay thế bằng Trimethoprim và Sulfamethoxazole
- Ở bệnh nhân bị kháng thuốc và nhiễm trùng tái phát nhiều lần, thường dùng kháng sinh nhóm cephalosporin hoặc penicillin tổng hợp
Kháng sinh là nhóm thuốc dễ gây dị ứng và có nguy cơ kháng thuốc cao. Vì vậy, bệnh nhân chỉ nên dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra trong trường hợp không có đáp ứng với kháng sinh ban đầu, bác sĩ sẽ yêu cầu lấy bệnh phẩm để soi cấy vi khuẩn và làm kháng sinh đồ.
3. Thuốc co mạch (dạng uống/ dạng xịt)
Thuốc co mạch là một trong những nhóm thuốc được sử dụng phổ biến trong điều trị bệnh viêm xoang. Tác dụng chính của thuốc là làm co mạch, giảm hiện tượng sung huyết ở các mô xoang và niêm mạc hô hấp. Qua đó bình thường hóa quá trình dẫn lưu dịch, làm thông khoang mũi và giảm nhanh các triệu chứng như nghẹt mũi, hắt hơi, nặng vùng mặt,…
Các loại thuốc co mạch (Chlorzoxazone, Naphazoline, Pseudoephedrine, Phenylephrine,…) có thể được dùng ở dạng xịt hoặc uống tùy theo mức độ triệu chứng và khả năng đáp ứng của từng bệnh nhân. Tuy nhiên, nhóm thuốc này có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nên chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn.
Thuốc co mạch dạng xịt/ dạng uống không được dùng cho những đối tượng sau:
- Quá mẫn với bất cứ thành phần nào trong thuốc
- Trẻ em dưới 6 tuổi
- Người bị đau thắt ngực, bệnh mạch vành, cao huyết áp
- Người bị bệnh cường giáp
- Tiểu đường
Cả thuốc co mạch dạng uống và dạng xịt đều có thể gây ra tác dụng phụ trong thời gian sử dụng. Một số tác dụng phụ thường gặp bao gồm nhức đầu, nhìn mờ, run giật, căng thẳng thần kinh, khô miệng, mất ngủ, tăng nhịp tim và tăng huyết áp.
4. Corticoid điều trị tại chỗ (dạng xịt mũi)
Corticoid dạng xịt thường được sử dụng trong điều trị bệnh viêm xoang cấp và viêm xoang mãn tính. Các loại thuốc xịt mũi chứa corticoid (Vancenase, Triamcinolone, Fluticason, Beclomethason, Flunisolide,…) có khả năng ức chế hệ miễn dịch, qua đó cải thiện tình trạng viêm và phù nề ở niêm mạc mũi.
Mục đích chính của việc sử dụng thuốc corticoid tại chỗ là giảm phù nề niêm mạc và đảm bảo cho quá trình lưu thông, dẫn lưu giữa các mô xoang. Thuốc mang lại hiệu quả cao và rõ rệt nhưng chỉ được dùng trong thời gian ngắn để giảm rủi ro và tác dụng phụ.
Như đã đề cập, corticoid hoạt động bằng cách ức chế miễn dịch tại chỗ. Lạm dụng thuốc quá mức có thể làm chậm quá trình phục hồi niêm mạc bị tổn thương, đồng thời gia tăng nhiễm trùng cơ hội (do vi khuẩn, virus và nấm men). Tình trạng này khiến cho quá trình điều trị bị kéo dài, bệnh tiến triển nặng và có nguy cơ phát sinh biến chứng cao.
Một số tác dụng phụ gặp phải khi dùng corticoid dạng xịt:
- Kích ứng niêm mạc mũi
- Khô mũi
- Viêm hoặc loét vách mũi
- Chảy máu cam
- Bội nhiễm vi khuẩn, nấm, virus
5. Thuốc giảm đau, chống viêm giảm trị viêm xoang cấp
Viêm xoang cấp là tình trạng mô xoang bị viêm, phù nề tự giới hạn trong một thời gian ngắn. Mặc dù tiến triển chỉ trong vài ngày nhưng bệnh làm bùng phát triệu chứng đột ngột và ồ ạt. Ngoài các triệu chứng tại chỗ như nghẹt mũi, sổ mũi, nhức đầu, nặng vùng mặt,… viêm xoang cấp còn gây sốt cao và đau nhức cơ thể.
