Viêm Bao Hoạt Dịch Khớp Gối
Viêm bao hoạt dịch khớp gối rất dễ khởi phát ở những người bị chấn thương khớp gối hoặc di chuyển khớp gối quá nhiều. Bệnh gây ra triệu chứng sưng đau và cứng khớp gối khiến việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Nếu không điều trị đúng cách và kịp thời, khả năng vận động của người bệnh sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Định nghĩa
Bao hoạt dịch khớp gối chính là túi chứa dịch, đây là một trong những cơ quan quan trọng đối với khớp gối. Vị trí của bao hoạt dịch bên trong khớp gối là nằm giữa xương đùi, xương chày và xương bánh chè. Chức năng chính của túi dịch là làm miếng đệm giữa các đầu xương giúp hạn chế ma sát khi vận động. Ngoài ra, bao hoạt dịch còn sản sinh ra chất nhờn giúp bôi trơn và nuôi dưỡng sụn khớp.
Viêm bao hoạt dịch khớp gối là dấu hiệu cho thấy bao hoạt dịch đang bị tổn thương. Lúc này, bao hoạt dịch đang dần bị bào mòn và mất đi chức năng vốn có. Điều này đã kích thích phản ứng viêm xảy ra và gây ra một số triệu chứng tại khớp như sưng tấy, nóng đỏ,... Lúc này, khả năng vận động của người bệnh sẽ bị suy giảm đáng kể.
Chuyên gia cho biết, tình trạng viêm có thể xảy ra ở bất kỳ bao hoạt dịch nào bên trong khớp gối nhưng thường gặp nhất là bao hoạt dịch trước xương bánh chè, dưới sụn khớp và trong đầu gối. Khi gặp phải tình trạng này, bạn cần chăm sóc và điều trị đúng cách để kiểm soát tình trạng viêm đau. Nếu bạn chủ quan trong việc điều trị sẽ gây ra một số biến chứng nghiêm trọng như teo cơ, biến dạng khớp, bại liệt,...
Hình ảnh
Triệu chứng
Viêm bao hoạt dịch khớp gối có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào khi gặp điều kiện thuận lợi. Các triệu chứng của bệnh sẽ khiến khả năng vận động tại khớp bị ảnh hưởng đáng kể. Chuyên gia xương khớp cho biết, triệu chứng của bệnh viêm bao hoạt dịch khớp gối khá giống với các bệnh lý xương khớp khác. Cụ thể là:
- Có triệu chứng đau nhức ở đầu gối, theo thời gian cơn đau sẽ xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều và mức độ cũng ngày càng tăng. Lúc này, khả năng cử động chân hay di chuyển của người bệnh đều bị ảnh hưởng đáng kể.
- Tình trạng đau nhức có thể diễn ra kéo dài trong vài giờ hoặc vài tuần. Nhiều trường hợp còn bị đau nhức ngay cả khi không vận động khớp gối.
- Dùng tay ấn vào khớp gối sẽ gây ra cơn đau buốt như điện giật khá khó chịu. Quan sát bên ngoài sẽ thấy khớp gối bị sưng đỏ hoặc bầm tím, dùng tay sờ vào sẽ có cảm giác ấm nóng.
- Viêm bao hoạt dịch khiến quá trình tiết dịch bôi trơn tại khớp bị suy giảm, gây ra tình trạng khô khớp gối và cứng khớp gối. Khi người bệnh vận động khớp gối sẽ phát ra tiếng kêu lục cục, đặc biệt là khi leo cầu thang.
- Một số triệu chứng toàn thân có thể gặp phải khi bị viêm bao hoạt dịch khớp gối là sốt nhẹ, sốt cao, nổi phát ban quanh đầu gối, chán ăn, mệt mỏi,...
