8 Loại Thuốc Tiêm Chữa Viêm Khớp Phổ Biến, Hiệu Quả

Các loại thuốc tiêm chữa viêm khớp thường được chỉ định trong một số trường hợp như viêm khớp mãn tính, viêm bao khớp hoặc đã áp dụng thuốc uống mà không có hiệu quả. Mời bạn đọc theo dõi thông tin cụ thể về 8 loại thuốc tiêm trong bài viết dưới đây.

Khi nào bệnh nhân được chỉ định thuốc tiêm chữa viêm khớp?

Tiêm nội khớp là thủ thuật dùng kim nhỏ để đưa thuốc vào ổ khớp hoặc các phần mềm xung quanh khớp với mục đích điều trị tại chỗ một số bệnh lý về xương khớp. Ưu điểm của các loại thuốc tiêm trực tiếp vào khớp này chính là dịch được truyền trực tiếp đến vùng khớp bị hư tổn, không theo đường máu nên không có tác dụng trên toàn bộ cơ thể.

Ngoài ra, thuốc tiêm chữa viêm khớp còn có thể được chỉ định dạng tiêm bắp, tiêm truyền tĩnh mạch mang đến tác dụng giảm đau, chống viêm toàn thân.

Những trường hợp thường được chỉ định thuốc tiêm khớp bao gồm:

  • Các bệnh lý về khớp có tổn thương viêm màng hoạt dịch nhưng không do nhiễm khuẩn như viêm khớp vảy nến, viêm khớp dạng thấp,…
  • Viêm túi thanh dịch.
  • Kén màng hoạt dịch.
  • Bệnh nhân thoái hóa khớp giai đoạn sớm.

Tuy nhiên, bệnh nhân cũng cần lưu ý với một số trường hợp chống chỉ định với thuốc tiêm khớp như:

  • Các tổn thương ở xương khớp có liên quan đến nhiễm khuẩn, nhiễm nấm hoặc chưa loại trừ được nhiễm khuẩn.
  • Có các tổn thương nhiễm khuẩn trên da tại những vị trí dự định tiêm và lân cận.
Thuốc tiêm chữa viêm khớp có đáp ứng tốt với các bệnh ở xương khớp
Thuốc tiêm chữa viêm khớp có đáp ứng tốt với các bệnh ở xương khớp

Trên thực tế, có không ít bệnh nhân khi bị đau nhức khớp thường tìm đến các phòng mạch tư để thăm khám. Do chuyên môn kém hoặc thiếu thành thạo trong kỹ thuật, nhiều chuyên gia ở phòng mạch tư đã tiêm không đúng vị trí bao khớp, ổ khớp hay điểm bám gân, dây chằng khiến cho thuốc tiêm không đến đúng nơi cần. Từ đó dẫn đến hiệu quả điều trị kém và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sức khỏe.

8 loại thuốc tiêm chữa viêm khớp hiệu quả

Dưới đây là 8 loại thuốc tiêm chữa bệnh viêm khớp phổ biến nhất, mời bạn đọc tham khảo.

1. Thuốc tiêm viêm khớp Corticoid

Corticoid là loại thuốc tiêm nội khớp phổ biến được áp dụng chủ yếu trong những trường hợp đang có dấu hiệu bệnh tiến triển nhanh quá mức với mục đích ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm.

Thành phần chính của thuốc tiêm này là nhóm hoạt chất Corticoid như: Hydrocortison, Methylprednisolon, Prednisolon, Triamcinolon,…

Công dụng:

  • Chỉ định trong những trường hợp không thể sử dụng các loại thuốc chống viêm giảm đau.
  • Giúp giảm đau nhanh chóng, ngăn chặn tình trạng viêm nhiễm lây lan. Đồng thời hỗ trợ khả năng phục hồi các tổn thương trong cấu trúc xương khớp.
  • Thuốc có thể điều trị dứt điểm nếu tình trạng mô viêm chỉ ở các khu vực nhỏ như viêm gân cơ hay viêm bao khớp.

