Ung Thư Dạ Dày Giai Đoạn Đầu
Theo các bác sĩ, phát hiện và điều trị ung thư dạ dày giai đoạn đầu có thể đem lại tiên lượng rất tốt cho bệnh nhân, tuy nhiên lúc này các triệu chứng lại không quá rõ ràng. Mỗi người ngay khi phát hiện thấy các triệu chứng bất thường tại hệ tiêu hóa cần nhanh chóng tiến hành tầm soát ung thư để có biện pháp can thiệp điều trị kịp thời.
Định nghĩa
Sự xuất hiện các tế bào u đột biến tại dạ dày và có nguy cơ xâm lấn sang các cơ quan gần hay lân cận là những dấu hiệu của ung thư dạ dày rõ ràng nhất. Bệnh thường tiến triển qua 5 giai đoạn từ giai đoạn 0 (giai đoạn đầu hoặc giai đoạn sớm) cho tới giai đoạn 4( hay giai đoạn cuối) với mức độ nguy hiểm tăng dần.
Trong đó ở giai đoạn 0, các tế bào ung thư lúc này mới chỉ xuất hiện, có kích thước rất nhỏ, có vị trí tại lớp niêm mạc dạ dày, chưa có dấu hiệu xâm lấn sang các cơ quan lân cận. Đồng thời các khối u ác tính cũng chưa làm thay đổi cấu trúc của dạ dày nên người bệnh cũng chưa cảm thấy đau nhức quá mức.
Theo các bác sĩ việc can thiệp điều trị ung thư dạ dày giai đoạn đầu có tiên lượng rất tốt, có tỷ lệ chữa khỏi lên tới 90% đồng thời không gây ra di chứng sang các cơ quan khác. Việc điều trị lúc này cũng đơn giản hơn rất nhiều, có thể không phải hóa trị hay xạ trị với nhiều tác dụng phụ đồng thời nguy cơ tái phát trở lại cũng rất thấp nếu sau đó người bệnh có chế độ sinh hoạt phù hợp.
Hình ảnh
Triệu chứng
Tuy vậy nhưng rất ít trường hợp có thể phát hiện ngay từ giai đoạn sớm bởi các triệu chứng thường khá mơ hồ và không rõ ràng. Tần suất các triệu chứng xuất hiện cũng thường cách xa nhau nên nếu người không thực hiện các xét nghiệm kiểm tra dạ dày hay tầm soát ung thư sẽ rất khó để nhận biết. Cụ thể bệnh nhân có thể nhận diện ung thư dạ dày giai đoạn đầu thông qua các triệu chứng cơ bản sau.
- Đau bụng: đây là triệu chứng điển hình nhất của ung thư dạ dày khi xuất hiện các khối u bất thường trên lớp niêm mạc. Cơn đau có xu hướng kéo dài và ngày càng trầm trọng hơn, có thể xuất hiện một cách đột ngột khiến người bệnh không làm việc được. Bên cạnh đó đói bụng hay ăn no cũng có thể gây ra cảm giác đau bụng quằn quại cho bệnh nhân ung thư dạ dày.
- Chán ăn, cảm giác nghẹn ở cổ: với những người có khối u xuất hiện gần tâm vị có thể khiến người bệnh có cảm giác nuốt nghẹn, khó chịu khi ăn. Đồng thời bệnh nhân cũng thường cảm thấy ăn không ngon, giảm khẩu vị và dần trở nên chán ăn.
- Sụt cân: trong giai đoạn đầu tình trạng sụt cân có thể chưa quá rõ, tuy nhiên càng về sau cân nặng càng tụt nhanh, thậm chí có thể giảm đến 15% trọng lượng chỉ trong vài tháng. Nguyên nhân là do khả năng hấp thụ chất kém cộng thêm người bệnh chán ăn nên rất dễ dẫn đến sụt cân.
