Đau Nhức Xương Ống Chân
Đau nhức xương ống chân là triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân bị loãng xương, tiểu đường, rối loạn lipid máu thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng hoặc chấn thương. Trong hầu hết các trường hợp, sử dụng thuốc bác sĩ kê đơn kết hợp với các mẹo điều trị tại nhà có thể giúp người bệnh khắc phục cơn đau.
Định nghĩa
Đau nhức xương ống chân là hiện tượng xuất hiện các cơn đau kèm theo cảm giác nhức nhối, khó chịu ở trong xương ống chân. Triệu chứng này có thể xuất hiện đột ngột sau một chấn thương hoặc tiến triển kéo dài trong một thời gian. Người bệnh có thể bị đau nhức âm ỉ hoặc dữ dội tùy theo nguyên nhân gây đau.
Hiện tượng đau nhức xương ống chân thường không xuất hiện đơn độc mà trong nhiều trường hợp còn kèm theo các hiện tượng khác như:
- Tê bắp chân
- Đau lưng
- Đau nhức các đầu xương
- Sưng, đau khớp gối
- Khó vận động cột sống, đi lại khó khăn
- Đau nhức xương khớp toàn thân
- Cứng khớp gối, khớp háng hay khớp cổ chân, đặc biệt là vào buổi sáng. Các khớp này có thể phát ra tiếng kêu lục cục khi vận động.
- Teo cơ, yếu chân
- Sốt hoặc không sốt
- Có cảm giác buồn bằn trong xương
- Xương giòn, dễ gãy
Tình trạng đau nhức xương ống chân kéo dài gây tâm lý hoang mang, lo lắng và ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt cũng như khả năng đi lại của người bệnh. Chính vì vậy, nếu triệu chứng này diễn ra trong vài ngày liên tục và không có dấu hiệu thuyên giảm, bạn nên đi khám bác sĩ để tìm ra nguyên nhân, từ đó xây dựng kế hoạch điều trị kịp thời, hiệu quả.
Nguyên nhân
Triệu chứng đau nhức xương ống chân thường xuất phát từ nguyên nhân bệnh lý hoặc do thói quen ăn uống, vận động hàng ngày thiếu khoa học.
1. Đau nhức xương ống chân do các vấn đề về sức khỏe
Trường hợp xương ống chân bị đau nhức do các vấn đề về sức khỏe, cơn đau có khuynh hướng kéo dài kèm theo nhiều dấu hiệu bất thường khác. Vậy đau nhức xương ống chân là bệnh gì?
– Chấn thương:
Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây đau xương ống chân. Các chấn thương như rạn nứt xương, gãy xương ống chân có thể xảy ra do tai nạn, vấp ngã, va đập mạnh hoặc vận động sai tư thế.
Cơn đau nhức ở xương ống chân thường xuất hiện sau khi bị chấn thương. Cảm giác đau có thể ở mức độ từ nhẹ đến nặng tùy theo tình trạng chấn thương. Ngoài ra, vùng bị đau còn có triệu chứng sưng phù, bầm tím da. Nếu xương ống chân bị đau dữ dội và không thể đứng lên đi lại, bạn hãy đi khám bác sĩ ngay bởi nhiều khả năng bạn đã bị gãy xương.
– Loãng xương:
Căn bệnh này không chỉ gây đau nhức trong xương ống chân mà còn có thể gây đau nhức xương khớp toàn thân. Khi bị loãng xương, mật độ xương giảm ,do thiếu canxi và các dưỡng chất cần thiết nên xương ống trở nên giòn, xốp và dễ gãy.
Ngoài tình trạng đau nhức xương khớp, người bị loãng xương cũng thường xuyên phải đối mặt với cảm giác buồn bằn khó chịu trong xương, mỏi dọc các xương dài, bị xẹp lún đốt sống gây giảm chiều cao, gù lưng, dáng đi lom khom…
– Bệnh gout:
Khi mắc bệnh gout, axit uric trong máu tăng cao và tích tụ tại bất kỳ vị trí nào bên ngoài xương khớp dưới dạng các tinh thể muối urat sắc nhọn. Chúng có thể gây tổn thương cho các khớp ở chân như khớp gối, cổ chân, khớp ngón chân cái hay mắt cá chân và gây ra những cơn đau nhức dữ dội lan tỏa đến cả xương ống chân.
Các triệu chứng khác có thể gặp khi mắc bệnh gout bao gồm:
- Sưng khớp đột ngột, thường là vào ban đêm
- Viêm đỏ
- Nóng ấm ở khu vực quanh khớp bị ảnh hưởng
- Nổi cục tophi
- Sỏi thận hình thành do axit uric tích tụ nhiều tại thận.
