Bệnh Còi Xương Ở Trẻ Em

Tổng quan

Theo thống kê năm 2009, tỷ lệ trẻ dưới 3 tuổi bị còi xương là 12,5%-26,4% do quá trình mang thai và chăm sóc bị thiếu hụt vitamin D và canxi. Mặc dù tỉ lệ này hiện nay đã giảm đi đáng kể nhưng vẫn còn rất nhiều đứa trẻ bị còi xương vì mẹ bổ sung dinh dưỡng sai cách. Gia đình cần sớm phát hiện các dấu hiệu trẻ bị còi xương và nhanh chóng có hướng điều trị kịp thời, tránh những biến chứng khác có thể xuất hiện.

Định nghĩa

Còi xương là bệnh loạn dưỡng xương gặp ở trẻ em do bị thiếu hoặc rối loạn chuyển hóa vitamin D. Tình trạng này dẫn đến cơ thể không thể hấp thụ và chuyển hóa canxi và phốt pho - hai chất chính cấu tạo nên hệ thống xương khớp cho cơ thể. Bệnh thường diễn ra trong giai đoạn 6 - 36 tháng tuổi, do đây là thời điểm cơ thể bé phát triển và hoàn thiện dần về hệ thống khung xương.

Vitamin D là vitamin tan trong chất béo, tập trung nhiều trong các nhóm thực phẩm như cá, gan, trứng, sữa. Nhóm vitamin này đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng hấp thụ canxi và photpho để tạo xương, tái hấp thụ canxi ở thận đồng thời còn tham gia vào chu trình canxi hóa để hệ thống xương khớp chắc khỏe hơn.  Cơ thể muốn tổng hợp được canxi hay photpho thì bắt buộc phải có vitamin D.

Hình ảnh

Triệu chứng và nguyên nhân

Triệu chứng

Cần hiểu rằng còi xương và còi cọc là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Trẻ bị còi cọc vì cơ thể thiếu dưỡng chất, thường do cha mẹ cai sữa quá sớm hoặc do trẻ bị các nhiễm trùng cấp hoặc mãn tính. Tuy nhiên trẻ bị còi cọc chưa chắc đã bị còi xương, trong khi đó nhìn những trẻ có bề ngoài bụ bẫm, mập mạp lại có nguy cơ nào cao hơn.

Nhưng dù là còi cọc hay bệnh còi xương ở trẻ em cũng đều có thể gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống,sức khỏe rất nghiêm trọng. Phát hiện sớm các triệu chứng sẽ giúp phụ huynh có thể kiểm soát các biến chứng có thể xuất hiện kịp thời.

Bệnh còi xương ở trẻ em có thể chia làm ba giai đoạn với các triệu chứng điển hình như sau

Giai đoạn đầu

Giai đoạn đầu thường xuất hiện trong 6 tháng đầu đời với các triệu chứng như

  • Trẻ ngủ không ngon giấc, hay quấy khóc, dễ bị giật mình
  • Con cũng thường bị đổ mồ hôi trộm ở đầu cổ khi ngủ cả ngày và đêm, kể cả những ngày trời lạnh, ngủ không sâu nên thường trở mình rất nhiều.
  • hay nôn trớ và nấc nhiều lần trong ngày
  • Nghe thấy tiếng thở rít thanh quản
  • Tóc bé mọc khá ít, phần tóc khá mỏng và có dấu hiệu bị rụng tóc vành khăn.

Rụng tóc vành khăn có thể được coi là một trong những triệu chứng giúp nhận biết còi xương ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ sớm nhất bởi chỉ khi thiếu vitamin D tóc mới yếu và dễ rụng nên khi trẻ nằm xuống, phần đầu sau tiếp xúc với gối sẽ rụng thành một đường vành. Gia đình nếu thấy bé đang có các triệu chứng này cần nhanh chóng đưa con đi thăm khám để có hướng điều trị sớm nhất.

Giai đoạn 2

Các triệu chứng bệnh còi xương ở trẻ em giai đoạn 2 gồm

  • Trẻ khám chậm mọc răng, thông thường trẻ 6 tháng  đã bắt đầu mọc răng để phục vụ cho việc ăn dặm. Nguyên nhân là cấu trúc của răng cũng khá tương tự xương nên nếu thiếu vitamin D, thiếu canxi cũng làm con mọc răng chậm
  • Trẻ từ tháng thứ thứ  4 đến tháng 26 mà chưa liền thóp cần được đi khám bác sĩ ngay, nhưng nếu trẻ đóng thóp trước 4 tháng đầu đời cũng nên đi khám
  • Cơ bắp trẻ nhão, cầm nắm hay đi lại yếu
  • Con biết lẫy,biết bò, biết đi chậm. Thực tế vẫn có một vào trẻ biết đi khá chậm hoặc bỏ qua giai đoạn lẫy hoặc bò nhưng nếu  5 tháng con chưa lẫy được, 7 tháng chưa biết ngồi thì rất có thể đây là dấu hiệu con đang chậm phát triển, bị còi xương nên cần được thăm khám ngay
  • Bệnh còi xương ở trẻ em thường kèm theo suy giảm sức đề kháng nên con rất hay bị ốm, đặc biệt là các bệnh về hô hấp, chẳng hạn như viêm phế quản cứ tái đi tái lại không dứt
  • Trẻ lười bú, không muốn ăn, biếng ăn, ăn chậm nên tăng cân rất ít hoặc đứng cân trong nhiều tháng