Nguyên Nhân
Viêm bao hoạt dịch khớp gối có thể khởi phát do tác động của nhiều nguyên nhân, bạn cần phải nắm rõ để có thể chủ động trong việc phòng ngừa bệnh. Dưới đây là một số nguyên nhân gây ra bệnh thường gặp mà chúng tôi tổng hợp được bạn có thể tham khảo:
+ Tuổi tác cao: Đây là yếu tố thuận lợi cho nhiều bệnh lý xương khớp khởi phát, trong đó có bệnh viêm bao hoạt dịch. Tuổi càng cao thì quá trình lão hóa xương diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Lúc này, hệ thống xương khớp trong cơ thể sẽ dần suy yếu, hoạt động bất thường và hình thành bệnh lý. Khi bị viêm bao hoạt dịch khớp gối do nguyên nhân này thì rất khó điều trị, vì vậy bạn nên chủ động phòng ngừa ngay từ sớm. Chuyên gia cho biết, có khoảng 70% trường hợp khởi phát viêm bao hoạt dịch là do nguyên nhân này.
+ Chấn thương: Khớp gối bị tác động lực mạnh một cách đột ngột sẽ dẫn đến tình trạng chấn thương. Nếu không xử lý đúng cách để phục hồi tổn thương, khớp sẽ dần bị hư tổn và đẩy nhanh tốc độ thoái hóa. Viêm bao hoạt dịch khớp gối là một trong những bệnh lý có thể khởi phát sau khi khớp gối bị chấn thương mà không được xử lý. Chấn thương khớp gối rất dễ xảy ra khi bạn bị tai nạn giao thông hoặc tai nạn lao động.
+ Nhiễm khuẩn: Nhiễm khuẩn cũng là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh viêm bao hoạt dịch khớp gối. Bệnh khởi phát khi vi khuẩn gây hại từ các cơ quan khác trên cơ thể xâm nhập vào bao hoạt dịch, tấn công gây nhiễm trùng. Khi bị viêm bao hoạt dịch do nhiễm khuẩn, bạn thường có thêm một số triệu chứng toàn thân đi kèm như sốt cao, đau nhức toàn thân,...
+ Bệnh lý: Viêm bao hoạt dịch khớp gối cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý xương khớp khác như thoái hóa khớp gối, viêm khớp dạng thấp,... Đây đều là những bệnh lý nguy hiểm, cần được phát hiện và điều trị đúng cách ngay từ sớm để tránh phát sinh biến chứng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động.
+ Cân nặng: Khớp gối là cơ quan phải chịu toàn bộ sức nặng của cơ thể và thực hiện hầu hết các hoạt động vận động thường ngày. Điều này đã khiến cho khớp gối dễ bị tổn thương, thoái hóa và gây ra bệnh lý. Nếu bạn bị thừa cân béo phì, khớp gối phải chịu áp lực nhiều hơn bình thường nên quá trình thoái hóa sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn. Đồng thời, hàm lượng chất béo xấu trong cơ thể còn khiến xương khớp bị tàn phá nhanh chóng hơn.
+ Tính chất công việc: Viêm bao hoạt dịch khớp gối cũng rất dễ khởi phát ở những người có tính chất công việc lao động nặng nhọc hoặc thường xuyên lặp lại một động tác ở chân. Điều này đã khiến khớp gối chịu nhiều áp lực, đẩy nhanh tốc độ thoái hóa và khiến cấu trúc bao hoạt dịch bị biến đổi.
+ Chế độ dinh dưỡng: Thói quen ăn uống thiếu khoa học, không bổ sung đủ dưỡng chất cho cơ thể hoặc thường xuyên sử dụng thực phẩm có hại sẽ khiến hệ miễn dịch cũng như hệ thống xương khớp trên cơ thể dần bị suy yếu. Lúc này, khớp gối sẽ hoạt động bất thường, làm gia tăng nguy cơ nhiễm khuẩn và đẩy nhanh tốc độ thoái hóa.
+ Thói quen sinh hoạt: Một số thói quen sinh hoạt xấu gây ảnh hưởng không tốt đến khớp và làm gia tăng nguy cơ bị viêm bao hoạt dịch khớp gối là lười vận động, thường xuyên thức khuya, vận động sai cách hoặc sai tư thế, khuân vác vật quá nặng,...
