Vẹo Cột Sống Ở Trẻ
Vẹo cột sống ở trẻ là vấn đề cột sống gây ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của vóc dáng cơ thể sau này. Nếu không điều trị, cột sống sẽ dần biến dạng khiến thân hình trẻ bị lệch hẳn sang một bên. Điều này đã gây mất thẩm mỹ, tác động tiêu cực đến tâm lý của trẻ và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tổng thể.
Định nghĩa
Vẹo cột sống là tình trạng thân đốt sống bị cong bất thường sang một hoặc cả hai bên. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên thân đốt sống nhưng thường gặp nhất là vùng thắt lưng và vùng ngực. Đa số các trường hợp vẹo cột sống khởi phát ở trẻ nhỏ đều không xác định được nguyên nhân. Còn một số trường hợp khác là do ảnh hưởng từ bệnh lý hoặc thói quen sinh hoạt sai tư thế. Trẻ trong độ tuổi dậy thì là đối tượng có nguy cơ bị vẹo cột sống cao nhất (12 - 18 tuổi ở bé trai và 10 - 17 tuổi ở bé gái)
Tình trạng cong vẹo cột sống ở trẻ có thể tiến triển nặng hoặc nhẹ dựa vào mức độ ảnh hưởng. Thông thường, bệnh lý này sẽ được chia thành 3 cấp độ cụ thể sau đây:
- Cấp độ 1 (Mức độ nhẹ): Lúc này cột sống đã có dấu hiệu xoay hoặc vẹo sang một bên nhưng với mức độ rất nhẹ và chưa gây ảnh hưởng đến các cơ quan khác trên cơ thể. Vì thế, triệu chứng của bệnh chưa biểu hiện rõ ràng ở giai đoạn này, chỉ có thể phát hiện khi thăm khám chuyên khoa.
- Cấp độ 2 (Mức độ trung bình): Cột sống bị cong vẹo nhiều, có thể dễ dàng nhìn thấy khi quan sát từ phía sau. Ở một số trường hợp sẽ bị gù xương sườn do thân đốt sống xoay, điều này đã gây ảnh hưởng đến chức năng của cơ quan hô hấp.
- Cấp độ 3 (Mức độ nặng): Cột sống bị cong vẹo ở mức độ nghiêm trọng khiến một số vùng xương trên cơ thể bị biến dạng như xương sườn ngực, khung xương chậu và khớp háng. Đồng thời, chiều dài của vùng lưng cũng bị rút ngắn lại. Cột sống bị biến dạng đã gây ảnh hưởng đến hoạt động của hệ hô hấp cùng với hoạt động của một số cơ quan khác trên cơ thể. Khi bệnh tiến triển sang mức độ nặng, trẻ sẽ phải đối mặt với các triệu chứng như khó thở, suy hô hấp mãn tính, mắc bệnh tim phổi,...
Nếu tình trạng vẹo cột sống ở trẻ em được phát hiện ở giai đoạn nhẹ thì có thể khắc phục bằng phương pháp điều trị bảo tồn. Nhưng nếu chủ quan trong việc điều trị, bệnh sẽ tiến triển sang giai đoạn nặng và gây ra các biến chứng như đau lưng, suy lồng ngực, tổn thương tim phổi, ảnh hưởng đến bàng quang, chèn ép rễ thần kinh và tủy sống, dị tật cột sống vĩnh viễn,...
Hình ảnh
Triệu chứng
Vẹo cột sống ở trẻ em thường không gây ra triệu chứng bất thường ở giai đoạn mới khởi phát. Lúc này, bạn phải đưa trẻ đi thăm khám chuyên khoa mới có thể xác định được tình trạng bệnh. Nhưng khi bệnh đã tiến triển sang giai đoạn nặng hơn sẽ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng sau đây:
- Thân đốt sống cong vẹo bất thường sang một hoặc cả hai bên.
- Xuất hiện khối ụ gồ ở lưng và vùng lõm ở bên đối diện mỗi khi trẻ cúi người
- Một bên lồng ngực bị nhô lên bất thường do biến dạng khung xương.
- Khi đứng, thân người sẽ bị nghiêng sang một bên, mỏm vai và khớp háng hai bên cơ thể cũng không đều nhau.
