Ho khan
Ho khan hay còn gọi là ho không có đờm là tình trạng cổ họng có dị vật khiến bạn hình thành phản xạ ho để tống dị vật ra ngoài. Ho khan có thể xuất hiện sau khi bạn bị cảm cúm, cảm lạnh hoặc thậm chí mắc các bệnh nguy hiểm như suy tim, ung thư phổi. Theo dõi bài viết sau đây để tìm hiểu về nguyên nhân và cách chăm sóc sức khỏe tại nhà khi gặp phải tình trạng này.
Định nghĩa
Ho khan là triệu chứng ho nhưng không có đờm. Bởi vì không có chất nhầy ở phổi và cổ họng nên không có gì thoát ra khi bạn ho. Thực chất những cơn ho là cách cơ thể bạn làm sạch đường thở khỏi các chất kích thích, giúp bạn có thể thở dễ dàng hơn.
Khi ho khan, bạn có thể cảm thấy trong cổ như có dị vật bị vướng. Điều này khiến người bệnh cố gắng hắng giọng bằng cách ho. Khi đẩy không khí ra ngoài một cách quá mạnh, cổ họng của bạn có thể bị kích ứng và khô, gây đau họng, khàn tiếng.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra tình trạng ho khan rất đa dạng, bao gồm:
- Cảm cúm, cảm lạnh.
- Covid-19.
- Viêm phế quản.
- Viêm phổi.
- Hen suyễn.
- Ho gà.
- Trào ngược dạ dày thực quản.
- Viêm đường hô hấp trên.
- Dị ứng với hóa chất, lông động vật, khói bụi, phấn hoa,...
- Ho ho tác dụng phụ của 1 số loại thuốc.
- Do hút thuốc lá hoặc ngửi phải hơi thuốc thường xuyên.
Ngoài ra, ho khan lâu ngày cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đang mắc phải những căn bệnh nghiêm trọng, có khả năng đe dọa đến tính mạng như:
- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
- Bệnh xơ nang .
- Suy tim.
- Xẹp phổi.
- Ung thư phổi.
- Thuyên tắc phổi.
- Hội chứng ngưng thở khi ngủ.
- Lao phổi.
Chăm sóc tại nhà
Hầu hết các trường hợp ho khan sẽ hết khi bạn tìm được nguyên nhân gây bệnh và tiến hành điều trị. Thuốc ho không kê đơn sẽ là loại thuốc được dùng nhiều nhất trong trường hợp này. Tuy nhiên đối với trẻ em dưới 4 tuổi sẽ không cho sử dụng bất kỳ loại thuốc ho nào vì nguy cơ gặp phải tác dụng phụ là rất cao.
Dưới đây là một vài biện pháp khắc phục tình trạng ho khan tại nhà, bạn có thể tham khảo áp dụng:
- Uống nhiều nước ấm hoặc uống trà thảo mộc để làm dịu cổ họng, tránh đường thở bị kích thích.
- Ngậm thuốc ho hoặc kẹo cứng để thúc đẩy cổ họng tiết nước bọt, làm dịu cổ họng. Nên tránh dùng các loại kẹo ngậm cho trẻ dưới 4 tuổi vì có thể gây nghẹn.
- Uống trà mật ong hoặc ngậm một thìa mật ong trong cổ họng để cải thiện tình trạng ho khan. Tuy nhiên không được dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi vì có thể gây ngộ độc.
- Sử dụng máy tạo độ ẩm phun sương để giúp không khí trong phòng ngủ không bị khô. Việc bổ sung độ ẩm này sẽ giúp làm dịu đường thở, giảm ho khan, viêm họng.
- Tắm nước nóng, tắm hơi cũng là cách giúp giảm ho khan tại nhà hiệu quả.
- Kê gối cao đầu khi ngủ để ngăn ngừa tình trạng chảy dịch mũi sau và trào ngược dạ dày thực quản, giúp giảm ho.
- Dùng nước muối loãng để súc miệng mỗi ngày nhằm sát khuẩn đường hầu họng, giúp chữa ho khan kéo dài.
Khi nào đi khám bác sĩ?
Ho khan không phải là một bệnh lý quá nghiêm trọng đối với sức khỏe. Nó có thể diễn ra bộc phát và tự khỏi, hoặc cũng có thể kết thúc sau vài ngày điều trị tại nhà. Tuy nhiên, nếu bạn có một trong số những biểu hiện sau đây thì nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám, kiểm tra sức khỏe.
- Ho khan kéo dài hơn 1 tuần.
- Ho khan liên tục, hơi thở kém, hụt hơi, khó thở, thở khò khè.
- Ho nhiều vào ban đêm.
- Ho kèm theo tình trạng đau tức ngực dữ dội không rõ nguyên nhân.
- Mệt mỏi, sốt, phát ban, ớn lạnh, khàn tiếng, đau tai.
- Huyết áp tăng cao.
- Giảm cân bất thường.
- Ho ra máu.
Câu hỏi thường gặp
Những băn khoăn thắc mắc dưới đây về ho khan sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng này.
Tại sao lại cảm thấy đau ngực khi ho khan?
Khi bị ho khan, do không có chất nhầy bên trong nên về cơ bản người bệnh sẽ ho ra không khí. Ho khan dữ dội hoặc kéo dài hơn 3 tuần có thể làm căng phổi và cơ ngực của bạn. Điều này khiến bạn bị đau tức ngực khi ho.
