Bà Bầu Bị Nổi Mẩn Đỏ Ở Bụng
Bà bầu bị nổi mẩn đỏ ở bụng có phải là dấu hiệu của một bệnh lý da liễu nào đó? Tình trạng này ảnh hưởng gì đến sức khỏe bà bầu và thai nhi? Bài viết dưới đây Vietmec sẽ giúp bạn tìm hiểu về hiện tượng nổi mẩn đỏ ở bụng khi mang thai, từ đó tìm ra cách điều trị nhanh chóng, an toàn cho cả mẹ và bé.
Định nghĩa
Khi mang thai, không ít mẹ bầu gặp phải tình trạng nổi mẩn đỏ ở bụng. Đây là hiện tượng thường gặp bệnh lý được xác định hầu hết là do mề đay. Thông thường các mẹ sẽ bị nổi mề đay vào 3 tháng đầu hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ.
Một số mẹ bầu bị nổi mẩn đỏ ở bụng đi kèm với cảm giác ngứa, có người lại không ngứa mà chỉ nổi mẩn đỏ. Tuy nhiên, bị nổi mẩn đỏ ở bụng khi mang thai có ngứa hay không đều khiến chị em lo lắng và gặp nhiều phiền toái. Bởi tình trạng mẩn đỏ gây mất thẩm mỹ, khó chịu khiến mẹ bầu mệt mỏi, lo lắng.
Tùy vào cơ địa và nguyên nhân gây bệnh của mỗi người, tình trạng nổi mẩn đỏ ở bụng thường đi kèm với một số triệu chứng như sau:
- Mẹ bầu xuất hiện mẩn ngứa li ti ở bụng, không có cảm giác ngứa.
- Một số mẹ có cảm giác ngứa ngáy, càng về đêm càng ngứa dữ dội. Mức độ ngứa tuỳ thuộc vào các dạng của vết mẩn trên da.
- Vết mẩn đỏ dạng đốm, mọc lác đác có kích thước nhỏ li ti, chỉ khoảng vài milimet mọc xung quanh bụng. Một số chị em nổi mẩn ngứa dạng mảng thì kích thước mảng có thể lên đến 10 – 20 cm.
- Vùng da bị nổi mẩn đỏ rất dễ bị lan ra vùng da xung quanh, đặc biệt là khi mẹ bầu gãi bụng. Nếu gãi làm xước da, mẹ có thể mắc các bệnh viêm nhiễm khác.
- Da có hiện tượng bị rạn, da khô, có thể tạo vảy và bong da.
- Trong một số trường hợp, bên cạnh nổi mẩn đỏ ở bụng, mẹ bầu còn bị sốt, khó thở, đau nhức toàn thân và có thể bị đổi màu da.
Nguyên nhân
Tình trạng mẹ bầu bị nổi mẩn đỏ ở bụng xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Một số trường hợp là do tác động từ các yếu tố bên ngoài, số khác lại xuất phát từ bên trong cơ thể.
- Thai nhi phát triển khiến da bụng bị căng: Bước vào 3 tháng cuối thai kỳ, bào thai phát triển nhanh chóng khiến da bụng bị kéo căng trong thời gian ngắn. Điều này dẫn đến các mô liên kết ở bụng bị tổn thương, viêm dưới da. Từ đó khiến da bụng xuất hiện các vết mẩn đỏ như phát ban.
- Bị kích thích: Khi mang thai, sự phát triển của thai nhi có liên kết chặt chẽ với người mẹ. Sự xuất hiện của một bào thai có thể tác động đến hệ miễn dịch, khiến hệ miễn dịch phản ứng thái quá với các tế bào mới dẫn đến tình trạng nổi mẩn đỏ trên da bụng. Ngoài ra, tình trạng mẩn đỏ do bị kích thích còn có thể xuất hiện ở tay, chân, mặt,…
- Sự thay đổi nội tiết: Nội tiết tố của người phụ nữ sẽ có sự thay đổi lớn trong quá trình mang thai. Đặc biệt là sự thay đổi estrogen sẽ tác động phần nào đó lên da bụng, khiến chị em bị nổi mẩn đỏ như mề đay. Nếu nguyên nhân của tình trạng mẩn đỏ là do nội tiết tố thay đổi thì sẽ không khiến mẹ bầu bị ngứa.
