Đi Ngoài Ra Nước Màu Xanh

Cơ bản

Đi ngoài ra nước màu xanh thường là do ngộ độc thực phẩm hoặc nhiễm virus. Tuy nhiên, đôi khi tình trạng này có thể liên quan đến nhiều bệnh lý tiềm ẩn và cần được điều trị phù hợp để tránh mất nước hoặc các biến chứng khác.

Nguyên nhân

Thỉnh thoảng đi ngoài ra nước màu xanh có thể liên quan đến chế độ ăn uống của người bệnh, chẳng hạn như tiêu thụ nhiều thực phẩm có màu xanh, tím hoặc sử dụng nhiều thực phẩm bổ sung chất sắt. Tuy nhiên, bên cạnh đó, tình trạng này có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý tiềm ẩn cần được điều trị y tế phù hợp.

Đi ngoài ra nước màu xanh thường không phổ biến và có thể liên quan đến một số nguyên nhân như:

Sử dụng thực phẩm màu xanh

Có một số nguyên nhân phi y tế có thể khiến người bệnh đi ngoài phân xanh. Đi ngoài ra nước hoặc phân loãng, cũng có thể liên quan đến một số loại thực phẩm trong chế độ ăn uống, chẳng hạn như:

  • Thực phẩm có màu xanh: Nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến đi ngoài phân xanh là sử dụng quá nhiều thực phẩm có màu xanh. Các loại rau lá xanh có chứa chất diệp lục, có thể tạo màu xanh cho phân.
  • Ăn thực phẩm màu tím: Các loại thực phẩm màu tím sẫm, chẳng hạn như bắp cải tím, có thể khiến phân có màu xanh khi đi ra khỏi cơ thể.
  • Thực phẩm hoặc chất bổ sung chất sắt: Các loại thuốc bổ sung và thực phẩm chứa sắt có thể gây rối loạn hệ thống tiêu hóa và dẫn đến tình trạng đi ngoài ra nước màu xanh. Nếu các chất bổ sung gây khó chịu hoặc ảnh hưởng đến tiêu hóa, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.

Đi ngoài ra nước màu xanh liên quan đến chế độ ăn uống có thể được cải thiện sau một hoặc hai ngày. Do đó, nếu các triệu chứng kéo dài, người bệnh nên đến bệnh viện để được hướng dẫn cụ thể.

Ngộ độc thực phẩm

Nhiễm ký sinh trùng, virus và vi khuẩn có thể là nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thực phẩm và khiến người bệnh đi ngoài ra nước màu xanh. Các loại nhiễm trùng phổ biến bao gồm:

Ngộ độc thực phẩm là nguyên nhân gây đi ngoài ra nước màu xanh phổ biến

  • Salmonella: Ngộ độc thực phẩm do Salmonella có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm, dẫn đến tiêu chảy kéo dài, sốt cao, đau dạ dày, buồn nôn và nôn từ 6 đến 72 giờ. Các nguồn thực phẩm chứa Salmonella bao gồm trứng, thịt gà, thịt động vật, nước trái cây chưa tiệt trùng, phô mai, các loại hạt và một số loại rau.
  • Norovirus: Norovirus có thể gây ngộ độc thực phẩm ở các môi trường đông đúc và điều kiện vệ sinh không đảm bảo. Các triệu chứng bao gồm đau quặn bụng, tiêu chảy hoặc đi ngoài ra nước màu xanh.
  • Campylobacter: Ngộ độc thực phẩm do Campylobacter thường liên quan đến việc ăn thịt gà chưa nấu chín, uống nguồn nước ô nhiễm hoặc sữa chưa tiệt trùng. Các triệu chứng thường phát triển sau 2 – 5 ngày, bao gồm tiêu chảy ra máu, đi ngoài ra nước, sốt, đau quặn bụng, buồn nôn, đau cơ và đau đầu.
  • E. Coli: Nhiễm trùng vi khuẩn E. Coli có thể dẫn đến đau bụng dữ dội, tiêu chảy ra máu, đi ngoài ra nước màu xanh và sốt nhẹ. Tình trạng này thường xảy ra sau 2 – 3 ngày ăn thực phẩm thịt bị ô nhiễm, sữa chưa tiệt trùng hoặc uống nguồn nước bẩn.

