Sơ cứu ngộ độc
Ngộ độc là tình trạng người bệnh nuốt, hít, chạm hoặc tiêm nhiều loại thuốc, hóa chất, nọc độc hoặc khí. Nhiều chất - chẳng hạn như thuốc và carbon monoxide - chỉ gây độc ở nồng độ hoặc liều lượng cao hơn. Một số loại chất tẩy rửa chỉ có hại nếu nuốt phải, trong khi những loại khác cũng thải ra khí/khói độc hại. Trẻ em đặc biệt nhạy cảm với ngay cả một lượng nhỏ một số loại thuốc và hóa chất.
Cách bạn sơ cứu người bị nhiễm độc phụ thuộc vào các yếu tố sau:
- Triệu chứng của người đó.
- Tuổi của người đó.
- Bạn biết về loại và lượng chất gây ngộ độc.
Các dấu hiệu nghi ngờ bị ngộ độc
Các dấu hiệu ngộ độc có thể giống với các tình trạng khác, chẳng hạn như co giật, ngộ độc rượu, đột quỵ và phản ứng insulin. Các dấu hiệu và triệu chứng ngộ độc có thể bao gồm:
- Bỏng hoặc đỏ quanh miệng và môi.
- Hơi thở có mùi hóa chất, chẳng hạn như xăng hoặc mùi sơn.
- Nôn mửa.
- Khó thở.
- Buồn ngủ.
- Nhầm lẫn hoặc trạng thái tinh thần có sự thay đổi.
Nếu bạn nghi ngờ người khác bị ngộ độc, hãy chú ý đến những chai hoặc gói thuốc rỗng, thuốc vương vãi, vết bỏng, vết bẩn và mùi hôi trên người bệnh hoặc đồ vật gần đó. Với một đứa trẻ, hãy cân nhắc khả năng trẻ có thể đã bôi miếng dán thuốc, uống thuốc theo toa hoặc nuốt phải pin cúc áo.
Khi nào cần gọi trợ giúp y tế?
Hãy gọi 115 hoặc số khẩn cấp tại địa phương của bạn ngay lập tức nếu người đó có những triệu chứng sau:
- Buồn ngủ hoặc bất tỉnh.
- Khó thở hoặc đã ngừng thở.
- Bồn chồn hoặc kích động.
- Bị co giật.
- Biết được là đã dùng thuốc hoặc bất kỳ chất nào khác, dùng quá liều một cách cố ý hoặc vô tình.
Sơ cứu người bệnh trong khi chờ đợi nhân viên y tế
Dưới đây là cách sơ cứu chi tiết cho những trường hợp bị ngộ độc:
- Nuốt phải chất độc: Loại bỏ bất cứ thứ gì còn sót lại trong miệng của người đó. Nếu chất độc bị nghi ngờ là chất tẩy rửa gia dụng hoặc hóa chất khác, hãy đọc nhãn hộp đựng và làm theo hướng dẫn đối với trường hợp vô tình bị ngộ độc.
- Chất độc trên da: Cởi bỏ quần áo bị nhiễm bẩn bằng găng tay. Rửa sạch da trong 15 đến 20 phút dưới vòi sen hoặc bằng vòi.
Chất độc vào mắt: Nhẹ nhàng rửa mắt bằng nước mát hoặc nước ấm trong 20 phút hoặc cho đến khi có sự trợ giúp. - Hít phải chất độc: Đưa người đó ra nơi có không khí trong lành càng sớm càng tốt. Nếu người đó nôn, hãy cho họ nằm nghiêng để tránh bị nghẹn.
- Hô hấp nhân tạo: Tiến hành hô hấp nhân tạo nếu người đó không có dấu hiệu của sự sống, chẳng hạn như cử động, thở hoặc ho.
- Dùng naloxone: Nếu người đó có nguy cơ dùng quá liều thuốc giảm đau opioid, nếu có sẵn naloxone (Narcan) trong nhà thì hãy cho người bệnh sử dụng.
Hãy gọi cho bác sĩ chuyên khoa tại khu vực của bạn để được hướng dẫn thêm. Đồng thời thu thập các chai thuốc, gói hoặc hộp đựng có nhãn và bất kỳ thông tin nào khác về chất độc để gửi cùng với đội cứu thương.
Thận trọng
- Xi-rô ipecac: Không cho người bệnh uống si-rô ipecac hoặc làm bất cứ điều gì để gây nôn. Các bác sĩ chuyên khoa khuyên bạn không nên sử dụng ipecac ở trẻ em hoặc người lớn đã uống thuốc hoặc các chất có khả năng gây độc khác. Không có bằng chứng xác đáng nào chứng minh tính hiệu quả của nó và nó thường gây hại nhiều hơn là có lợi. Nếu bạn vẫn còn những chai xi-rô ipecac cũ trong nhà thì nên vứt chúng đi.
- Pin nút: Các loại pin nhỏ, phẳng được sử dụng trong đồng hồ và các thiết bị điện tử khác có chất liệu bằng niken đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ nhỏ. Pin mắc kẹt trong thực quản có thể gây bỏng mô nghiêm trọng. Nếu bạn nghi ngờ trẻ đã nuốt phải một trong những cục pin này, hãy ngay lập tức đưa trẻ đi chụp X-quang khẩn cấp để xác định vị trí của pin. Sau đó bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp phù hợp để đưa nó ra ngoài.
- Miếng dán thuốc: Nếu bạn cho rằng trẻ nuốt phải miếng dán thuốc hãy kiểm tra cẩn thận da của trẻ và loại bỏ bất kỳ miếng dán nào dính vào. Ngoài ra, hãy kiểm tra vòm miệng để xem trẻ có ngậm trong miệng hay không.
<