Lupus Ban Đỏ Ở Trẻ Em

Tổng quan

Lupus ban đỏ ở trẻ em xảy ra khi hoạt động của hệ miễn dịch rối loạn, tấn công phá hủy tế bào và mô khỏe mạnh bên trong cơ thể. Khi khởi phát, bệnh sẽ gây ra các tổn thương ngoài da và ảnh hưởng đến nhiều cơ quan nội tạng quan trọng khác bên trong cơ thể như khớp, tim, thận, phổi,…

Định nghĩa

Lupus ban đỏ là bệnh tự miễn có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, kể cả trẻ em. Bệnh lý này khởi phát khi hoạt động của hệ thống miễn dịch bị rối loạn, tự tạo ra kháng thể để chống lại tế bào khỏe mạnh bên trong cơ thể. Điều này đã gây tổn thương đến hàng loạt các cơ quan quan trọng như da, tim, phổi, gan, thận, khớp, hệ thần kinh,…

Bệnh lupus ban đỏ khởi phát ở trẻ em sẽ có nguyên nhân và triệu chứng không giống với người lớn. Ở trẻ em, tổn thương tại thần kinh và thận do bệnh lý này gây ra thường sẽ nghiêm trọng hơn. Đồng thời, biểu hiện và biến chứng của bệnh cũng sẽ hiếm gặp hơn. Vì thế, việc điều trị bệnh lý này ở trẻ em sẽ không giống so với người lớn.

Chuyên gia cho biết, trẻ em mới sinh và trẻ em trên 15 sẽ có nguy cơ mắc bệnh lupus ban đỏ cao hơn. Nếu bệnh khởi phát ở trẻ sơ sinh thì khả năng cao là do di truyền từ cha mẹ. Lúc này, cơ thể trẻ còn rất yếu nên khi khởi phát bệnh sẽ có mức độ nguy hiểm rất cao.

Hình ảnh

Triệu chứng và nguyên nhân

Triệu chứng

Chuyên gia cho biết, các triệu chứng của bệnh lupus ban đỏ diễn ra không liên tục mà bùng phát theo từng đợt. Khi mới khởi phát, triệu chứng của bệnh thường không rõ ràng nên rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Sau vài năm khởi phát, các biểu hiện của bệnh sẽ trở nên đặc trưng hơn, lúc này bạn mới đưa trẻ đi thăm khám và phát hiện ra bệnh. Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết lupus ban đỏ ở trẻ em bạn có thể tham khảo:

  • Bệnh gây tổn thương ngoài da với các triệu chứng như da xuất hiện màng đỏ, bị bong vảy và có viền đỏ đậm. Tổn thương trên da thường có dạng hình tròn, có thể gây ngứa hoặc không.
  • Ban đầu tổn thương chỉ là nốt hồng ban nhỏ li ti trên da, sau đó mới phát triển nặng thành ban dạng đĩa. Các tổn thương trên da sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
  • Tổn thương có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể nhưng phổ biến là da mặt, da cổ và da đầu. Thông thường, tổn thương này sẽ xuất hiện vài tuần sau khi sinh và lành lại sau một năm.
  • Trẻ có một số biểu hiện lạ về sức khỏe như mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, sốt bất thường, viêm loét miệng,… Ở các bé gái dậy thì sẽ có thêm triệu chứng rối loạn kinh nguyệt.

Ngoài ra, khi bệnh chuyển biến nặng còn gây ảnh hưởng đến một số cơ quan nội tạng trên cơ thể với các triệu chứng sau đây:

  • Trẻ bị đau nhức khắp người như đau bụng, nhức đầu, đau cứng khớp,…
  • Xét nghiệm cho kết quả gan to bất thường
  • Mắc bệnh tim bẩm sinh nếu trẻ sinh ra từ mẹ bị lupus ban đỏ
  • Xét nghiệm máu cho kết quả giảm tiểu cầu, huyết khối và có kháng thể kháng Cardiolipin.

