Đau Thắt Ngực Không Ổn Định
Đau thắt ngực không ổn định nguy hiểm hơn rất nhiều so với tình trạng đau thắt ngực ổn định. Nếu không xử lý đúng cách sẽ gây ra bệnh nhồi máu cơ tim, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh. Để hiểu rõ hơn về tình trạng đau tức ngực không ổn định cũng như cách điều trị thì bạn hãy cùng tôi theo dõi bài viết bên dưới đây.
Định nghĩa
Đau thắt ngực ổn định xảy ra khi mảng xơ vữa hình thành bên trong động mạch vành, làm giảm lượng máu lưu thông về tim. Cơn đau thường xảy ra khi người bệnh vận động quá sức và giảm dần khi nghỉ ngơi. Còn với trường hợp đau thắt ngực không ổn định, cơn đau sẽ xảy ra ngẫu nhiên, không có dấu hiệu báo trước và không bị tác động từ các yếu tố bên ngoài. Nhiều trường hợp, cơn đau còn khởi phát ngay cả khi nghỉ ngơi khiến người bệnh phải đột ngột tỉnh dậy.
Nguyên nhân chính gây ra tình trạng này là do tim không được cung cấp đủ máu và oxy. Các triệu chứng của tình trạng đau thắt ngực không ổn định thường diễn ra kéo dài và không có dấu hiệu thuyên giảm ngay cả khi dùng thuốc giãn mạch. Đau thắt ngực không ổn định được xem là tiền đề cho cơn nhồi máu cơ tim khởi phát trong tương lai, bạn tuyệt đối không được chủ quan trong việc điều trị và phòng ngừa.
Nếu tình trạng đau thắt ngực không ổn định không được cải thiện đúng cách sẽ nhanh chóng trở nên tồi tệ chỉ trong thời gian ngắn. Vì thế, bạn cần đến bệnh viện để được cấp cứu khẩn cấp. Nếu không, cơn nhồi máu cơ tim sẽ xảy ra gây hoại tử một phần của cơ tim và đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh. Đồng thời, chứng đau thắt ngực không ổn định còn làm gia tăng nguy cơ bị suy tim và rối loạn nhịp tim.
Biểu hiện
Bệnh nhân đã từng bị động mạch vành hoặc bị thiếu máu cơ tim thầm lặng rất dễ khởi phát cơn đau thắt ngực không ổn định. Cơn đau thường xảy ra đột ngột, có thể biến chứng sang nhồi máu cơ tim và dẫn đến tử vong. Bạn có thể nhận biết ra tình trạng đau thắt ngực không ổn định thông qua các dấu hiệu điển hình sau đây:
- Xuất hiện cơn đau thắt nhẹ hoặc dữ dội ở vùng ngực, cảm giác lồng ngực bị đè nén và tim thắt chặt lại.
- Cơn đau nhức thường khởi phát ở vùng ngực rồi lan tỏa ra xung quanh như cổ, hàm, vai, lưng và cánh tay trái.
- Một số triệu chứng đi kèm là khó thở, buồn nôn, đổ mồ hôi, chóng mặt, nhịp tim nhanh bất thường,…
Với những trường hợp nhẹ sẽ không có triệu chứng đau ngực điển hình mà người bệnh chỉ hơi khó chịu và mệt mỏi. Đôi khi sẽ có cảm giác tê buồn ở bụng-vai-cánh tay, buồn nôn, khó thở, ợ nóng,…
Đau thắt ngực không ổn định là tình trạng xảy ra khá phổ biến hiện nay, bất kỳ ai cũng có thể mắc phải nhưng thường gặp nhất là người trung niên và người cao tuổi. Bạn cần cảnh giác khi có các triệu chứng của bệnh để chủ động đưa ra biện pháp phòng ngừa nhồi máu cơ tim.