Shigella: Nhiễm vi khuẩn Shigella có thể dẫn đến tiêu chảy ra máu và chất nhầy. Ngoài ra, người bệnh có thể đi ngoài ra nước, đau quặn bụng và sốt cao. Các nguồn lây nhiễm Shigella thường bao gồm rau sống và các loại thực phẩm được chế biến bằng tay chưa được vệ sinh.

Hầu hết các trường hợp ngộ độc thực phẩm đều không nghiêm trọng và có thể được cải thiện tại nhà bằng cách uống nhiều nước. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể đề nghị thuốc kháng sinh hoặc thuốc chống tiêu chảy để cải thiện các triệu chứng.

Không dung nạp Lactose

Không dung nạp đường lactose xảy ra khi cơ thể không thể tiêu hóa đường lactose, một loại đường có trong sữa. Khi không dung nạp lactose, người bệnh có thể cảm thấy khó chịu ở bụng và một số vấn đề tiêu hóa khác, chẳng hạn như đi ngoài ra nước màu xanh, sau khi tiêu thụ các sản phẩm sữa, kem, phô mai và sữa chua.

Đây là một tình trạng phổ biến và được điều trị bằng cách tránh tiêu thụ thực phẩm có chứa lactose.

Tác dụng phụ của thuốc kháng sinh

Trong một số trường hợp, tình trạng đi ngoài ra nước màu xanh có thể là do tác dụng phụ của thuốc kháng sinh. Tình trạng này thường không gây nguy hiểm và có thể được cải thiện khi người bệnh ngừng đợt kháng sinh và thực hiện chế độ ăn uống bình thường. Nếu các triệu chứng không được cải thiện, bác sĩ có thể đề nghị điều trị y tế hoặc bổ sung lợi khuẩn để cân bằng hệ thống tiêu hóa.

Hội chứng kém hấp thu

Hội chứng kém hấp thu là thuật ngữ được sử dụng để mô tả tình trạng ruột non không thể hấp thụ đầy đủ các chất dinh dưỡng và chất lỏng nhất định. Tình trạng này có thể liên quan đến các khuyết tật bẩm sinh hoặc các bệnh lý gây viêm hệ thống tiêu hóa gây ra.

Bác sĩ có thể xác định nguyên nhân cụ thể dẫn đến kém hấp thụ và xây dựng phác đồ điều trị phù hợp. Người bệnh cũng cần uống nhiều nước và chất lỏng để tránh mất nước. Ngoài ra, thay đổi chế độ dinh dưỡng để giảm áp lực lên hệ thống tiêu hóa và ngăn ngừa các triệu chứng tái phát.

Bệnh viêm ruột

Bệnh viêm ruột là một nhóm bệnh rối loạn đường tiêu hóa, có thể gây viêm nhiễm kéo dài và khiến người bệnh đi ngoài ra nước màu xanh. Tình trạng viêm ruột có thể gây đau đớn, rối loạn tiêu hóa, thậm chí là đe dọa đến tính mạng của người bệnh.

Bệnh viêm ruột có thể khiến người bệnh đi đại tiện ra nước màu xanh

Hai loại viêm ruột phổ biến là viêm đại tràng và bệnh Crohn. Viêm đại tràng chủ yếu gây ảnh hưởng đến ruột già, trong khi đó bệnh Crohn có thể ảnh hưởng đến bất cứ bộ phận nào của hệ thống tiêu hóa.

  • Các triệu chứng của bệnh viêm ruột tùy thuộc vào loại bệnh và mức độ nghiêm trọng của tình trạng viêm. Tuy nhiên trong hầu hết các trường hợp, các triệu chứng bao gồm:
  • Tiêu chảy, đi ngoài ra ra nước;
  • Viêm loét dạ dày dẫn đến đi ngoài ra máu;
  • Đau dạ dày, chuột rút, đầy hơi;
  • Giảm cân, thiếu máu, cơ thể chậm hấp thu.

Để cải thiện các triệu chứng viêm ruột, bác sĩ có thể đề nghị sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật. Bên cạnh đó, người bệnh được khuyến cáo sử dụng thức ăn giàu chất dinh dưỡng, thường xuyên tập thể dục và tránh thuốc lá để ngăn ngừa các triệu chứng tái phát.

Nứt kẽ hậu môn

Nứt kẽ hậu môn là những vết rách nhỏ ở lớp lót hậu môn, thường liên quan đến việc đi ngoài phân cứng. Tuy nhiên các vết rách này cũng có thể xảy ra khi người bệnh bị tiêu chảy mãn tính hoặc bệnh viêm ruột.