Lupus ban đỏ là bệnh lý chưa có phương pháp điều trị dứt điểm mà chỉ có thể kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng. Khi bệnh khởi phát ở trẻ em thì việc điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều do trẻ em là đối tượng khá nhạy cảm, nếu cho trẻ sử dụng thuốc quá nhiều sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ.

Nguyên Nhân

Hiện nay, nguyên nhân gây ra bệnh lupus ban đỏ ở trẻ em vẫn chưa được xác định chính xác. Nhưng trẻ có thể khởi phát bệnh do ảnh hưởng từ yếu tố di truyền, thường gặp ở trẻ sơ sinh và ít gặp ở trẻ trưởng thành. Khi mẹ bị lupus ban đỏ nghĩa là trong cơ thể mẹ có chứa kháng thể đặc hiệu Ro/SSA hoặc La/SSB. Chúng có thể di truyền sang thai nhi và kích thích khởi phát bệnh ở giai đoạn sơ sinh.

Tuy nhiên, thực tế số trẻ em bị lupus ban đỏ do gen di truyền khá thấp, chỉ chiếm khoảng 1%. Còn hầu hết các trường hợp khởi phát bệnh đều bị ảnh hưởng bởi yếu tố di truyền kết hợp với yếu tố kích thích từ môi trường khiến hoạt động của hệ miễn dịch bị rối loạn. Ví dụ như:

  • Tia UV trong ánh sáng mặt trời
  • Trẻ tiếp xúc nhiều với khói thuốc lá
  • Phản ứng với thuốc Tây y điều trị bệnh
  • Hormone thay đổi khi bước vào độ tuổi dậy thì
  • Nhiễm vi rút Epstein-Barr

Biến chứng

Chuyên gia cho biết, lupus ban đỏ khởi phát ở trẻ em là bệnh lý nguy hiểm, bệnh có thể gây tổn thương đa cơ quan và rất khó kiểm soát khi bùng phát mạnh mẽ. Nếu trẻ sơ sinh bị lupus ban đỏ hệ thống sẽ có nguy cơ tử vong rất cao. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do bệnh biến chứng sang tim gây rối loạn nhịp tim, nếu không phát hiện và xử lý đúng cách sẽ gây tắc nghẽn dẫn truyền tim hoặc suy tim. Điều này đã khiến cho tim bị tổn thương nghiêm trọng và đe dọa trực tiếp đến tính mạng của trẻ.

Ngoài ra, bệnh lupus ban đỏ khi khởi phát ở trẻ em còn có thể gây ra một số biến chứng khác như:

  • Tổn thương da không thể phục hồi, viêm mô tế bào
  • Viêm cơ tim, viêm động mạch, viêm ngoài màng tim
  • Nhiễm trùng phổi, hoại tử vô mạch, suy thận
  • Hội chứng kích hoạt đại thực bào, tăng nguy cơ ung thư

Khi lupus ban đỏ khởi phát, trẻ phải sử dụng thuốc để điều trị giúp kiểm soát các đợt bùng phát của bệnh. Tuy nhiên, việc dùng thuốc kéo dài như vậy có thể gây ra một số biến chứng như loãng xương, hoại tử xương, đục thủy tinh thể, bất thường nhãn cầu,…

 

Chẩn đoán và điều trị

Biện pháp chẩn đoán

Khi trẻ có các dấu hiệu của bệnh lupus ban đỏ, mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và chẩn đoán bệnh. Lúc này, bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán bệnh thông qua việc chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng. Cụ thể là:

– Chẩn đoán lâm sàng

  • Hỏi thăm về bệnh sử, thuốc đang dùng và tiền sử gia đình
  • Kiểm tra các triệu chứng tại chỗ như tổn thương da, khớp, thận, thần kinh, hô hấp,…
  • Kiểm tra các triệu chứng toàn thân mà trẻ đang gặp phải như sốt, chán ăn, sụt cân, mệt mỏi,…

– Chẩn đoán cận lâm sàng

Tiến hành chẩn đoán cận lâm sàng sẽ giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán xác định và đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh lý. Một số kỹ thuật chuyên khoa sẽ được áp dụng để chẩn đoán xác định là:

  • Xét nghiệm máu, nước tiểu, đạm niệu và miễn dịch để xác định các thông số có liên quan.
  • Chụp x-quang ngực thẳng và siêu âm bụng giúp kiểm tra tổn thương tại cơ quan nội tạng.

