Thuốc Chống Hủy Xương Là Gì? Cách Dùng, Chỉ Định, Tác Dụng Phụ

Thuốc chống hủy xương là nhóm thuốc cực kỳ phổ biến được chỉ định cho bệnh nhân loãng xương nhằm làm chậm nguy cơ hủy xương, hạn chế nguy cơ gãy xương đồng thời gia tăng mật độ xương. Mặc dù đem lại nhiều hiệu quả to lớn cho bệnh nhân loãng xương nhưng nhóm thuốc này cũng thường kèm theo rất nhiều tác dụng phụ nên cần thận trọng hơn khi sử dụng.

Thuốc chống hủy xương là gì?

Bisphosphonate là nhóm thuốc chống hủy xương thường được chỉ định phổ biến trong điều trị chứng loãng xương, thiếu xương (osteopenia), bệnh Paget và một số loại bệnh ung thư xương khác. Nhóm thuốc này có cấu trúc cơ bản là pyrophosphate – hoạt chất khả năng làm tăng tuổi thọ của các tế bào xương, làm chậm quá trình hủy xương, giảm gãy xương ở cột sống và háng đồng thời cũng làm tăng một độ xương nếu sử dụng đúng cách.

Thuốc chống hủy xương
Việc dùng các loại thuốc thuốc chống hủy xương rất cần thiết với bệnh nhân loãng xương

Có hai nhóm thuốc chống hủy xương Bisphosphonate chính gồm

  • Nhóm không chứa N: Clodronate;  Etidronate; Tiludronate
  • Nhóm chứa N: Alendronate, Ibandronate, Olpadronate, Pamidronate, Risedronate, Zoledronate.

Thuốc được điều chế ở dạng cả viên uống và dạng tiêm, được chỉ định sử dụng cho từng trường hợp. Khi đi vào cơ thể, Bisphosphonate gắn với hydroxyapatit trong xương, từ đó phát định quá trình phát động quá trình quá trình apoptisis ( hay còn gọi là quá trình tế bào hủy xương tự tử). Nhờ đó có thể làm chậm lại quá trình hủy xương, tăng cường quá trình tích tụ canxi trong xương, tăng khối lượng xương và phòng ngừa được nguy cơ gãy xương.

Thuốc chống hủy xương này không chỉ được dùng cho bệnh nhân loãng xương mà còn được chỉ định cho một số bệnh nhân có nguy cơ loãng xương như phụ nữ mãn kinh, người sử dụng glucocorticoide trong thời gian dài, người già cùng một số đối tượng khác. Bệnh cạnh đó ở các bệnh nhân ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư phổi hay bệnh tăng canxi huyết do ung thư đôi khi cũng được sử dụng loại thuốc này.

Theo một số nghiên cứu cho thấy cần phải sử dụng thuốc trong thời gian dài, có thể từ 3- 5 năm mới cho hiệu quả nhất. Thuốc chống hủy xương Bisphosphonate hầu hết cũng được chỉ định dùng kết hợp với một vài loại thuốc khác tùy theo chỉ định của bác sĩ. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý dùng loại thuốc nào nếu không có kê đơn từ bác sĩ để đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Một số thuốc nhóm Bisphosphonat phổ biến

Tùy tình trạng của bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định các nhóm thuốc chống hủy xương khác nhau, có thể là dưới dạng thuốc tiêm hoặc thuốc uống. Một số loại thuốc nhóm Bisphosphonate phổ biến như sau

Thuốc Alendronate dạng uống

Alendronate là thuốc chống hủy xương nhóm Bisphosphonate thế hệ thứ 2 được sử dụng khá phổ biến trong thời gian gần đây. Thuốc còn được gọi với cái tên khác phổ biến được hiện nay là thuốc trị loãng xương Fosamax. Alendronate hầu hết được kê bán theo toa nên người bệnh có khó thể tự mua sản phẩm ở các nhà thuốc bên ngoài.

Thuốc chống hủy xương
Alendronate là nhóm thuốc chống hủy xương rất phổ biến

Thuốc thường được chỉ định cho các bệnh nhân loãng xương, đặc biệt là phụ nữ mãn kinh.Một số nghiên cứu cho thấy trên 3000 phụ nữ loãng xương sử dụng thuốc Alendronate trong vòng 3 năm có thể giảm đến 50% nguy cơ gãy cột sống và 30% nguy cơ gãy xương ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể.

