Trẻ Sơ Sinh Bị Sôi Bụng
Trẻ sơ sinh bị sôi bụng tuy không phải là biểu hiện nguy hiểm, nhưng vẫn sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, khiến bé ăn không ngon, ngủ không sâu giấc và thường xuyên quấy khóc. Chính vì vậy, việc tìm ra nguyên nhân để có những biện pháp chữa trị, khắc phục sớm là điều mà các bậc cha mẹ không nên bỏ qua.
Định nghĩa
Trẻ bị sôi bụng là tình trạng trẻ sơ sinh thường xuyên có tiếng sôi bụng, ợ hơi, chướng bụng. Đây là một triệu chứng sinh lý bình thường ở trẻ sơ sinh, thường xảy ra do nhu động ruột của trẻ chưa hoàn thiện.
Nguyên nhân
Trẻ sơ sinh bị sôi bụng bởi rất nhiều nguyên nhân khác nhau mà cha mẹ tuyệt đối không được bỏ qua. Việc tìm hiểu đúng về nguyên nhân sẽ giúp chúng ta biết cách xử lý một cách chính xác và nhanh chóng nhất. Cụ thể là:
- Loạn khuẩn đường ruột: Do hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh chưa hoàn thiện, dễ bị nhiễm khuẩn từ môi trường bên ngoài.
- Các bệnh lý về viêm nhiễm tiêu hóa: Viêm đại tràng, viêm dạ dày, viêm ruột, rối loạn tiêu hóa, đặc biệt là bệnh Crohn.
- Chế độ dinh dưỡng không đảm bảo: Mẹ ăn uống không đảm bảo vệ sinh, ăn đồ lạ, nhiều dầu mỡ, cay nóng, nhiều đạm... hoặc cho trẻ ăn dặm quá sớm, ăn các loại thức ăn khó tiêu.
- Trẻ không thể tiêu hóa được một số thành phần có trong sữa: Bất dung nạp lactose, dị ứng đạm, không dung nạp chất béo.
- Trẻ bú sai cách: Núm vú không vừa với miệng trẻ, cho sữa chảy quá nhanh khiến trẻ nuốt nhiều khí hơi.
- Trẻ quá đói hoặc ăn quá no: Khi trẻ quá đói hoặc ăn quá no, nhu động ruột sẽ co bóp mạnh.
Chăm sóc tại nhà
Khi trẻ bị sôi bụng, mẹ có thể áp dụng những biện pháp dưới đây:
Điều chỉnh lại chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt của trẻ
- Không nên để trẻ bú/ăn quá no hoặc quá đói, tốt nhất hãy chia làm nhiều bữa nhỏ, không cho trẻ ăn quá nhiều trong một bữa.
- Không nên cho trẻ ăn dặm quá sớm (trẻ chưa đủ 6 tháng tuổi).
- Mẹ khi cho con bú nên ăn đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng thiết yếu là: Chất béo, chất đạm, vitamin và khoáng chất. Ngoài ra cũng cần cung cấp thêm nhiều rau xanh và chất xơ cho cơ thể thông qua chế độ ăn uống hàng ngày. Hạn chế những món có chứa nhiều dầu mỡ, cay nóng, súp lơ, cà chua, đồ uống có gas, rượu bia… bởi chúng rất dễ khiến trẻ bị đầy hơi, chướng bụng.
- Cần vệ sinh sạch sẽ dụng cụ pha sữa thường xuyên, nên pha với đúng tỷ lệ được hướng dẫn, dùng nước sạch với nhiệt độ đảm bảo.
- Cần lau chùi nhà cửa, vệ sinh đồ chơi, vật dụng của trẻ thường xuyên.
Massage bụng cho trẻ
- Massage bụng theo chiều kim đồng hồ: Đặt trẻ nằm ngửa trên mặt phẳng mềm mịn, chia bụng thành 4 điểm và dùng lòng bàn tay xoa thật nhẹ nhàng xung quanh bụng trẻ theo chiều kim đồng hồ, mỗi điểm thực hiện 1 lần.
