Đau Đầu Gối Khi Đứng Lên Ngồi Xuống
Đau đầu gối khi đứng lên ngồi xuống là triệu chứng xảy ra khi bị chấn thương hoặc mắc các bệnh lý ở khớp gối. Người bệnh chủ yếu được điều trị bằng các phương pháp bảo tồn như dùng thuốc, vật lý trị liệu. Một số trường hợp cần phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo.
Định nghĩa
Nhiều người thường xuyên than phiền về tình trạng đau đầu gối khi đứng lên ngồi xuống mà không biết mình bị bệnh gì. Cơn đau có thể ở mức độ nhẹ đến nặng, đau âm ỉ, đau nhói bên trong hoặc đau nhức dữ dội, xuất hiện thoáng qua hoặc kéo dài dai dẳng.
Một số trường hợp chỉ bị đau khớp gối đơn thuần nhưng có người lại xuất hiện kèm theo những triệu chứng bất thường khác như:
- Ngứa ra ở chân
- Tê chân
- Sưng đầu gối
- Chạm tay vào đầu gối thấy cảm giác nóng ấm
- Cứng khớp đầu gối
- Đau nhức xương ống chân
- Khó co duỗi chân, đi lại khập khiễng
- Mệt mỏi
- Sốt
- Ớn lạnh
- Khớp gối phát ra tiếng kêu lạo xạo khi cử động
- Yếu cơ, teo cơ chân...
Nguyên nhân
Hiện tượng đau đầu gối thường xảy ra khi bạn đứng lên hoặc ngồi xuống một cách quá nhanh chóng và đột ngột. Lúc này khớp và các dây chằng chưa kịp thích nghi với trạng thái mới nên sinh ra cảm giác đau và khó chịu.
Ngoài ra, hiện tượng đau đầu gối khi đứng lên ngồi xuống còn xuất hiện khi khớp gối bị tổn thương. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề về cơ xương khớp như:
Chấn thương đầu gối:
Chấn thương ở khớp và các phần mềm quanh đầu gối có thể xảy ra khi bạn bị tai nạn, không khởi động kỹ khi chơi thể thao, bị vật cứng va đập hoặc té ngã. Chúng đều có thể dẫn đến các cơn đau và tình trạng sưng phù ở đầu gối. Cảm giác đau mạnh khi đứng lên, ngồi xuống hoặc thực hiện các cử động tại khớp.
Các chấn thương có thể gặp bao gồm:
- Bong gân
- Rách sụn
- Đứt hoặc giãn dây chằng
- Vỡ sụn
- Rạn nứt xương, gãy xương
- Trật khớp...
Viêm khớp gối:
Bệnh viêm khớp gối có các dạng phổ biến gồm viêm khớp gối nhiễm khuẩn, viêm khớp phản ứng, viêm khớp dạng thấp hay bệnh gout. Cơn đau đầu gối do viêm có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, nhất là khi đứng lên, ngồi xuống, đi lại, leo cầu thang hoặc hoạt động mạnh.
Các triệu chứng khác có thể xuất hiện khi bị viêm khớp gối bao gồm:
- Sưng khớp gối
- Vùng da ngoài khớp căng đỏ, nóng ấm
- Cứng khớp, khó cử động
- Thời tiết thay đổi có thể khiến cơn đau tăng nặng hơn.
Thoái hóa khớp gối
Bệnh thoái hóa khớp gối xảy ra khi lớp sụn bao bọc ở đầu xương trong khớp bị ăn mòn. Chính vì vậy mà mỗi khi vận động, đứng lên hay ngồi xuống, lực ma sát giữa các đầu xương tăng mạnh hơn khiến người bệnh đau đớn. Mức độ và tần suất đau có thể khác nhau tùy thuộc vào tình trạng thoái hóa khớp.
Bên cạnh đó, người bị thoái hóa khớp gối còn có các triệu chứng khác như:
- Giới hạn phạm vi chuyển động của khớp
- Cứng khớp gối, nhất là vào buổi sáng sau khi ngủ dậy
- Biến dạng đầu gối
- Sưng khớp
Gai khớp gối
Bệnh gai khớp gối thường phát triển sau khi bị chấn thương hoặc thoái hóa khớp gối. Trong quá trình sửa chữa tổn thương, cơ thể sẽ bù đắp nhiều canxi khiến cho chất này tích tụ nhiều và phát triển gai xương.
