Phục Hồi Chức Năng Vẹo Cột Sống Tại Nhà
Để cải thiện tình trạng vẹo cột sống, người bệnh có thể áp dụng phương pháp phục hồi chức năng, bao gồm các bài tập kéo giãn và làm mạnh cơ bắp. Các bài tập phục hồi chức năng vẹo cột sống thường được thực hiện ở các tư thế nằm ngửa, nằm nghiêng và nằm sấp. Mỗi bài tập sẽ có tác dụng kéo giãn và làm mạnh cơ bắp ở các vùng khác nhau của cột sống.
Khi bị vẹo cột sống, người bệnh có thể tự phục hồi chức năng tại nhà bằng phương pháp tập luyện. Các bài tập này có tác dụng kéo giãn và làm mạnh cơ bắp, làm dài cấu trúc bên lõm và cải thiện chức năng hô hấp. Nhưng để đảm bảo an toàn cũng như hiệu quả mang lại, người bệnh nên tiến hành tập luyện phục hồi chức năng vẹo cột sống dưới sự hướng dẫn của chuyên gia.
Vẹo cột sống là gì?
Vẹo cột sống là hiện tượng cột sống bị cong vẹo bất thường và mất đi đường cong sinh lý tự nhiên. Dạng dị tật cột sống này chiếm khoảng 2 – 3% dân số thế giới. Nếu không được xử lý đúng cách sẽ gây biến dạng về giải phẫu, ảnh hưởng đến hàng loạt các cơ quan nội tạng khác. Ví dụ như hệ hô hấp, hệ tuần hoàn, hệ vận động,… Nếu dạng dị tật này xảy ra ở trẻ em còn ảnh hưởng đến sự phát triển của cơ thể và gây ra một số biến chứng lâu dài.
Hiện tại, y khoa chia bệnh vẹo cột sống thành hai nhóm chính là vẹo cấu trúc và vẹo không cấu trúc. Vẹo không cấu trúc là hiện tượng vẹo cột sống nhưng không gây biến đổi cấu trúc đốt sống, khi người bệnh cúi xuống thì các biến dạng này không còn. Vẹo cấu trúc là hiện tượng vẹo cột sống gây biến dạng hoặc xoay thân đốt sống, khi người bệnh cúi xuống các biến dạng này cũng không mất đi.
Một số nguyên nhân gây vẹo cột sống có thể kể đến là do bẩm sinh, di truyền, tư thế ngồi học không phù hợp, mang vác vật nặng trong thời gian dài,… Khi bị vẹo cột sống, bạn cần thăm khám chuyên khoa để được hướng dẫn xử lý đúng cách. Thông thường, bác sĩ sẽ yêu cầu áp dụng các phương pháp phục hồi chức năng giúp cải thiện lại đường cong cột sống, giảm đau nhức,…
Cách phục hồi chức năng vẹo cột sống
Tập vật lý trị liệu là phương pháp phục hồi chức năng vẹo cột sống được áp dụng phổ biến nhất trong y khoa. Mục đích của việc tập vật lý trị liệu là phục hồi chức năng, ngăn ngừa đường cong tiếp tục phát triển và đưa cột sống trở về trạng thái ban đầu.
Khi tập luyện, người bệnh cần thực hiện đúng tư thế để có thể mang lại hiệu quả tốt nhất, ngăn ngừa tổn thương tại cột sống trở nên ngày càng tồi tệ hơn. Dưới đây là một số bài tập phục hồi chức năng vẹo cột sống được áp dụng phổ biến trong y khoa bạn có thể tham khảo:
Các bài tập ở tư thế nằm ngửa
Bài tập số 1:
- Người bệnh sẽ bắt đầu bài tập ở tư thế nằm ngửa, hai bàn tay đan vào nhau rồi đặt sau gáy.
- Kỹ thuật viên trị liệu sẽ tiến hành gập gối phải của người bệnh rồi đưa gối phải và khuỷu tay phải chạm vào nhau. Sau đó thực hiện tương tự với bên còn lại.
- Người bệnh cần lặp lại động tác này khoảng 10 lần trong mỗi hiệp tập.
Bài tập số 2:
- Người bệnh cần phải nằm ngửa, co hai chân vào để tỳ gót và vai xuống dưới giường.
- Từ từ nâng mông lên để đặt phần cột sống bị cong lồi xuống dưới giường rồi lại nâng mông trở về vị trí ban đầu.
- Thực hiện động tác đưa mông về phía cột sống bị cong lồi 2 lần rồi đưa mông về phía cột sống cong lõm một lần.
- Lặp lại động tác này khoảng 10 lần trong mỗi lần trị liệu là được.
Bài tập số 3:
- Nằm ngửa, gập gối vào cho phần gót chân chạm với mặt sàn.
- Dùng lực để đưa mông lên cao hình cầu vồng, giữ yên tư thế này khoảng 10 giây thì trở về vị trí ban đầu.
- Thực hiện động tác này khoảng 10 lần trong mỗi lần tập.
Bài tập số 4:
- Cũng bắt đầu bài tập với tư thế nằm ngửa và gập gối.
- Từ từ nâng mông lên cao, đưa sang phải rồi đặt xuống dưới. Sau đó, tiếp tục nâng mông lên, đưa sang trái rồi lại trở về vị trí ban đầu.
- Lặp lại động tác này khoảng 10 lần là được.
Các bài tập ở tư thế nằm nghiêng
Bài tập số 5:
- Người bệnh cần nằm nghiêng về phía cột sống bị cong lõm sao cho góc lồi cột sống nằm ở phía trên.
