Teo Cơ Chân
Teo cơ chân xảy ra do sự mất cân bằng giữa quá trình thoái hóa và tổng hợp protein. Lúc này, khối lượng cơ chân sẽ bị suy giảm kèm theo tình trạng yếu chi. Điều này đã khiến cho khả năng vận động của người bệnh bị suy giảm đáng kể. Khi bị teo cơ chân, bạn cần đến bệnh viện thăm khám để được hướng dẫn trị liệu đúng cách. Với những trường hợp teo cơ chân do các nguyên nhân nghiêm trọng sẽ không có khả năng phục hồi và làm gia tăng nguy cơ bại liệt.
Định nghĩa
Teo cơ chân là hiện tượng suy giảm khối lượng cơ ở vùng chân. Tình trạng này thường xảy ra sau một chấn thương khiến bạn không thể di chuyển trong thời gian dài, điều này đã làm cho cơ bắp dần bị hao mòn theo thời gian. Ngoài ra, tình trạng teo cơ chân cũng có thể xảy ra do ảnh hưởng từ quá trình lão hóa, bệnh lý, tác dụng phụ của thuốc tây y, suy dinh dưỡng,…
Triệu chứng đặc trưng nhất của bệnh teo cơ chân là gây ra tình trạng mất cơ bắp chân, mất cơ đùi và hoặc mất cơ ở một số vị trí nhỏ khác. Thông thường, hai tình trạng mất cơ và yếu cơ sẽ diễn ra cùng lúc với nhau. Điều này đã khiến cho việc cử động cơ không còn linh hoạt như lúc trước, nhiều trường hợp còn không thể thực hiện các động tác cần đến sức mạnh cơ bắp.
Việc điều trị và phục hồi tình trạng teo cơ chân còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Nếu bị teo cơ do suy dinh dưỡng thì việc phục hồi sẽ tập trung vào liệu pháp dinh dưỡng, trường hợp teo cơ do bất động trong thời gian dài thì cần tiến hành vật lý trị liệu. Nhưng với những trường hợp teo cơ chân do các nguyên nhân nghiêm trọng như ung thư thì có thể gây mất cơ vĩnh viễn, không thể phục hồi hoàn toàn.
Nguyên nhân
Trên cơ thể người, cơ có chức năng lưu trữ acid amin. Lượng acid amin này chỉ được sử dụng khi cơ thể không được cung cấp đủ protein thông qua chế độ ăn uống hoặc nhu cầu protein của cơ thể ở mức quá cao. Nếu quá trình tổng hợp protein thấp hơn so với nhu cầu protein của cơ thể sẽ kích thích quá trình suy giảm khối lượng cơ diễn ra. Một số yếu tố dẫn đến sự mất cân bằng này là chế độ ăn uống nghèo nàn dưỡng chất, tình trạng sức khỏe không đảm bảo, bệnh lý,… Dưới đây là một số nguyên nhân gây teo cơ chân thường gặp mà chúng tôi tổng hợp được bạn có thể tham khảo:
- Bất động trong thời gian dài: Đây là nguyên nhân gây teo cơ chân phổ biến nhất. Tình trạng này có thể xảy ra khi bạn phải tiến hành bó bột trong thời gian dài do gãy chân, chấn thương,… Thống kê y khoa cho biết, có khoảng 0.5 – 0.4% tổng khối lượng cơ chân sẽ bị mất đi sau khoảng 10 – 42 ngày bất động chân. Với người lớn tuổi, tốc độ mất cơ do bất động sẽ diễn ra nhanh hơn so với người bình thường.
- Hội chứng suy mòn: Khi mắc phải hội chứng suy mòn, bạn sẽ bị mất cơ liên tục và không đáp ứng điều trị với liệu pháp dinh dưỡng. Hội chứng này thường xảy ra ở những người mắc phải bệnh ung thư, tắc nghẽn phổi mãn tính, bệnh thận mãn tính, AIDS,…
- Sarcopenia: Đây là hiện tượng chất lượng, sức mạnh và khối lượng cơ bị mất dần theo thời gian do ảnh hưởng từ quá trình lão hóa. Lâu dần sẽ gây ra tình trạng teo cơ, số lượng sợi cơ sẽ suy giảm mạnh và chuyển sang tình trạng co giật chậm. Ở trường hợp này, tỷ lệ mất cơ còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như chế độ dinh dưỡng, chế độ tập luyện, bệnh ký,… Chuyên gia cho biết, tình trạng teo cơ do sarcopenia xảy ra do nhiều cơ chế, có thể gây suy giảm chức năng và nguy cơ tàn tật cao.
- Bệnh lý: Tình trạng teo cơ chân cũng có thể xảy ra do tác động từ bệnh lý liên quan đến nội tiết tố (suy giáp, Cushing,…) hoặc bệnh lý về cơ xương (viêm cơ, xơ cứng teo cơ, chứng loạn dưỡng cơ).