Hầu hết mọi người đều cảm thấy tức ngực khi bị ho khan. Bạn sẽ có cảm giác lồng ngực bị bóp chặt, giống như có vật nặng đang đè lên. Đôi khi tình trạng ho khan kèm theo đau ngực có thể là dấu hiệu cho thấy bạn bị viêm phổi, ung thư phổi hoặc đau tim. Khi đó người bệnh cần được thăm khám và kiểm tra sức khỏe một cách chi tiết.
Kỹ thuật y tế nào giúp bác sĩ chẩn đoán ho khan?
Để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng ho khan là gì, bác sĩ chuyên khoa sẽ bắt đầu hỏi về các triệu chứng và bệnh sử dụng của bạn. Sau đó sẽ yêu cầu bạn thực hiện một số kiểm tra để làm rõ hơn nguyên nhân gây bệnh. Một số phương pháp chẩn đoán được bác sĩ tiến hành thực hiện như:
- Nội soi vùng thực quản để kiểm tra các vấn đề bên trong thực quản, phế quản, giúp bác sĩ quan sát được vùng khí quản và đường thở.
- Chụp X-quang hoặc CT vùng ngực để giúp bác sĩ kiểm tra các vấn đề bên trong ngực.
- Đo phế dung để kiểm tra chức năng phổi giúp chẩn đoán các tình trạng như hen suyễn hoặc IPF.
Ho khan thành từng cơn đang cảnh báo bệnh gì?
Ho khan nhiều lần, kéo dài và ho thành từng cơn ngắn có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đang bị bệnh ho gà. Người bệnh sẽ ho liền một cơn, sau đó hít một hơi dài và tiếp tục ho thành nhiều cơn ho ngắn.
Tình trạng này nếu kéo dài sẽ làm tăng áp lực trong lồng ngực, gây ứ huyết tĩnh mạch chủ trên, khiến tĩnh mạch cổ nổi phồng, người bệnh có thể bị đỏ mặt, chảy nước mắt, nôn mửa, kèm theo tình trạng đau ê ẩm ở ngực, lưng và bụng do cơ hô hấp đã bị co bóp quá mức.
Ho khan ra máu có nguy hiểm không?
Ho khan ra máu là hiện tượng vô cùng nguy hiểm. Trong cơn ho người bệnh có thể thấy máu xuất hiện. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng ho khan ra máu. Nó có thể xảy ra đột ngột hoặc sau khi bệnh nhân vừa hoạt động mạnh.
Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đang bị một số căn bệnh nguy hiểm như: Viêm phổi cấp và mạn tính, bệnh lao phổi, ung thư phổi... Trong đó, 90% trường hợp ho ra máu là do bệnh lao phổi gây ra. Khi đó người bệnh sẽ có thêm các triệu chứng như ho kéo dài, sốt nhẹ, sút cân.
Những đối tượng nào dễ có nguy cơ bị ho khan?
Bất kỳ đối tượng nào cũng có thể bị ho khan. Tuy nhiên những đối tượng sau đây sẽ có nguy cơ bị ho khan nhiều hơn những người khác.
- Trẻ nhỏ có hệ miễn dịch còn non yếu, dễ bị các tác nhân bên ngoài xâm nhập.
- Phụ nữ mang thai có hệ miễn dịch kém dễ bị mắc các bệnh cảm cúm, cảm lạnh.
- Người hút thuốc lá, thuốc lào, thuốc lá điện tử trong nhiều năm.
- Người thường xuyên ngửi phải hơi thuốc trong nhiều năm.
- Người phải làm việc trong môi trường có nhiều khói bụi công nghiệp, khói xe, khói từ than tổ ong.
Làm thế nào để phòng ngừa ho khan?
Một số lưu ý dưới đây sẽ giúp bạn phòng ngừa ho khan tại nhà một cách hiệu quả:
- Tránh tiếp xúc với các chất kích thích và các chất gây dị ứng như hóa chất, nấm mốc, nước hoa.
- Chú ý tới việc vệ sinh cá nhân và rửa tay thường xuyên để ngăn ngừa các bệnh về đường hô hấp.
- Ngưng hút thuốc lá và tránh xa những nơi có khói thuốc.
- Nên đeo khẩu trang cẩn thận mỗi khi ra ngoài đường.
- Uống nhiều nước, ăn nhiều rau, củ, quả để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
- Nếu ngủ trong phòng có điều hòa bạn nên sử dụng máy phun sương để tạo độ ẩm trong không khí.
- Thường xuyên dọn dẹp phòng ngủ, giặt giũ chăn, màn, gối, ga giường để loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn, virus, nấm mốc gây bệnh.
- Có thể tiêm các loại vacxin phòng ngừa bệnh cúm, ho gà, covid-19 và các loại bệnh khác lây truyền qua đường hô hấp.
Ho khan có thể xảy ra ở nhiều đối tượng với các nguyên nhân gây bệnh khác nhau. Thông thường chứng ho khan sẽ biến mất khi bạn xác định được nguyên nhân và tiến hành điều trị cơ bản. Bạn có thể sử dụng các biện pháp khắc phục tại nhà để làm dịu cơn ho khan. Trường hợp bệnh kéo dài dai dẳng kèm theo các triệu chứng khó chịu, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám, kiểm tra và điều trị theo phác đồ.