Trật Khớp Vai Tái Hồi
Trật khớp vai tái hồi thường xảy ra do khớp vai bị tổn thương nghiêm trọng ở lần trật khớp đầu tiên, tổn thương nhỏ lặp lại tại khớp nhiều lần hay do khớp vai không có tính ổn định. Khi xương cánh tay tại khớp vai bị trật khỏi vị trí ban đầu, bạn cần tiến hành can thiệp đúng cách để tránh gây ảnh hưởng đến cấu trúc khớp và tạo điều kiện cho tình trạng trật khớp tái phát trở lại nhiều lần sau đó.
Định nghĩa
Khớp vai là khớp có khả năng vận động lớn nhất trên cơ thể người, chúng có thể xoay được 360 độ. Hoạt động của khớp vai sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động của toàn bộ phần chi trên, đảm bảo sự khéo léo và linh hoạt khi thực hiện các động tác như cầm nắm, ném, giữ thăng bằng,... Trật khớp vai là một dạng chấn thương khớp vai thường gặp. Tình trạng này xảy ra khi chỏm xương cánh tay bị trật khỏi ổ chảo, gây rách dây chằng bao khớp và sụn viền. Ở một số trường hợp còn gây dập - gãy - khuyết xương ổ chảo và xương cánh tay.
Tình trạng trật khớp vai thường có xu hướng tái phát nhiều lần sau lần trật đầu tiên, hiện tượng này được gọi là trật khớp vai tái hồi. Thống kê y khoa cho biết, có khoảng 90% trường hợp bị trật khớp vai tái hồi sau lần trật đầu tiên. Tình trạng này thường xảy ra ở người từ 18 - 25 tuổi phải vận động khớp vai nhiều. Sau mỗi lần trật, cấu trúc sụn viền và dây chằng bao khớp sẽ bị rách ngày càng nhiều. Lâu dần sẽ gây ra tình trạng khuyết xương, gãy mảnh xương, rách gân cơ,... Điều này đã khiến cho khớp vai trở nên lỏng lẻo, vận động kém, khởi phát cơn đau nhức và gây khó khăn khi thực hiện một số vận động.
Nếu tình trạng trật khớp vai tái hồi diễn ra kéo dài lâu năm sẽ khiến người bệnh cảm thấy đau nhức rất khó chịu và gây ảnh hưởng đến khả năng vận động của khớp. Ngoài ra, tình trạng này còn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như gãy xương vỡ bờ ổ chảo, tổn thương dây thần kinh, liệt đám rối thần kinh cánh tay,... Ngay khi có các dấu hiệu của bệnh, bạn cần điều trị đúng cách ngay từ sớm và chủ động đưa ra biện pháp phòng ngừa.
Hình ảnh
Triệu chứng
Trật khớp vai tái hồi là hiện tượng trật khớp vai bị tái phát nhiều lần và diễn ra kéo dài trong nhiều năm liền. Điều này đã khiến cho chức năng của khớp vai bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khi gặp phải tình trạng này, bạn phải đối mặt với các triệu chứng sau đây:
- Đau nhức dữ dội ở vùng khớp vai bị trật thường xuyên, gây khó khăn khi thực hiện cử động tay.
- Khớp vai trở nên lỏng lẻo, khi vận động sẽ phát ra tiếng bật hoặc tiếng tách.
- Vùng vai và cánh tay bị ảnh hưởng sẽ trở nên tê bì, ngứa ran và dần suy yếu.
- Có triệu chứng sưng tấy hoặc bầm tím ở vùng da bao bọc bên ngoài khu vực chấn thương.
- Khớp vai bị biến dạng rõ ràng, có thể quan sát bằng mắt thường.
- Trật khớp vai diễn ra trên 2 lần, cứ sau mỗi lần trật thì việc nắn khớp trở về vị trí ban đầu sẽ dễ dàng hơn. Ở một số trường hợp, người bệnh còn có thể tự nắn khớp vai sau khi bị trật.
Nguyên Nhân
Khớp vai là khớp rất dễ bị trật do các chấn thương tác động trực tiếp vào vùng vai hoặc do các tổn thương nhỏ lặp đi lặp lại nhiều lần tại đây. Bác sĩ chuyên khoa cho biết, tình trạng trật khớp vai tái hồi rất dễ khởi phát ở những người dưới 21 tuổi đã từng bị lệch khớp vai với nguy cơ lên đến 70 - 90%. Khi tuổi tác càng cao thì nguy cơ mắc bệnh cũng càng thấp. Nhưng nếu tình trạng này xảy ra ở người lớn tuổi thì rất có thể là do rách vòng bít. Dưới đây là một số nguyên nhân gây bệnh thường gặp bạn có thể tham khảo:
- Tổn thương nghiêm trọng ở lần trật khớp vai đầu tiên: Trật khớp vai xảy ra khi chỏm xương cánh tay bị trật khỏi ổ chảo, gây tổn thương đến xương ổ chảo và dây chằng xung quanh. Tình trạng này rất dễ tái phát trở lại nếu vành sụn quanh ổ chảo bị rách hoặc tổn thương nghiêm trọng sau lần trật khớp vai đầu tiên.