- Tổn thương thần kinh: Tổn thương hệ thần kinh trung ương hoặc tổn thương hệ thần kinh ngoại vi cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng teo cơ chân. Nếu bị tổn thương lan rộng tại trung ương thần kinh do bệnh bại não hoặc chấn thương sọ não, bạn phải đối mặt với tình trạng teo cơ toàn thân.
- Di truyền: Nếu tình trạng teo cơ chân xảy ra ở trẻ em thì rất có thể là do một số khiếm khuyết hoặc sai lệch trong bộ gen di truyền. Điều này đã gây ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp protein của cơ thể. Lúc này, sức mạnh cơ sẽ suy giảm nghiêm trọng và gây ra tình trạng teo cơ bẩm sinh.
- Nguyên nhân khác: Tình trạng teo cơ chân cũng có thể xảy ra do ảnh hưởng từ một số nguyên nhân khác như suy dinh dưỡng, lạm dụng thuốc Tây y, mắc phải hội chứng Guillain-Barre, teo cơ do liên quan đến rượu, bị bỏng, sử dụng corticosteroid dài hạn,…
Chăm sóc tại nhà
1. Thay đổi chế độ dinh dưỡng
Hầu hết các trường hợp bị teo cơ đều cần được tối ưu hóa tình trạng trạng dinh dưỡng để cải thiện bệnh tình. Lúc này, thực đơn ăn uống hàng ngày của người bệnh cần tăng cường bổ sung protein và hàm lượng calo nạp vào cơ thể để đảm bảo cho quá trình tổng hợp protein có thể diễn ra một cách tốt nhất. Dựa vào tình trạng bệnh và yếu tố chuyển hóa mà nhu cầu protein của người bệnh sẽ thay đổi theo từng giai đoạn.
Ngoài việc bổ sung protein, chế độ ăn uống của người bệnh cũng cần chú trọng việc bổ sung thêm acid amin chuỗi nhánh cho cơ thể. Loại acid amin này có khả năng ức chế quá trình phân hủy protein và kích thích quá trình tái tạo cơ. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể dùng thêm thực phẩm chức năng chứa β-Hydroxy và β-Methylbutyrate, các chất này có tác dụng điều trị và phòng ngừa tình trạng mất khối lượng cơ bắp rất tốt. Mang lại hiệu quả cao đối với bệnh nhân bị teo cơ do Sarcopenia.
2. Hoạt động thể chất
Những người đang bị teo cơ chân cần thường xuyên đi lại và tập luyện thể dục thể thao mỗi ngày để kích thích cơ đồng hóa. Từ đó, tốc độ teo cơ sẽ chậm lại và đẩy nhanh tốc độ hồi phục cơ bị teo. Người lớn tuổi duy trì thói quen vận động thể chất mỗi ngày sẽ làm giảm tình trạng teo cơ khá hiệu quả và nâng cao sức kháng cơ thể. Ngoài ra, việc hoạt động thể chất còn mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe như tăng cường chức năng cơ quan tiêu hóa, tăng khả năng hấp thụ dưỡng chất, bảo vệ sức khỏe tim mạch, duy trì sức khỏe hệ xương khớp,…
3. Kích thích điện chức năng
Với những trường hợp bị teo cơ do không thể vận động thể chất trong thời gian dài như liệt nửa người, tổn thương trung ương thần linh,… bác sĩ sẽ yêu cầu kích thích điện chức năng để kích thích cơ. Phương pháp này được tiến hành bằng cách dùng xung điện năng lượng thấp để kích thích vào cơ để hình thành nên các chuyển động nhân tạo bên trong cơ thể. Điều này đã có tác dụng ngăn chặn quá trình teo cơ tiếp tục diễn ra và phục hồi một số chức năng tại chi. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ được áp dụng ngắn hạn trong một khoảng thời gian nhất định.
Triệu chứng
Như được nhắc đến ở trên, mất khối lượng cơ nạc là triệu chứng điển hình của tình trạng teo cơ chân. Tình trạng này rất khó nhận biết ở những người đang bị thừa cân, béo phì hoặc phù nề. Tuy nhiên, bạn cũng có thể nhận biết ra tình trạng teo cơ chân thông qua một số biểu hiện khác như:
- Bị teo lõi hoặc cơ bắp chân, mức độ suy nhược chi ngày càng tăng.
- Kích thước chân ngày càng nhỏ nhưng không ngắn hơn bình thường.
- Gặp khó khăn khi thực hiện các hoạt động thể chất như đi bộ, chạy nhảy, leo cầu thang, đứng dậy,…
- Khi di chuyển sẽ thấy dáng đi bị thay đổi và dễ bị té ngã.
Điều trị
Vật lý trị liệu
Dựa vào mức độ teo cơ chân, chuyên gia sẽ thiết kế chương trình vật lý trị liệu phù hợp nhất đối với người bệnh. Mục đích của việc tiến hành vật lý trị liệu là cải thiện khả năng vận động, làm tăng khối lượng cơ và giảm căng cơ, kích thích tuần hoàn máu và làm thư giãn hệ cơ xương khớp. Với những trường hợp teo cơ nghiêm trọng gây khó khăn khi vận động, người bệnh sẽ tiến hành tập luyện trị liệu dưới sự hỗ trợ của chuyên gia.
