Bạch cầu Lympho tăng cao
Tăng bạch cầu lympho cho thấy cơ thể của bạn đang bị nhiễm trùng hoặc các bệnh viêm nhiễm khác. Y học không có phương pháp giúp làm giảm bạch cầu lympho trong máu nhưng có thể điều trị bằng cách giải quyết nguyên nhân khiến bạch cầu lympho tăng cao.
Định nghĩa
Tăng bạch cầu lympho là tình trạng gia tăng tế bào lympho trong máu cao hơn mức bình thường. Tế bào lympho là một loại tế bào quan trọng của bạch cầu. Chúng có nhiệm vụ quan trọng trong hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể chống chọi lại với các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài.
Do đó khi chỉ số lympho cao tạm thời có nghĩa là cơ thể của bạn đang bị nhiễm trùng và hệ miễn dịch đang hoạt động tích cực để bảo vệ bạn khỏi vi khuẩn gây bệnh.
Ở người lớn số lượng tế bào lympho cao hơn 4.000 trong một microlit máu sẽ được coi là tăng tế bào lympho. Ngưỡng tăng tế bào lympho có thể thay đổi theo độ tuổi, nó có thể lên đến 9.000 tế bào lympho trên mỗi microlit máu.
Nguyên nhân
Số lượng bạch cầu lympho tăng cao có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang phải đối mặt với rất nhiều căn bệnh nghiêm trọng khác nhau. 1 Dưới đây là những nguyên nhân chính khiến tỷ lệ bạch cầu lympho tăng:
Do nhiễm trùng: Bạch cầu lympho tăng có thể là kết quả của việc cơ thể bị nhiễm vi khuẩn, virus và ký sinh trùng. Một số căn bệnh nhiễm trùng dẫn đến số lượng bạch cầu lympho tăng cao bao gồm:
- Nhiễm virus Epstein-Barr (virus gây bệnh bạch cầu đơn nhân).
- Cytomegalovirus (CMV).
- Cúm.
- Ho gà.
- Nhiễm Adenovirus.
- Viêm gan.
- Viêm khớp.
- Thủy đậu.
- Bệnh zona .
- Quai bị.
- Bệnh Rubella
- HIV.
Bệnh ung thư: Ở một số trường hợp, chỉ số lympho tăng cao có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đang bị một số căn bệnh ung thư như:
- Ung thư máu.
- Ung thư hạch bạch huyết.
- Bệnh bạch cầu mãn tính.
- Non-Hodgkin lymphoma.
- Bệnh bạch cầu cấp tính.
- Bạch cầu lympho bào hạt lớn.
Nguyên nhân khác: Một số nguyên nhân khác cũng có thể khiến cho tỷ lệ bạch cầu lympho tăng nhẹ, bao gồm:
- Hút thuốc.
- Dị ứng thuốc.
- Căng thẳng.
- Một số bệnh tự miễn dịch.
- Do cắt bỏ lá lách.
Chăm sóc tại nhà
Tình trạng bạch cầu lympho tăng rất khó để ngăn ngừa. Tuy nhiên bạn có thể áp dụng một số phương pháp chăm sóc sức khỏe tại nhà dưới đây để giảm thiểu rủi ro của bệnh và ngăn ngừa bệnh tái phát trong tương lai:
- Tránh tiếp xúc với những người mắc các căn bệnh truyền nhiễm.
- Không sử dụng chung các đồ vật cá nhân với những người khác.
- Thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước trước khi ăn và sau khi vệ sinh.
- Khử trùng toàn bộ về mặt các vật dụng mà bạn sử dụng thường xuyên để loại bỏ mầm bệnh.
- Không hút thuốc.
- Luôn giữ cho tâm trạng được thoải mái, vui vẻ bằng cách thực hành các bộ môn như thiền định, yoga, massage,...
- Cần có chế độ ăn uống đầy đủ, cân bằng dinh dưỡng, khuyến khích bệnh nhân ăn nhiều thực phẩm chứa vitamin, khoáng chất, protein, omega-3, saponin, selen,... để tăng cường sức đề kháng.