Cách dùng:

  • Người bệnh sẽ được tiêm Corticoid ở ngoài màng cứng, cạnh hoặc tiêm trực tiếp vào trong khớp.
  • Dùng 2 – 3 lần/năm tùy từng trường hợp, tuyệt đối không được lạm dụng.

Chống chỉ định:

  • Không dùng Corticoid với các đối tượng sau: Dị ứng với các thành phần có trong thuốc, phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú.
  • Những người có tiền sử xuất huyết dạ dày, nhiễm siêu vi, nấm, gut, vẩy nến, nhiễm trùng trong xương.
  • Trường hợp bị bệnh tiểu đường phụ thuộc insulin, bị đục thủy tinh thể, lao, huyết áp cao.

Tác dụng phụ: Một số tác dụng phụ có thể gặp khi dùng thuốc như: Mất ngủ, tăng tiết mồ hôi, chảy máu tại chỗ cho người đang điều trị viêm khớp, tăng đường huyết trên bệnh nhân tim mạch, tiểu đường,…

Giá bán tham khảo: Thuốc tiêm chữa viêm khớp Corticoid được phân phối tại bệnh viện, không được phân phối tại các nhà thuốc. Bạn đọc liên hệ trực tiếp với bác sĩ điều trị để biết thêm thông tin chi tiết.

2. Thuốc tiêm chứa Acid Hyaluronic

Acid Hyaluronic là một thành phần cấu tạo nên chất nhờn có nhiệm vụ giúp sụn khớp được bôi trơn. Y học hiện đại đã nghiên cứu và sản xuất ra hoạt chất này dùng trong trường hợp hỗ trợ điều trị viêm khớp và nhiều bệnh lý khác. Acid Hyaluronic lành tính với bệnh nhân tiểu đường và được khuyến cáo dùng khi bệnh nhân sử dụng Corticoid không hiệu quả.

Đây cũng là một trong các loại thuốc tiêm được các tổ chức y tế quốc tế lớn như Hiệp hội thấp khớp học Hoa Kỳ (ACR), châu u (EULAR) khuyên dùng.

Acid Hyaluronic được sản xuất dựa trên chất nhờn tự nhiên có trong ổ khớp
Acid Hyaluronic được sản xuất dựa trên chất nhờn tự nhiên có trong ổ khớp

Thành phần: Acid Hyaluronic.

Công dụng:

  • Thuốc giúp tăng khả năng giữ nước, tạo dịch bôi trơn ở các khớp, giảm sốc để việc vận động dễ dàng hơn.
  • Kháng viêm, giảm đau ở các khớp đang bị tổn thương, đồng thời tăng khả năng tổng hợp sụn khớp và ức chế sự thoái hóa xương khớp.
  • Giúp cơ thể tăng tiết Acid Hyaluronic nội sinh để chặn các cytokine gây hại.

Cách dùng:

  • Trong một liệu trình điều trị viêm khớp, bạn đọc có thể tiêm Acid Hyaluronic từ 1 – 3 lần. Tuy nhiên, các bác sĩ thường chỉ tiêm 1 mũi trong vòng 6 tháng liên tiếp.

Chống chỉ định:

  • Việc dùng nhóm thuốc Acid Hyaluronic nên cẩn trọng với người có dị ứng với các thành phần của thuốc, người bị thoái hóa khớp có liên quan đến nhiễm khuẩn.
  • Cẩn trọng với những trường hợp có tiền sử đái tháo đường, cao huyết áp, bệnh máu hay phụ nữ có thai và con cho bú.

Tác dụng phụ: Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi tiêm là: Đau nhẹ tại vị trí khớp vừa tiêm, chảy dịch khớp trong vài ngày sau khi tiêm.

Giá bán tham khảo: Thuốc tiêm chống viêm khớp Acid Hyaluronic chủ yếu được tiến hành điều trị trực tiếp tại bệnh viện, không được phân phối tại các quầy thuốc, nhà thuốc.