Siêu âm
Y khoa có hai liệu pháp siêu âm điều trị chứng teo cơ chân là sưởi ấm sâu và xâm thực, bác sĩ sẽ chỉ định liệu pháp siêu âm điều trị dựa vào tình trạng bệnh của mỗi người người. Liệu pháp sưởi ấm sâu được tiến hành bằng cách dùng sóng siêu âm trị liệu để tác động lên các mô mềm ở khu vực bị ảnh hưởng, giúp tăng lưu thông máu đến khu vực này. Từ đó, quá trình chữa lành tổn thương sẽ được đẩy mạnh và làm tăng khối lượng cơ. Còn liệu pháp xâm thực sẽ được tiến hành bằng cách dùng năng lượng siêu âm để tạo bọt khí xung quanh mô bị tổn thương, kích thích chúng co lại và đẩy nhanh tốc độ chữa lành.
Dùng thuốc
Với những trường hợp bị teo cơ ở mức độ nghiêm trọng, bác sĩ sẽ kê đơn điều trị bằng thuốc Tây y. Thường dùng là thuốc chứa steroid đồng hóa. Thuốc có tác dụng làm chậm tốc độ suy giảm khối cơ và đẩy lùi các triệu chứng có liên quan. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc chứa steroid đồng hóa sẽ khiến bạn phải đối mặt với rất nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng nên chỉ được sử dụng khi thực sự cần thiết. Ở một số trường hợp, bác sĩ sẽ hướng dẫn sử dụng thuốc điều biến thụ thể androgen chọn lọc. Tác dụng của loại thuốc này là tái tạo và thúc đẩy sự phát triển cơ xương bên trong cơ thể. Loại thuốc này ít gây ra tác dụng phụ hơn nên được sử dụng nhiều hơn.
Phẫu thuật
Phẫu thuật được chỉ định thực hiện với những trường hợp teo cơ do rách gân, teo cơ do suy dinh dưỡng hoặc teo cơ chân làm khả năng vận động hoặc biến dạng dị hình. Sau phẫu thuật, khả năng vận động của người bệnh sẽ được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, phương pháp điều trị bệnh này có mức chi phí rất cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro không mong muốn. Bạn cần cân nhắc thật kỹ và hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi tiến hành.
Phòng ngừa
Tình trạng teo cơ chân có thể xảy ra do nhiều cơ chế khác nhau. Bạn có thể hạn chế nguy cơ mắc bệnh bằng cách áp dụng các biện pháp phòng ngừa sau đây:
- Duy trì vận động thể chất từ 30 – 60 phút mỗi ngày giúp kích thích phát triển cơ bắp và tăng cường sức mạnh của cơ. Tuyệt đối không nên nằm bất động trên giường hoặc không sử dụng cơ liên tục trong 10 ngày liền.
- Cung cấp đầy đủ các nhóm dưỡng chất cần thiết cho cơ thể thông qua chế độ ăn uống, đặc biệt là protein. Nên có các biện pháp cải thiện cân nặng với những trường hợp bị suy dinh dưỡng.
- Với những trường hợp đang gặp vấn đề về thần kinh gây khó khăn khi vận động hoặc bị liệt nửa người, nên tiến hành kích thích điện chức năng hoặc vật lý trị liệu dưới sự hướng dẫn của chuyên gia để tránh bi teo cơ.
- Điều trị dứt điểm hoặc kiểm soát tốt các bệnh lý làm gia tăng nguy cơ teo cơ. Cẩn thận trong việc dùng thuốc Tây y điều trị bệnh.
- Nếu có bất thường trong bộ gen di truyền, bạn cần đến bệnh viện thăm khám thường xuyên và áp dụng thêm các biện pháp điều trị dự phòng theo sự hướng dẫn của bác sĩ.
Bài viết trên đây là tổng hợp những thông tin cần biết về tình trạng teo cơ chân bạn có thể tham khảo để hiểu rõ hơn. Teo cơ chân có thể xảy ra dựa trên nhiều cơ chế và do tác động từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Khi gặp phải tình trạng này, bạn cần thăm khám chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân và hướng dẫn điều trị phù hợp. Nếu thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao, bạn cần chủ động trong việc phòng ngừa.
Câu hỏi thường gặp
Tràn dịch khớp gối không thể tự khỏi, cần được điều trị nếu muốn hết bệnh cũng như không làm phát sinh thêm nhiều biến chứng nguy hiểm khác như teo cơ, biến dạng khớp, bại liệt. Tùy vào mức độ bệnh lý mà thời gian hồi phục bệnh là khác nhau, thông thường sẽ thuyên giảm rõ rệt sau 2 tháng điều trị.
Xem chi tiết