Bong Gân Nên Ăn Gì?
Người bị bong gân nếu muốn nhanh chóng phục hồi vết thương nên nắm rõ những thực phẩm nên ăn và kiêng như sau:
- Nên ăn: Thịt nạc, trứng, cá, sữa và chế phẩm từ sữa, các loại đậu, ngũ cốc, động vật có vỏ, cá hồi, cá thu, các loại quả có múi (bưởi, cam, quýt), quả mọng, gừng, uống nhiều nước… sẽ giúp chống oxy hóa, chống viêm, hỗ trợ làm lành vết thương, giả, sưng tấy hiệu quả.
- Nên kiêng: Thực phẩm giàu chất béo, nhiều đường, thịt đỏ, thức ăn nhanh, đồ đóng hộp, rượu, bia, thuốc lá, cà phê vì chúng có thể gây sưng tấy, đau nhức và làm chậm quá trình làm lành vết thương.
Xây dựng chế độ ăn uống cho người bị bong gân
Bong gân là hiện tượng dây chằng bị tổn thương, thường gặp nhất là ở cổ tay, cổ chân, khớp háng, bàn chân hay những vị trí vận động nhiều.
Các trường hợp bị bong gân ở mức độ nhẹ, bên cạnh tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị, bạn cần nghỉ ngơi và duy trì chế độ ăn uống khoa học với các thực phẩm có lợi để nhanh khỏi bệnh.
Khi xây dựng chế độ ăn cho người bị bong gân cần tuân thủ theo các nguyên tắc sau:
- Cân bằng giữa các nhóm chất như chất xơ, protein, vitamin C, D, omega 3, omega 6 và kẽm vào trong thực đơn để nâng cao hiệu quả điều trị.
- Không kiêng khem quá mức trong ăn uống dẫn đến thiếu chất dinh dưỡng gây bất lợi cho quá trình hồi phục tổn thương ở gân.
- Các thực phẩm chứa chất giảm đau, kháng viêm tự nhiên sẽ giúp giảm nhẹ triệu chứng khó chịu cho người bệnh.
- Tránh lạm dụng đồ béo, chất kích thích, đồ ngọt trong chế độ ăn cho người bị bong gân bởi chúng có thể khiến phản ứng viêm bùng phát.
Bong gân nên ăn gì?
Các thực phẩm tốt nhất cho người bị bong gân bao gồm:
1. Trứng
Trứng cung cấp nguồn protein đóng vai trò quan trọng cho quá trình tái tạo các mô mới để thay thế cho tế bào bị tổn thương ở gân, giúp nhanh chóng phục hồi chức năng hoạt động của bộ phận này.
Trong mỗi quả trứng có chứa đến 6g protein. Ngoài ra, thực phẩm này còn chứa nhiều vi chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe như vitamin A, B12, D, K, glucid, canxi, sắt, kẽm, magie, kali… Duy trì ăn 3 – 4 quả trứng mỗi tuần sẽ giúp tăng cường năng lượng cho các cơ hoạt động, đồng thời giảm nguy cơ bị teo cơ, giúp bạn nhanh chóng vận động bình thường trở lại.
2. Các loại trái cây có múi
Người bong gân không nên bỏ qua các loại trái cây có múi, chẳng hạn như cam, chanh, bưởi, quýt hay tắc… Chúng đều chứa nguồn vitamin C và chất xơ phong phú.
Vitamin C có tác dụng làm tăng sức đề kháng, chống mệt mỏi, đồng thời tham gia vào quá trình chống viêm, giảm sưng đau ở khu vực bị bong gân. Trong khi đó, chất xơ có tác dụng đào thải độc tố, loại bỏ chất gây viêm và đẩy mạnh hoạt động chuyển hóa các chất dinh dưỡng có lợi cho quá trình hồi phục tổn thương ở gân.
Ngoài trái cây có múi, bạn có thể bổ sung thêm các loại rau củ quả khác vào thực đơn để tăng cường vitamin C cho cơ thể. Chẳng hạn như:
- Kiwi
- Dâu tây
- Cà chua
- Rau xà lách
- Dưa lưới vàng
- Khoai tây
- Đu đủ
- Súp lơ…
3. Động vật có vỏ
Các loại động vật có vỏ như hàu, tôm, cua, ốc, hến, nghêu… cũng được khuyến cáo sử dụng trong chế độ ăn của người bị bong gân. Ngoài hàm lượng protein phong phú, nhóm thực phẩm này còn bổ sung nhiều kẽm cho cơ thể.