- Khi nằm và gập gối lại, quan sát thấy khớp gối không còn cân đối.
Với những trường hợp bệnh nghiêm trọng sẽ xuất hiện thêm các triệu chứng như khó thở, thay đổi dáng đi, hạn chế phạm vi chuyển động, liệt chi hoặc thân mình, đau lưng,...
Nguyên Nhân
Thống kê y khoa cho biết, khoảng 60-70% trẻ em bị vẹo cột sống không xác định được nguyên nhân. Số còn lại sẽ khởi phát bệnh do ảnh hưởng từ bệnh lý hoặc tư thế xấu khi sinh hoạt. Cụ thể là:
Bẩm sinh: Vẹo cột sống bẩm sinh khiến cột sống của trẻ sơ sinh bị biến dạng, có thể cong sang một hoặc cả hai bên. Thông thường, vẹo cột sống bẩm sinh sẽ khởi phát do tác động từ yếu tố di truyền hoặc do cột sống phát triển bất thường khi còn là bào thai. Một số dị tật bẩm sinh là gia tăng nguy cơ vẹo cột sống ở trẻ là xẹp đốt sống, thân nữa đốt sống bẩm sinh, cứng đa khớp bẩm sinh,...
Bệnh lý: Mắc phải một số bệnh lý tại cột sống, hệ thần kinh hoặc hệ cơ cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng vẹo cột sống ở trẻ em. Ví dụ như lao cột sống, viêm đa rễ thần kinh, bại não, u xơ thần kinh, loạn dưỡng cơ Duchenne, rỗng tủy sống,... Các bệnh lý này cần được phát hiện và điều trị đúng cách để tránh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cột sống.
Tư thế xấu: Có khoảng 5 - 15% trẻ em bị vẹo cột sống do ảnh hưởng từ thói quen sinh hoạt xấu hàng ngày. Ví dụ như ngồi học sai tư thế, ngủ sai tư thế, mang vác cặp sách quá nặng,... Vẹo cột sống do tư thế xấu có thể cải thiện bằng cách nẹp cột sống, bố mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay khi có các dấu hiệu của bệnh.
Biện pháp điều trị
Chẩn đoán vẹo cột sống ở trẻ em được thực hiện dựa trên việc thăm khám lâm sàng kết hợp chụp x-quang. Khi thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ kiểm tra cột sống ở nhiều tư thế khác nhau để phát hiện mức độ cong vẹo. Ví dụ như tư thế cúi người, tư thế đứng thẳng, dáng đi,... Đồng thời, bác sĩ sẽ yêu cầu trẻ mô tả một số triệu chứng đi kèm nếu có. Sau khi đã có kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ dựa vào mức độ cong vẹo cột sống mà yêu cầu trẻ điều trị bằng phương pháp bảo tồn hoặc phẫu thuật.
Lúc này, việc điều trị phải dựa trên góc vẹo của cột sống. Thông thường, bác sĩ sẽ phối hợp điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau để có thể mang lại hiệu quả tốt nhất. Đồng thời, trẻ bị vẹo cột sống cần được điều trị càng sớm càng tốt và tuyệt đối tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị mà bác sĩ chuyên khoa đã đưa ra. Trong suốt quá trình điều trị, trẻ cần được kiểm tra hình ảnh x-quang cột sống thường xuyên để đưa ra đánh giá về mức độ tiến triển của bệnh lý. Dưới đây là các phương pháp điều trị vẹo cột sống thường được áp dụng cho trẻ em bạn có thể tham khảo:
1. Đeo băng bột: Đeo băng bột điều trị vẹo cột sống thường được chỉ định thực hiện với trẻ sơ sinh hoặc trẻ mới biết đi. Đeo băng bột có tác dụng giữ cho cột sống đứng thẳng trong khi các đốt sống đang phát triển, ngăn chặn tình trạng cong vẹo tiếp tục tiến triển nặng. Lúc này, bác sĩ sẽ sử dụng miếng thạch cao để cố định vùng lưng của trẻ. Trẻ cần phải mang thạch cao liên tục 24/24 và được thay thế từ 2 - 4 tháng/lần để phù hợp với sự phát triển của cơ thể. Khi trẻ phát triển đến một độ tuổi nhất định, việc đeo băng bột sẽ ngừng áp dụng và thay thế bằng phương pháp nẹp lưng.