Mỗi khi đứng lên ngồi xuống, gai xương thường ma sát mạnh với các mô mềm xung quanh khiến cho người bệnh có cảm giác đau. Cơn đau cũng tăng nặng khi leo cầu thang hoặc khi co duỗi chân. Kèm theo đó là các cảm giác cứng khớp, tê chân, mất cảm giác ở chân. Khớp gối có thể sưng tấy và tiến triển thành viêm khớp.
Bệnh giả gout:
Bệnh giả gout thường gây viêm ở khớp đầu gối và khiến khu vực này bị đau mỗi khi đứng lên, ngồi xuống. Triệu chứng sưng đau ở khớp xuất hiện một cách đột ngột và có tính chất kéo dài.
Nếu như bệnh gout gây ra bởi tình trạng tăng axit uric trong máu thì bệnh giả gout lại xuất hiện khi các tinh thể calcium pyrophosphate dihydrate di chuyển từ sụn tới niêm mạc khớp và kích hoạt phản ứng viêm.
Viêm bao hoạt dịch khớp gối
Bệnh viêm bao hoạt dịch khớp gối chỉ tình trạng sưng viêm túi chứa dịch lỏng trong khớp. Hậu quả là khớp gối bị sưng phù, đau nhức. Cơn đau có khuynh hướng tăng nặng khi đứng lên, ngồi xuống, khi đi lại hoặc dùng tay ấn vào. Bao hoạt dịch bị viêm cũng có thể sản xuất ra nhiều dịch dẫn đến ứ dịch, tràn dịch khớp gối.
Loãng xương:
Mật độ xương giảm do thiếu hụt canxi chính là nguyên nhân dẫn đến loãng xương. Trường hợp này, người bệnh thường bị đau nhức các đầu xương ở khớp gối hoặc bất cứ vị trí nào trên cơ thể. Cơn đau xuất hiện rõ ràng hơn khi đứng lên, ngồi xuống hoặc thực hiện các cử động khác tại đầu gối. Trường hợp loãng xương nặng còn bị đau nhức xương khớp toàn thân.
Hội chứng bàn chân bẹt
Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây đau đầu gối khi đứng lên ngồi xuống. Ở những người mắc hội chứng bàn chân bẹt, lòng bàn chân phẳng nên mỗi khi đứng hay ngồi, các dây chằng quanh khớp gối có thể bị kéo căng dẫn đến đau đầu gối.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị đau đầu gối khi đứng lên ngồi xuống
Ngoài các nguyên nhân bệnh lý, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị đau đầu gối khi đứng lên ngồi xuống như:
- Lớn tuổi
- Thừa cân, béo phì
- Đứng hoặc ngồi yên một chỗ trong thời gian dài
- Khô khớp gối, mất nước
- Có tiền sử bị tiểu đường, rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch làm ảnh hưởng đến quá trình lưu thông máu tới khớp đầu gối.
- Vận động, nằm ngủ sai tư thế.
- Lao động quá sức, thường xuyên khuân vác đồ nặng
- Ăn uống thiếu chất dinh dưỡng, nhất là canxi và vitamin D
- Hút thuốc lá
- Uống nhiều bia rượu
Chăm sóc tại nhà
Phác đồ điều trị đau đầu gối khi đứng lên ngồi xuống tập trung vào mục đích giảm đau cho người bệnh và khắc phục nguyên nhân. Các phương pháp thường được lựa chọn là điều trị tại nhà:
- Chườm đá lạnh khi mới bị chấn thương. Sau khoảng 48 tiếng có thể chuyển qua chườm nóng. Những phương pháp này đều có tác dụng giảm đau, cải thiện tình trạng sưng viêm đầu gối.
- Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ như mang nẹp cố định, chống nạng mỗi khi đứng lên đi lại.
- Ngâm chân hoặc tắm bằng nước ấm
- Xoa bóp chân nhẹ nhàng để làm thư giãn thần kinh, giảm co thắt cơ và kích thích lưu thông máu, giúp giảm đau và thúc đẩy quá trình chữa lành tổn thương trong khớp gối.
- Trường hợp bị đau đầu gối nặng, cần nghỉ ngơi, hạn chế các cử động tại khớp.
- Kê gối dưới chân khi nằm ngủ giúp giảm căng thẳng cho khớp gối, giảm sưng viêm, xoa dịu cơn đau.