Ở phụ nữ có nguy cơ gãy xương cao như người có mật độ xương thấp hoặc phụ nữ trên 65 tuổi có tiền sử gãy xương cũng được chỉ định dùng Alendronate để phòng ngừa nguy cơ loãng xương. Người dùng kháng viêm corticosteroid dài ngày bị loãng xương cũng có thể sử dụng loại thuốc này.

Liều dùng và cách dùng của Alendronate thường được chỉ định như sau

  • Dùng 5mg-10mg dùng hàng ngày hoặc có thể dùng 1 tuần dùng 1 lần với liều 35mg- 70mg/ngày
  • Không ngậm hay nhai, chỉ uống 1 liều vào sáng sớm
  • Dùng trước khi ăn ít nhất 30 phút

Thuốc chống hủy xương Risedronate

Risedronate cũng là một thuốc Biphosphonate thế hệ 2, được ứng dụng trong điều trị loãng xương cho cả nam và nữ ở khu vực châu Âu và Mỹ. Thuốc có chứa các pyridinyl bisphosphonat có khả năng kết hợp cùng hydroxyapatit trong xương để ngăn chặn quá trình sự tiêu xương diễn ra qua trung gian của hủy cốt bào.

Thử nghiệm của Risedronate khi dùng trên 284 nam giới bị loãng xương trong 2 năm với liều 35mg/ tuần cho thấy mật độ xương ở cột sống được cải thiện rõ rệt sau 6-12 và 24 tháng. Ở phụ nữ mãn kinh đã giảm đến 45% số người bị gãy xương sau khi sử dụng Risedronate  trong vòng 3 năm đồng thời phòng tránh nguy cơ loãng xương hiệu quả.

Tương tự như các thuốc chống hủy xương khác, Risedronate cũng được chỉ định dùng cho phụ nữ mãn kinh bị loãng xương, người loãng xương do dùng nhiều glucocorticoid hay bệnh viêm xương biến dạng. Liều dùng phổ biến của Risedronate như sau

  • Điều trị hoặc phòng ngừa loãng xương cho phụ nữ mãn kinh: dùng 5 mg/ngày hoặc 1 liều 35mg/lần/tuần.
  • Điều trị hoặc phòng ngừa loãng xương cho bệnh nhân lạm dụng glucocorticoid: uống 5 mg/ngày.
  • Bệnh Paget: Dùng 30 mg x 1 lần/ngày trong 2 tháng.

Thuốc chống hủy xương Ibadronate

Ibadronate cũng là thuốc chống hủy xương được điều chế ở cả dạng viên nén và dạng tiêm tĩnh mạch, trong đó dạng tiêm thường được chỉ định dùng phổ biến hơn khi dùng trên phụ nữ bị loãng xương. Thuốc được dùng phổ biến trong điều trị loãng xương tại  Bắc Mỹ và châu Âu.

Thuốc chống hủy xương
Ibadronate được điều chế ở cả dạng viên uống và dạng tiêm

Một số nghiên cứu thử nghiệm trên 1.609 phụ nữ khi dùng  Ibadronate  theo liều lượng 2,5mg/ngày hoặc 50mg + 50mg (1 liều 2 ngày liên tục) sau 1 năm đều có thấy tỷ lệ mật độ xương được tăng lên đáng kể. Ngoài ra liều dùng theo tháng thường cho mật động xương cao hơn. Ngoài ra tỷ lệ gãy xương ở những phụ nữ bị loãng xương cũng được giảm đáng kể sau khi sử dụng khoảng 3 năm.

Hầu hết thuốc mới chỉ đang dùng trong điều trị và dự phòng loãng xương ở phụ nữ mãn kinh. Liều dùng phổ biến thường được chỉ định như sau

  • Dạng viên uống: Dùng liều 2,5mg/ ngày/ lần hoặc liều 150mg/ lần uống duy nhất vào 1 lần trong tháng, vào 1 ngày cố định.
  • Dạng tiêm tĩnh mạch: Tiêm  3mg Ibandronate/ lần; 3 tháng tiêm một mũi

Zoledronate dạng tiêm tĩnh mạch

Thuốc chống hủy xương Zoledronate cũng được điều chế chủ yếu ở dạng tiêm tĩnh mạch, thường được dùng phổ biến trong  điều trị loãng xương ở châu Âu và Mỹ. Acid Zoledronate cũng được đánh giá là là thuốc có hiệu lực cao nhất của nhóm bisphosphonat, có tác dụng ức chế mạnh nhất trên sự tiêu xương do hủy cốt bào đồng thời còn tham gia cả vào điều trị một số bệnh u xương do di căn.