3. Thuốc tiêm Ketorolac

Ketorolac là dạng thuốc chống viêm không steroid có cấu trúc hóa học tương tự như indomethacin và tolmetin. Cơ chế tác dụng của thuốc là ức chế sinh tổng hợp prostaglandin, đem đến tác dụng kháng viêm, giảm đau.

Thành phần chủ yếu có trong Ketorolac là hoạt chất Ketorolac được bào chế dưới dạng muối tromethamine.

Công dụng:

  • Thuốc tiêm Ketorolac thường được chỉ định dùng ngắn ngày, có thể thay thế chế phẩm steroid và opioid trong điều trị sau phẫu thuật, giúp giảm đau nhanh cho những người mắc bệnh về xương khớp.
  • Chống viêm nhiễm tại các khớp, hạ nhiệt và ức chế tập kết tiểu cầu.

Cách dùng:

  • Tùy vào từng tình trạng bệnh nhân mà cách dùng và liều dùng khác nhau.
  • Ketorolac dùng tiêm đường bắp hoặc tĩnh mạch, mỗi lần tiêm 0/15 – 0/33 lít/kg trọng lượng cơ thể. Mỗi liệu trình điều trị viêm khớp kéo dài không quá 5 ngày.

Chống chỉ định:

  • Cẩn trọng khi dùng thuốc tiêm chữa viêm khớp Ketorolac trong trường hợp dị ứng với các thành phần của thuốc, viêm loét dạ dày nặng, người có chức năng gan thận suy giảm.
  • Không dùng cho những trường hợp có cơ địa dễ chảy máu, khó đông máu.
  • Phụ nữ mang thai, mới sảy thai, cho con bú hoặc trẻ dưới 16 tuổi

Tác dụng phụ: Thuốc tiêm Ketorolac có thể gây ra một số tác dụng phụ sau: Đau đầu, buồn ngủ, buồn nôn, choáng váng, phát ban đỏ, ngứa da hoặc đau cơ xương, hen suyễn, khó thở, rối loạn thị giác,…

Giá bán tham khảo: Thuốc tiêm chống viêm khớp Ketorolac chủ yếu được tiến hành điều trị trực tiếp tại bệnh viện, không được phân phối tại các quầy thuốc, nhà thuốc.

4. Thuốc tiêm Methotrexate

Thuốc tiêm Methotrexate thuộc nhóm thuốc chống ung thư và ức chế miễn dịch, chống thấp khớp. Trong đó, hoạt chất Methotrexate có khả năng ức chế hệ miễn dịch. Do vậy Methotrexate thường được ưu tiên trong điều trị viêm khớp dạng thấp để kiểm soát sự tiến triển của bệnh.

Thuốc tiêm xương khớp Methotrexate thường được chỉ định kết hợp với một số thuốc khác
Thuốc tiêm xương khớp Methotrexate thường được chỉ định kết hợp với một số thuốc khác

Thành phần: Methotrexate 2.5 mg.

Công dụng:

  • Thuốc Methotrexate chủ yếu tạo ra các kháng thể tấn công vào mô sụn và làm cho các đầu xương khỏe mạnh hơn.
  • Thuốc không mang lại khả năng giảm đau và chống viêm trực tiếp mà có tác dụng bảo vệ sụn khớp, tăng cường sự dẻo dai cho dây chằng , đầu xương,…

Cách dùng:

  • Liều thông thường: Dùng 5 – 15 mg/m2 tiêm bắp hoặc uống Methotrexate một lần mỗi tuần.
  • Liều với viêm khớp dạng thấp ở thiếu niên: Tiêm dưới da 10 mg/m2 một lần mỗi tuần.