Câu hỏi thường gặp
Đau đầu gối khi đứng lên ngồi xuống có nguy hiểm không?
Hiện tượng đau gối mỗi khi đứng lên ngồi xuống có thể chỉ xuất hiện thoáng qua hoặc diễn ra thường xuyên với mức độ nghiêm trọng. Cho dù xuất phát từ nguyên nhân nào thì cảm giác đau kéo dài đều có thể ảnh hưởng đến chức năng vận động của khớp và khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại, sinh hoạt và lao động.
Trong trường hợp bị đau đầu gối khi đứng lên ngồi xuống, người bệnh cần được chẩn đoán và điều trị sớm để tránh gặp phải các biến chứng nguy hiểm như:
- Biến dạng khớp gối
- Teo cơ, yếu liệt chân
- Tàn phế suốt đời.
Chẩn đoán
Các phương pháp thường được áp dụng để chẩn đoán đau đầu gối khi đứng lên ngồi xuống bao gồm:
Thăm khám lâm sàng
- Bác sĩ và người bệnh trao đổi về triệu chứng đang gặp phải, mức độ cũng như tần suất đau.
- Khám và quan sát bên ngoài đầu gối
- Đánh giá phản xạ và chức năng vận động thông qua một số cử động ở khớp gối.
- Xét nghiệm máu:
Xét nghiệm công thức máu được chỉ định khi bác sĩ nghi ngờ tình trạng đau khớp gối khi đứng lên ngồi xuống có liên quan đến các vấn đề sau:
- Viêm khớp gối do nhiễm khuẩn
- Viêm khớp dạng thấp
- Bệnh gout hay giả gout
- Xét nghiệm hình ảnh:
- Chụp X-quang
- Siêu âm khớp gối
- Chụp CT scan
- Chụp cộng hưởng từ MRI
- Xét nghiệm dịch khớp gối
Bác sĩ sẽ sử dụng một cây kim dài rút dịch khớp gối ra để làm xét nghiệm kiểm tra giúp chẩn đoán một số bệnh lý gây đau đầu gối, chẳng hạn như gout, nhiễm trùng...
Sau khi có đầy đủ kết quả xét nghiệm, bác sĩ có thể đưa ra kết luận chính xác về nguyên nhân gây đau, mức độ tổn thương trong khớp gối, đồng thời tư vấn cho bệnh nhân một phương pháp điều trị hiệu quả nhất.
Phác đồ điều trị đau đầu gối khi đứng lên ngồi xuống tập trung vào mục đích giảm đau cho người bệnh và khắc phục nguyên nhân. Các phương pháp thường được lựa chọn bào gồm:
Dùng thuốc trị đau đầu gối khi đứng lên ngồi xuống
Bệnh nhân được chỉ định thuốc theo đường uống, bôi ngoài da hoặc đường tiêm. Ngoài thuốc giảm đau, kháng viêm, một số loại thuốc khác cũng được bác sĩ kê đơn để điều trị các nguyên nhân cơ bản như:
- Thuốc kháng sinh
- Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm
- Thuốc giảm axit uric trong máu điều trị gout.
- Tiêm corticoid hay chất nhờn cho khớp gối
- Viên uống bổ sung vitamin và khoáng chất cần thiết, chẳng hạn như canxi, vitamin D, glusosamin...
Vật lý trị liệu phục hồi chức năng khớp đầu gối bị đau
Phương pháp vật lý trị liệu mang lại hiệu quả tích cực trong việc giảm đau đầu gối khi đứng lên ngồi xuống, giảm sưng viêm, chống co thắt cơ và cải thiện tính linh hoạt cho khớp khi vận động. Người bệnh sẽ được các chuyên gia vật lý trị liệu hướng dẫn thực hành các bài tập tác động đến các cơ ở mặt trước và sau đùi.
Một số bệnh nhân còn được châm cứu, trị liệu bằng điện, tia hồng ngoại, sóng ngắn hay tia laser.
Phẫu thuật chữa đau đầu gối khi đứng lên ngồi xuống
Một số trường hợp bị đau đầu gối khi đứng lên ngồi xuống do chấn thương hoặc bị viêm xương khớp gây hủy hoại khớp nghiêm trọng, người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật. Bệnh nhân được mổ nội soi hoặc mổ hở truyền thống để loại bỏ các mô bị hư hỏng, nối xương hay thay khớp gối nhân tạo tùy theo vấn đề đang gặp phải.