2. Nẹp lưng: Nẹp lưng được chỉ định điều trị cho trẻ trên 4 tuổi bị vẹo cột sống ở mức độ trung bình. Nẹp lưng thường được làm bằng chất liệu nhựa cứng hoặc nhựa dẻo, có thể điều chỉnh để phù hợp với cơ thể. Thực tế, việc đeo nẹp lưng không thể điều chỉnh lại đường cong cột sống nhưng sẽ ngăn chặn đường cong phát triển sang mức độ nặng hơn. Vì thế, phương pháp này thường được áp dụng kết hợp với vận động trị liệu để có thể mang lại hiệu quả tốt nhất. Một số điều cần lưu ý khi đeo nẹp lưng điều trị vẹo cột sống cho trẻ là:
- Nẹp lưng cần được đeo 23 giờ mỗi ngày. Chỉ nên tháo nẹp lưng khi đi tắm, chơi thể thao đối kháng hoặc khi bơi lội.
- Khi đang đeo nẹp lưng bạn nên tránh vận động mạnh hoặc chơi thể thao.
- Việc đeo nẹp lưng có thể ngừng lại khi trẻ bước sang độ tuổi 16 hoặc 17, khi cột sống đã ngừng phát triển.
3. Vận động trị liệu: Dựa vào độ tuổi của trẻ mà chuyên gia sẽ lên phác đồ vận động trị liệu phù hợp với từng trường hợp cụ thể. Mục đích của việc thực hiện vận động trị liệu là điều chỉnh tư thế và đường cong bất thường của cột sống. Một số bài tập trị liệu vẹo cột sống được áp dụng phổ biến là kéo giãn cột sống khi nằm sấp, tăng tầm vận động của trẻ ở tư thế ngồi, điều chỉnh cong vẹo cột sống ở tư thế ngồi, hít thở sâu,...
Vận động trị liệu mang lại hiệu quả điều trị vẹo cột sống ở trẻ rất tốt nhưng chậm, trẻ cần phải thực hiện đều đặn trong thời gian khá dài thì tình trạng bệnh mới có chuyển biến tốt. Cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn trị liệu mà bác sĩ chuyên khoa đã đưa ra để quá trình điều trị bệnh có thể mang lại hiệu quả tốt nhất.
4. Phẫu thuật
Phẫu thuật điều trị vẹo cột sống thường được chỉ định thực hiện với những trường hợp không đáp ứng điều trị bằng phương pháp nội khoa hoặc vẹo cột sống diễn ra ở mức độ nặng với góc cong trên 45 độ. Dựa vào độ tuổi mà bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp phẫu thuật điều trị cho phù hợp. Cụ thể là:
- Trẻ dưới 10 tuổi: Phẫu thuật được tiến hành để đặt thanh nẹp vào bên trong cột sống, tránh để đường cong cột sống trở nên tồi tệ hơn. Cứ sau 6 - 8 tháng, bác sĩ sẽ yêu cầu trẻ thực hiện một vài thủ thuật nhỏ để điều chỉnh thanh nẹp cho phù hợp với sự phát triển của cơ thể.
- Trẻ trong độ tuổi thanh thiếu niên và thanh niên: Phẫu thuật nhằm mục đích hợp nhất đốt sống giúp điều chỉnh lại đường cong của cột sống. Sau phẫu thuật, các đốt sống được hợp nhất sẽ phát triển cùng nhau giúp điều chỉnh lại đường cong cột sống. Tuy nhiên, phạm vi chuyển động của cột sống sau phẫu thuật sẽ bị hạn chế rất nhiều.
Vẹo cột sống khởi phát ở trẻ em gây ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển vóc dáng sau này và còn tác động tiêu cực đến sức khỏe. Nếu không điều trị đúng cách, cột sống bị biến dạng sẽ chèn ép lên các cơ quan xung quanh và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Ngay khi thấy trẻ có các dấu hiệu của chứng vẹo cột sống, bố mẹ không nên chủ quan trong việc đưa trẻ đi thăm khám và điều trị chuyên khoa.
- Chuyên gia
- Cơ sở