Các triệu chứng này hầu như cùng xuất hiện một lúc nên nếu phụ huynh chú ý sẽ rất dễ phát hiện những vấn đề bất thường của con. Các triệu chứng này vẫn sẽ xuất hiện song song với các dấu hiệu ở giai đoạn 1.

Giai đoạn 3

Các triệu chứng bệnh còi xương trẻ giai đoạn 3 thường cực kỳ rõ rệt, rất nhiều phụ huynh chủ quan mãi đến giai đoạn này mới phát hiện ra các vấn đề bất thường của con.

  • Xương của bé rất mềm, khi ấn vào có thể có cảm giác như bé không có xương
  • Hình dáng đầu của con có dấu hiệu thay đổi, vùng đỉnh đầu và phía trước nhô ra hẳn, có các bướu đỉnh, bướu trán (trán dô) hoặc đầu cá trê
  • Lồng ngực bị biến dạng, ngực dô ức gà
  • Có những mảng hói trên da đầu do rụng tóc khá nhiều
  • Khi bé biết có xu hướng chân đi vòng kiềng do cong xương chi dưới, ha bên đầu gối bị vẹo ra ngoài.
  • Trẻ bị gù, cột sống vẹo
  • Khung chậu cũng khá hẹp hoặc thay đổi hình dạng xương chậu, nghiêm trọng hơn ở bé gái
  • Chậm phát triển chiều cao.
  • Co giật do hạ canxi máu

Còi xương ở những trẻ lớn còn có một vài triệu chứng đặc biệt như  biến đổi xương lồng ngực, có chuỗi hạt sườn. Cơ thể con cũng rất xanh xao, đi đứng chậm chạp, dễ bị té ngã do cơ mềm nhão nên không chịu được lực.

Nguyên Nhân

Như đã nói, nguyên nhân chính gây bệnh còi xương ở trẻ em chính là do cơ thể thiếu vitamin D. Việc thiếu hụt này có thể đến từ hai yếu tố nội sinh và ngoại sinh sau.

  • Ngoại sinh: chính là sữa mẹ, thức ăn, các loại sữa mà bé nạp vào cơ thể. Nhiều phụ huynh thường chỉ chăm chăm cố gắng bổ sung thật nhiều canxi cho con mà không có vitamin D để bổ trợ. Lúc này cơ thể không những không hấp thụ được canxi mà còn gây còi xương, các vấn đề về thận do lượng canxi dư thừa đào thải ra quá nhiều. Ở nhóm trẻ trên 6 tháng nếu mẹ cho con ăn dặm mà thiếu dầu mỡ sẽ làm vitamin D không hòa tan được nên dễ thiếu hụt. Dù vậy thì lượng vitamin D có trong thực phẩm thường khá ít.
  • Nội sinh: dưới lớp da của trẻ có khả năng tổng hợp các tiền chất để chuyển hóa thành vitamin D - đây mới là nguồn cung cấp vitamin D chủ yếu cho trẻ. Các tiền chất này sẽ được tổng hợp thông qua dưới tác động của ánh sáng mặt trời. Do đó những đứa trẻ nếu được cha mẹ bao bọc quá kỹ, không được tắm nắng, không tiếp xúc với ánh nắng hằng ngày sẽ rất dễ bị còi xương.

Thống kê cho tỷ lệ trẻ bị còi xương được phát hiện thấy ở nhóm trẻ dưới 2 tuổi là 10-20% nhưng còn ở nhóm trẻ từ 3-6 tháng có thể lên đến 35%. Những đối tượng có nguy cơ bị còi xương cao gồm

