Bạch cầu cao
Bạch cầu cao có thể là dấu hiệu của hàng loạt các vấn đề, bao gồm nhiễm trùng, viêm, chấn thương và rối loạn hệ thống miễn dịch. Để kiểm tra lượng bạch cầu trong máu cao, bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm công thức máu sau đó đưa ra cho bạn phương án điều trị phù hợp.
Định nghĩa
Bạch cầu là một thành phần quan trọng của máu, có nhiệm vụ tăng cường sức đề kháng giúp cơ thể chống chọi lại với các tác nhân gây bệnh, đặc biệt là vi khuẩn, chất độc, ký sinh trùng.
Có 5 loại bạch cầu trong cơ thể con người. Mỗi loại bạch cầu sẽ thực hiện các nhiệm vụ khác nhau. Cụ thể như:
- Tế bào lympho (lymphocytes): Tế bào quan trọng giúp sản xuất kháng thể để cơ thể chống chọi lại với vi khuẩn, virus và các tác nhân gây bệnh khác.
- Bạch cầu hạt trung tính (neutrophil): Những tế bào bạch cầu này có tác dụng giúp tiêu diệt vi khuẩn và nấm.
- Bạch cầu ưa kiềm (basophilia): Tế bào bạch cầu này cảnh báo cơ thể về các bệnh nhiễm trùng bằng các tiết hóa chất vào máu, giúp chống lại tác nhân gây dị ứng, ngăn ngừa đông máu.
- Bạch cầu ái toan (eocinophil): Có tác dụng chống viêm nhiễm, tiêu diệt ký sinh trùng và các tế bào ung thư.
- Bạch cầu đơn nhân (monocyte): Giúp tăng cường phản ứng miễn dịch, tấn công các loại vi khuẩn, vi trùng xâm nhập vào cơ thể.
Số lượng bạch cầu trung bình sẽ dao động trong khoảng từ 4.500-10.000mm3 máu. Khi bạch cầu tăng cao, số lượng sẽ nhiều hơn 11.000 tế bào bạch cầu trong một microlit máu. 1
Các tế bào bạch cầu là một phần cần thiết trong hệ thống miễn dịch, được sản xuất trong tủy xương và giúp bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật. Bạch cầu tăng cao có nghĩa là bạn đang bị nhiễm trùng hoặc viêm trong cơ thể.
Ngoài ra, bạch cầu tăng cao sẽ làm cản trở lưu thông máu, tác động vào quá trình sản sinh ra các tế bào máu khỏe mạnh.Trường hợp số lượng bạch cầu cao trên 100.000/ml rất có thể người bệnh bị rối loạn tủy xương hoặc ung thư tế bào máu (hay còn gọi là máu trắng).
Khi số lượng bạch cầu tăng cao, người bệnh sẽ có những dấu hiệu như sau:
- Sốt, đau nhức.
- Dễ bị chảy máu, bầm tím.
- Đổ mồ hôi vào ban đêm.
- Khó thở, thở khò khè.
- Nổi mề đay, dị ứng da.
Nguyên nhân
Một trong những nguyên nhân sau đây đã làm tăng quá trình tạo ra các tế bào bạch cầu, khiến số lượng bạch cầu tăng cao:
- Phản ứng với một loại thuốc (bao gồm corticosteroid và epinephrine).
- Hệ thống miễn dịch suy giảm.
- Căng thẳng đột ngột.
- Tập thể dục nặng.
- Hút thuốc.
- Dị ứng.
- Hen suyễn.
- Nhiễm trùng do vi khuẩn, virus, nấm men hoặc ký sinh trùng.
- Bỏng.
- Hội chứng Churg-Strauss.
- Viêm mũi dị ứng.
- Bệnh bạch cầu.
- Ung thư hạch.
- Rối loạn tủy xương.
- Bệnh đa hồng cầu.
- Phụ nữ mang thai.
- Viêm khớp dạng thấp.
- Bệnh sacoit.
- Bệnh lao.
- Viêm mạch.
- Bệnh ho gà.
Chăm sóc tại nhà
Để cải thiện tình trạng bạch cầu cao trong máu, người bệnh cần chú ý thực hiện những điều sau:
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng để tránh bị nhiễm vi khuẩn và ký sinh trùng.
- Bỏ hút thuốc lá.
- Uống thuốc đầy đủ theo yêu cầu của bác sĩ, không được lạm dụng thuốc.
- Giảm căng thẳng mệt mỏi bằng cách thư giãn, cân bằng cảm xúc, ngồi thiền.
- Hạn chế để cơ thể tiếp xúc với các chất gây dị ứng.
- Vệ sinh răng miệng một cách khoa học bằng cách đánh răng ngày 2 lần, dùng nước súc miệng, chỉ nha khoa (hoặc tăm nước) và đến nha sĩ 6 tháng 1 lần.
- Ăn nhiều loại thực phẩm giúp điều chỉnh lượng bạch cầu trong cơ thể như: Củ dền, rau má, bí ngô, củ cải, các loại hạt, hải sản, thịt đỏ.
- Khi bạch cầu cao người bệnh nên hạn chế dùng các loại thực phẩm như tỏi, sữa chua, trà xanh,...
Khi nào đi khám bác sĩ?
Người bệnh cần đến gặp bác sĩ khi nhận thấy cơ thể có những dấu hiệu như:
- Giảm cân không rõ nguyên nhân.
- Vết thương trên da khó lành.
- Trên cơ thể thường có vết bầm tím.
- Chảy máu cam bất thường.
- Mệt mỏi, kém ăn trong thời gian dài.
- Đau ngực, đau lưng đột ngột.
- Ngứa ran ở chân, tay, bụng.
- Khó thở.
Câu hỏi thường gặp
Một số câu hỏi dưới đây sẽ giúp người bệnh hiểu rõ hơn về chỉ số bạch cầu trong máu cao:
Số lượng bạch cầu cao trong quá trình mang thai có sao không?
Ở phụ nữ mang thai, số lượng tế bào bạch cầu tăng cao là hiện tượng bình thường. Bác sĩ chuyên khoa sẽ thwujc hiện các xét nghiệm máu định kỳ trong suốt quá trình mang thai của bạn để đảm bảo không có điều gì bất thường xảy ra.
Tăng bạch cầu có phải là ung thư máu?
Những người có chỉ số bạch cầu cao không có nghĩa là bị ung thư máu. Tăng bạch cầu có thể xảy ra vì nhiều lý do khác nhau, tỷ lệ người bệnh tăng bạch cầu bị ung thư máu là rất hiếm khi xảy ra. Trừ một số trường hợp người bệnh bị bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính , bệnh bạch cầu dòng tủy mãn tính và bệnh bạch cầu lymphocytic mãn tính.
Mất bao lâu để phục hồi sau điều trị tăng bạch cầu?
Trong hầu hết các trường hợp người bệnh có thể cải thiện được tình trạng tăng bạch cầu sau 2-4 tuần. Điều này phụ thuộc vào quá trình điều trị bằng thuốc và chăm sóc tại nhà. Nếu bạn đang điều trị ung thư, thời gian điều trị có thể lâu hơn.
Dựa vào nguyên nhân gây bạch cầu cao, bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn phương pháp điều trị thích hợp. Thông thường người bệnh sẽ được dùng thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn, ký sinh trùng. Một số trường hợp đặc biệt sẽ được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ ổ nhiễm trùng hoặc ghép tủy nếu người bệnh bị bệnh bạch cầu.