- Massage ngược chiều nhau: Cho trẻ nằm ngửa, dùng 2 bàn tay di chuyển nhẹ nhàng từ ngực chạy thẳng xuống bụng, thực hiện thao tác khoảng 10 lần. Mỗi ngày có thể massage cho trẻ theo cách trên từ 1 - 2 lần.
- Massage dọc bụng: Cho trẻ nằm ngửa, dùng 2 bàn tay di chuyển thật nhẹ nhàng từ ngực dọc xuống bụng, thực hiện khoảng 10 lần, mỗi ngày massage từ 1 - 2 lần.
Thay đổi tư thế bú
- Nếu trẻ vừa bú vừa khóc và bụng có tiếng sôi thì mẹ nên ôm trẻ thẳng dậy, dựa người vào vai mẹ rồi vỗ nhẹ lưng để trẻ ợ nóng ra ngoài. Mặt khác, mẹ cũng có thể đặt con nằm ngửa rồi nhẹ nhàng gập đầu gối chân của trẻ liên tục.
- Còn nếu bú bình thì mẹ nên chọn núm vú phù hợp, cho trẻ ngậm núm vú đúng cách, lỗ thoát khí hướng lên trên, nhằm tránh để trẻ nuốt phải không khí vào trong, dẫn đến sôi bụng.
Tăng cường lợi khuẩn
Trong hệ vi sinh đường ruột của trẻ sơ sinh chứa chủ yếu là Bifidobacterium, Bacteroides và Lactobacillus. Trong đó, Bifidobacterium được xem là có vai trò quan trọng nhất với tỷ lệ lên đến 90%. Chúng có vai trò:
- Tăng cường, đẩy nhanh tốc độ tiêu hóa của đường ruột.
- Giúp cho quá trình tiêu hóa diễn ra thuận lợi, hấp thụ triệt để dinh dưỡng.
- Hạn chế tối đa quá trình lên men sinh khí thức ăn.
- Giúp cân bằng lại hệ vi sinh đường ruột với tỷ lệ là 85% lợi khuẩn và 15% hại khuẩn.
- Tiết ra các chất đề kháng, giúp bảo vệ và làm lành nhanh các vết thương trong ruột cũng như đại tràng.
- Chúng bám trên các lông nhung tại thành ruột, tiết ra chất nhầy có tác dụng bảo vệ niêm mạc trước tác nhân gây bệnh.
Phương pháp dân gian
- Sử dụng gừng tươi: Mẹ cần chuẩn bị 1 củ gừng tươi và đường vừa đủ, thái gừng thành 3 - 4 lát cho vào nước ấm. Sau đó có thể cho trẻ uống luôn hoặc thêm một chút đường cho dễ uống. Nên uống vào buổi sáng.
- Sử dụng lá mơ lông: Cần chuẩn bị khoảng 50g lá mơ lông thái nhỏ dạng sợi chỉ rồi đem đi đun với 500ml nước, đun tới khi sôi rồi vặn lửa nhỏ. Tới khi nước cô cạn lại còn khoảng 200ml thì tắt bếp, gạn lấy phần nước cho trẻ uống lúc còn ấm, mỗi ngày uống từ 3 - 4 lần.
- Sử dụng nước gạo rang: Chỉ cần lấy một nắm gạo đã được rang vàng, đem đun với 300ml nước, đun tới khi còn khoảng 50ml thì tắt bếp. Cho trẻ uống phần nước khi còn ấm, uống từ 1 - 2 lần sau bữa ăn và chỉ dùng trong ngày.
- Sử dụng củ riềng: Mẹ hãy chuẩn bị một củ riềng tươi, cạo sạch vỏ, rửa sạch, xay mịn và một ít đường phèn. Cho đường phèn vào nước ấm để tan ra rồi trộn cùng với riềng, lấy phần nước cho trẻ uống mỗi ngày 3 lần.