Một số nghiên cứu thực tế về thuốc Zoledronate cho thấy trên 7.765 phụ nữ sau mãn kinh bị loãng xương, sau 3 năm tiêm thuốc thì tỉ lệ gãy cột sống đã giảm đến 70%, 41% và 25% so với khi sử dụng các loại thực phẩm chức năng. Đồng thời mật độ xương cột sống, khớp háng cũng được cải thiện đáng kể.

Liều dùng của Zoledronate  phụ thuộc vào từng tình trạng bệnh nhân, có thể chỉ cần tiêm 4mg trong 15 phút, duy nhất 1 liều trong 1 năm. Tuy nhiên cũng có một số bệnh nhân phải tiêm cách 3- 4 tuần/ lần hoặc 2 năm 1 lần.

Một số lưu ý khi dùng thuốc chống hủy xương

Việc dùng thuốc chống hủy xương Bisphosphonate mặc dù có cho nhiều tác dụng cải thiện rõ rệt nhưng cũng kèm theo rất nhiều tác dụng phụ và hạn chế nên người bệnh cần cực kỳ thận trọng. Bệnh nhân điều trị loãng xương hay muốn phòng ngừa nguy cơ loãng xương tốt nhất chỉ nên sử dụng khi có đơn thuốc từ bác sĩ, tuyệt đối không nên tự ý sử dụng để bảo vệ sức khỏe của chính bản thân mình.

Cách sử dụng thuốc chống hủy xương

Khi sử dụng thuốc chống hủy xương nhóm Bisphosphonate bạn cần phải chú ý cách dùng để đảm bảo hiệu quả thuốc tốt nhất. Thông thường bác sĩ sẽ chỉ định chính xác liều dùng, cách dùng nên người bệnh cần đảm bảo tuân thủ tuyệt đối.

Thuốc chống hủy xương
Dùng thuốc đúng cách sẽ hạn chế được tối đa các tác dụng phụ có thể xảy ra

Do nhóm thuốc này có thể gây hại cho dạ dày nhưng đồng thời nó cũng dễ tương tác với các thành phần có trong món ăn bình thường nên cần thận trọng khi sử dụng để hạn chế tối đa các tác dụng phụ có thể xảy ra. Cụ thể một số vấn đề bạn cần lưu ý khi sử dụng thuốc như sau

  • Không nên uống thuốc khi bụng quá rỗng, bạn có thể uống nước lọc trước khi uống thuốc
  • Tuyệt đối không dùng nước khác ngoài nước lọc vì có thể ngăn chặn khả năng hấp thụ thuốc của cơ thể.  Một số loại nước khoáng có ga hay có các ion cũng tuyệt đối không được sử dụng.
  • Không sử dụng bất cứ thực phẩm hay thứ gì khác sau khi dùng thuốc ít nhất 30 phút
  • Tốt nhất nên giãn cách thời gian dùng thuốc và thời gian ăn uống khoảng 2 tiếng để đảm bảo cơ thể đã hấp thụ hết thuốc. Lúc này thuốc đã trôi hoàn toàn xuống dạ dày đồng thời rửa sạch những gì còn bám lại trên thành thực quản
  • Không nhai hay ngậm thuốc do có thể làm giảm tác dụng của thuốc, đồng thời làm loét miệng, hầu họng
  • Uống nguyên một viên thuốc với 180- 240ml nước trong tư thế đứng thẳng, không được nằm hay ngồi trong ít nhất 5 phút để đảm bảo thuốc đã trôi hoàn toàn xuống dạ dày, không bị mắc lại ở đâu đó trong thực quản
  • Với các dạng thuốc tiêm cần đảm bảo có sự theo dõi hoặc thực hiện bởi bác sĩ hay những người có chuyên môn, tuyệt đối không được tự ý thực hiện
  • Với dạng thuốc uống hằng ngày tuyệt đối không nên uống viên thứ 2 trong vòng 24h; nếu quên 1 liều hãy uống ngay lập tức và tiếp tục cách 24h sau mới tiếp tục sử dụng. Nếu liều theo tuần hay theo tháng nên uống cùng trong 1 ngày của tháng đó ( chẳng hạn uống vào đúng ngày 1 của tháng).

