Giun Kim: Tác Hại Và Cách Điều Trị, Phòng Ngừa
Giun kim là bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt phổ biến là ở trẻ em. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu về tác hại của giun kim cũng như giải pháp giúp điều trị và phòng ngừa hiệu quả nhất.
Nguyên nhân và tác hại của giun kim là gì?
Giun kim có tên khoa học là Enterobius vermicularis, là một loại giun ký sinh sống chủ yếu tại ruột non, sau đó dần di chuyển đến ruột già. Giun có kích thước khá nhỏ, chỉ khoảng 10mm và có màu trắng đục.
Thời gian sống của giun trưởng thành phần lớn kéo dài từ 1-2 tháng. Giun thường đẻ ra trứng hình bầu dục, giống như hình hạt gạo. Khi ra khỏi cơ thể, trứng có khả năng tồn tại ở môi trường khoảng 2-3 tuần. Vậy nguyên nhân và tác hại của giun kim là gì?
Nguyên nhân gây giun kim
Mặc dù mọi đối tượng đều có thể nhiễm giun kim, thế nhưng trẻ em sẽ là đối tượng có tỷ lệ nhiễm cao hơn cả. Bởi lẽ giun kim xuất hiện trong cơ thể chủ yếu do trứng của giun nhiễm qua đường thức ăn hoặc nước uống. Trong khi đó, trẻ em thường có thói quen cho tay vào miệng sau khi đi vệ sinh rửa tay không sạch sẽ hoặc thói quen chạy nhảy chân đất hàng ngày.
Với một số trường hợp khác, bệnh nhân bị bệnh vì nuốt phải trứng giun trong không khí. Sau khi nuốt phải trứng, trứng sẽ nở trong tá tràng, trở thành ấu trùng giun và di chuyển xuống manh tràng rồi tiếp tục phát triển. Chúng sẽ bám vào niêm mạc của manh tràng cũng như tại những đoạn ruột. Tại vị trí này, giun đực sẽ giao phối với giun cái rồi chết đi còn giun cái sẽ đi ra rìa của hậu môn để đẻ trứng.
Sau một khoảng thời gian ngắn, các ấu trùng của giun sẽ phát triển ở nếp nhăn của hậu môn, tiếp tục di chuyển ngược trở lại và phát triển tại đường ruột rồi gây bệnh.
Xem thêm: Tác Hại Của Giun Móc Câu Đến Sức Khỏe
Tác hại của giun kim
Khi cơ thể bị nhiễm loại giun này, một số tác hại của giun kim gồm có:
- Đối với trẻ em, giun là nguyên nhân gây tổn thương lớp niêm mạc ở ruột và gây rối loạn tiêu hóa. Từ đây, trẻ thường ngủ không ngon, biếng ăn. Về lâu dài trẻ sẽ chậm lớn, rối loạn thần kinh, thường xuyên đái dầm hoặc suy dinh dưỡng.
- Nếu giun đi vào ruột thừa sẽ thường gây viêm nhiễm, khiến bệnh nguy hiểm hơn. Trong một số trường hợp, giun xâm nhập vào niệu đạo hoặc cơ quan sinh dục của phụ nữ dẫn đến viêm âm đạo, rối loạn kinh nguyệt hoặc rối loạn tiểu tiện.
- Ngoài ra, một trong những tác hại của giun kim là xâm nhập vào phổi, thực quản, hốc mũi,… dẫn đến viêm nhiễm. Khi bị nhân gãi liên tục sẽ khiến da bị trầy xước, thậm chí là nhiễm trùng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
Dấu hiệu nhận biết cơ thể đã nhiễm giun kim
Sau khi tìm hiểu những tác hại của giun kim, chúng ta hãy cùng điểm qua một số dấu hiệu nhận biết căn bệnh này.
Thực tế, phần lớn các trường hợp bị nhiễm giun kim thường ít xuất hiện triệu chứng rõ rệt nên rất khó phát hiện. Tuy nhiên, triệu chứng điển hình và dễ nhận biết nhất của bệnh là ngứa ngáy ở vùng hậu môn, đặc biệt là vào ban đêm. Bởi lẽ thời điểm này, giun cái sẽ mò ra rìa hậu môn để đẻ trứng khiến vùng da ở hậu môn bị kích thích gây ngứa ngáy, khó chịu. Đặc biệt, một số người khi đang ngủ còn có cảm giác giun đang bò ra từ hậu môn.