- Sử dụng lá tía tô: Mẹ cần chuẩn bị khoảng 4 - 5 lá tía tô đem rửa sạch, xay nhuyễn rồi lọc lấy nước cho trẻ uống. Có thể cho thêm ít đường để dễ uống hơn, ngày uống từ 2 - 3 lần.
Khi nào đi khám bác sĩ?
Nếu trẻ bị sôi bụng kèm theo một số triệu chứng bất thường như: Tiêu chảy, táo bón, đau bụng, chướng bụng… kéo dài hàng tuần. Đồng thời mẹ đã áp dụng các phương pháp xử lý nhưng tình trạng không có dấu hiệu thuyên giảm, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay để được điều trị kịp thời.
Dấu hiệu
Khi bị sôi bụng, con thường có những biểu hiện đặc trưng sau đây:
- Bé quấy khóc, khó chịu và thường xuyên bỏ bú: Khi bị sôi bụng, trẻ sẽ bú ít hơn so với bình thường và quấy khóc vào cả ban ngày lẫn ban đêm. Nếu để tình trạng này kéo dài khiến bé mệt mỏi, thiếu hụt chất dinh dưỡng, phát triển chậm và sụt cân khá nhanh.
- Bụng phát ra âm thanh ọc ọc: Nếu để ý kĩ, cha mẹ sẽ nghe được những âm thanh ọc ọc nhỏ phát ra từ bụng bé khá thường xuyên.
- Bé bị tiêu chảy, đi ngoài nhiều lần: Ban đầu, trẻ chỉ có biểu hiện chướng bụng, ợ hơi, nhưng lâu ngày sẽ bị tiêu chảy, đi ngoài nhiều lần. Nếu mẹ không kịp thời khắc phục sẽ dẫn tới cơ thể bị mất nước, chán ăn và để lại nhiều di chứng không tốt cho hệ tiêu hoá của trẻ.
Cảnh báo
Nếu trẻ sơ sinh bị sôi bụng do quá đói hoặc sau khi ăn quá no mà không kèm theo các triệu chứng như: Chướng bụng, đau bụng, chán ăn, mệt mỏi, quấy khóc… thì đây là biểu hiện sinh lý vô cùng bình thường của cơ thể, cha mẹ không cần quá lo lắng.
Nếu trẻ bị sôi bụng và kèm theo một số triệu chứng bất thường như: Đau bụng, tiêu chảy, đầy hơi, ợ nóng… thì đây có thể là biểu hiện của một số bệnh lý như:
- Rối loạn tiêu hóa, loạn khuẩn ruột: Bệnh này thường có các dấu hiệu như: Bụng sôi và đau, lúc tiêu chảy đi ngoài phân lỏng nhiều lần, lúc lại táo bón, đầy hơi, chướng bụng, biếng ăn… Để tình trạng này diễn ra trong thời gian dài có thể dẫn đến những biến chứng nặng hơn như: Hội chứng ruột kích thích, viêm đại tràng, viêm ruột mạn tính, polyp trực tràng…
- Bệnh lý về dạ dày - ruột: Các bệnh phổ biến như viêm hang vị dạ dày, viêm dạ dày tá tràng… Biểu hiện thường gặp như bụng sôi ùng ục, chướng bụng, đau vùng thượng vị, quấy khóc, trẻ hay co người, vặn người… Một số biến chứng có thể gặp phải như phát triển chậm, biếng ăn, suy dinh dưỡng…
- Số ít có thể mắc bệnh Crohn (IBD): Đây là tình trạng gây viêm nhiễm, lây lan rộng và đi sâu vào thành tiêu hóa gây viêm loét, chảy máu. Biểu hiện của bệnh là đau bụng, sôi bụng, có thể kèm theo sốt, buồn nôn và nôn trớ, biếng ăn, sút cân… Bệnh Crohn có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm như thiếu máu, gầy, suy dinh dưỡng, nguy hiểm nhất là thủng ruột, rò vào bàng quang…