Lupus Ban Đỏ Dạng Đĩa
Lupus ban đỏ dạng đĩa là bệnh lý tự miễn gây tổn thương nghiêm trọng đến làn da. Bệnh thường tiến triển theo từng đợt, kéo dài dai dẳng và khó điều trị dứt điểm. Ở những trường hợp này, bạn nên có các biện pháp chăm sóc phù hợp để cải thiện triệu chứng của bệnh và ngăn ngừa tổn thương mới xuất hiện trên da.
Định nghĩa
Lupus ban đỏ dạng đĩa là tổn thương mãn tính trên da. Các tổn thương này được hình thành khi hoạt động của hệ miễn dịch bị rối loạn, tấn công vào da và gây tổn thương lan rộng. Vùng da bị tổn thương do lupus ban đỏ dạng đĩa gây ra thường xỉn màu và có hình dáng tương tự đồng xu. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể nhưng thường gặp nhất là má, tai và da đầu.
Lupus ban đỏ dạng đĩa khiến làn da bị tổn thương nghiêm trọng nhưng không gây ngứa hoặc ít ngứa. Chuyên gia cho biết, các triệu chứng của bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa được hình thành do sự rối loạn của hệ miễn dịch, điều này đã khiến cho nồng độ IgE trong máu tăng cao và gây ra tình trạng viêm ngứa. Lúc này, người bệnh chỉ có triệu chứng ngứa nhẹ và tình trạng này chỉ xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn.
Phân loại lupus ban đỏ dạng đĩa
Dựa vào các yếu tố như đặc tính tổn thương trên da, thời gian tiến triển của bệnh, phạm vi ảnh hưởng trên da, độ tuổi mắc bệnh,… mà bệnh lý này được chia thành nhiều dạng khác nhau. Cụ thể là:
Tổn thương cơ bản
Lupus ban đỏ dạng đĩa tổn thương khu trú: Tổn thương do bệnh gây ra chỉ tập trung ở vùng cổ với mức độ không quá nghiêm trọng. Ở trường hợp này bạn có thể kiểm soát bằng nhiều biện pháp khác nhau để phòng ngừa tổn thương lan rộng đến vùng da lành xung quanh.
Lupus ban đỏ dạng đĩa tổn thương toàn thân: Bệnh gây tổn thương ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể nhưng thường gặp nhất là cổ, cánh tay và ngực. Tổn thương diễn ra ở mức độ nặng, sau khi lành sẽ để lại sẹo trên da. Khi làm xét nghiệm cận lâm sàng sẽ có một số dấu hiệu bất thường như số lượng bạch cầu hấp, nồng độ ESR tăng,…
Lupus ban đỏ dạng đĩa tổn thương thời thơ ấu: Thể bệnh này thường xảy ra ở trẻ nhỏ, tổn thương trên da diễn ra ở mức độ nghiêm trọng và dễ tiến triển sang lupus ban đỏ hệ thống.
Tổn thương đặc biệt
Lupus ban đỏ dạng đĩa phì đại: Tổn thương phát triển lên rộng trên da và được bao phủ bên ngoài bởi lớp vảy dày, bên trong vùng da tổn thương có chứa chất dày sừng.
Lupus profundus: Thể bệnh này xảy ra khi lupus ban đỏ dạng đĩa khởi phát cùng lúc với viêm lupus panniculi. Lúc này, làn da sẽ xuất hiện các nốt sần cứng, vùng da bị tổn thương có đường viền rõ ràng giúp bạn phân biệt với vùng da lành xung quanh.
Hình ảnh
Triệu chứng
Bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa có thể gây tổn thương ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể nhưng thường gặp là lòng bàn chân và tay, mặt, cổ, ngực,… Bạn có thể nhận biết tổn thương do lupus ban đỏ dạng đĩa gây ra thông qua các triệu chứng điển hình sau đây:
- Tổn thương trên da có hình tròn, chúng có thể phẳng hoặc gồ lên trên. Da trở nên xỉn màu, chuyển sang màu đỏ tía hoặc có màu đỏ tươi.