Biến chứng
Chuyên gia xương khớp cho biết, viêm bao hoạt dịch khớp gối là bệnh lý không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, các triệu chứng của bệnh thường diễn ra kéo dài, điều này đã khiến cho sức khỏe của người bệnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng và làm suy giảm chất lượng cuộc sống hàng ngày.
Nếu bạn chủ quan trong việc điều trị viêm bao hoạt dịch khớp gối, tổn thương tại khớp sẽ trở nên ngày càng nghiêm trọng và gây ra các biến chứng sau đây:
- Các cơ quan tại khớp như sụn khớp, dây chằng,... bị chèn ép lâu ngày sẽ dẫn đến tình trạng hư hỏng nặng, điều này đã khiến cho khả năng vận động của người bệnh bị hạn chế.
- Nhiều trường hợp còn bị phá hủy khớp hoàn toàn, mất hoàn toàn khả năng vận động và dẫn đến bại liệt.
- Nếu có sự xuất hiện của khối u nang hoặc nếp gấp tại khớp gối bị viêm sẽ làm gia tăng nguy cơ bị ung thư, tràn dịch khớp gối hoặc Hoffa,...
Ngay khi có các dấu hiệu ban đầu của bệnh lý này, bạn cần thăm khám và điều trị chuyên khoa đúng cách. Khi bệnh khởi phát ở người trẻ với mức độ cấp tính, nếu được phát hiện và điều trị đúng cách sẽ có khả năng chữa khỏi hoàn toàn. Ngược lại, nếu bệnh đã diễn ra kéo dài và chuyển biến sang giai đoạn mãn tính thì việc chữa khỏi hoàn toàn là hầu như không thể. Đồng thời, chi phí điều trị bệnh ở giai đoạn mãn tính cũng không hề thấp.
Phòng ngừa
Để quá trình điều trị bệnh viêm bao hoạt dịch khớp gối nhanh chóng mang lại hiệu quả, phòng ngừa bệnh tái phát trở lại gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống hàng ngày thì bạn cần lưu ý những điều sau đây:
- Điều chỉnh thời gian làm việc và nghỉ ngơi sao cho hợp lý, không nên làm việc quá sức trong suốt quá trình điều trị bệnh giúp bao hoạt dịch và sụn khớp được phục hồi hoàn toàn.
- Tắm nước ấm mỗi ngày giúp thư giãn cơ thể, sử dụng gậy hoặc nạng sau điều trị bệnh để hạn chế gây áp lực lên sụn khớp. Tiến hành giảm cân khoa học khi cần thiết.
- Tập luyện thể dục thể thao ở mức độ phù hợp giúp quá trình phục hồi tổn thương tại khớp gối diễn ra tốt hơn. Một số bài tập được gia khuyến khích tập luyện là yoga và bơi lội. Cần khởi động làm nóng khớp trước khi vận động để tránh bị chấn thương
- Loại bỏ các thói quen tác động xấu lên khớp gối như ngồi bắt chéo chân, ngồi khoanh chân, mang vác vật nặng,... Tuyệt đối không chơi các bộ môn thể thao vận động mạnh như đá bóng, điền kinh,...
- Có chế độ dinh dưỡng khoa học giúp bổ sung đầy đủ các nhóm dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là vitamin và khoáng chất. Nhóm dưỡng chất này có rất nhiều trong rau xanh, trái cây tươi, cá béo,...
- Loại bỏ khỏi thực đơn ăn uống hàng ngày các loại thực phẩm xấu gây phá hủy xương khớp như đồ ăn giàu chất béo, đồ chiên xào nhiều dầu, nội tạng động vật, chất kích thích,...