Với trẻ em, khi mắc bệnh trẻ thường biếng ăn, ăn không tiêu, hay buồn nôn và đau bụng âm ỉ. Khi ngủ, trẻ thường hay bứt rứt khiến giấc ngủ không sâu, dễ bị tỉnh dậy và khóc đêm. Đồng thời, giun cũng làm cho phân của trẻ bị nát hoặc lỏng, trong một số trường hợp có dính máu hoặc chất nhầy. Bởi thế thông qua việc quan sát phân, bố mẹ cũng có thể dễ dàng nhận biết được căn bệnh này.
Với phụ nữ, vì giun kim sống ở hậu môn nên có thể sẽ chui vào âm đạo gây ngứa và rối loạn kinh nguyệt. Khi bệnh kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu, chóng mặt, hoa mắt.
Theo các chuyên gia, do triệu chứng điển hình của bệnh là ngứa ngáy ở hậu môn nên rất dễ nhầm lẫn với các bệnh thường gặp khác như ngứa quanh hậu môn do nhiễm nấm, viêm trực tràng, nứt trực tràng, giun lươn,… Thế nên, các bạn cần quan sát kỹ lưỡng cũng như nên kết hợp với phương pháp xem phân đại thể để phát hiện ra giun trưởng thành. Đặc biệt, bạn cũng có thể soi đèn pin quanh hậu môn vào ban đêm để tìm thấy giun.
Đừng bỏ lỡ: Cách Trị Giun Kim Bằng Tỏi Ngay Tại Nhà
Giải pháp điều trị, phòng ngừa tác hại của giun kim
Với những tác hại trên, việc điều trị giun kim sớm là điều vô cùng quan trọng và cần thiết. Cùng với đó, các bạn cần áp dụng những biện pháp phòng ngừa để bảo vệ bản thân trước căn bệnh này.
Giải pháp điều trị
Khi bị nhiễm giun kim, cách điều trị thông dụng và hiệu quả nhất hiện nay là dùng thuốc tẩy giun.
Đối với trẻ nhỏ, bố mẹ cần đưa bé đến cơ sở y tế để làm các xét nghiệm kiểm tra cần thiết. Sau đó, bác sĩ sẽ căn cứ vào kết quả rồi đưa ra chỉ định dùng thuốc phù hợp. Bố mẹ tuyệt đối không được tự ý cho trẻ sử dụng thuốc bởi có thể sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Hiện nay, thuốc tẩy giun được sử dụng phổ biến cho cả người lớn và trẻ em là Mebendazole 500mg hoặc Albendazole 400mg, uống một liều duy nhất và uống nhắc lại sau 1 tháng.
Tuy nhiên, các bạn cần lưu ý thuốc này chống chỉ định dùng cho trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú hoặc người có tiền sử mẫn cảm với thành phần của thuốc. Với những đối tượng như người suy gan, suy thận cần nên thận trọng khi sử dụng thuốc.
Cách phòng ngừa tác hại của giun kim
Do giun kim có thể lây từ người này sang người khác, nhất là ở trẻ em. Để phòng ngừa những tác hại của giun kim và tránh tái nhiễm bệnh này bạn có thể áp dụng một số biện pháp dưới đây:
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đặc biệt nên cắt móng tay sạch sẽ và rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh để tránh bị nhiễm giun.
Ăn chín uống sôi, không nên ăn rau sống và các loại thực phẩm chưa được nấu chín vì có thể bị nhiễm ấu trùng giun. - Thường xuyên phơi nắng ga giường, chiếu, chăn màn, vệ sinh môi trường sống,…
- Tẩy giun định kỳ theo chỉ định của bác sĩ nhằm hạn chế sự phát triển của giun. Đặc biệt với những đối tượng có nguy cơ cao, nhất là cho trẻ em độ tuổi từ 2-12 cần tẩy giun 2 lần/ năm.
- Không để trẻ nhỏ mặc quần hở đũng, rửa hậu môn cho trẻ hàng ngày bằng xà phòng diệt khuẩn vào các buổi sáng và sau khi đi vệ sinh.
- Không đi chân đất, luôn luôn sử dụng dép kể cả khi ở trong nhà.
- Sau khi bố mẹ dùng tay bắt giun ở hậu môn cho trẻ cần rửa tay sạch bằng xà phòng và lau khô. Sau đó, khăn phải được giặt sạch hoặc nhúng vào nước nóng và phơi nắng.
Với những tác hại của giun kim, có thể thấy rằng đây là bệnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại đến sức khỏe của người mắc phải. Đồng thời, bệnh có khả năng lây nhiễm rất nhanh nên việc phòng ngừa là điều vô cùng quan trọng, nhất là đối với trẻ nhỏ. Ngoài ra, khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường do giun gây ra, các bạn nên thăm khám bác sĩ để có biện pháp điều trị kịp thời.
Dành riêng cho bạn: Tác Hại Của Giun Đũa Kí Sinh
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!