- Chấn thương hoặc căng thẳng lặp lại nhiều lần (hội chứng RSI): Hội chứng RSI xảy ra khi bạn thực hiện một cử động vai lặp lại quá nhiều lần khiến cơ, gân và dây thần kinh bị tổn thương. Các cử động đó là giơ cao tay khi chơi thể thao, sải tay khi bơi lội,... Theo thờI gian, dây chằng ở vai sẽ trở nên lỏng lẻo khiến hoạt động của vai không còn ổn định. Lúc này, tình trạng trật khớp vai rất dễ xảy ra và thường có xu hướng tái phát nhiều lần sau đó.
- Tính không ổn định của vai: Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng trật khớp vai tái hồi nhưng không phổ biến. Khớp vai là một trong những khớp không có tính ổn định nên rất dễ bị trật ra khỏi vị trí ban đầu theo nhiều hướng khác nhau và tình trạng này có thể xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào. Ở trường hợp này, khớp vai sẽ bị trật nhiều lần nhưng chưa từng bị sái trước đó và dây chằng cũng không có dấu hiệu lỏng lẻo.
Phòng ngừa
Trật khớp vai rất dễ tái phát trở lại khi gặp điều kiện thuận lợi, điều này đã khiến cho cấu trúc khớp và chức năng khớp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Để phòng ngừa tình trạng này xảy ra thì bạn cần lưu ý những điều sau đây:
- Cần hạn chế thực hiện lặp lại một động tác nhiều lần tại vùng khớp vai, nếu có thể bạn nên giảm tần suất hoạt động của khớp. Với vận động viên thể thao, bạn nên tập luyện thêm nhiều kỹ thuật khác khi chơi thể thao, tránh tình trạng lặp lại một động tác quá nhiều lần.
- Khi tham gia các hoạt động sống hàng ngày, bạn cần phải bảo vệ khớp vai khỏi các chấn thương không mong muốn. Nếu chẳng may bị té ngã, bạn không nên dùng tay hoặc khuỷu tay để chống. Thay vào đó, hãy giữ cổ tay và khuỷu tay ở tư thế uốn cong rồi vặn người lại để tiếp đất bằng hông hoặc mông.
- Dành khoảng 30 phút mỗi ngày để tập luyện thể dục thể thao giúp tăng cường sức mạnh khớp vai. Chuyên gia khuyến khích bạn nên lựa chọn thực hiện các bài tập vận động phần trên của cơ thể như bơi lội, bóng chuyền, bóng rổ,... Ngoài ra, bạn cũng có thể tập luyện các bài tập tăng cơ bắp giúp giảm áp lực lên khớp vai khi vận động như tập tạ, tập xà đơn,...
- Tiến hành chăm sóc và phục hồi khớp vai đúng cách sau lần trật khớp đầu tiên. Sau khi khớp vai bị chấn thương, bạn cần đợi cho tổn thương lành hẳn rồi mới quay lại sân tập. Việc tập luyện quá sớm sẽ làm gia tăng nguy cơ tái phát trật khớp. Tốt hơn hết, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ về thời điểm hợp lý để quay lại tập luyện.
- Khi chơi thể thao, nên sử dụng thêm miếng đai bảo hộ hoặc mặc đồ bảo hộ để hạn chế gây tổn thương đến khớp. Chú ý, khởi động khớp thật kỹ trước đó và không chơi trong lúc quá mệt mỏi.
Bài viết trên đây là tổng hợp những thông tin cần biết về tình trạng trật khớp vai tái hồi bạn có thể tham khảo để hiểu rõ hơn. Trật khớp vai tái hồi nếu không được can thiệp đúng cách sẽ khiến chức năng của khớp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây khó khăn khi thực hiện các cử động thông thường. Vì thế, bạn cần phải điều trị sớm ngay khi có các dấu hiệu của bệnh và chủ động hơn trong việc phòng ngừa.