Chống chỉ định:

Thuốc tiêm Methotrexate không được chỉ định cho những trường hợp sau:

  • Người có tiền sử dị ứng hoặc quá mẫn cảm với hoạt chất Methotrexate.
  • Bệnh nhân bị suy gan, thận nặng, người bị giảm bạch cầu, tiểu cầu, thiếu máu trầm trọng, viêm loét đường tiêu hóa, bệnh nhân bị suy giảm hệ miễn dịch và nhiễm trùng nghiêm trọng.
  • Phụ nữ mang thai và phụ nữ đang cho con bú bị viêm khớp.

Tác dụng phụ: Một số tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng Methotrexate gồm: Suy tủy, buồn nôn, nôn (thường với liều cao), viêm miệng, khó nuốt, rối loạn tiêu hóa, vô niệu, sạm da, ngứa, rụng tóc, phát ban,…

Giá bán tham khảo: Thuốc tiêm chống viêm khớp Methotrexate chủ yếu được tiến hành điều trị trực tiếp tại bệnh viện, không được phân phối tại các quầy thuốc, nhà thuốc.

5. Thuốc tiêm xương khớp Dopharen

Dopharen được kê đơn khá phổ biến trong điều trị các tình trạng viêm khớp mãn tính hoặc thoái hóa khớp và được dùng dưới cả dạng uống và thuốc tiêm.

Thành phần chính trong thuốc là hoạt chất Diclofenac sodium.

Công dụng:

  • Thuốc tiêm Dopharen mang đến tác dụng chủ yếu là giảm đau, kháng viêm nhờ tác động ức chế quá trình tổng hợp prostaglandin của cơ thể.
  • Dùng để ngăn chặn tình trạng thoái hóa sớm cho những trường hợp sau chấn thương hay phẫu thuật các vấn đề liên quan đến xương khớp.
  • Điều trị nhanh chóng các bệnh khớp dạng thấp hoặc viêm cột sống do dính khớp.

Cách dùng:

  • Người bệnh được tiêm bắp sâu và chậm, mỗi đợt tiêm không được kéo dài quá 12 ngày.
  • Liều dùng khuyến khích với người lớn là 75mg/lần x 1 lần/ngày, trong liều nặng là 1 ống 75mg/lần x 2 lần/ngày. Với trẻ em dưới 15 tuổi 0.5 – 2mg/1kg cân nặng/1 ngày chia làm 2 – 3 lần tiêm.
  • Có thể bổ sung thêm Dopharen dạng đường uống để tăng tốc độ cải thiện bệnh.

Chống chỉ định:

  • Người bệnh có dị ứng với các thành phần thuốc, salicylate, aspirin hay các thuốc chống viêm không steroid khác.
  • Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, người bị viêm loét dạ dày, mắc các bệnh tim mạch, suy gan hay suy thận nặng.
  • Trường hợp đang hoặc có tiền sử mắc các bệnh như hen suyễn, co thắt phế quản,…

Tác dụng phụ: Một số tác dụng phụ có thể gặp khi dùng Dopharen là: Đau đầu, hoa mắt, tiêu chảy, nổi ban đỏ, chảy máu dạ dày,…

Giá bán tham khảo: Thuốc tiêm Dopharen được tiến hành phân phát trực tiếp tại bệnh viện, không được phân phối tại các nhà thuốc.

6. Thuốc tiêm chữa viêm khớp Diprospan

Diprospan là thuốc tiêm thường được chỉ định trong điều trị viêm khớp cấp và mạn tính mà cơ thể có đáp ứng với corticosteroid. Loại thuốc này được áp dụng chủ yếu trong điều trị các bệnh dị ứng, bệnh về da, bệnh lý ở thượng thận, lupus ban đỏ và cả các bệnh về xương khớp.

Diprospan là thuốc đã được nhập khẩu chính ngạch vào Việt Nam
Diprospan là thuốc đã được nhập khẩu chính ngạch vào Việt Nam

Thành phần: Betamethasone dipropionate, Betamethasone natri phosphat.

Công dụng:

  • Thuốc tiêm Diprospan giúp giảm đau nhanh chóng cho người bệnh viêm khớp ngay sau thời gian tiêm.
  • Kiểm soát tốt các triệu chứng khó chịu của bệnh trong thời gian dài.
  • Đồng thời, giúp làm tăng chuyển hóa và nâng cao hệ miễn dịch để cơ thể hạn chế tối đa bị viêm nhiễm.