- Chống khuỷu tay xuống phía dưới và dùng bàn tay đỡ lấy đầu. Lúc này, cơ thể phải được giữ thẳng, chân dưới duỗi và chân trên co lại.
- Giữ tư thế này trong khoảng 10 giây rồi nằm thẳng lại. Lặp lại động tác này khoảng 10 lần là được.
Bài tập số 6:
- Người bệnh sẽ được yêu cầu nằm nghiêng người nhưng vẫn giữ thẳng phần thân.
- Kỹ thuật viên sẽ đứng trước mặt người bệnh, luồn tay xuống dưới chân bệnh nhân để đỡ chân, tay còn lại sẽ cố định bờ sườn phía trên.
- Sau đó, từ từ nâng chân bệnh nhân lên để kéo giãn cột sống, giữ yên khoảng 5 giây rồi đặt trở về tư thế ban đầu.
- Lặp lại động tác này khoảng 10 lần cho mỗi lần trị liệu.
Bài tập số 7:
- Tiếp tục bài tập ở tư thế nằm nghiêng. Tuy nhiên, phần chân dưới sẽ duỗi thẳng, chân trên co lại.
- Đan hai bàn tay vào nhau, duỗi thẳng tay để nâng đầu và nửa người trên lên khỏi mặt giường rồi lại đặt xuống trở lại.
- Lặp lại động tác này khoảng 10 lần là được. Trong quá trình tập luyện, kỹ thuật viên có thể hỗ trợ bằng cách đỡ vai của người bệnh khi nâng lên.
Bài tập số 8:
- Nằm nghiêng về phía cột sống bị cong lồi và đặt một chiếc gối mỏng bên dưới chỗ cột sống bị lồi.
- Duỗi thẳng chân dưới và chân trên co lại, giữ yên tư thế này khoảng 15 giây rồi trở về vị trí ban đầu.
Các bài tập tư thế nằm sấp
Bài tập số 9:
- Nằm sấp và duỗi thẳng hai tay lên đầu theo hình chữ V.
- Lúc này, kỹ thuật viên sẽ đặt một tay dưới hai mặt đùi của người bệnh để nâng khung chậu lên khỏi mặt giường, tay còn lại sẽ cố định bờ sườn phía cột sống bị long lồi.
- Sau đó, đưa chân người bệnh về phía cột sống cong lồi để kéo giãn cơ, giữ yên tư thế này khoảng 5 giây rồi trở về vị trí ban đầu.
- Nên đưa chân về phía cột sống cong lồi hai lần rồi lại đưa về phía cột sống cong lõm một lần, lặp lại động tác này khoảng 10 lần là được.
Bài tập số 10:
- Tiếp tục bài tập ở tư thế nằm sấp, hai tay duỗi thẳng và nắm lấy cánh tay của kỹ thuật viên.
- Kỹ thuật viên sẽ đứng ở phía đầu của người bệnh và nắm lấy hai cánh tay của người bệnh. Sau đó, dùng lực nâng nhẹ phần trên của người bệnh để đưa sang bên cột sống cong lồi. Thực hiện động tác này khoảng 2 lần thì đưa ngược sang bên cột sống bị cong lõm 1 lần.
- Lặp lại động tác này khoảng 10 lần là được.
Bài tập số 11:
- Người bệnh sẽ được yêu cầu nằm sấp khi tập luyện, tay phía cột sống bị lõm sẽ giơ thẳng lên đầu còn tay phía cột sống cong lồi sẽ duỗi thẳng xuống dưới.
- Từ từ nghiêng đầu nhìn theo tay, giữ yên khoảng 5 giây rồi trở về vị trí ban đầu. Lặp lại động tác này khoảng 10 lần là được.
Lưu ý khi phục hồi chức năng vẹo cột sống
Duy trì lối sống tích cực là cách đơn giản nhất giúp bạn phòng ngừa chứng vẹo cột sống và hỗ trợ cải thiện tình trạng bệnh. Một số điều mà bạn cần lưu ý khi tiến hành phục hồi chức năng vẹo cột sống là:
- Bổ sung đầy đủ các nhóm dưỡng chất cho cơ thể thông qua việc ăn uống để tránh bị còi xương hoặc suy dinh dưỡng. Đặc biệt là canxi, vitamin D và protein,…
- Trẻ em nên ngồi học đúng tư thế và sử dụng bàn ghế có độ cao phù hợp. Người lớn cũng cần duy trì các tư thế tốt khi làm việc để tránh gây ảnh hưởng đến cột sống.
- Học sinh nên sử dụng cặp sách có hai quai để phân bổ đều trọng lực lên hai bên cơ thể, tránh tình trạng đeo lệch về một bên. Khuân vác vật nặng đúng cách, tuyệt đối không mang vật nặng kéo dài hoặc mang vật quá nặng vượt qua khả năng của bản thân.
- Thăm khám sức khỏe định kỳ giúp sớm phát hiện ra tình trạng cong vẹo cột sống để có thể đưa ra phương án xử lý đúng cách và kịp thời.
Bài viết trên đây là hướng dẫn phục hồi chức năng vẹo cột sống bạn có thể tham khảo. Vẹo cột sống khiến cấu trúc cột sống bị thay đổi, gây ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ của hình dáng bên ngoài và tác động tiêu cực đến một số cơ quan nội tạng bên trong. Vì thế, bạn không được chủ quan trong việc thăm khám và xử lý khi có các dấu hiệu của bệnh.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!