Đau Cột Sống Lưng
Đau cột sống lưng là hiện tượng thường gặp khi vận động cột sống nhiều, lao động nặng nhọc hoặc chơi thể thao không đúng cách khiến cho khu vực này bị chấn thương, đau nhức. Đôi khi, đây còn là triệu chứng của nhiều vấn đề về cột sống. Bệnh nhân cần được chẩn đoán và điều trị sớm để tránh các biến chứng nguy hiểm.
Định nghĩa
Cột sống lưng là nơi bảo vệ tủy sống, giữ ổn định cho phần thân trên, đồng thời kiểm soát các hoạt động của chân. Do phải gánh chịu áp lực thường xuyên nên cột sống rất dễ bị chấn thương hoặc mắc các bệnh lý về xương khớp gây đau.
Hiện tượng đau cột sống lưng là tình trạng xuất hiện cảm giác đau ở một hay nhiều vị trí trên cột sống lưng, bao gồm đau lưng trên, đau lưng giữa hay đau thắt lưng. Tính chất và cường độ đau của mỗi bệnh nhân thường không giống nhau. Người bệnh có thể bị đau cột sống lưng âm ỉ, đau nhói hay đau dữ dội. Cơn đau xuất hiện đột ngột, chỉ thoáng qua hoặc đau kéo dài khiến người bệnh mệt mỏi, không thể làm việc, vận động và sinh hoạt bình thường.
Đôi khi, hiện tượng đau cột sống lưng còn xuất hiện kèm theo các dấu hiệu khác như:
- Co thắt các cơ ở lưng
- Mỏi lưng
- Ngứa ran, châm chích ngoài da
- Tê bì chân tay
- Sưng đỏ ở vùng lưng bị đau
- Vận động cột sống khó khăn
- Yếu tay, chân…
Nguyên nhân
Hiện tượng đau cột sống lưng có thể xuất phát từ các nguyên nhân cơ học hoặc do bệnh lý. Bao gồm:
Chấn thương cột sống:
Các chấn thương ở cột sống có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân như tai nạn giao thông, tai nạn nghề nghiệp, lao động hoặc chơi thể thao quá sức… Điều này có thể dẫn đến các cơn đau đột ngột kèm theo tình trạng bầm tím da, sưng đỏ ở khu vực bị ảnh hưởng.
Trường hợp bị chấn thương nặng, chẳng hạn như nứt xương, gãy xương, người bệnh có thể bị đau cột sống dữ dội, không thể giữ thẳng lưng, thậm chí việc di chuyển cũng phải nhờ đến người khác.
Vận động không đúng cách:
Bưng bê vật nặng sai cách, ngồi hoặc nằm ngủ không đúng tư thế đều có thể gây tổn thương cho cột sống và dẫn đến các cơn đau cấp tính.
Mang thai:
Phụ nữ mang thai thường bị đau cột sống lưng, nhất là trong những tháng cuối của thai kỳ. Lúc này, cột sống phải chịu nhiều áp lực từ phần cân nặng tăng lên trong thời gian mang thai cùng với sự phát triển của em bé trong bụng.
Hơn nữa, sự thay đổi hormone trong thai kỳ có thể khiến các cơ bị giãn nở. Điều này làm gia tăng sức ép lên cột sống và gây đau.
Thay đổi thời tiết:
Nguyên nhân này thường gặp ở người già do tình trạng thoái hóa cột sống theo tuổi tác. Ngoài ra, thời tiết trở lạnh cũng khiến cho mạch máu bị co lại, làm giảm lưu lượng máu đến cột sống và gây đau nhức khó chịu.
Béo phì:
Ở những người bị béo phì, cột sống liên tục phải chịu áp lực lớn trong thời gian dài nên rất dễ bị chấn thương, đau nhức hoặc gặp các vấn đề khác về xương khớp, chẳng hạn như gai cột sống, thoát vị đĩa đệm.
Lao động quá sức:
Tình trạng đau cột sống thường xảy ra ở những người lao động chân tay nặng nhọc, làm việc quá sức. Do phải thường xuyên cúi người lên xuống hoặc mang vác vật nặng khiến cột sống hoạt động quá mức hoặc chịu nhiều áp lực. Đau cột sống lưng chính là một hậu quả tất yếu.
Lạm dụng chất kích thích:
Hút thuốc lá hoặc thường xuyên uống bia rượu có thể làm ảnh hưởng tới quá trình lưu thông máu và oxy đến cột sống, hệ thống gân cơ và các dây thần kinh xung quanh. Từ đó làm tăng nguy cơ bị đau lưng, nhức mỏi cột sống.