Trong trường hợp này, bệnh nhân có thể dùng các loại thuốc giảm đau, chống viêm như Paracetamol hay các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như Aspirin, Ibuprofen, Diclofenac,… Ngoài tác dụng giảm đau và chống viêm, các loại thuốc này còn giúp cải thiện tình trạng tăng thân nhiệt do viêm xoang cấp gây ra.
Cả Paracetamol và NSAID đều ảnh hưởng đến gan, thận và cơ quan tiêu hóa. Vì vậy, bệnh nhân nên thông báo với dược sĩ/ bác sĩ về tình trạng sức khỏe để được cân nhắc về loại thuốc, liều lượng và thời gian sử dụng. Nếu dùng thuốc mà không có toa của bác sĩ, chỉ nên dùng tối đa trong 5 ngày.
6. Thuốc kháng nấm điều trị viêm xoang do nấm
Viêm xoang do nấm ít gặp hơn so với viêm xoang do virus và vi khuẩn. Các bào tử nấm trong không khí có thể xâm nhập vào mô xoang thông qua đường mũi, họng. Thực tế, viêm xoang do nấm được chia thành nhiều loại. Trong đó, thuốc kháng nấm được sử dụng trong trường hợp viêm xoang do nấm xâm lấn cấp tính.
Viêm xoang do nấm xâm lấn cấp tính thường xảy ra do nấm A. fumigatus và nấm Mucorales. Thuốc kháng nấm thường được sử dụng là Amphotericin B, Itraconazole, Voriconazole,… Tác dụng chính của thuốc là thay đổi tính thấm của màng tế bào và ức chế khả năng sinh sản của nấm men gây bệnh.
Tương tự như kháng sinh, thuốc kháng nấm có nguy cơ kháng thuốc cao. Do đó, bệnh nhân chỉ nên sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ. Trong thời gian điều trị, thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như chán ăn, buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, rét run, rối loạn điện giải, đau đầu và đau cơ.
Một số lưu ý khi dùng thuốc điều trị viêm xoang
Các triệu chứng của bệnh viêm xoang có thể giảm nhanh sau khi sử dụng thuốc. Tuy nhiên, dùng thuốc không đúng cách hoặc lạm dụng quá mức có thể gây ra nhiều rủi ro và tác dụng ngoại ý. Hơn nữa, tự ý sử dụng một số loại thuốc còn làm tăng nguy cơ kháng thuốc trong cộng đồng và gây khó khăn khi điều trị về sau.
Một số lưu ý khi dùng thuốc điều trị bệnh viêm xoang:
- Nên tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn loại thuốc phù hợp. Tự ý dùng thuốc có thể không mang lại hiệu quả cao, đồng thời tăng nguy cơ kháng thuốc và gặp phải tác dụng phụ.
- Trong quá trình thăm khám, nên thông báo với bác sĩ tình trạng sức khỏe và tiền sử bệnh lý để được chỉ định loại thuốc phù hợp. Ngoài ra, cần tuân thủ tuyệt đối chỉ định về liều lượng và thời gian sử dụng để đảm bảo hiệu quả điều trị, tránh rủi ro và tác dụng ngoại ý bùng phát.
- Chú ý các biểu hiện của cơ thể trong thời gian điều trị. Bên cạnh đó, nên chủ động thông báo với bác sĩ nếu triệu chứng không thuyên giảm sau 5 – 7 ngày dùng thuốc.
- Thông báo với bác sĩ tất cả các tác dụng phụ gặp phải trong thời gian điều trị.
- Bên cạnh sử dụng thuốc, bệnh nhân cần kết hợp với các biện pháp chăm sóc như vệ sinh mũi họng đúng cách, uống nhiều nước, giữ ẩm niêm mạc hô hấp và nghỉ ngơi điều độ. Ngoài ra, nên tránh tiếp xúc với không khí lạnh và các yếu tố có khả năng kích ứng cao như phấn hoa, nấm mốc, mạt bụi, hóa chất,…
- Trong trường hợp viêm xoang tái phát nhiều lần, nên khám tổng quát vùng tai mũi họng để phát hiện các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn như lệch vách ngăn, polyp, các ổ viêm tiềm ẩn ở tai, mũi, họng, amidan,…
Sử dụng thuốc là phương pháp chủ yếu trong điều trị bệnh viêm xoang. Tuy nhiên, điều trị chỉ mang lại hiệu quả khi dùng đúng loại thuốc với liều lượng và thời gian được chỉ định. Vì vậy, bệnh nhân cần tìm gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn loại thuốc phù hợp. Tránh tình trạng tự ý dùng thuốc khiến quá trình điều trị không mang lại hiệu quả như mong đợi.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!