  • Trẻ sinh non, sinh đôi
  • Trẻ bị thiếu sữa mẹ và được nuôi bằng sữa bò
  • Trẻ sinh ra vào mùa đông ( do thiếu ánh nắng mặt trời - nguồn vitamin D tự nhiên) hoặc trẻ sống ở vĩ độ phía Bắc thường có ít ánh nắng mặt trời hơn
  • Trẻ có da màu đen bẩm sinh cũng được chứng minh là khó hấp thụ vitamin D tự nhiên hơn
  • Trẻ bị thiếu hụt vitamin D ngay từ thời điểm còn ở trong bụng mẹ
  • Mẹ dùng một số loại thuốc trong giai đoạn mang thai cũng có thể ảnh hưởng đến việc tổng hợp vitamin D ở con như thuốc chống động kinh hoặc các nhóm thuốc kháng virus cho bệnh nhân bị HIV
  • Bé chỉ bú sữa mẹ trong suốt 1 năm đầu cũng không thể nào tổng hợp đủ vitamin D cần thiết cho cơ thể
  • Trẻ quá bụ bẫm cũng là đối tượng có nguy cơ bị còi xương rất cao nhưng cũng được phát hiện rất muộn. Nguyên nhân là do nhu cầu canxi, phốt pho, vitamin D ở nhóm trẻ này sẽ cao hơn trẻ bình thường nên nếu không được cung cấp đủ chất, chế độ ăn thiếu cân đối sẽ khiến con dễ bị còi xương.

Biến chứng

Bệnh còi xương ở trẻ em càng để lâu càng để lại cho trẻ rất nhiều di chứng làm ảnh hưởng xấu trực tiếp đến sức khỏe, tinh thần, cuộc sống và tương lai cho con. Trẻ không chỉ gặp các vấn đề trong phát triển chiều cao, ảnh hưởng đến chức năng vận động mà còn bị biến dạng khung xương nghiêm trọng.

Cụ thể, một số biến chứng về bệnh còi xương ở trẻ em nguy hiểm như

  • Chậm phát triển, chiều cao hạn chế
  • Cột sống cong vẹo, biến dạng xương
  • Hạn chế chức năng hô hấp, thường xuyên gặp các về hô hấp, chẳng hạn như viêm phổi tái đi tái lại không dứt
  • Khiếm khuyết về răng
  • Xanh xao do thiếu máu
  • Gia tăng nguy cơ bị động kinh
  • Thay đổi dáng đi, chân đi vòng kiềng hoặc chữ X đến suốt đời
  • Hạn chế trong khả năng sinh nở của bé gái khi trưởng thành do kích thước khung xương chậu bị thay đổi

Các di chứng do bệnh còi xương ở trẻ em gây ra có thể theo con đến suốt đời nên phụ huynh cần sớm có biện pháp phát hiện và điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các ảnh hưởng cho con ở cả hiện tại và tương lai.

Phòng ngừa

Để phòng tránh nguy cơ bệnh còi xương ở trẻ em không hề khó. Trong suốt giai đoạn thai kỳ và ngay sau khi sinh các bác sĩ cũng thường hướng dẫn gia đình các bổ sung dinh dưỡng, chăm sóc con phù hợp để phòng tránh tối đa nguy cơ này. Phụ huynh cũng cần tìm hiểu nhiều hơn về các thông tin về phòng và chăm sóc trẻ sơ sinh để đảm bảo con phát triển toàn diện nhất.

Cụ thể, để phòng tránh nguy cơ bệnh còi xương ở trẻ em cần chú ý những vấn đề sau đây

  • Trẻ sơ sinh cần được tắm nắng sớm ngay từ những giai đoạn đầu sau sinh để bổ sung các vitamin tự nhiên cần thiết
  • Ngay từ giai đoạn mang thai và sau sinh, người mẹ cần đảm bảo bổ sung đủ 200 IU vitamin D/ngày. Đặc biệt ở 3 tháng cuối thai kỳ mẹ có thể tăng lên 1000 đv vitamin D hoặc uống 1 liều duy nhất là 100 000 đv nếu đang mang thai trong mùa đông hoặc ở những nơi thiếu ánh sáng.
  • Bà bầu cũng cần tắm nắng thường xuyên để nạp các vitamin D tự nhiên. Hàm lượng vitamin D trong thực phẩm sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu phụ nữ mang thai nên cần bổ sung thêm qua sữa bầu hay các loại viên uống
  • Trẻ trong 6 tháng đầu sẽ chỉ bú mẹ hoàn toàn nên người mẹ cần tăng cường bổ sung các dưỡng chất cần thiết, trẻ sau 6 tháng nên bổ sung thêm các loại sữa công thức khoảng 300 -400ml/ngày
  • Trẻ sau 6 tháng bắt đầu ăn dặm thì nên bổ sung thêm dầu ăn trong các món ăn dặm để tổng hợp và hấp thụ vitamin D tốt nhất. Một số nhóm thực phẩm rất giàu canxi tốt cho trẻ nhỏ như sữa bò tươi, sữa chua, phô mai, cua, tôm, cá, lòng đỏ trứng,  rau đay, rau mồng tơi.. Các loại trái cây giàu vitamin D khác như cam, đu đủ, bơ..
  • Thăm khám bác sĩ đình kỳ cho con để sớm phát hiện những vấn đề bất thường và có hướng điều trị kịp thời.
Chẩn đoán và điều trị

Biện pháp điều trị

Gia đình cần nhanh chóng đưa con đến các bệnh viện chuyên khoa nhi, khoa dinh dưỡng hoặc khám tổng quát để hiểu rõ tình trạng của con, từ đó mới có thể đưa ra hướng điều trị phù hợp. Tùy giai đoạn, độ tuổi, các di chứng liên quan mà hướng điều trị sẽ được thực hiện khác nhau.