Nguyên nhân
Đau thắt ngực không ổn định thường xảy ra do hội chứng mạch vành cấp. Các mảng xơ vữa bên trong mạch vành có thể bị xói mòn hoặc nứt vỡ dưới sự tác động của phản ứng viêm do stress oxy hóa tế bào và những cơn co thắt động mạch khi tim co bóp. Điều này đã tạo cơ hội cho cục máu đông hình thành ngay tại mảng bám, khiến lòng động mạch vành bị thu hẹp lại.
Đồng thời, các cục máu đông này còn có thể di chuyển đến các vị trí khác trên động mạch gây tắc nghẽn dòng chảy hoàn toàn. Điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình vận chuyển oxy và dinh dưỡng về cơ tim. Nếu tình trạng này chỉ xảy ra vài phút cũng khiến hàng loạt tế bào cơ tim bị chết đi. Lúc này, nếu bạn không được cấp cứu kịp thời sẽ có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, gây nguy hiểm đến tính mạng.
Những đối tượng dễ bị đau tức ngực không ổn định là:
- Lạm dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá,…
- Mắc bệnh xơ vữa động mạch (động mạch trở nên giòn và cứng)
- Người bị huyết áp cao, nồng độ cholesterol trong máu cao, bị tiểu đường
- Gia đình có người mắc chứng đau thắt ngực không ổn định
Chăm sóc tại nhà
- Sử dụng thuốc điều trị bệnh lý theo đúng phác đồ mà bác sĩ chuyên khoa đã đưa ra. Tuyệt đối không được tự ý thay đổi loại thuốc cũng như liệu trình điều trị. Luôn mang theo thuốc Nitroglycerin bên người để phòng ngừa bệnh tái phát bất kỳ lúc nào.
- Thay đổi chế độ ăn uống theo hướng tích cực. Nên hạn chế tiêu thụ đồ ăn chứa nhiều chất béo và thực phẩm chứa nhiều cholesterol như nội tạng động vật, thịt đỏ, trứng sữa,…
- Tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày với cường độ phù hợp, tốt nhất bạn nên tập luyện theo lời khuyên của bác sĩ. Luôn duy trì cân nặng ở mức ổn định và hợp lý, tiến hành giảm cân khoa học nếu đang trong tình trạng thừa cân béo phì.
- Hình thành lối sống lành mạnh như nghỉ ngơi và làm việc hợp lý, tránh bị căng thẳng stress kéo dài,… Tuyệt đối không hút thuốc lá hoặc tiêu thụ đồ uống có cồn như rượu bia,… Khi xuất hiện cơn đau thắt ở vùng ngực, cần nhanh chóng thông báo cho người thân.
Điều trị
Thông thường, bác sĩ có thể chẩn đoán tình trạng đau thắt ngực không ổn định thông qua các triệu chứng lâm sàng như đau thắt ngực khi nghỉ ngơi, cơn đau diễn ra kéo dài trên 20 phút, khả năng vận động bị hạn chế, cơn đau xuất hiện ngày càng nhiều và thời gian đau cũng kéo dài hơn, không đáp ứng điều trị bằng thuốc giãn mạch,… Nhưng để đảm bảo tính chính xác, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng như điện tâm đồ, siêu âm tim, men tim,…
Việc điều trị đau thắt ngực không ổn định còn phụ thuộc vào tình trạng bệnh ở mỗi bệnh nhân. Với những trường hợp khởi phát cơn đau do bệnh mạch vành, bác sĩ sẽ yêu cầu điều trị tốt bệnh mạch vành để phòng ngừa cơn đau tái phát trở lại. Lúc này, người bệnh sẽ được chỉ định dùng thuốc để ổn định tình trạng bệnh. Các loại thuốc thường được dùng là thuốc giảm đau, thuốc chống đông máu, thuốc kiểm soát huyết áp, thuốc giảm mỡ máu,…
Với những trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ yêu cầu phẫu thuật để điều trị bệnh mạch vành. Thủ thuật phẫu thuật thường được áp dụng là bắc cầu động mạch vành, đặt ống stent tại vị trí động mạch bị xơ vữa. Sau điều trị, người bệnh cũng nên thăm khám sức khỏe thường xuyên để kiểm tra tình trạng sức khỏe của bản thân.