Đồng thời, bác sĩ sẽ yêu cầu trẻ thực hiện các thêm xét nghiệm cần thiết để đánh giá tổn thương hệ thống như kiểm tra chức năng thận, huyết học, protein máu, thần kinh, tim, hoạt tính lupus,… Bên cạnh đó, bác sĩ còn chẩn đoán phân biệt bệnh lupus ban đỏ ở trẻ với các bệnh lý khác có triệu chứng tương tự như viêm khớp dạng thấp, viêm đa cơ, xơ bì cứng toàn thể, bệnh lý ở cơ quan tạo máu,…

Biện pháp điều trị

Bệnh lupus ban đỏ khởi phát ở trẻ em thường được kê đơn điều trị bằng thuốc Tây y giúp kiểm soát bệnh lý. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng nên áp dụng thêm một số biện pháp chăm sóc phù hợp để hạn chế tổn thương và giảm tần suất bùng phát bệnh.

Thuốc Tây y có tác dụng kiểm soát nhanh chóng các triệu chứng của bệnh, ngăn ngừa phát sinh biến chứng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ. Các loại thuốc thường được kê đơn là:

  • Thuốc giảm đau thông thường như ibuprofen, naproxen,…
  • Thuốc Corticosteroid giúp kiểm soát tình trạng viêm trên da do bệnh gây ra
  • Thuốc chống sốt rét Hydroxychloroquine giúp ngăn ngừa bùng phát triệu chứng của bệnh
  • Viên uống bổ sung canxi và vitamin D giúp phòng ngừa loãng xương do dùng thuốc corticosteroid kéo dài

Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà

Trẻ bị lupus ban đỏ cũng cần được chăm sóc đúng cách để hạn chế để lại tổn thương trên cơ thể sau mỗi đợt bùng phát bệnh. Dưới đây là hướng dẫn cụ thể bố mẹ có thể tham khảo:

  • Khuyên trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn và hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, cách này có tác dụng hạn chế gây tổn thương đến làn da và làm tăng khả năng chữa lành tổn thương do bệnh gây ra.
  • Khuyến khích trẻ vận động thể chất mỗi ngày giúp hạn chế các tác dụng phụ của thuốc tây y và cải thiện sức khỏe cơ xương khớp. Đồng thời, tập thể dục còn có tác dụng cải thiện tâm trạng, nâng cao sức đề kháng và hạn chế bùng phát triệu chứng của bệnh. Các bài tập mà trẻ nên tham gia là yoga, bơi lội, đi bộ,…
  • Mẹ nên cho bé ăn uống điều độ và bổ sung đầy đủ các nhóm dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là vitamin và khoáng chất. Cách này có tác dụng nâng cao sức đề kháng cơ thể trẻ, hỗ trợ chữa lành tổn thương và giảm các đợt bùng phát bệnh.
  • Khi trẻ bị sốt cao hoặc thay đổi thân nhiệt đột ngột, mẹ nên cho trẻ sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Đồng thời, cho trẻ mặc quần áo thoáng mát và thường xuyên lau thân mình trẻ bằng khăn mát để hạ sốt.
  • Chú ý theo dõi các triệu chứng mà trẻ gặp phải trong suốt quá trình điều trị bệnh. Cần nhanh chóng đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu có dấu hiệu bất thường hoặc bệnh không chuyển biến tốt sau thời gian dài điều trị.

Lupus ban đỏ khi khởi phát ở trẻ em được đánh giá là rất nguy hiểm, có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng và đe dọa đến tính mạng của trẻ. Nếu nghi ngờ trẻ mắc phải bệnh lý này, bố mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đi thăm khám và điều trị chuyên khoa, giúp hạn chế tổn thương do bệnh gây ra và phòng ngừa biến chứng.

Chuyên sâu
Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android