Ngoài ra, việc lạm dụng chất kích thích còn gây ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa canxi , làm giảm mật độ xương và khiến cho đĩa đệm bị hao mòn. Tình trạng này kéo dài làm phát sinh thêm nhiều vấn đề như thoái hóa đĩa đệm, thoái hóa cột sống lưng. Tất cả những bệnh lý này đều có thể gây đau cột sống.
Bệnh viêm cột sống dính khớp:
Bệnh viêm cột sống dính khớp không chỉ gây tổn thương cho cột sống mà còn ảnh hưởng đến một số khớp trên cơ thể. Các triệu chứng thường gặp khi mắc bệnh bao gồm:
- Đau cột sống ở vùng lưng dưới
- Đau hoặc cứng hông
- Đau cổ
- Mệt mỏi
- Đỏ mắt…
Bệnh thoát vị đĩa đệm:
Đây là nguyên nhân phổ biến gây đau ở cột sống lưng. Bệnh thoát vị đĩa đệm được chẩn đoán khi nhân nhầy đĩa đệm thoát ra khỏi bao xơ. Bệnh thường gặp ở người lao động nặng nhọc hay các vận động viên thể thao.
Ngoài tình trạng đau cột sống lưng, bệnh thoát vị đĩa đệm còn có các dấu hiệu khác như:
- Đau hông lan xuống chân
- Đau dây thần kinh tọa
- Đi lại, vận động cột sống khó khăn
- Teo cơ, yếu chân.
Hẹp ống sống:
Hẹp ống sống thường phát triển ở những người bị thoát vị đĩa đệm nặng. Nhân nhầy trong đĩa đệm thoát ra ngoài và chèn ép vào tủy sống làm thu hẹp không gian của ống sống và gây áp lực lên dây thần kinh.
Các dấu hiệu nhận biết:
- Đau dai đẳng ở cột sống lưng
- Cơn đau có thể lan tỏa dọc theo đường đi của dây thần kinh xuống đến các ngón chân hoặc lan lên vai và cánh tay do thần kinh bị chèn ép.
- Tê và ngứa ran như kiến bò ở khu vực bị ảnh hưởng.
Bệnh thoái hóa cột sống:
Nếu bị đau cột sống lưng kéo dài, bạn cũng nên thận trọng với bệnh thoái hóa cột sống. Bệnh thường gặp ở người già nhưng đôi khi, người trẻ tuổi cũng có thể mắc căn bệnh này do chấn thương hoặc lao động nặng nhọc.
Triệu chứng nhận biết:
- Đau cột sống. Đau tăng lên khi vận động
- Cứng cột sống lưng, nhất là vào buổi sáng
- Yếu tay chân
- Rối loạn cảm giác
- Teo cơ…
Các nguyên nhân gây đau cột sống lưng khác:
- Thiếu canxi
- Viêm đĩa đệm
- U cột sống
- Viêm tủy
- Viêm khớp dạng thấp
- U cột sống lành tính hoặc ác tính
- Hội chứng chùm đuôi ngựa
- Hội chứng thắt lưng hông
- Loãng xương
- Xẹp đốt sống
- Lao cột sống
- Nhiễm trùng cột sống
Câu hỏi thường gặp
Đau cột sống lưng có nguy hiểm không?
Trong một số trường hợp, cơn đau cột sống lưng chỉ nhẹ và diễn ra trong thời gian ngắn nên hầu như không gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người bệnh. Tuy nhiên, những cơn đau kéo dài hoặc đau với tính chất dữ dội lại khiến người bệnh mệt mỏi và gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày.
Đối với tình trạng đau cột sống do mắc các bệnh lý về xương khớp, bệnh có thể gây nhiều biến chứng nếu không được điều trị tốt. Bao gồm:
- Rối loạn giấc ngủ, mất ngủ do cơn đau xuất hiện vào ban đêm
- Rối loạn tâm lý, căng thẳng, lo âu
- Teo cơ
- Biến dạng cột sống
- Bại liệt, tàn phế.
Phương pháp chẩn đoán
hăm khám, chẩn đoán bệnh là bước cần thiết để bác sĩ tìm ra được nguyên nhân gây đau cột sống lưng, đồng thời đánh giá mức độ đau cùng tình trạng tổn thương bên trong cột sống.
Các kỹ thuật chẩn đoán được áp dụng bao gồm:
- Kiểm tra các dấu hiệu lâm sàng và tiền sử bệnh
- Khám ngoài cột sống
- Đánh giá chức năng vận động.
- Xét nghiệm máu
- Xét nghiệm hình ảnh: Chụp X-quang, chụp CT hay chụp MRI…
Điều trị
Các phương pháp chữa đau cột sống lưng đang được áp dụng bao gồm:
1. Điều trị nội khoa
Phương pháp nội khoa bao gồm dùng thuốc hay vật lý trị liệu. Chúng có tác dụng giảm đau, bảo tồn cấu trúc và khắc phục các nguyên nhân gây đau.