Trong trường hợp nứt kẽ hậu môn liên quan đến tiêu chảy, người bệnh có thể đi ngoài ra nước màu xanh lá cây. Bên cạnh đó, nếu vết nứt nghiêm trọng, người bệnh có thể đi ngoài ra máu hoặc chất nhầy.

Đại tiện ra nước màu xanh có thể là tác dụng phụ của thuốc kháng sinh

Trong một số trường hợp, người bệnh có thể bổ sung men vi sinh vào chế độ ăn uống để hỗ trợ cải thiện các triệu chứng. Ngoài ra, người bệnh nên uống nhiều nước để tránh tình trạng táo bón và duy trì mức điện giải.

Nguyên nhân đi ngoài ra nước màu xanh ở trẻ em

Trẻ sơ sinh bú mẹ thường đi ngoài với phân màu xanh lục, đặc biệt là những ngày đầu sau khi sinh. Đây là tình trạng này thường và không phải là nguyên nhân nghiêm trọng. Ở trẻ sơ sinh phân sẽ dần chuyển sang dạng mềm, màu vàng, sau đó là màu nâu khi trẻ gần được một tuổi.

Đi ngoài ra nước màu xanh ở trẻ sơ sinh có thể được cải thiện khi trẻ lớn dần

Đối với trẻ bú sữa công thức, tình trạng đi ngoài ra nước màu xanh có thể là do hàm lượng sắt cao trong sữa công thức. Ngoài ra, sử dụng chất bổ sung sắt theo hướng dẫn của bác sĩ cũng có thể khiến trẻ đi ngoài ra phân màu xanh.

Ở các trẻ lớn hơn, tình trạng đi ngoài ra nước màu xanh có thể liên quan đến chế độ ăn uống, thực phẩm bổ sung hoặc liên quan đến các bệnh lý tiềm ẩn khác.

Cha mẹ nên liên hệ với bác sĩ nhi khoa nếu nhận thấy tình trạng đi ngoài ra nước màu xanh ở trẻ nghiêm trọng. Chẩn đoán sớm và chính xác là cách tốt nhất để ngăn ngừa các rủi ro có thể xảy ra.

Chăm sóc tại nhà

Nếu tình trạng đi ngoài ra nước màu xanh là cấp tính, các triệu chứng thường được cải thiện trong vài ngày mà không cần điều trị. Người bệnh có thể dành thời gian để nghỉ ngơi, uống nhiều nước và bổ sung thực phẩm dinh dưỡng để hỗ trợ quá trình phục hồi.

Ngoài ra, người bệnh có thể tham khảo một số biện pháp giúp phần trở lại bình thường như:

1. Tăng lượng chất xơ

Tăng cường lượng chất xơ trong chế độ ăn uống có thể làm tăng cường khối lượng phân, hỗ trợ nhuận tràng và làm sạch ruột tự nhiên. Bổ sung chất xơ cũng có thể phòng ngừa táo bón, chống tiêu chảy và hỗ trợ ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh trĩ.

Tăng cường lượng chất xơ trong chế độ ăn uống có thể cải thiện tình trạng đi ngoài ra nước

Theo khuyến cáo, người lớn nên tiêu thụ khoảng 25 – 40 gram chất xơ mỗi ngày. Nam giới và người thường xuyên vận động có thể cần một lượng chất xơ nhiều hơn để tăng cường hoạt động của hệ thống tiêu hóa.

Rau, trái cây tươi và các loại đậu là nguồn cung cấp chất xơ phổ biến, an toàn và có thể giúp người bệnh đi đại tiện đúng cách. Tuy nhiên, người bệnh nên chú ý đến phản ứng của cơ thể, bởi vì tiêu thụ quá nhiều chất xơ có thể dẫn đến đầy bụng, khó tiêu và rối loạn tiêu hóa.

Các loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ bao gồm:

  • Các loại rau xanh, chẳng hạn như bông cải xanh, bắp cải;
  • Atiso;
  • Đậu Hà lan và các loại đậu khác;
  • Các loại khoai và bí;
  • Quả mọng, táo, lê, sung và một số loại trái cây khác;
  • Hạt chia, hạt lanh và các loại khác.