Mục tiêu và hướng điều trị bệnh còi xương ở trẻ em vẫn là bổ sung vitamin D khoa học để tăng tổng hợp canxi, photpho từ đó có thể bù đắp các thiếu hụt tại hệ thống xương khớp.  Cụ thể như sau

  • Cho trẻ uống D2 (ergocalciferol) hoặc vitamin D3 (cholecalciferol) từ 2000 - 5000UI/ngày x 4 - 6 tuần hoặc vitamin D 4000 đơn vị/ngày liên tục trong trong 4-8 tuần, thường là dùng dạng multivitamins. Nếu trẻ gặp các vấn đề về hô hấp  như viêm phổi hoặc bị tiêu chảy phải tăng thêm liều 5000 - 10.000 UI/ngày trong 1 tháng.
  • Bổ sung các chế phẩm canxi kết hợp với các thành phần B1 - B2 - B6: 1-2 ống/ngày. Với những trẻ lớn có thể sử dụng các thực phẩm dạng cốm canxi 1-2 thìa cà phê/ngày.
  • Tắm nắng hằng ngày trong khoảng 7-8 giờ vào buổi sáng và  4-5 giờ chiều. Nếu những ngày trời nắng sớm vào mùa hè hoặc nắng muộn vào mùa đông có thể linh hoạt xê dịch thời điểm tắm nắng, nhưng không nên cho trẻ tắm nắng lúc nắng quá gắt. Mỗi lần nên tắm nắng từ 20- 30 phút, đứng trực tiếp dưới nắng, không nên tắm nắng qua cửa kính sẽ không mang lại tác dụng. Cho trẻ đội mũ nhưng nên để tay, chân, lưng, bụng của bé tiếp xúc trực tiếp dưới nắng nên không cần mặc đồ. Trẻ cần được lau mồ hôi ngay sau khi tắm nắng.
  • Ở những trẻ sống ở nơi không có ánh nắng hoặc vào mùa đông ít ánh nắng mặt trời, trẻ có thể được chỉ định tắm điện ở các khoa vật lý trị liệu
  • Nếu không uống hay tiêm vitamin D bác sĩ có thể chỉ định chiếu đèn cực tím trong vòng 15 ngày, trong đó ngày đầu chiếu 2 phút, mỗi ngày sau đó tăng lên thêm 1 phút cho đến khi hết 15 để tạo ra  tiền vitamin D
  • Bổ sung thêm muối Ca 500mg/ngày  với trẻ sơ sinh và 1-2g với nhóm trẻ lớn
  • Ở nhóm trẻ sơ sinh chưa ăn dặm thì mẹ cần tăng cường chế độ dinh dưỡng để bổ sung vitamin D, canxi để đưa đến cho con thông qua nguồn sữa mẹ. Với những trẻ ăn dặm cần bổ sung thêm dầu mỡ trong các món ăn để tăng tổng hợp vitamin D

Gia đình nên đưa con đến các bệnh viện lớn uy tín để được hướng dẫn chi tiết về cách điều trị và chăm sóc con tại nhà hiệu quả nhất.

Chuyên sâu

Câu hỏi thường gặp

Trẻ sơ sinh nên uống vitamin D vào khoảng 9-11 giờ sáng. Bố mẹ nên bổ sung vitamin D cho trẻ từ khi mới chào đời đến 18 tháng tuổi.

Liều lượng vitamin D phụ thuộc vào chế độ bú, nhưng nếu trẻ không đủ 1 lít sữa/ngày, có thể bổ sung thêm khoảng 400 IU vitamin D dạng lỏng mỗi ngày.

Trong các trường hợp đặc biệt như trẻ mắc bệnh lý, phẫu thuật xương, hoặc đang sử dụng thuốc động kinh, cần thảo luận với bác sĩ về liều lượng vitamin D cao hơn bình thường.

Xem chi tiết
Bác sĩ và Cơ sở
Chọn địa điểm
  • Chuyên gia
  • Cơ sở
Bác Sĩ Lê Hữu Tuấn
Bác Sĩ Lê Hữu Tuấn
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
Lương Y Đỗ Minh Tuấn
TS.BS Nguyễn Thị Vân Anh
Verified
Chăm sóc tại Vietmec

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android