Một số lưu ý khác về việc dùng thuốc sẽ theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh nên trao đổi chi tiết hơn. Đặc biệt nếu có dùng các loại thực phẩm chức năng, các loại thuốc điều trị khác hay bất cứ loại thuốc nào cũng cần tham khảo thêm ý kiến tư bác sĩ.

Chống chỉ định

Như đã nói, do thuốc chống hủy xương thường gây ra khá nhiều tác dụng phụ nên thường bác sĩ sẽ cho bệnh nhân làm một số kiểm tra trước khi kê đơn để đảm bảo an toàn tuyệt đối khi sử dụng. Một số bệnh nhân chống chỉ định với nhóm thuốc Bisphosphonate trong điều trị loãng xương bao gồm

  • Phụ nữ có thai và người đang cho con bú
  • Người bị dị ứng với các thành phần của thuốc
  • Bệnh nhân đang gặp các vấn đề ở thực quản như  rách, thủng hoặc hẹp thực quản và người mắc chứng khó nuốt
  • Bệnh nhân suy gan, suy thận nặng
  • Người gặp các vấn đề nên không thể ngồi thẳng trong ít nhất 30 phút
  • Bệnh nhân có lượng canxi máu thấp
  • Người đã, đang hoặc có ý định làm các thủ thuật về răng miệng ( do có thể làm tăng nguy cơ rụng răng và hoại tử xương hàm)
  • Bệnh nhân ung thư hoặc đang điều trị hóa trị, xạ trị sẽ được xem xét giữa lợi ích và tác dụng phụ trước khi được chỉ định dùng thuốc
  • Bệnh nhân phẫu thuật tuyến giáp hoặc phẫu thuật cận giáp
  • Người có tiền sử phẫu thuật cắt bỏ một phần ruột
  • Bệnh nhân hen suyễn do dùng aspirin
  • Bệnh nhân đang sử dụng các thuốc lợi tiểu; các dạng của canxi; thuốc bổ sung sắt;  thuốc có chứa magiê; kháng sinh amphotericin B, amikacin hoặc gentamicin nên thông báo rõ với bác sĩ
  • Thuốc có thể gây đau đầu, chóng mặt, viêm mắt nên những người làm các công việc lái xe hay vận hành máy móc cũng cần thận trọng hơn khi sử dụng

Các tác dụng phụ có thể xảy ra

Mặc dù được đánh giá cao trong hiệu quả về điều trị và dự phòng loãng xương, tuy nhiên vẫn có rất nhiều cảnh báo về mức độ nguy hiểm thông qua các tác dụng phụ có thể xảy ra khi bệnh nhân dùng Bisphosphonate. Thông thường các nhóm thuốc Bisphosphonate có thể phải sử dụng duy trì từ 3-5 năm nhưng nếu lạm dụng quá mức có thể gây hại sức khỏe ngược lại.

Thuốc chống hủy xương
Thuốc chống hủy xương thường đi kèm nhiều tác dụng phụ khi sử dụng nên cần thận trọng

Các tác dụng phụ phổ biến thường gặp

Các phản ứng phụ có thể xảy ra có mức độ nặng nhẹ tùy theo cơ địa, không phải ai cũng có các triệu chứng giống nhau. Người bệnh có thể gặp một số phản ứng phụ sau đây

  • Chán ăn, buồn nôn, nôn
  • Các vấn đề về tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy, táo bón
  • Cảm giác đau xương, đau khớp, đau lưng hay đau cơ
  • Bị sưng phù ở bàn chân hoặc mắt cá chân
  • Giảm cân bất thường
  • Nhức đầu, mệt mỏi
  • Suy nhược, chóng mặt
  • Tê hoặc ngứa ran
  • Ho, khó thở
  • Vấn đề giấc ngủ (mất ngủ)
  • Cảm giác căng tức tuyến vú ở phụ nữ
  • Sốt, ớn lạnh hay có triệu chứng cúm. Các triệu chứng này thường gặp ở bệnh nhân dùng thuốc chống hủy xương dạng tiêm  nhiều hơn

Nếu có bất cứ phản ứng phụ nghiêm trọng nào khác hãy thông báo ngay cho bác sĩ để có hướng xử lý kịp thời nhất.

