Đi Ngoài Ra Chất Nhầy Màu Vàng
Đi ngoài ra chất nhầy màu vàng có thể là triệu chứng của một số thay đổi bên trong hệ thống tiêu hóa, bao gồm các tình trạng nghiêm trọng, chẳng hạn như tắc ruột hoặc bệnh Crohn. Do đó, điều quan trọng là xác định được nguyên nhân và có kế hoạch điều trị phù hợp.
Định nghĩa
Chất nhầy được tạo ra bởi màng nhầy của ruột già để bảo vệ niêm mạc bên trong và giúp phân di chuyển ra khỏi cơ thể dễ dàng hơn. Thông thường trong phân có một lượng chất nhầy nhỏ không thể nhìn thấy bằng thường. Do đó, nếu xuất hiện một lượng lớn các chất nhầy có thể nhìn thấy bằng mắt thường, điều này có thể liên quan đến các bệnh lý ở đường tiêu hóa.
Đi ngoài ra chất nhầy màu vàng thường được xem là một triệu chứng phổ biến của Hội chứng ruột kích thích và viêm loét đại tràng. Tuy nhiên, có một số điều kiện sức khỏe khác có thể dẫn đến tình trạng này, chẳng hạn như nhiễm trùng đường tiêu hóa, nứt kẽ hậu môn, tắc ruột và bệnh Crohn.
Nếu người bệnh đi ngoài ra chất nhầy màu vàng kèm theo máu và đau đớn, hãy đến bệnh viện ngay lập tức. Tình trạng này cần được điều trị phù hợp để tránh các rủi ro không mong muốn.
Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đi ngoài ra chất nhầy màu vàng, chẳng hạn như nhiễm trùng, chế độ ăn uống không phù hợp và các bệnh lý ác tính.
1. Nhiễm trùng
Nhiễm trùng là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tình trạng đi ngoài ra chất nhầy màu vàng. Các loại vi khuẩn có thể gây viêm thành ruột già và kích thích quá trình sản xuất chất nhầy bao gồm:
- Vi khuẩn E. Coli: Có nhiều loại vi khuẩn E. Coli, một số có thể dẫn đến tiêu chảy ra nước, trong khi một số khác có thể dẫn đến tình trạng đi ngoài ra máu hoặc chất nhầy. EHEC (Enterogenic Hemorrhagic E. Coli) và EIEC (Enterogenic Inflammatory E. Coli) là hai loại vi khuẩn E. Coli phổ biến nhất gây đi ngoài ra chất nhầy màu vàng.
- Vi khuẩn Campylobacter: Campylobacter là một loại vi khuẩn hình xoắn ốc, thường xuất hiện sau khi người bệnh tiêu thụ gia cầm chưa được nấu chín hoặc khi sử dụng các loại thực phẩm dính máu. Nhiễm trùng Campylobacter có thể khiến người bệnh đi ngoài với chất nhầy màu vàng, mủ và máu. Các triệu chứng nhiễm trùng có thể kéo dài suốt hai tuần và các loại vi khuẩn này có thể kháng nhiều loại kháng sinh, do đó phương pháp điều trị chính là truyền dịch giàu chất điện giải và nghỉ ngơi tại giường.
- Entamoeba: Entamoeba là một loại ký sinh trùng, có thể lây nhiễm khi người bệnh ăn thức ăn chứa phân). Loại ký sinh trùng này có thể dẫn đến bệnh giun chỉ, khiến người bệnh đi đại tiện với một lượng lớn chất nhầy màu vàng chứa nang hoặc trứng ký sinh trùng.
2. Tình trạng viêm
Nhiều bệnh lý gây viêm trong cơ thể có thể dẫn đến hình thành các chất nhầy dư thừa và khiến người bệnh đi ngoài ra chất nhầy màu vàng.
- Viêm đại tràng: Viêm đại tràng là tình trạng gây viêm đại tràng và trực tràng, có thể dẫn đến đau bụng, đại tiện không tự chủ, đi ngoài ra máu và có chất nhầy chảy ra từ hậu môn.
- Bệnh Crohn: Đi ngoài ra chất nhầy màu vàng nhạt là một trong những dấu hiệu phổ biến của bệnh Crohn. Đôi khi người bệnh có thể đi ngoài ra máu và mủ, đặc biệt là trong các đợt bùng phát. Nếu được điều trị đúng cách, các triệu chứng bệnh Crohn có thể được kiểm soát và hạn chế các rủi ro liên quan.
- Bệnh Celiac: Đặc điểm của tình trạng này là phân có mùi hôi thối, tiêu chảy và đầy hơi. Bệnh Celiac có thể gây tổn thương một phần ruột kết dẫn đến thiếu hụt các chất dinh dưỡng nghiêm trọng. Trong một số trường hợp, bệnh Celiac có thể khiến người bệnh đi ngoài với khối phân có kích thước lớn và chất nhầy.