Biện pháp điều trị
Khi bị trật khớp vai tái hồi, bạn cần thăm khám chuyên khoa để được bác sĩ hướng dẫn xử lý đúng cách, tránh gây tổn thương nghiêm trọng đến khớp. Dựa vào mức độ trật khớp ở từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh phương pháp điều trị phù hợp nhất. Thông thường, tình trạng này sẽ được điều trị bằng phương pháp bảo tồn hoặc can thiệp ngoại khoa. Cụ thể là:
Điều trị bảo tồn
Nếu tình trạng trật khớp vai tái hồi diễn ra ở mức độ nhẹ, bạn có thể cải thiện bằng các phương pháp điều trị bảo tồn giúp đẩy lùi các triệu chứng của bệnh. Dưới đây là hướng dẫn cụ thể bạn có thể tham khảo:
- Chườm lạnh ở vùng khớp vai bị tổn thương giúp đẩy lùi triệu chứng đau nhức và viêm sưng. Bạn có thể chườm lạnh nhiều lần trong ngày mỗi khi cơn đau khởi phát. Số lần chườm không nên vượt quá 5 lần/ngày.
- Đến gặp chuyên gia để được nắn vai lại. Lúc này, bác sĩ sẽ dùng lực nhẹ nhàng để nắn xương trở về vị trí ban đầu. Sau khi nắn xương, các triệu chứng của bệnh sẽ được cải thiện ngay lập tức.
- Ở một số trường hợp, bác sĩ sẽ yêu cầu cố định khớp vai bằng cách bó bột, băng đeo hoặc mặc áo desault. Thời gian cố định khớp còn phụ thuộc vào tình trạng trật khớp và thời điểm đeo nẹp khi chấn thương. Đa số các trường hợp bị trật khớp vai cần phải cố định khớp trong khoảng thời gian từ 3 - 4 tuần.
- Nếu cơn đau khởi phát ở mức độ nặng gây ảnh hưởng đến giấc ngủ cũng như đời sống sinh hoạt hàng ngày, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc chống viêm không steroid để cải thiện. Tuy nhiên, người bệnh không được lạm dụng thuốc để tránh phát sinh tác dụng phụ.
- Tiến hành vật lý trị liệu dưới sự hướng dẫn của chuyên gia giúp phục hồi khớp vai một cách hoàn toàn. Lúc này, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện một số bài tập dành cho vai giúp củng cố khớp và duy trì khả năng vận động của khớp. Thời gian vật lý trị liệu sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương.
Điều trị trật khớp vai tái hồi bằng phương pháp bảo tồn mang lại hiệu quả rất chậm, bạn cần phải thực hiện đều đặn trong vài tháng mới thấy tình trạng bệnh có chuyển biến tốt. Vì thế, bạn cần phải kiên trì khi tiến hành điều trị bệnh bằng phương pháp này. Sau thời gian dài điều trị nội khoa mà tình trạng bệnh không có chuyển biến tốt, bác sĩ sẽ xem xét và chỉ định làm phẫu thuật.
Can thiệp ngoại khoa
Hiện tại, y khoa có hai phương pháp phẫu thuật điều trị trật khớp vai tái hồi là phẫu thuật mở và phẫu thuật nội soi. Phẫu thuật mở được tiến hành bằng cách rạch một vết thương dài ngay tại vùng vai bị chấn thương để tiến hành sửa chữa tổn thương bên trong. Đây là phương pháp phẫu thuật truyền thống với mức độ xâm lấn cao nên có rất nhiều rủi ro sau phẫu thuật như dễ nhiễm trùng, thời gian phục hồi lâu, để lại sẹo trên da,...
Phẫu thuật nội soi được tiến hành bằng cách rạch một vết thương nhỏ tại vùng khớp vai rồi dùng dụng cụ phẫu thuật nội soi để sửa chữa tổn thương bên trong. Thông thường, phương pháp mổ nội soi sẽ được tiến hành đồng thời với siêu âm để đảm bảo độ chính xác và mang lại hiệu quả tốt nhất. Phương pháp phẫu thuật này có ứng dụng thiết bị hiện đại vào trong quá trình phẫu thuật nên khắc phục được các nhược điểm của phương pháp mổ truyền thống như ít xâm lấn, ít đau, hạn chế phát sinh biến chứng, nguy cơ nhiễm trùng thấp,...
Câu hỏi thường gặp
Bong gân:
- Định nghĩa: Bong gân xảy ra khi cơ hoặc gân bị căng đến mức độ vượt quá giới hạn bình thường, nhưng chưa gây tổn thương nặng.
- Triệu chứng: Đau nhẹ hoặc mức độ đau vừa, sưng, có thể có một ít bầm tím.
- Nguyên nhân: Thường xảy ra do chấn thương nhẹ, vận động quá mức, hoặc đột ngột thay đổi hướng cử động.
Trật khớp:
- Định nghĩa: Trật khớp xảy ra khi hai đầu xương trong khớp mất liên kết với nhau.
- Triệu chứng: Đau mạnh, sưng, khả năng di động giảm, có thể cảm nhận sự không ổn định trong khớp.
- Nguyên nhân: Thường liên quan đến chấn thương nặng, tai nạn hoặc tác động mạnh đến khớp.
- Chuyên gia
- Cơ sở