- Chế độ dinh dưỡng thay đổi: Trong thời gian mang thai, chế độ dinh dưỡng của mẹ sẽ có nhiều thay đổi. Mẹ cần có nhiều chất dinh dưỡng hơn, đồng thời hạn chế một số thực phẩm. Sự thay đổi này đôi khi khiến cơ thể phản ứng, đặc biệt là khi mẹ bổ sung quá nhiều thịt bò, tôm, cua, ốc,… đây đều là những thực phẩm dễ gây dị ứng khiến bà bầu bị nổi mẩn đỏ ở bụng.
- Dị ứng thời tiết: Đây là tác động từ bên ngoài khiến bà bầu bị nổi mẩn đỏ ngứa ở bụng. Sự thay đổi đột ngột của thời tiết, đặc biệt là vào thời điểm giao mùa có thể khiến cơ thể nhạy cảm của mẹ bị nổi mẩn ngứa ở bụng hoặc nhiều vị trí khác.
- Bà bầu bị nổi mẩn đỏ ở bụng do di truyền: Theo nhiều nghiên cứu, nếu thế hệ trước bị nổi mẩn đỏ khi mang thai thì khả năng cao thế hệ sau cũng mắc phải tình trạng tương tự.
- Nguyên nhân khác: Bên cạnh những nguyên nhân phổ biến trên, vấn đề vệ sinh cá nhân và nơi sống không đảm bảo, thường xuyên tiếp xúc với bụi bẩn, gần gũi với chó mèo cũng khiến bà bầu dễ bị nổi mẩn đỏ ở bụng. Đây đều là những yếu tố dị nguyên khiến cơ thể bị dị ứng.
Chăm sóc tại nhà
Nếu tình trạng bệnh không phức tạp và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe mẹ và bé, bà bầu có thể áp dụng một số phương pháp trị bệnh đơn giản như sau:
Chườm lạnh
Chườm lạnh phù hợp với những người chỉ nổi mẩn đỏ và không đi kèm với các triệu chứng khác. Phương pháp này có thể làm tiêu các vết mẩn đỏ một cách nhanh chóng.
Khi chườm lạnh, mẹ cho vài viên đá vào một chiếc khăn sạch rồi bọc lại. Sau đó từ từ chườm lên vùng da bụng bị nổi mẩn đỏ trong khoảng 5 – 10 phút. Lưu ý rằng, mẹ chỉ nên áp dụng phương pháp này vào mùa nắng nóng, nếu bị bệnh trong mùa đông thì cần chọn phương pháp khác.
Dùng kem dưỡng ẩm
Kem dưỡng ẩm đặc biệt tốt cho da, giúp da đàn hồi tốt hơn, đồng thời xoa dịu các vết mẩn đỏ và giảm ngứa. Tuy vậy việc sử dụng mỹ phẩm với bà bầu cần thận trọng, chọn những sản phẩm có chiết xuất từ thiên nhiên, nguồn gốc rõ ràng và an toàn cho mẹ bầu.
Trước khi bôi kem, mẹ cần vệ sinh sạch và lau khô da. Trước khi bôi lớp kem mới, mẹ cần lau sạch lớp kem đã bôi trước đó. Ngoài ra nếu có vết thương hở, mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ để tìm ra sản phẩm phù hợp, tránh viêm nhiễm.
Tắm với yến mạch
Tắm bột yến mạch có thể cải thiện hiệu quả các bệnh viêm nhiễm ngoài da như dị ứng, chàm da, viêm da tiếp xúc,… Trong yến mạch có chứa các chất chống viêm và cân bằng độ ẩm cho da, từ đó giúp da khỏe mạnh hơn, đẩy lùi tình trạng mẩn ngứa.
Dùng tinh dầu
Xoa tinh dầu khi mang thai được xem là phương pháp dưỡng da hiệu quả được các mẹ bầu truyền tai nhau. Trong đó một số tinh dầu phổ biến có thể kể đến như tinh dầu bạc hà, hoa cúc, cây đinh hương,…
Những loại tinh dầu này có thể cải thiện nhiều triệu chứng liên quan đến da như mẩn đỏ, ngứa ngáy, khô da,… đồng thời ngừa rạn và chống oxy hóa rất tốt.