Trong một số trường hợp, người bệnh có thể sử dụng sản phẩm bổ sung chất xơ để cải thiện tình trạng đi ngoài ra nước màu xanh. Điều này có thể giúp cải thiện đường ruột đồng thời bổ sung các loại vitamin, khoáng chất và các chất điện giải cần thiết để tăng cường hiệu quả của hệ thống miễn dịch.

2. Uống nhiều nước

Người đi ngoài ra nước nên cố gắng uống nước sau mỗi hai giờ để ngăn ngừa tình trạng mất nước. Uống khoảng 220 ml nước sau mỗi giờ có thể hỗ trợ ngăn ngừa mệt mỏi và giúp người bệnh khỏe hơn vào ngày hôm sau.

Bên cạnh đó, nếu thực hiện chế độ ăn uống nhiều chất xơ, người bệnh cũng nên uống nhiều nước. Điều này giúp phân mềm, đủ nước và giúp việc đi đại tiện trở nên dễ dàng hơn.

3. Bổ sung Probiotics

Probiotics có thể hỗ trợ cân bằng hệ thống vi sinh vật đường ruột. Điều này giúp hệ thống tiêu hóa hoạt động tốt hiệu quả hơn và ngừa các vấn đề rối loạn, chẳng hạn như táo bón, tiêu chảy, đi ngoài ra máu hoặc đi ngoài ra nước màu xanh.

Sử dụng thực phẩm chứa Probiotics có thể tăng cường hoạt động của hệ thống tiêu hóa

Các loại thực phẩm giàu Probiotics bao gồm sữa chua, nấm sữa Kefir, trà Kombucha, dưa cải và kim chi. Trong trường hợp cần thiết, người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ về sản phẩm bổ sung lợi khuẩn.

4. Duy trì vận động

Vận động có thể kích thích ruột và hệ thống bạch huyết, giúp cơ thể đẩy các chất thải xuống ruột kết, điều này giúp người bệnh đi đại tiện dễ dàng hơn. Thường xuyên tập thể dục cũng có thể hỗ trợ thư giãn, giảm căng thẳng và tăng cường hoạt động của hệ thống tiêu hóa.

Người bệnh có thể thường xuyên đi bộ, tập yoga, bơi lội để cải thiện sức khỏe tinh thần và hệ thống tiêu hóa.

 

Điều trị

Trong các trường hợp đi ngoài ra nước màu xanh nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị các loại thuốc chống tiêu chảy để cải thiện các triệu chứng. Thuốc có thể ngăn chặn vi khuẩn hoặc virus trong hệ thống tiêu hóa và rút ngăn thời gian phục hồi.

Sử dụng thuốc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn

Nếu nhiễm trùng do vi khuẩn, chẳng hạn như shigellosis, dẫn đến đi ngoài ra nước màu xanh, bác sĩ thường sẽ kê đơn thuốc kháng sinh để cải thiện các triệu chứng. Trong trường hợp người bệnh bị sốt, đau dạ dày hoặc viêm loét dạ dày, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể trước khi sử dụng thuốc.

Hầu hết các trường hợp đi ngoài ra nước màu xanh thường được cải thiện trong 2 – 3 ngày. Do đó, nếu các triệu chứng này kéo dài, người bệnh nên đến bệnh viện để được điều trị phù hợp.

Bác sĩ có thể lấy mẫu phân và gửi đến phòng thí nghiệm để có chẩn đoán và có kế hoạch điều trị phù hợp. Đôi khi bác sĩ cũng có thể đề nghị thực hiện các xét nghiệm khác, chẳng hạn như nội soi, để hỗ trợ quá trình điều trị.

Đi ngoài ra nước màu xanh có thể không liên quan đến các nguyên nhân nghiêm trọng và có thể tự biến mất sau 2 – 3 ngày. Người bệnh có thể kiểm tra các loại thực phẩm đã tiêu thụ để xác định nguyên nhân. Trong trường hợp các triệu chứng kéo dài hoặc không thể xác định nguyên nhân từ thực phẩm hoặc các chất bổ sung, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán phù hợp.

Tải về ứng dụng

Ứng dụng Chăm sóc sức khỏe cho gia đình bạn

Mỗi ngày bận rộn trôi qua, chúng ta lại vô tình lãng quên tài sản quý giá nhất của mình: Sức khỏe. Hãy để VIETMEC trở thành một cánh tay đắc lực chăm sóc và gìn giữ tài sản đó cho bạn và cả gia đình.

Tải ngay cho IOS Tải ngay cho Android