Kẽm là một khoáng chất rất cần thiết cho quá trình kháng viêm, làm tăng tốc độ phục hồi mô bị tổn thương, qua đó giảm đau, làm tăng độ dẻo dai, chắc khỏe cho gân. Chính vì lý do trên, người bệnh nên bổ sung các loại động vật có vỏ vào trong thực đơn 2 – 3 lần trong tuần.
4. Cá tốt cho người bị bong gân
Cá cung cấp nguồn đạm chất lượng cao và dễ tiêu hóa cho cơ thể. Thực phẩm này có tác dụng kích thích tái tạo các mô gân mới để tổn thương có tốc độ phục hồi nhanh hơn. Cùng với đó, nguồn chất dinh dưỡng phong phú trong cá còn bổ sung nguồn năng lượng dồi dào cho bạn bớt mệt mỏi và có khả năng vận động tốt hơn.
Đặc biệt, một số loại cá béo (cá thu, cá tuyết, cá hồi,…) còn chứa nguồn omega 3 dồi dào. Chất này đã được khoa học xác nhận về khả năng kháng viêm tự nhiên, giúp giảm sưng đau cho vùng tổn thương, đồng thời tăng cường khả năng vận động cho các khớp.
5. Sữa và các sản phẩm từ sữa
Sữa tươi, sữa chua hay các chế phẩm khác từ sữa đều chứa nhiều dưỡng chất có lợi cho người bị bong gân như:
- Protein thúc đẩy quá trình tái tạo, sửa chữa các mô gân bị tổn thương.
- Canxi và vitamin D: Giúp xương khớp chắc khỏe và phục hồi tổn thương nhanh hơn, giảm áp lực cho hệ thống gân cơ, đảm bảo hoạt động co duỗi cơ được đúng cách.
- Axit lactic: Kiểm soát phản ứng viêm, giảm sưng đau ở vị trí bị bong gân.
Ngoài ra, trong sữa chua còn chứa nhiều vi khuẩn có lợi. Chúng giúp ức chế hại khuẩn, ngăn ngừa nhiễm trùng, cải thiện khả năng miễn dịch, xoa dịu cơn đau và đẩy mạnh quá trình chuyển hóa chất dinh dưỡng thiết yếu cho các mô gân tổn thương được tái tạo nhanh hơn.
6. Các loại quả mọng
Quả mọng cung cấp nhiều vitamin C và chất chống oxy hóa cho cơ thể, giúp kháng viêm, giảm mệt mỏi, làm tăng tốc độ chữa lành tổn thương cho gân.
Ngoài ra, nguồn vitamin C phong phú trong quả mọng còn thúc đẩy cơ thể sản xuất nhiều protein và collagen. Chúng giúp phục hồi tổn thương cho gân, làm tăng tính liên kết giữa các mô, qua đó cải thiện khả năng đàn hồi và sự dẻo dai cho dây chằng.
7. Các loại rau có lá màu xanh đậm
Các loại rau lá xanh đặc biệt giàu chất chống oxy. Chúng hoạt động như một chất kháng viêm tự nhiên, giúp giảm sưng đau cho người bị bong gân. Cùng với đó, nguồn chất xơ, vitamin và khoáng chất dồi dào được tìm thấy trong rau xanh cũng góp phần đáng kể vào việc kiểm soát các triệu chứng và rút ngắn thời gian điều trị bong gân.
Các loại rau bạn nên ăn như:
- Rau ngót
- Rau cải xanh
- Bina
- Bông cải xanh
- Cải thìa…
8. Các loại đậu và ngũ cốc
Nhóm thực phẩm này bổ sung nguồn protein thực vật có chất lượng cao có lợi cho quá trình phục hồi gân bị tổn thương. Hơn nữa, các loại đậu và ngũ cốc còn chứa nhiều chất xơ, canxi cùng nhiều loại nguyên tố vi lượng giúp củng cố sức mạnh cho hệ cơ xương khớp.