– Viêm khớp gối:
Bệnh viêm khớp gối thường xảy ra do nhiễm khuẩn hoặc phát triển sau khi bị chấn thương, thoái hóa khớp gối hay tràn dịch khớp gối.
Các triệu chứng có thể gặp khi mắc căn bệnh này bao gồm:
- Đầu gối bị sưng phù
- Đau nhức âm ỉ hoặc dữ dội ở khớp gối. Cơn đau có thể lan rộng ra các khu vực lân cận như xương đùi, xương ống chân.
- Tê chân
- Cứng khớp gối vào buổi sáng
- Không thể co duỗi khớp gối hoặc đi lại bình thường.
- Trường hợp nặng có thể bị biến dạng khớp gối, tràn phế và mất khả năng đi lại.
– Bệnh thoái hóa khớp
Tình trạng thoái hóa khớp có thể xảy ra ở khớp háng, khớp gối hay khớp cổ chân do lớp sụn bị ăn mòn. Khu vực tổn thương có thể phát triển gai xương ma sát với các mô mềm quanh khớp và chèn ép vào dây thần kinh tọa dẫn đến cảm giác tê bì, ngứa ran dọc theo một bên chân. Kèm theo đó là tình trạng cứng khớp, đau ở khớp bị thoái hóa. Cơn đau lan tỏa đến xương ống chân gây đau nhức trong xương.
– Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Cột sống thắt lưng là nơi phải chịu nhiều áp lực và thường xuyên cử động nên rất dễ bị thoát vị đĩa đệm. Lúc này, nhân nhầy bên trong bao xơ đĩa đệm thoát ra ngoài nên chèn ép vào tủy sống mạch máu và rễ thần kinh.
Người bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng thường bị đau thần kinh tọa gây cảm giác tê buốt, đau, ngứa ran từ hông kéo dài xuống tới các ngón chân. Khu vực xương ống chân cũng thường xuyên phải gánh chịu các cơn đau nhức khó chịu. Bệnh kéo dài còn gây yếu cơ, teo cơ chân hoặc bại liệt.
– Ung thư xương:
Trong một số trường hợp, hiện tượng đau nhức xương ống chân có thể là dấu hiệu của ung thư xương. Đây là một bệnh lý nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao. Ngoài xương ống chân, ung thư xương còn gây đau nhức ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, nhiều trường hợp nặng còn bị đau nhức xương khớp toàn thân.
Người bệnh nên thận trọng với căn bệnh này khi thấy các dấu hiệu khác như giảm cân, mệt mỏi, dễ gãy xương, sờ thấy khối u cứng ở xương ống chân,…
– Tiểu đường:
Bệnh tiểu đường cũng là một trong những vấn đề sức khỏe thường gặp gây đau nhức trong xương ống chân. Nguyên nhân dẫn đến các cơn đau là do hàm lượng glucose trong máu tăng cao gây tổn thương cho mạch máu, dây thần kinh và xương khớp.
Bạn nên thận trọng với bệnh tiểu đường khi nhận thấy các dấu hiệu khác như:
- Thường xuyên mệt mỏi, đói
- Đi tiểu nhiều lần
- Hay khát nước, khô miệng
- Ngứa da
- Sụt cân
- Giảm thị lực
- Dễ bị nhiễm trùng nấm men
- Vết loét hay tổn thương ngoài da lâu lành.
– Xơ vữa động mạch:
Bệnh xơ vữa động mạch có sự hình thành của các mảng xơ vữa trong mạch máu khiến máu lưu thông đến chi dưới kém. Do không được cung cấp máu nuôi dưỡng đầy đủ, người bệnh thường xuyên có cảm giác tê chân, đau nhức, buồn bằn trong xương ống chân, yếu chân.
– Rối loạn chuyển hóa lipid máu:
Căn bệnh này được chẩn đoán khi có sự gia tăng của nồng độ cholesterol và triglycerid trong máu. Bệnh kéo dài làm tăng nguy cơ bị xơ vữa động mạch, giảm tuần hoàn máu gây đau nhức xương ống chân và có thể dẫn đến tai biến mạch máu não và nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
2. Nguyên nhân gây đau xương ống chân không do bệnh lý
Bên cạnh các vấn đề về sức khỏe, hiện tượng đau nhức trong xương ống chân còn xảy ra do các nguyên nhân khác như:
- Thiếu canxi và vitamin D khiến xương khớp lỏng lẻo, suy yếu và thường xuyên bị đau nhức.
- Nằm ngủ sai tư thế, mang vác đồ nặng, đi lại nhiều, đứng lâu, ngồi xổm trong thời gian dài, chơi thể thao quá sức, lao động nặng nhọc khiến xương ống chân chịu nhiều áp lực, bị tổn thương.