Cách sử dụng rất đơn giản, hàng ngày khi đi tắm, mẹ bầu chỉ cần nhỏ vài giọt tinh dầu vào bồn tắm rồi vệ sinh, massage nhẹ nhàng quanh vùng bụng trong 5 đến 10 phút. Sau một thời gian, các triệu chứng sẽ được cải thiện, da khỏe mạnh hơn.
Câu hỏi thường gặp
Mang thai bị nổi mẩn đỏ ở bụng có gây nguy hiểm?
Tùy vào nguyên nhân gây bệnh, bị nổi mẩn đỏ ở bụng có thể gây nguy hiểm ít nhiều đến sự phát triển của thai nhi và sức khỏe của mẹ. Nếu bị nổi mẩn đỏ ở bụng khi mang thai do ứ mật gan hoặc bị nổi mẩn đỏ ở bụng như bọng nước dạng Pemphigus, bà bầu cần nhanh chóng tìm cơ sở chuyên khoa để được điều trị. Bởi những tình trạng này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cả mẹ và bé như:
Đối với mẹ, bệnh có thể gây nhiễm trùng da bụng, mắt sưng, thậm chí là gây nên sốc phản vệ, sảy thai hoặc sinh non.
Đối với thai nhi, tình trạng kể trên sẽ ảnh hưởng đến quá trình nhân bản ADN. Điều này gây nguy cơ cao trẻ sẽ bị dị tật bẩm sinh.
Có thể thấy rằng, trong một số trường hợp tình trạng bị mẩn đỏ ở bụng khi mang thai có thể gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và bé. Do đó khi thấy mẩn đỏ nổi quanh bụng, mẹ cần nhanh chóng đến cơ sở y tế chuyên môn để thăm khám, tuyệt đối không nên chủ quan dẫn đến những hậu quả ngoài ý muốn.
Điều trị
Trong thời kỳ mang thai, việc sử dụng thuốc Tây là điều đặc biệt nhạy cảm và cần hạn chế. Tuy nhiên trong một số trường hợp bất khả kháng, ví dụ như mẩn đỏ kéo dài và ngày càng trầm trọng, ngứa dữ dội nguy cơ gây biến chứng,… bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc cần thiết, an toàn cho sức khỏe mẹ và thai nhi.
Một số loại thuốc thuộc nhóm kháng Histamin như Cetirizine, Fexofenadine và Loratadin có thể cải thiện nhanh tình trạng mẩn ngứa và không gây buồn ngủ. Mẹ bầu có thể dùng thuốc vào ban ngày để điều trị bệnh.
Thuốc mỡ dưỡng ẩm, giảm sưng, chống viêm và mẩn đỏ cho mẹ bầu. Tuy nhiên nhược điểm của nhóm thuốc này là khiến da bị mỏng nếu sử dụng trong thời gian dài. Do đó mẹ cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ về cách dùng và liều lượng.
Nhóm thuốc chứa steroid được chỉ định đối với các trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Chúng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi nên mẹ bầu cần cân nhắc.
Phòng ngừa
Bên cạnh việc tìm cách điều trị mẩn đỏ ở bụng, mẹ bầu cũng nên tìm cách phòng tránh để hạn chế gặp phải tình trạng này. Đồng thời hỗ trợ điều trị mẩn ngứa hiệu quả hơn, tránh gặp phải các biến chứng nguy hiểm:
- Giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, nhất là vùng da bụng nhạy cảm. Lưu ý chỉ nên sử dụng những mỹ phẩm, xà phòng có nguyên liệu từ thiên nhiên an toàn cho thai nhi.
- Hạn chế tiếp xúc với khói bụi, những nơi có nhiệt độ cao hoặc ẩm thấp, thường xuyên vệ sinh không gian sống để hạn chế vi khuẩn tấn công.
- Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát làm từ chất liệu thấm hút, tránh bí mồ hôi tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
- Che chắn cẩn thận khi đi ra ngoài, tránh tiếp xúc với các dị nguyên như phấn hoa, lông động vật,…
- Hạn chế nhóm thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, đậu phộng,… Đồng thời uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây, rau xanh.
Mẹ bầu bị nổi mẩn đỏ ở bụng xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Vậy nên khi gặp phải tình trạng này, mẹ cần nhanh chóng xác định nguyên nhân để tìm ra cách điều trị an toàn, hiệu quả. Khi thấy dấu hiệu bất thường hay tình trạng bệnh ngày càng trầm trọng, mẹ cần đến cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất để được thăm khám và chữa trị kịp thời.