- Trung tâm vùng da bị tổn thương sẽ mất sắc tố da, còn vùng da quanh vành sẽ tăng sắc tố và có màu sẫm hơn.
- Vùng da bị tổn thương có lớp sừng bên trong nang lông, xuất hiện vảy trắng khô. Về sau lớp sừng này sẽ trở nên dày hơn và có dầu.
- Sau khi bong vảy làn da sẽ trở nên mỏng hơn bình thường và hình thành nên sẹo teo. Màu sắc da cũng trở nên tối hoặc sáng hơn những vùng da xung quanh.
- Nếu tổn thương xảy ra ở đầu ngón tay hoặc quanh khuỷu tay sẽ có xu hướng bị phồng rộp.
- Nếu bệnh gây tổn thương ở vùng da đầu hoặc nang tóc sẽ dẫn đến tình trạng rụng tóc nhiều. Móng tay cũng trở nên giòn, cong và biến dạng.
Tổn thương do bệnh lý này gây ra thường khởi phát theo từng đợt, nếu được điều trị và chăm sóc đúng cách thì sẽ khỏi hẳn mà không để lại biến chứng. Nhưng nếu để làn da tiếp xúc với các yếu tố kích thích thì tổn thương trên da sẽ bùng phát mạnh mẽ hơn.
Nguyên Nhân
Nguyên nhân chính xác gây ra bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa hiện vẫn chưa được xác định rõ ràng. Cơ chế hình thành bệnh là do sự rối loạn của hệ miễn dịch, kháng thể bị nhầm lẫn và tự chống lại kháng nguyên. Điều này đã khiến cho mô da khỏe mạnh trên cơ thể bị phá hủy và hình thành tổn thương. Một số yếu tố làm gia tăng nguy cơ khởi phát bệnh có thể kể đến là:
- Người Mỹ gốc Phi có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 3 lần so với người da trắng.
- Có người thân trong gia đình mắc bệnh lupus ban đỏ hoặc các bệnh lý tự miễn khác.
- Người trong độ tuổi 25 – 50 có nguy cơ khởi phát bệnh cao nhất, đặc biệt là ở nữ giới
- Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc hóa chất độc hại trong thời gian dài
- Thói quen hút thuốc lá hoặc thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá
- Hệ miễn dịch suy yếu do bệnh lý hoặc chế độ ăn uống không đảm bảo
- Bị căng thẳng hoặc mất ngủ kéo dài, rối loạn nội tiết tố, sống trong môi trường ô nhiễm,…
Biến chứng
Lupus ban đỏ dạng đĩa được đánh giá là bệnh lý tự miễn mức độ nhẹ, không gây ảnh hưởng quá nhiều đến sức khỏe. Đồng thời, tổn thương da cũng ít gây ngứa ngáy nên hạn chế được tổn thương thứ phát và nhiễm trùng. Nhưng nếu tổn thương trên da xảy ra quá nhiều lần sẽ khiến làn da có nguy cơ bị đổi màu vĩnh viễn và hình thành sẹo da. Nếu bệnh khởi phát ở vùng da đầu sẽ làm gia tăng nguy cơ hói đầu. Cũng có nhiều trường hợp, lupus ban đỏ dạng đĩa có thể tự khỏi mà không có cần phải điều trị, tỷ lệ này chiếm lên đến 90%.
Tuy nhiên, bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa cũng có thể tiến triển sang lupus ban đỏ hệ thống với tỷ lệ khoảng 5%. Lúc này, bệnh không chỉ gây tổn thương đến làn da mà còn tấn công gây hại đến hàng loạt các cơ quan nội tạng ở bên trong. Với trường hợp này, nếu không điều trị và kiểm soát tốt sẽ có nguy cơ tử vong rất cao. Nếu người bệnh có các dấu hiệu sau đây thì nguy cơ tiến triển sang lupus ban đỏ hệ thống là rất cao:
- Bị sốt hoặc viêm khớp ngay khi chẩn đoán ra bệnh
- Bị loét tại niêm mạc mũi hoặc miệng
- Rụng tóc
- Mắc hội chứng Raynaud với đặc trưng là tê bì ngón tay và chân
Biện pháp chẩn đoán
Thông thường, bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa thông qua việc kiểm tra triệu chứng lâm sàng và làm xét nghiệm cận lâm sàng. Cụ thể là:
+ Kiểm tra lâm sàng
- Thăm hỏi về bệnh sử của gia đình, tiền sử bệnh lý trước đó và các yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Kiểm tra tổn thương thực thể trên da cùng với các triệu chứng đi kèm, dựa vào đó để đánh giá mức độ tổn thương và khả năng lây lan đến vùng da xung quanh.