Cách dùng:

  • Diprospan sẽ được tiêm vào phần mô mềm, trong khớp, quanh khớp hoặc quanh bàn chân tùy trường hợp.
  • Dùng toàn thân: Bắt đầu tiêm với liều 1 – 2ml, có thể dùng trong viêm khớp háng, khớp gối, khớp vai.
  • Tiêm trong khớp: Với các khớp lớn tiêm 1 – 2 ml/lần, khớp trung bình: 0,5 – 1 ml/lần và khớp nhỏ như cổ tay, cổ chân chỉ khoảng 0,25 – 0,5 ml/lần.

Chống chỉ định:

  • Không dùng Diprospan cho người dị ứng với Corticoid và Betamethasone, người bị nhiễm nấm toàn thân, xốp xương, nhược cơ, suy gan.
  • Cẩn trọng khi dùng cho bệnh nhân viêm loét dạ dày tá tràng, suy thận, tăng huyết áp, động kinh, glôcôm, tuyến giáp,…

Tác dụng phụ:

  • Thuốc tiêm Diprospan có thể gây một số tác dụng phụ: Làm ảnh hưởng xấu cho khối cơ, làm tăng nguy cơ loãng xương, hoại tử ở đầu xương đùi, cánh tay, tổn thương niêm mạc thực quản. Đồng thời gây ra một số vấn đề trên da: Teo da, dễ bị bầm tím, chảy máu, mụn trứng cá,…
  • Tuy nhiên các tác dụng phụ của thuốc thường chỉ xuất hiện trên một số cơ địa nhạy cảm hoặc trong trường hợp dùng sai cách tiêm, liều cao,…

Giá bán tham khảo: Thuốc tiêm chữa viêm khớp Diprospan hiện đang được bán với mức giá khoảng 135.000 vnđ/ lọ 1ml tại các nhà thuốc được cấp phép phân phối.

7. Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) chữa viêm khớp

Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) là một chế phẩm từ máu giúp các tổn thương ở xương khớp phục hồi tự nhiên, từ đó giảm đau nhanh chóng cho bệnh nhân viêm khớp.

Thành phần: Huyết tương giàu tiểu cầu (Platelet-rich Plasma – PRP).

Công dụng:

  • Giúp người bệnh phục hồi vùng viêm ở khớp nhanh chóng nhờ cơ chế gia tăng, tái tạo mô mềm và xương.
  • Theo đó các cơn đau nhức trong xương khớp sẽ giảm thiểu nhanh và hiệu quả.

Cách dùng:

  • Tùy theo liệu trình mà số mũi tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) khác nhau, thông thường sẽ cách nhau từ 1 – 2 tuần.

Chống chỉ định:

  • Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) không dùng trong trường hợp có nồng độ Hemoglobin trong máu <110 g/l, số lượng tiểu cầu <150.000 mm3, phụ nữ mang thai, viêm khớp có khuẩn, mủ, nấm hay bệnh nhân đã tiêm corticoid hoặc Acid Hyaluronic trong 6 tuần trước đó.

Tác dụng phụ: Huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng tại vị trí khớp tiêm.

Giá bán tham khảo: Tại nước ta, chi phí để tiêm mỗi mũi huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) có thể lên đến 4 triệu đồng. Thuốc được phân phối tại bệnh viện, không được phân phối tại các quầy thuốc, nhà thuốc nhỏ lẻ.

8. Thuốc tiêm Hyalgan

Thuốc chữa viêm xương khớp Hyalgan là chế phẩm được nghiên cứu và bào chế bởi Công ty Dược phẩm TRB Chemedica (Thái Lan) và đang được Công ty cổ phần Y Dược Vimedimex Việt Nam phân phối trực tiếp. Thuốc có công dụng bôi trơn khớp để hỗ trợ khả năng vận động cho những người bị viêm, thoái hóa xương khớp.