- Kiểm soát tốt các bệnh lý mãn tính làm gia tăng nguy cơ bị viêm bao hoạt dịch khớp gối như viêm khớp dạng thấp, tiểu đường, thoái hóa khớp,... Tiến hành thăm khám sức khỏe xương khớp định kỳ giúp sớm phát hiện bất thường và có biện pháp can thiệp kịp thời.
Biện pháp điều trị
Khi có các dấu hiệu bất thường tại khớp gối, bạn cần đến bệnh viện thăm khám xác định bệnh trạng để được hướng dẫn điều trị đúng cách. Với những trường hợp bị viêm bao hoạt dịch khớp gối, bác sĩ sẽ dựa vào mức độ tổn thương tại khớp để tư vấn cho người bệnh phương pháp điều trị phù hợp. Cụ thể là:
Điều trị tại nhà
Khi bệnh viêm bao hoạt dịch khớp gối chỉ mới khởi phát ở mức độ nhẹ, bác sĩ sẽ khuyến khích người bệnh tự điều trị tại nhà bằng các mẹo đơn giản giúp cải thiện triệu chứng của bệnh, tránh tình trạng lạm dụng thuốc Tây y. Lúc này, bạn nên sử dụng nẹp để cố định đầu gối trong khoảng 10 ngày. Cách này có tác dụng giảm viêm đau, hạn chế các vận động tại cơ quan này và ngăn ngừa tổn thương tại khớp tiếp tục chuyển biến nặng.
Đồng thời, người bệnh cũng nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi giúp bao hoạt dịch phục hồi tổn thương và có thể hoạt động một cách bình thường trở lại. Với những trường hợp khởi phát cơn đau nhức gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày, bạn có thể áp dụng một số mẹo giảm đau sau đây:
- Chườm lạnh giúp giảm viêm sưng, làm tê liệt dây thần kinh tạm thời và đẩy lùi triệu chứng đau nhức. Sau đó tiến hành chườm nóng giúp tăng lưu thông máu đến khớp và chữa lành tổn thương.
- Tắm nước nóng trước khi đi ngủ giúp thư giãn cơ bắp, giải tỏa căng thẳng và ngủ ngon hơn. Đồng thời, cách này còn có tác dụng hạn chế khởi phát cơn đau nhức khi về đêm.
- Kê cao chân khi ngủ hoặc nằm nghỉ ngơi giúp tuần hoàn máu về tim diễn ra tốt hơn, từ đó cảm giác đau nhức cũng được cải thiện đáng kể.
- Sử dụng một số loại thảo dược có tác dụng giảm đau trong tự nhiên sao nóng cùng với muối hạt rồi đắp lên vùng khớp gối bị đau nhức. Thường dùng là lá lốt, ngải cứu, đinh lăng, rễ trinh nữ,...
- Uống trà thảo dược giúp nâng cao sức đề kháng cơ thể, giải tỏa căng thẳng thần kinh và giảm đau nhức. Bạn có thể uống trà hoa cúc, trà gừng, trà xanh,...
- Bạn cũng có thể sử dụng một số loại thuốc mỡ bôi bên ngoài da để hỗ trợ cải thiện triệu chứng đau nhức và ngăn ngừa viêm nhiễm.
Điều trị y tế
Với những trường hợp bệnh không thể cải thiện bằng các mẹo ở trên, bạn cần tiến hành điều trị y tế dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Điều trị y tế giúp cải thiện nhanh chóng triệu chứng khó chịu do bệnh gây ra, ngăn ngừa tổn thương tại khớp tiếp tục chuyển biến nặng và phát sinh biến chứng. Các phương pháp điều trị viêm bao hoạt dịch khớp gối được áp dụng phổ biến trong y khoa là:
+ Dùng thuốc Tây y
Đây là phương pháp trị bệnh được áp dụng rộng rãi nhất hiện nay. Thuốc tây y có tác dụng giảm nhanh triệu chứng của bệnh nhưng bạn không được quá lạm dụng để tránh phát sinh tác dụng phụ gây hại đến gan thận. Các loại thuốc thường được kê đơn điều trị viêm bao hoạt dịch khớp gối là:
- Thuốc giảm đau thông thường (Acetaminophen, aspirin, paracetamol): Thuốc có tác dụng giảm đau tốt với những trường hợp bị đau nhức ở mức độ nhẹ và trung bình. Thường được kê đơn với những trường hợp viêm sưng nhẹ tại khớp.