9. Thực phẩm giàu omega 3
Omega 3 là một chất chống viêm tự nhiên của cơ thể, đđược tìm thấy trong cá béo và một số thực phẩm khác như:
- Hạt óc chó
- Hạt lanh
- Hạnh nhân
- Đậu nành
- Dầu hướng dương
- Dầu gan cá tuyết
- Dầu hạt cải…
Bạn nên bổ sung các thực phẩm trên vào thực đơn thường xuyên để giảm sưng đau khi bị bong gân, giảm thiểu sự lệ thuộc vào các loại thuốc chống viêm, giảm đau có nhiều tác dụng phụ.
10. Gừng
Trong thời gian điều trị bong gân, bạn cũng nên thường xuyên dùng gừng trong chế biến món ăn hoặc uống 2 – 3 tách trà gừng mỗi ngày. Loại củ gia vị này sở hữu đặc tính kháng viêm, giảm đau tự nhiên nên giúp hỗ trợ cải thiện các triệu chứng bệnh.
Bên cạnh đó, gừng còn có tác dụng giữ ấm các khớp xương, giảm đau nhức xương khớp, chống viêm khớp, thoái hóa khớp và tăng cường lưu thông máu đến gân bị tổn thương được chữa lành nhanh hơn.
Bị bong gân nên kiêng gì?
Bên cạnh các thực phẩm có lợi kể trên thì nhiều loại đồ ăn, thức uống lại làm tăng nặng cảm giác đau và cản trở đến quá trình hồi phục tổn thương ở gân. Bạn nên hạn chế sử dụng các thực phẩm dưới đây nếu đang bị bong gân:
1. Thức ăn chứa nhiều chất béo không lành mạnh
Hàm lượng mỡ trong máu tăng cao có thể kích hoạt phản ứng viêm tại gân bùng phát mạnh hơn, từ đó dẫn đến tình trạng sưng phù và các cơn đau đớn dữ dội, kéo dài. Thêm và đó, chất béo còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, giảm tuần hoàn máu đến khu vực bị chấn thương khiến bong gân lâu hồi phục.
Chính vì vậy mà người bị bong gân được khuyến cáo nên tránh sử dụng các thực phẩm chứa chất béo không lành mạnh. Chẳng hạn như:
- Thịt mỡ
- Nội tạng động vật
- Gà rán
- Khoai tây chiên
- Các món xào…
2. Đường
Đường và các thực phẩm chứa nhiều đường như bánh, kẹo, nước ngọt đều không được khuyến cáo sử dụng nhiều trong thời gian điều trị bong gân. Lạm dụng chúng quá mức có thể làm tăng đường huyết, từ đó khiến tốc độ lưu thông máu giảm xuống. Điều này không có lợi cho quá trình hồi phục bệnh bong gân.
Điều đáng chú ý là tiêu thụ quá nhiều đường còn kích thích các chất gây viêm trong cơ thể hoạt động mạnh. Bạn nên hạn chế dùng nhóm thực phẩm này nếu không muốn vị trí bong gân sưng đau nghiêm trọng hơn.
3. Bị bong gân nên kiêng thức ăn nhanh
Đồ ăn nhanh thường được chế biến với nhiều dầu mỡ hay đường. Chúng có hương vị rất hấp dẫn nhưng giá trị dinh dưỡng lại ít.
Thường xuyên sử dụng thức ăn nhanh dễ khiến bạn bị tăng cân, làm tăng áp lực lên gân và xương khớp. Điều này khiến bệnh bong gân lâu hồi phục hơn.
4. Đồ hộp
Tương tự như thức ăn nhanh, đồ hộp chứa ít chất dinh dưỡng nhưng lại có thể gây bất lợi cho quá trình điều trị bong gân. Các sản phẩm này hầu hết đều chứa chất bảo quản để giữ được thời hạn sử dụng lâu hơn. Khi tích tụ nhiều, hóa chất bảo quản sẽ gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe và có thể ảnh hưởng không tốt đến tổn thương ở gân.
5. Chất kích thích
Trong quá trình điều trị bong gân, bạn cũng nên kiêng các chất kích thích như bia, rượu, cà phê hay thuốc lá… Chúng gây kích thích thần kinh khiến cảm giác đau đớn, khó chịu tăng lên.
Ngoài ra, các chất kích thích còn kích hoạt phản ứng viêm bùng phát và ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp protein để phục hồi gân bị tổn thương.
Trên đây là những thực phẩm người bị bong gân nên ăn và nên kiêng. Bạn có thể dựa vào đây để xây dựng cho mình một thực đơn ăn uống hợp lý nhằm hỗ trợ tốt nhất cho quá trình điều trị bệnh.