- Hội chứng ruột kích thích: Hội chứng ruột kích thích có thể kích thích niêm mạc ruột già tiết ra nhiều chất nhầy hơn và dẫn đến việc đi ngoài ra chất nhầy màu vàng. Tình trạng này thường ảnh hưởng đến nam giới nhiều hơn phụ nữ.
3. Áp xe hoặc rò hậu môn
Áp xe hậu môn là tình trạng nhiễm trùng tạo ra một khu vực chứa đầy mủ ở hậu môn. Tình trạng này thường xảy ra ở bệnh nhân bệnh Crohn, đặc biệt là ở khu vực xung quanh hậu môn.
Có khoảng 50% các trường hợp, áp xe trở nên nghiêm trọng và tạo thành một đường hầm nối giữa hậu môn và một cơ quan khác, chẳng hạn như da.
Cả áp xe hậu môn và lỗ rò hậu môn đều có thể khiến người bệnh đi ngoài ra chất nhầy màu vàng. Tình trạng này cần được điều trị bằng cách dẫn lưu áp xe và sử dụng thuốc kháng sinh hoặc một số loại thuốc khác để ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra.
4. Tắc ruột
Tắc ruột có thể khiến người bệnh bị chuột rút dữ dội, chướng bụng, nôn mửa và đi ngoài ra chất nhầy. Tắc ruột có thể là biến chứng của bệnh táo bón nghiêm trọng hoặc các tình trạng khác, chẳng hạn như thoát vị, sỏi mật, khối u, có mô sẹo trong ruột hoặc khi người bệnh nuốt phải đồ vật không thể tiêu hóa.
Thông thường các dị vật sẽ được loại bỏ tại bệnh viện để cải thiện tình trạng tắc ruột. Bên cạnh đó, người bệnh có thể cần phẫu thuật để loại bỏ tắc nghẽn trong các trường hợp cần thiết.
5. Nguyên nhân ung thư
Một số bệnh ung thư có thể gây kích thích tăng tiết dịch nhầy và khiến người bệnh đi ngoài ra chất nhầy màu vàng. Có hai loại ung thư dẫn đến tình trạng này, bao gồm:
- Ung thư hậu môn: Đây là một dạng ung thư không phổ biến, chủ yếu gây ảnh hưởng đến hậu môn nhưng cũng có thể di căn đến các khu vực khác của cơ thể. Các triệu chứng phổ biến của tình trạng này bao gồm gây ngứa hậu môn, chảy máu trực tràng và tiết dịch nhầy ở hậu môn.
- Ung thư ruột kết: Đặc trưng của tình trạng này là có máu trong phân, táo bón, thiếu máu và khiến người bệnh đi ngoài ra chất nhầy màu vàng. Ung thư ruột kết là một dạng ung thư phổ biến nhưng thường khó chẩn đoán do các triệu chứng thường được diễn tiến chậm.
6. Chất nhầy trong phân của trẻ sơ sinh
Chất nhầy màu vàng được tìm thấy trong phân của trẻ sơ sinh có thể là dấu hiệu đường ruột của bé bị nhiễm trùng. Điều quan trọng là cần xác định chất nhầy, bởi vì phân trẻ sơ sinh thường có nhiều màu sắc và hình dạng. Hầu hết các trường hợp, chất nhầy trong phân của trẻ sơ sinh thường có dạng đặc sệt, nhầy và có màu vàng nhạt, hơi ngả sang xanh lục.
Các thay đổi về tính chất, màu sắc phân ở trẻ sơ sinh cần được trao đổi với bác sĩ chuyên môn và có kế hoạch điều trị phù hợp.
7. Các nguyên nhân khác
Táo bón là một trong những nguyên nhân phổ biến cơ thể dẫn đến chất nhầy màu vàng trong phân. Tình trạng này thường không nghiêm trọng và tự khỏi khi táo bón được điều trị.
Mất nước là một nguyên nhân phổ biến khác dẫn đến hình thành chất nhầy dư thừa trong phân. Tình trạng này cũng không nghiêm trọng và biến mất khi người bệnh bổ sung lượng nước cần thiết. Trong trường hợp mất nước mãn tính, người bệnh có thể cần đến bệnh viện để được điều trị và ngăn ngừa sự bài tiết chất nhầy.
Ngoài ra, đôi khi đi ngoài ra chất nhầy màu vàng có thể liên quan đến nhiều bệnh lý và điều kiện sức khỏe khác. Do đó, nếu không xác định được nguyên nhân hoặc khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn, người bệnh nên đến bệnh viện để được xử lý phù hợp.