- Kiểm tra tình trạng rối loạn sắc tố ngay tại vùng da đang bị bệnh
+ Xét nghiệm cận lâm sàng:
Bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện thêm một số xét nghiệm sau đây giúp chẩn đoán xác định và chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác có triệu chứng tương tự:
- Xét nghiệm huyết thanh hoặc nước tiểu để kiểm tra số lượng bạch cầu, nồng độ EST và số lượng kháng thể kháng annexin 1.
- Sinh thiết da để tìm ra tế bào bất thường cùng các biểu hiện khác
Biện pháp điều trị
Bệnh lupus ban đỏ dạng đĩa nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách thì triệu chứng của bệnh có thể thuyên giảm hoàn toàn. Còn với những trường hợp chậm trễ trong việc điều trị sẽ khiến tổn thương trên da phát triển lan rộng đến những vùng da xung quanh, khiến làn da bị thay đổi sắc tố và để lại sẹo khó phục hồi.
Sử dụng thuốc là phương pháp điều trị bệnh được áp dụng phổ biến nhất hiện nay. Dựa vào mức độ nghiêm trọng ở từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị sao cho phù hợp.
Điều trị tại chỗ
Nếu bệnh chỉ mới khởi phát ở giai đoạn đầu và gây tổn thương ở vùng da nhỏ, bác sĩ sẽ yêu cầu sử dụng thuốc bôi tại chỗ để khắc phục các tổn thương do bệnh gây ra. Các loại thuốc thường được kê đơn là:
+ Corticosteroid: Thuốc có tác dụng kháng viêm, giảm đau và thu nhỏ kích thước vùng da bị tổn thương. Đồng thời, hoạt chất Corticosteroid còn có tác dụng ức chế hoạt động của hệ miễn dịch và phòng ngừa tổn thương trên da tiếp tục tái phát trở lại. Với những trường hợp bệnh nhẹ, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc bôi với tần suất 1 lần/ngày. Ở những trường hợp nghiêm trọng hơn, người bệnh sẽ được chỉ định tiêm Corticosteroid vào vị trí bị tổn thương.
+ Thuốc ức chế calcineurin: Thuốc được bào chế dưới dạng thuốc mỡ bôi ngoài da. Công dụng chính của nhóm thuốc này là ức chế hoạt động của hệ miễn dịch và làm giảm tổn thương trên da. Đồng thời, calcineurin còn có khả năng ức chế việc sản sinh ra chất trung gian gây viêm và quá trình hoạt hóa tế bào T, điều này sẽ hạn chế gây kích thích đến tế bào tổn thương bên ngoài da.
+ Thuốc Pimecrolimus: Thuốc được bào chế dưới dạng kem bôi ngoài da giúp chống viêm và điều chỉnh hoạt động của hệ miễn dịch. Dựa vào mức độ tổn thương trên da, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn sử dụng thuốc Pimecrolimus để điều trị dài hạn không liên tục hoặc điều trị ngắn hạn.