- Thời tiết lạnh hoặc chuyển mùa đột ngột từ nóng sang lạnh. Lúc này các mạch máu bị co lại, làm giảm lượng máu lưu thông đến xương ống chân gây cảm giác đau nhức, tê bì như có kiến bò.
- Xương và sụn phát triển quá nhanh cũng gây đau xương ống chân. Hiện tượng này thường gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Chăm sóc tại nhà
Để kiểm soát các cơn đau nhẹ ở xương ống chân, người bệnh có thể áp dụng một số mẹo tự nhiên như:
- Chườm nóng, chườm lạnh
- Mang nẹp xương ống chân hoặc băng cố định khớp bị tổn thương.
- Sử dụng gậy chống hỗ trợ cho việc đi lại để giảm bớt áp lực lên vùng bị đau.
- Nghỉ ngơi nhiều, hạn chế di chuyển trong những ngày xương ống chân bị đau nặng.
- Massage, xoa bóp nhẹ nhàng bên ngoài xương ống chân và khu vực xung quanh để kích thích lưu thông máu, giảm đau.
- Tắm nước ấm.
- Ngâm chân vào nước muối ấm hay nước gừng mỗi tối trước khi đi ngủ.
- Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Bổ sung các thực phẩm giàu omega 3, canxi, vitamin D, vitamin C trong thực đơn để hỗ trợ giảm viêm, cải thiện độ chắc khỏe cho xương ống chân, ngăn ngừa loãng xương, thoái hóa khớp.
- Không sử dụng các thức uống chứa cồn hoặc hút thuốc lá.
- Tập thể dục mỗi ngày, vận động đúng tư thế để hạn chế tổn thương cho xương ống chân.
Câu hỏi thường gặp
Đau nhức xương ống chân có nguy hiểm không?
Hiện tượng đau nhức trong xương ống chân có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm và cần được điều trị ngay. Cảm giác đau nhức kéo dài cũng gây ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận động, đi lại và làm đảo lộn đời sống sinh hoạt của người bệnh. Trường hợp bị nặng còn khiến người bệnh có nguy cơ bị tàn phế suốt đời.
Do vậy, nếu bị xương ống chân bị đau nhức kéo dài quá 5 ngày kèm theo các triệu chứng như sưng đỏ khớp, giảm cân, đi lại khó khăn… thì người bệnh nên đi khám ngay để kịp thời phát hiện và điều trị các vấn đề về sức khỏe, giúp giải quyết dứt điểm cơn đau.
Chẩn đoán
Chẩn đoán là một bước quan trọng giúp bác sĩ xác định được nguyên nhân gây đau nhức xương ống chân và xây dựng phác đồ điều trị phù hợp cho mỗi bệnh nhân. Một số thông tin có thể được đề cập đến trong quá trình thăm khám tại bệnh viện như tiền sử mắc bệnh, thói quen vận động, chế độ ăn uống… Bác sĩ chuyên khoa cũng kiểm tra bên ngoài vùng xương ống chân để xác định điểm đau và phát hiện tình trạng sưng viêm, chấn thương nếu có.
Bên cạnh đó, để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây đau và đánh mức độ tổn thương trong xương khớp, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện thêm một số phương pháp cận lâm sàng như:
- Xét nghiệm công thức máu kiểm tra nồng độ axit uric, lipid máu hoặc tìm kiếm dấu hiệu của nhiễm trùng khớp.
- Chụp X-quang khớp, xương ống chân
- Chụp cộng hưởng từ MRI
- Siêu âm khớp nếu có dấu hiệu tổn thương.
Điều trị
- Thuốc giảm đau mức độ nhẹ đến vừa: Paracetamol, Efferalgan….
- Thuốc kháng viêm không steroid: Diclofenac, Ibuprofen, Aspirin hay Naproxen,…
- Thuốc Corticoid: Thuốc được sử dụng theo đường tiêm ngoài màng cứng hoặc tiêm trực tiếp vào trong khớp cho các trường hợp bị viêm nặng và không đáp ứng với các thuốc giảm đau, kháng viêm thông thường.
- Thuốc giãn cơ: Myonal hay Mydocalmcó thể giúp làm giảm hiện tượng co thắt các cơ ở bắp chân, giảm đau xương ống chân và giúp người bệnh vận động linh hoạt hơn.
- Thuốc kháng sinh: Nhóm thuốc này chỉ được bác sĩ kê đơn khi có nhiễm trùng.
Việc sử dụng các loại thuốc trị đau nhức xương ống chân trong Tây y cho tác dụng nhanh nhưng lại tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ. Để tránh phát sinh thêm những rủi ro ngoài ý muốn, người bệnh nên tuân thủ đúng theo hướng dẫn của bác sĩ và tái khám sau khi hết thuốc để đánh giá lại kết quả điều trị.