- Tiêu hóa kém: người bệnh thường hay có cảm giác chướng bụng, đầy bụng khó chịu ngay cả khi chưa ăn, kèm theo đó là các triệu chứng ợ chua, ợ hơi, ợ nóng càng làm người bệnh vô cùng khó chịu, ăn uống mất ngon. Có đến khoảng 70% người bệnh thường gặp các triệu chứng ở hệ tiêu hóa.
- Đau tức vùng rốn: người bệnh cũng có cảm giác đau tức vùng trên rốn, đặc biệt là sau khi ăn no.
- Buồn nôn: cảm giác khó chịu buồn nôn thường xuất hiện sau khi ăn no. Vào những giai đoạn sau người bệnh có thể bị nôn ói, thậm chí là nôn ra máu, tuy nhiên trong giai đoạn đầu chưa xuất hiện tình trạng nôn ói quá rõ rệt.
- Da mặt sạm lại: ở một số bệnh nhân có thể có các triệu chứng da xanh xao, có các nốt đen, và sạm đen đi hoặc có thể bị viêm da.
- Sờ thấy u ở bụng: Một số người có thể sờ thấy bọc u trong ổ dạ dày, biểu hiện của nó là cứng, bề mặt không trơn nhẵn, hơn nữa khối u còn nhanh chóng tăng to lên, ấn vào có cảm giác đau.
Tuy nhiên thực tế các triệu chứng này thường rất mờ nhạt, không quá rõ ràng nên thường rất khó phát hiện. Mặt khác các triệu chứng này nếu xuất hiện ít lại thường dễ nhầm lẫn với các chứng rối loạn tiêu hóa, viêm loét dạ dày hay một số vấn đề khác liên quan đến hệ tiêu hóa mà rất ít người người nghĩ đến ung thư. Do đó hầu hết chỉ khi bệnh tiến triển đến các giai đoạn nặng mới có thể phát hiện. Thống kê chỉ có khoảng 6% bệnh nhân phát hiện bệnh trong giai đoạn sớm.
Phòng ngừa
Từ ung thư dạ dày giai đoạn đầu có thể biến chứng tới các giai đoạn sau rất nhanh tuy nhiên lại không rõ ràng các triệu chứng nên càng cần có biện pháp phòng tránh sớm càng tốt. Do đó để phòng tránh tối đa nguy cơ mắc căn bệnh nguy hiểm này, mỗi người cần thực hiện các biện pháp sau
- Thay đổi thói quen sống hằng ngày một cách khoa học lành mạnh
- Thay đổi thói quen ăn uống khoa học, tránh nhịn đói, tránh ăn uống quá khuya, ăn quá no sẽ gây ra các vấn đề về dạ dày và làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày hơn
- Tránh xa các thực phẩm khô cứng, đồ ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn mặn, các loại thịt đỏ, thịt hun khói, các món ăn công nghiệp, các món ăn nhanh vì thường những thực phẩm này có rất nhiều muối
- Nêm nếm các món ăn phù hợp, tránh sử dụng quá nhiều các loại gia vị
- Bổ sung rau xanh, trái cây và các loại rau củ có đầy đủ vitamin hằng ngày
- Coi trọng giấc ngủ mỗi ngày
- Tránh xa rượu bia và thuốc lá, không chỉ hút thuốc và khói thuốc cũng gây hại cho dạ dày
- Luyện tập thể dục thể thao hằng ngày để nâng cao thể lực và sức đề kháng cũng như tăng nguy cơ chống chọi lại bệnh tật.
- Nâng cao việc bảo vệ sức khỏe hằng ngày
- Thực hiện tầm soát ung thư dạ dày hằng năm, đặc biệt với những người có nguy cơ, trong gia đình có tiền sử mắc bệnh hay ở những người từng mắc các bệnh liên quan đến dạ dày.