Điều trị toàn thân
Với những trường hợp lupus ban đỏ dạng đĩa đã chuyển biến nặng gây tổn thương lan rộng khắp toàn thân, bác sĩ sẽ kê đơn điều trị toàn thân bằng các loại thuốc sau đây:
+ Thuốc chống sốt rét: Thuốc thường được sử dụng để điều trị lupus ban đỏ dạng đĩa gây tổn tổn thương trên da ở mức độ trung bình và nặng. Tác dụng chính của loại thuốc này là chống viêm và kiểm soát tình trạng rối loạn ở hệ miễn dịch. Sau khi dùng thuốc, tình trạng viêm trên da sẽ được kiểm soát và đẩy nhanh tốc độ hồi phục da mới. Đồng thời, thuốc chống sốt rét còn làm thay đổi quá trình sản xuất kháng thể bên trong cơ thể, hình thành hàng rào bảo vệ quang vật lý bên ngoài da, giúp làm giảm phản ứng viêm khi làn da tiếp xúc với tia cực tím.
+ Corticosteroid toàn thân: Với những trường hợp bệnh nặng không đáp ứng điều trị bằng các loại thuốc ở trên, bác sĩ sẽ kê đơn điều trị bằng thuốc Corticosteroid đường uống. Thuốc có tác dụng kháng viêm và ức chế miễn dịch trên diện rộng. Các loại thuốc thường được sử dụng là Prednisolone và Prednisone
+ Các loại thuốc khác: Dựa vào mức độ tiến triển của bệnh, bác sĩ sẽ kê đơn điều trị phối hợp với một số loại thuốc khác như Methotrexate, Belimumad, Mycophenolate, Thalidomide, Dapsone,…
Lupus ban đỏ dạng đĩa ở thể mạn tính thường diễn ra kéo dài trong nhiều năm liền và mức độ nghiêm trọng cũng tăng dần theo thời gian. Nếu bạn áp dụng các biện pháp kiểm soát bệnh ngay từ sớm sẽ làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh lý và giúp tình trạng bệnh nhanh chóng được kiểm soát tốt.
Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà
Để quá trình điều trị lupus ban đỏ dạng đĩa nhanh chóng mang lại hiệu quả và phòng ngừa bệnh tái phát trở lại, bạn cần phải lưu ý những điều sau đây:
- Trong suốt quá trình điều trị bệnh bạn cần hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Nên có các biện pháp bảo vệ da khi đi ra ngoài như mặc quần áo dài tay, thoa kem chống nắng,… Việc bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời còn làm giảm tác dụng phụ từ việc sử dụng thuốc steroid dạng tiêm hoặc bôi ngoài da.
- Nói không với rượu bia và thuốc lá. Các chất độc hại trong nhóm thực phẩm này khi đi vào cơ thể sẽ khiến tổn thương trên da trở nên tồi tệ hơn. Ngoài việc loại bỏ thói quen hút thuốc lá thì người bệnh cũng nên tránh tiếp xúc với môi trường có nhiều khói thuốc lá.
- Sử dụng thêm kem dưỡng ẩm giúp hạn chế tình trạng khô da và làm tăng hàng rào bảo vệ da, điều này sẽ giúp bạn phòng ngừa được các bệnh lý nhiễm trùng ngoài da. Hạn chế tối đa việc sử dụng mỹ phẩm để tránh gây kích ứng đến vùng da bị tổn thương.
- Ăn uống khoa học giúp hỗ trợ điều trị bệnh và phục hồi tổn thương trên da. Thực đơn ăn uống hàng ngày nên tăng cường bổ sung rau củ quả tươi, ngũ cốc nguyên cám và cá béo. Cần hạn chế ăn thịt, thực phẩm giàu chất béo và thực phẩm chế biến sẵn.
- Sử dụng thuốc điều trị bệnh theo đúng hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Tiến hành tái khám định kỳ giúp kiểm tra mức độ đáp ứng điều trị của cơ thể.
Lupus ban đỏ dạng đĩa khiến làn da bị tổn thương nặng nề. Nếu không kiểm soát tốt sẽ phát sinh biến chứng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Ngay khi có dấu hiệu của bệnh, bạn cần thăm khám chuyên khoa để được hướng dẫn điều trị đúng cách. Đồng thời, người bệnh cũng cần chủ động đưa ra các biện pháp chăm sóc phù hợp để hạn chế tối đa nguy cơ phát sinh rủi ro.
- Chuyên gia
- Cơ sở