Các tác dụng phụ nghiêm trọng

Do nhóm thuốc chống hủy xương Bisphosphonate đều phải sử dụng trong thời gian dài nên nếu không chú ý thận trọng thì rất nhiều tác dụng phụ có thể xuất hiện. Cụ thể, một số phản ứng phụ nghiêm trọng đã được đưa ra cảnh báo cho các bệnh nhân loãng xương bao gồm

  • Hỏng răng, hoại tử xương hàm

Mặc dù có cùng thành phần nhưng những tác động của thuốc chống hủy xương trên răng và xương lại hoàn toàn khác nhau. Dùng Bisphosphonate có thể làm chậm nguy cơ loãng xương, chống hủy xương nhưng có thể tăng nguy cơ hoại tử chân răng. Nguyên nhân được cho là có liên quan đến rối loạn sự lắng đọng canxi vào vị trí răng.

Đối tượng dễ gặp tình trạng này thường là người dùng Bisphosphonate  trong thời gian dài (có thể là trên 5 năm), phụ nữ mãn kinh, bệnh nhân ung thư và người dùng thuốc dạng tiêm. Do đó cần cân nhắc khi điều trị nha khoa khi đang hoặc trước khi dùng thuốc. Trong thời gian dùng thuốc bác sĩ cũng khuyến khích bệnh nhân tiến hành kiểm tra răng miệng để phát hiện kịp thời nguy cơ này.

  • Viêm loét dạ dày, ung thư thực quản

Viêm loét dạ dày là vấn đề rất nhiều bệnh nhân đã gặp phải sau khi sử dụng các nhóm thuốc chống hủy xương. Nguyên nhân là do Bisphosphonate cực kỳ nhạy cảm trên bề mặt dạ dày và thực quản, chúng có thể kích ứng hoặc gây viêm tại đây. Do đó tốt nhất người bệnh nên thận trọng trong cách dùng để hạn chế tối đa nguy cơ này.

Nghiêm trọng hơn một số bệnh nhân còn bị ung thư thực quản sau một thời gian dài sử dụng thuốc. Nguyên nhân là do bệnh nhân nằm hay ngồi ngay sau khi dùng thuốc khiến thuốc bị vướng lại, tan ngay tại thực quản. Điều này không chỉ làm giảm hiệu quả mong muốn mà còn khiến tăng nguy cơ gặp vấn đề tại thực quản.

  • Gây rối loạn rụng trứng và vô sinh

Ở phụ nữ mãn kinh sau khi uống thuốc thường gặp một số vấn đề như rong kinh, căng tức ngực; ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản thường gặp vấn đề trong rối loạn rụng trứng và rối loạn kinh nguyệt. Do đó việc dùng thuốc chống hủy xương kéo dài cũng có thể làm tăng nguy cơ vô sinh ở một số phụ nữ. Vô sinh cũng xảy ra ở cả nam giới khi dùng thuốc chống hủy xương nhưng không đáng lo bằng nữ giới.

  • Tăng nguy cơ gãy xương

Mặc dù nghe có vẻ kỳ lạ nhưng thực tế việc dùng thuốc chống hủy xương không đúng cách có thể làm tăng nguy cơ gãy xương ngược lại, thường là ở khu vực xương đùi. Nguy cơ này sẽ tăng lên nếu người bệnh đang dùng steroid hoặc mắc bệnh tiểu đường. Các thông tin này đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) công nhận và đưa ra cảnh báo nên người dùng cần thận trọng.

Tuy nhiên các tác dụng phụ này cũng khá hiếm, không chiếm đa số. Dù vậy trong một số trường hợp bác sĩ vẫn sẽ cân nhắc giữa lợi ích và tác hại để điều trị cho các bệnh nhân loãng xương tốt nhất.

Trên đây là một số thông tin về thuốc chống hủy xương, hy vọng đã mang đến cho bạn nhiều thông tin hữu ích. Bên cạnh dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, mỗi người còn cần phải thay đổi thói quen sinh hoạt, dinh dưỡng, tắm nắng hằng ngày để đạt đúng tiến độ điều trị loãng xương. Đừng quên trao đổi ngay với bác sĩ nếu có bất cứ dấu hiệu bất thường nào trong suốt quá trình điều trị để đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Ẩn

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android