Hyalgan đem lại hiệu quả chống viêm, giảm đau rất tốt
Hyalgan đem lại hiệu quả chống viêm, giảm đau rất tốt

Thành phần: Các muối Sodium Hyaluronate.

Công dụng:

  • Sử dụng thuốc tiêm chữa viêm khớp Hyalgan giúp bệnh nhân giảm đau nhanh chóng.
  • Ngoài ra, thuốc giúp bôi trơn, tăng cường khả năng tái tạo và bảo vệ các tế bào sụn khớp. Từ đó hỗ trợ phục hồi chức năng vận động cho bệnh nhân.

Cách dùng:

  • Hyalgan được chỉ định với liều thông thường được 2ml/lần/tuần với người lớn.
  • Khuyến khích liệu trình 3 – 5 lần/ tuần, kéo dài trong 6 tháng liên tiếp.
  • Lưu ý: Sau khi tiêm Hyalgan trong vòng 2 ngày, người bệnh được khuyên không nên đi đứng lâu, vận động quá mạnh vì có thể làm giảm hiệu quả của thuốc.

Chống chỉ định: Cẩn trọng khi dùng thuốc Hyalgan với các đối tượng như: Dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc, người bị cao huyết áp, đái tháo đường, phụ nữ đang có thai hoặc đang cho con bú,…

Tác dụng phụ: Một số tác dụng phụ hay gặp khi tiêm Hyalgan phải kể đến là: Dị ứng nhẹ ở chỗ tiêm, có thể sưng tấy hoặc tràn dịch mủ, đau, sưng ổ khớp trong thời gian ngắn,…

Giá bán tham khảo: Thuốc tiêm chữa viêm khớp Hyalgan có giá bán khoảng 960.000 – 1.100.000 vnđ/ lọ 2ml tại nhà thuốc bệnh viện.

Lưu ý khi sử dụng thuốc tiêm chữa viêm khớp

Để đảm bảo an toàn cho chính bản thân, người bệnh cần chú ý một số vấn đề sau khi sử dụng các loại thuốc tiêm chữa viêm khớp:

  • Thực hiện đầy đủ các xét nghiệm hình ảnh chẩn đoán về tình trạng khớp như chụp X-Quang, chụp CT, MRI,…
  • Tốt nhất nên thực hiện tiêm thuốc tại bệnh viện uy tín, do bác sĩ hay y tá trực tiếp thực hiện để đảm bảo an toàn.
  • Thông báo chính xác các loại thuốc đang sử dụng hoặc các bệnh lý đang mắc nếu có cho bác sĩ.
  • Không sử dụng bia rượu, thuốc lá hay các chất kích thích trong thời gian tiêm thuốc viêm khớp.
  • Có chế độ dinh dưỡng phù hợp, hạn chế vận động mạnh hay làm việc quá sức để cải thiện sức khỏe nhanh chóng hơn.
  • Nghỉ ngơi nhiều hơn sau khi tiêm, hạn chế mặc đồ bó sát sau tiêm và giữ vệ sinh sạch sẽ tại các vị trí tiêm.
  • Hạn chế làm các công việc liên quan đến lái xe, vận hành máy móc sau khi tiêm thuốc để đảm bảo an toàn.
  • Thông báo ngay cho bác sĩ nếu sau tiêm có những dấu hiệu bất thường như: Dị ứng, nổi mề đay, chảy máu, buồn nôn,…

Thuốc tiêm chữa viêm khớp là những loại thuốc đặc trị dùng cho bệnh nhân khó điều trị bằng các biện pháp khác. Bạn đọc chỉ nên chọn lựa cách này khi các giải pháp trị liệu ở xương khác không đáp ứng được hiệu quả mong đợi. Tốt nhất là nên thăm khám trực tiếp và nghe bác sĩ tư vấn cụ thể về hướng điều trị cho bản thân.

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Ẩn

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android