Biện pháp chẩn đoán
Tốt nhất với những người có nguy cơ tiềm ẩn bệnh như những người đã từng phẫu thuật dạ dày, người trên 50 tuổi, người có tiền sử bị nhiễm HP, người gặp các vấn đề về dạ dày mãn tính, hay những người lạm dụng bia rượu, thuốc lá thường xuyên nên tiến hành thăm khám và tầm soát sớm để phát hiện các dấu hiệu kịp thời.
Theo đó bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán sau
- Nội soi dạ dày phóng đại kết hợp nhuộm màu: do các kích thước khối u lúc này còn khá nhỏ nên cần thực hiện các biện pháp nội soi chẩn đoán thông qua việc sử dụng máy thu hình có độ phóng đại cao. Thông qua việc cách thức nhuộm màu mẫu mô những tổn thương trên niêm mạc cũng được xuất hiện rõ ràng hơn.
- Siêu âm nội soi dạ dày: giúp xác định các tổn thương bên trong hay bên ngoài, kích thước và cấu trúc của khối u cũng như mức độ xâm lấn với các cơ quan lân cận.
- Sinh thiết tế bào dạ dày: bác sĩ sẽ tiến hàng lấy một mẫu mô trong niêm mạc tế bào dạ dày để phát hiện những cấu trúc, chức năng bất thường của tế bào dạ dày từ đó tìm ra chính xác đâu là nguồn gốc gây bệnh.
- Một số phương pháp khác: xét nghiệm máu, chụp CT cắt lớp..
Người bệnh nên tiến hành thăm khám tại các bệnh viện uy tín, có đầy đủ các thiết bị và biện pháp chẩn đoán chuyên môn để đảm bảo an toàn và chính xác tuyệt đối.
Biện pháp điều trị
Như đã nói, nếu điều trị ung thư dạ dày ngay từ giai đoạn đầu bệnh có tiên lượng điều trị lên tới 90% đồng thời khả năng tái phát cũng rất thấp. Lúc này người bệnh có thể điều trị theo phương pháp phẫu thuật truyền thống hoặc thực hiện các biện pháp hóa trị, xạ trị. Đồng thời với giai đoạn sớm, thời gian điều trị cũng khá ngắn lại không gây ra di chứng trên các cơ quan lân cận nên người bệnh có thể nhanh chóng lấy lại cuộc sống sinh hoạt như bình thường.
Phẫu thuật nội soi
Phẫu thuật nội soi cắt bỏ khối u là biện pháp được đánh giá cao cho các bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn đầu vì ít gây ra biến chứng, ít tác dụng phụ nhưng vẫn có thể loại bỏ được các khối u có kích thước nhỏ trên về mặt niêm mạc. Hiện nay hai kỹ thuật được sử dụng phổ biến trong phẫu thuật cắt bỏ khối u dạ dày nội soi bao gồm
- Cắt bỏ niêm mạc nội soi (EMR)
- Bóc tách dưới niêm mạc nội soi (ESD)
Trong đó hiện nay ESD là phương pháp được đánh giá cao hơn vì có thể hạn chế tối đa các tổn thương cũng như hạn chế được nguy cơ tái phát nên được sử dụng nhiều hơn cả.
Ngoài ra phẫu thuật nội soi cắt bỏ các tế bào ung thư còn có ưu điểm là ít đau đớn, thời gian hồi phục ngắn, người bệnh không phải nằm viện dài ngày. Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng có thể tiến hành phẫu thuật nội soi mà cần phụ thuộc hoàn toàn vào chỉ định của bác sĩ.
Phẫu thuật cắt bỏ dạ dày
Trong trường hợp giai đoạn sớm nhưng không phù hợp để thực hiện phẫu thuật nội soi bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cắt dạ dày theo phương pháp truyền thống để loại bỏ các khối u cũng như ngăn ngừa nguy cơ di căn. Tuy nhiên phẫu thuật truyền thống thường có thời gian hồi phục lâu hơn, có thể để lại sẹo trên bụng, khiến người bệnh cảm thấy đau nhức lâu hơn.