- Thuốc chống viêm không steroid (Ketoprofen, ibuprofen, naproxen sodium): Thuốc có tác dụng ức chế sản sinh ra hoạt chất trung gian gây viêm prostaglandin, từ đó tình trạng viêm đau sẽ dần được cải thiện.
- Tiêm corticoid vào khớp: Được chỉ định thực hiện với những trường hợp đau nhức ở mức độ nghiêm trọng, không thể giảm đau bằng hai loại thuốc trên. Thuốc được tiêm trực tiếp vào trong khớp giúp mang lại hiệu quả giảm viêm đau tức thời. Việc tiêm thuốc cần được thực hiện bởi những người có chuyên môn để tránh phát sinh biến chứng.
- Thuốc kháng sinh: Thường được kê đơn điều trị với những trường hợp viêm bao hoạt dịch khớp gối có dấu hiệu nhiễm khuẩn hoặc do nhiễm khuẩn. Kháng sinh có tác dụng ức chế hoạt động của vi khuẩn gây hại và dần loại bỏ chúng. Dựa vào tình trạng nhiễm khuẩn ở từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ kê đơn loại kháng sinh điều trị cho phù hợp.
Thông thường, việc dùng thuốc điều trị bệnh sẽ không kéo dài quá 10 ngày để tránh phát sinh tác dụng phụ gây hại đến sức khỏe. Việc lạm dụng thuốc giảm đau trong thời gian dài còn gây ra tình trạng lờn thuốc và khiến việc điều trị sau này gặp nhiều khó khăn. Vì thế, trong suốt quá trình điều trị bệnh bạn cần tuân thủ theo đúng chỉ định dùng thuốc mà bác sĩ chuyên khoa đã đưa ra, tuyệt đối không tự ý tăng giảm liều lượng.
+ Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu sẽ được chỉ định thực hiện kết hợp với dùng thuốc Tây y để hỗ trợ giảm đau, phục hồi tổn thương tại khớp gối và giúp vận động tại khớp trở nên linh hoạt hơn. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ nên áp dụng với trường hợp đau nhức mãn tính và không phù hợp thực hiện khi bị đau ở giai đoạn cấp tính. Một số phương pháp vật lý trị liệu thường được áp dụng để cải thiện tình trạng viêm bao hoạt dịch khớp gối là châm cứu, bấm huyệt, chiếu tia hồng ngoại hoặc tia laser, vận động trị liệu,...
Cũng tương tự như việc dùng thuốc Tây y, vật lý trị liệu chỉ nên áp dụng để giảm đau tạm thời. Nếu bạn áp dụng kéo dài mà vẫn tiếp tục duy trì các thói quen sinh hoạt xấu sẽ khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.
+ Điều trị xâm lấn
Nếu bệnh viêm bao hoạt dịch khớp gối không có chuyển biến tốt sau khi điều trị nội khoa, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện điều trị bằng phương pháp xâm lấn để cải thiện triệu chứng của bệnh. Hai phương pháp điều trị xâm lấn thường được áp dụng để chữa bệnh lý này là chọc hút dịch khớp và cắt bỏ bao hoạt dịch.
Việc thực hiện điều trị viêm bao hoạt dịch khớp gối bằng phương pháp xâm lấn mang lại hiệu quả nhanh chóng nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Người bệnh cần phải cân nhắc thật kỹ và tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước khi thực hiện. Để hạn chế rủi ro, bạn nên thực hiện điều trị bệnh tại các cơ sở y tế uy tín với bác sĩ có tay nghề và trình độ chuyên môn cao.
- Chuyên gia
- Cơ sở