– Dùng thuốc trị đau cột sống lưng:
- Thuốc giảm đau thông thường: Panadol hay Paracetamol,..
- Thuốc giảm đau, kháng viêm không steroid ( NSAIDs): Aspirin, Ibuprofen
- Tiêm corticoid ngoài màng cứng để giảm đau, kháng viêm cho trường hợp không đáp ứng được với các thuốc trên.
- Thuốc kháng sinh chống nhiễm trùng cột sống
- Thuốc giãn cơ
- Thuốc giảm đau thần kinh…
– Vật lý trị liệu:
Một số bệnh nhân được chỉ định làm vật lý trị liệu. Phương pháp này được áp dụng song song với phác đồ điều trị bằng thuốc để hỗ trợ giảm đau, phục hồi chức năng vận động.
Bệnh nhân có thể được làm vật lý trị liệu bằng các phương pháp sau:
- Tập phục hồi chức năng
- Kéo giãn cột sống để giảm áp lực cho rễ thần kinh
- Chiếu đèn hồng ngoại
- Nhiệt trị liệu
- Điện trị liệu…
– Các phương pháp hỗ trợ giảm đau cột sống lưng tại nhà:
- Chườm lạnh giảm sưng đau cột sống cho các trường hợp bị chấn thương
- Chườm nóng cũng có tác dụng xoa dịu các cơn đau mãn tính, tăng cường lưu thông máu đến vùng cột sống để tổn thương nhanh được chữa lành.
- Massage, xoa bóp giúp làm thư giãn thần kinh, giảm co cơ, qua đó hỗ trợ giảm đau cho cột sống.
- Mang đai, nẹp cố định cột sống lưng.
- Tránh stress
- Châm cứu, xoa bóp bấm huyệt giảm đau cột sống.
- Duy trì các tư thế đúng trong sinh hoạt hàng ngày. Chẳng hạn như nâng vật nặng đúng cách, giữ thẳng cột sống lưng khi ngồi. Tránh ngồi yên một chỗ quá lâu.
- Tập thể dục nhẹ nhàng mỗi ngày để giảm đau, cải thiện sự linh hoạt cho cột sống và nâng cao sức khỏe tổng thể.
Phẫu thuật chữa đau cột sống lưng
Phẫu thuật là phương pháp điều trị ngoại khoa được chỉ định cho các đối tượng sau:
- Bị đau cột sống lưng kéo dài và không đáp ứng với điều trị nội khoa
- Đau do bị gãy cột sống hay các chấn thương nghiêm trọng khác
- Hẹp ống sống
- Bị thoát vị đĩa đệm, gai đôi cột sống, viêm cột sống dính khớp hay các bệnh lý nghiêm trọng cần phải phẫu thuật để bảo tồn chức năng vận động.
Sau phẫu thuật cột sống, bệnh nhân cần nghỉ ngơi và tiến hành tập vật lý trị liệu theo phác đồ của bác sĩ chuyên khoa. Ngoài ra, người bệnh cũng cần duy trì một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, tránh lao động nặng nhọc để cột sống nhanh phục hồi.
Câu hỏi thường gặp
Người mổ thoát vị đĩa đệm vẫn được hưởng lợi bảo hiểm y tế (BHYT), tuy nhiên mức chi trả này sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Cụ thể:
- Loại BHYT: BHYT toàn dân mức chi trả dao động 60-80%, BHYT tự nguyện mức chi trả cao hơn, tuỳ gói người dân tham gia.
- Cơ sở y tế: Đúng tuyến mức chi trả sẽ cao hơn với trái tuyến (cùng tuyến khoảng 60 - 80% chi phí; trái tuyến khoảng 30-40% chi phí).
- Mức độ bệnh: Bệnh nặng mức bảo hiểm chi trả sẽ cao hơn so với bệnh nhẹ.
- Các dịch vụ nằm trong gói bảo hiểm chi trả: Chi phí phẫu thuật, chi phí nằm viện, chi phí xét nghiệm…
Những thực phẩm người bị lao xương nên ăn và cần kiêng như sau:
- Nên kiêng: Thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ, đường, muối, rượu bia, đồ hộp vì có thể gây kích ứng, sưng đỏ chỗ đau, ngăn hấp thu canxi của xương, giảm khả năng tiêu diệt vi khuẩn lao, khiến vết thương lâu lành.
- Nên ăn: Thực phẩm giàu sắt, canxi, vitamin D, kẽm, omega 3 (hàu, thịt bò, trứng, cá hồi, sữa và chế phẩm từ sữa), rau xanh, trái cây tươi giúp xương chắc khỏe, tăng cường hệ miễn dịch.