Bên cạnh đó khả năng tái phát của phẫu thuật truyền thống với phẫu thuật nội soi tương đương nhau. Mặc dù vậy với giai đoạn sớm hầu hết các trường hợp đều được ưu tiên phẫu thuật nội soi hơn là phương pháp truyền thống.
Hóa trị và xạ trị
Trong giai đoạn đầu việc bổ sung thêm liệu pháp hóa trị hay xạ trị cũng có thể được bác sĩ chỉ định để loại bỏ tối đa các khối u ác tính còn sót lại bên trong niêm mạc dạ dày đồng thời ngăn ngừa tối đa nguy cơ tái phát. Nhờ đó hạn chế tối đa nguy cơ các khối u tái phát trở lại.
Bên cạnh đó một số loại thuốc dùng trong hóa trị có thể được chỉ định trong điều trị ung thư dạ dày như
- 5-fluorouracil (Adrucil, 5-FU) và leucovorin (axit folonic)
- ECX – epirubicin (Pharmorubicin), cisplatin (Platinol AQ) và capecitabine (Xeloda)
- ECF – epirubicin, cisplatin và 5-fluorouracil
- 5-fluorouracil và cisplatin
- Paclitaxel (Taxol) và carboplatin (Paraplatin)
Tuy nhiên hầu hết các liệu pháp này sẽ được chỉ định khi các giai đoạn chuyển sang giai đoạn 1, ở giai đoạn sớm có thể chưa cần áp dụng các biện pháp này. Cả hóa trị và xạ trị đều gây ra rất nhiều tác dụng phụ không tốt cho sức khỏe nên cần chú ý.
Điều trị lâu dài
Các biện pháp điều trị lâu dài sẽ được thực hiện sau phẫu thuật để duy trì sức khỏe ổn định, ngăn ngừa nguy cơ các khối u tái phát trở lại. Người bệnh sau phẫu thuật cần phải thực hiện tái khám 3 tháng/ lần hoặc theo chỉ định của bác sĩ để xem xét có các triệu chứng bất thường xuất hiện hay không.
Do đó để nhanh chóng nâng cao sức khỏe ổn định đồng thời hạn chế tối đa nguy cơ tái phát, người bệnh cần thực hiện các biện pháp sau
- Thay đổi thói quen sống thiếu khoa học hằng ngày, người bệnh nên dành thời gian nghỉ ngơi nhiều hơn để nhanh chóng phục hồi sức khỏe, tránh làm việc quá sức
- Bổ sung chế độ ăn uống khoa học lành mạnh, sử dụng các loại sữa cho người ung thư phù hợp, ưu tiên bổ sung nhiều vitamin và chất xơ thông qua các loại rau củ, trái cây đặc biệt là các thực phẩm có màu sắc sặc sỡ
- Loại bỏ chế độ ăn mặn, các món ăn nhiều muối, các món ăn hun khói, có ăn muối chua vì có thể làm tăng nguy cơ bệnh tái phát
- Tránh xa bia rượu, thuốc lá, nước ngọt có gas và các chất kích thích, chất gây nghiện có hại cho sức khỏe
- Coi trọng giấc ngủ, người bệnh nên đảm bảo ngủ đủ 7- 8 tiếng hằng ngày để nhanh chóng phục hồi năng lượng
- Đảm bảo uống đủ 2- 2,5 lít nước mỗi ngày, nên kết hợp thêm với các loại nước trái cây để bổ sung thêm các vitamin cần thiết cho cơ thể
- Tham khảo thêm với bác sĩ về chế độ dinh dưỡng phù hợp để nhanh chóng phục hồi sức khỏe
- Phát hiện sớm triệu chứng bất thường và nhanh chóng thông báo với bác sĩ để có các biện pháp can thiệp kịp thời
- Chuyên gia
- Cơ sở