Khi nào đi khám bác sĩ?
Bác sĩ sẽ căn cứ vào các kết quả xét nghiệm máu liên quan để kiểm tra và đưa ra kết luận chính xác nhất xem người bệnh có bị tăng bạch cầu lympho hay không.
- Ngay khi phát hiện các vấn đề bất thường của sức khỏe, người bệnh cần đi khám sớm để có được phương pháp điều trị kịp thời, hiệu quả. Hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra sức khỏe nếu bạn đang gặp phải các vấn đề nghiêm trọng sau:
- Chảy máu cam bất thường không rõ nguyên nhân.
- Tình trạng nhiễm trùng kéo dài dai dẳng.
- Cơ thể đột nhiên xuất hiện rất nhiều vết bầm tím.
- Các triệu chứng như khó thở, sụt cân, sốt, mệt mỏi, căng thẳng,... trở nên nghiêm trọng hơn.
Câu hỏi thường gặp
Một số câu hỏi dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng tăng bạch cầu lympho:
Những xét nghiệm nào giúp chẩn đoán số lượng bạch cầu lympho tăng?
Có rất nhiều xét nghiệm được tiến hành để giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn người bệnh có bị tăng bạch cầu lympho hay không. Một số xét nghiệm quan trọng và cần thiết có thể kể đến như:
- Xét nghiệm công thức máu: Để tìm ra sự gia tăng bất thường của các tế bào bạch cầu lympho.
- Xét nghiệm sinh thiết tủy xương: Để xác định nguyên nhân gây tăng tế bào lympho.
- Xét nghiệm tế bào dòng chảy: Để xem các tế bào lympho có phải là dòng vô tính hay không.
Ngoài ra bác sĩ có thể yêu cầu bạn thực hiện một số xét nghiệm khác như:
- Xét nghiệm tủy đồ.
- Cấy máu, nước tiểu.
- Xét nghiệm huyết thanh.
- Kiểm tra chức năng gan thận.
- FT3, FT4, FSH.
- Chụp Xray, CT, MRI.
- Siêu âm.
Điều trị tình trạng tăng bạch cầu lympho như thế nào?
Dựa vào nguyên nhân khiến chỉ số lympho tăng cao, bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị phù hợp nhất. Nếu cơ thể đang sản xuất các tế bào bạch cầu để chống lại vi trùng, bạn có thể không cần điều trị. Theo thời gian, hệ thống miễn dịch của con người sẽ giải quyết vấn đề này và đưa chỉ số lympho về mức bình thường.
Nếu số lượng tế bào bạch cầu lympho tăng đột biến là dấu hiệu của bệnh ung thư, người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ về phương pháp điều trị cụ thể. Tiếp nhận điều trị nguyên nhân cơ bản có thể giúp khôi phục mức tế bào lympho trở lại bình thường.
Biến chứng nguy hiểm nào liên quan đến bạch cầu lympho tăng?
Trong một số trường hợp, việc tăng tế bào lympho là một trong những dấu hiệu đầu tiên của bệnh ung thư máu và bệnh bạch cầu lymphocytic mãn tính. Khi đó người bệnh cần thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu để bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân gây tăng tế bào lympho.
Tuy nhiên bạn cũng không cần lo lắng về việc bị tăng bạch cầu lympho. Mặc dù tình trạng này có thể liên quan đến bệnh ung thư. Những phần lớn nguyên nhân là do nhiễm trùng. Tỷ lệ bạch cầu lympho sẽ trở lại bình thường sau khi hệ thống miễn dịch đã loại bỏ được các ổ viêm trong cơ thể.
Hy vọng thông qua bài viết này, bạn đọc đã có thêm nhiều kiến thức hữu ích về tình trạng tăng tế bào lympho. Sau khi đã tìm được nguyên nhân gây bệnh, bạn cần tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ để có được kết quả tốt nhất.