Chăm sóc tại nhà
Đôi khi thay đổi lối sống có thể cải thiện tình trạng đi ngoài ra chất nhầy. Cụ thể, các biện pháp xử lý phổ biến bao gồm:
- Tăng lượng chất lỏng tiêu thụ;
- Ăn thực phẩm lợi khuẩn hoặc thực phẩm bổ sung các lợi khuẩn, chẳng hạn như sữa chua, kim chi hoặc trà Kombucha;
- Cân bằng lượng chất xơ, carbohydrate và chất béo lành mạnh trong chế độ ăn uống;
- Tiêu thụ các loại thực phẩm chống viêm, chẳng hạn như các loại quả mọng, trái cây có màu vàng đỏ và các loại rau xanh.
Câu hỏi thường gặp
Đi ngoài ra chất nhầy màu vàng có nguy hiểm không?
Có một lượng chất nhầy lớn trong phân là điều không bình thường và có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Do đó, tình trạng này cần được chẩn đoán và có kế hoạch điều trị phù hợp.
Một số biến chứng của tình trạng đi ngoài ra chất nhầy màu vàng không được điều trị chẳng hạn như mất nước, thiếu hụt dinh dưỡng nghiêm trọng, khó tăng trưởng ở trẻ em, lây nhiễm trùng và tăng nguy cơ ung thư di căn.
Theo khuyến cáo, người bệnh nên đến bệnh viện ngay khi nhận thấy các dấu hiệu như:
- Tiêu chảy kéo dài;
- Buồn nôn và nôn;
- Khó tiêu hoặc chướng bụng;
- Phân có mùi hôi thối nghiêm trọng;
- Sưng hoặc cứng bụng;
- Chuột rút ở bụng;
- Có máu trong phân;
- Thay đổi thói quen và nhu cầu đi đại tiện.
Bên cạnh đó, người bệnh nên gọi cho cấp cứu ngay khi nhận thấy các triệu chứng như:
- Ngất xỉu;
- Mất nhận thức;
- Nhầm lẫn hoặc có dấu hiệu rối loạn nhận thức;
- Sốt;
- Nôn mửa;
- Đau bụng dữ dội;
- Khó thở;
- Phân chứa đầy mủ;
- Không có nước tiểu.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán tình trạng đi ngoài ra chất nhầy, bác sĩ có thể xác định tiền sử bệnh lý của người bệnh và các triệu chứng liên quan. Tùy thuộc vào các chẩn đoán ban đầu, bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm liên quan đến xác định nguyên nhân.
Bác sĩ có thể đề nghị một số xét nghiệm, chẳng hạn như:
- Xét nghiệm máu trong phân.
- Nội soi đại tràng hoặc đại tràng xích ma. Bác sĩ sử dụng một ống mỏng, dài, linh hoạt, có camera để quan sát bên trong ruột kết.
- Nội soi đường tiêu hóa trên để kiểm tra thực quản, dạ dày và phần trên của ruột non.
- Nội soi viên nang bằng cách cho người bệnh nuốt một camera dưới dạng viên nang để kiểm tra các vấn đề bên trong đường tiêu hóa.
- Chụp X – quang để quan sát các tổn thương ở nội tạng.
- Chụp CT ruột và các mô.
- Chụp MRI để giúp bác sĩ quan sát các chi tiết và các mô bên trong đường tiêu hóa.
Điều trị
Các trường hợp nhiễm trùng vi khuẩn có thể được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Trong trường hợp bệnh Crohn, viêm loét đại tràng và Hội chứng ruột kích thích, bác sĩ có thể kê các toa thuốc phù hợp để hỗ trợ điều trị các triệu chứng.
Nếu xác định được các nguy cơ ung thư, người bệnh sẽ được đề nghị đến bác sĩ chuyên khoa ung thư. Bác sĩ có thể đề nghị một phác đồ điều trị phù hợp để làm giảm bớt các triệu chứng và ngăn ngừa ung thư di căn.
Sự kết hợp giữa việc thay đổi phong cách sống, sử dụng thuốc và phòng ngừa phù hợp, có thể xử lý tình trạng đi ngoài ra chất nhầy màu vàng cũng như ngăn ngừa các rủi ro có thể xảy ra. Điều quan trọng là người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Đi ngoài ra chất nhầy màu vàng thường là dấu hiệu viêm đại tràng hoặc Hội chứng ruột kích thích. Tuy nhiên đôi khi tình trạng này có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân nghiêm trọng khác, bao gồm ung thư. Người bệnh nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để xác định các nguyên nhân cơ bản và có kế hoạch điều trị phù hợp.