Chàm Bội Nhiễm
Chàm bội nhiễm là mức độ nghiêm trọng nhất của bệnh chàm do có sự tấn công của virus vào các tế bào da và gây nên tình trạng nhiễm trùng. Sau thời gian ủ bệnh khoảng 1-2 tuần, bề mặt da của người bệnh sẽ xuất hiện các mụn nước bên trong có chứa dịch, kèm theo đó là cảm giác đau rát và ngứa ngáy. Để ngăn chặn tổn thương lan rộng và các biến chứng, tốt nhất bệnh nhân nên chủ động điều trị trong 72 giờ đầu khi bệnh bùng phát.
Định nghĩa
Chàm bội nhiễm còn có tên gọi là Eczema Herpeticum. Đây là một dạng tổn thương gây ra bởi sự xâm nhập của virus Herpes simplex 1. Thông các vết xước trên bề mặt da (do cào gãi, chà xát hoặc chăm sóc da không đúng cách) chúng xâm nhập và gây nên những tổn thương.
Sau khoảng 1-2 tuần ủ bệnh, bệnh chàm bội nhiễm thường bắt đầu xuất hiện. Điều đáng lo ngại là bệnh không chỉ ảnh hưởng đến vùng da bị tổn thương mà còn gây ra nhiều triệu chứng toàn thân, tác động đến nhiều đối tượng khác nhau, bao gồm người lớn, phụ nữ mang thai, trẻ em và trẻ sơ sinh.
Theo các báo cáo y tế, bệnh lý này thường xuất hiện ở những bệnh nhân mắc bệnh da liễu liên quan đến các thể chàm như viêm da cơ địa, chàm tổ đỉa, viêm da dầu,... Đây là những bệnh chỉ gây ra triệu chứng ngứa ngáy trên da, phần lớn chưa gây nguy hại tới sức khỏe. Tuy nhiên, nếu không được can thiệp sớm, bệnh có thể đe dọa trực tiếp tới tính mạng.
Hình ảnh
Triệu chứng
Theo các tài liệu y tế, bệnh chàm bội nhiễm có xu hướng phát sinh tổn thương sau khoảng 1-2 tuần ủ bệnh. Vùng da hở như mặt, đầu, cổ,... là những vị trí xuất hiện bệnh chủ yếu. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp thì những tổn thương của bệnh có thể lan rộng và xuất hiện toàn thân.
Theo đó, các triệu chứng chàm bội nhiễm phổ biến nhất là:
- Bề mặt da có những mụn nước nhỏ, bên trong có dịch trong suốt với kích thước tương khoảng 2-4mm.
- Nhiều mụn nước mọc rải rác trên da và rất dễ vỡ.
- Người bệnh luôn có cảm giác đau rát, ngứa ngáy, khó chịu trên da.
- Một số ít bệnh nhân bị chàm bội nhiễm với những mụn nước màu tím, đen hoặc đỏ.
- Mụn nước vỡ tạo thành các vết trợt nông, chúng có xu hướng đóng vảy tiết dày khi bị bội nhiễm do vi khuẩn.
- Sau khoảng 7-10 bùng phát một vùng da nhất định, những tổn thương mới sẽ xuất hiện ở vùng da khác trên cơ thể.
- Triệu chứng của bệnh có thể kéo dài từ 2-6 tuần và sẽ để lại sẹo thâm.
Bên cạnh những triệu chứng tại chỗ như trên, bệnh chàm bội nhiễm có thể gây ra các triệu chứng toàn thân bao gồm:
- Sốt cao.
- Ớn lạnh.
- Mệt mỏi.
- Sưng các hạch bạch huyết.
Riêng đối với những bệnh nhân nặng, có thể xuất hiện các tổn thương da ở vùng mí mắt, ảnh hưởng trực tiếp tới thị lực của bệnh nhân.
Nguyên Nhân
Theo các chuyên gia da liễu, nguyên nhân chàm bội nhiễm chủ yếu xuất phát từ virus Herpes simplex 1. Song ở một số bệnh nhân, tình trạng bội nhiễm có thể được gây ra bởi virus Herpes simplex 2 cùng những chủng virus khác. Điểm đặc biệt của loại virus này là luôn có xu hướng gây nhiễm trùng cho các vùng da từng bị tổn thương do bệnh lý da liễu khác như chàm khô, viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc…
Vietmec cho biết, bên cạnh nguyên nhân virus, các yếu tố dưới đây cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc chàm bội nhiễm:
- Không điều trị sớm: Chàm là bệnh lý mãn tính, khó điều trị, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát cao. Nếu bệnh không được xử lý kịp thời các vùng da sẽ bị bong tróc, gây cảm giác ngứa ngáy, nứt nẻ và tạo điều kiện cho virus xâm nhập. Từ đây, làm xuất hiện các triệu chứng chàm bội nhiễm.
- Thường xuyên cào gãi: Bệnh chàm thường xuyên gây ngứa ngáy, châm chích trên da nên rất dễ kích thích các phản ứng cào gãi. Việc cào gãi, chà xát có thể khiến da trầy xước, chảy máu và làm gia tăng nguy cơ bội nhiễm.
- Lạm dụng thuốc bôi trị bệnh chàm: Trong các loại thuốc bôi ngoài trị bệnh chàm, điển hình là corticoid và calcineurin có chứa các hoạt chất giúp ức chế miễn dịch. Khi lạm dụng những thuốc này trong thời gian dài có thể gây mất khả năng đề kháng, tạo điều kiện cho sự tấn công của các loại virus, nấm và vi khuẩn gây bệnh.
- Vệ sinh da chưa sạch sẽ: Việc vệ sinh da không sạch sẽ có thể tạo điều kiện cho virus Herpes cùng một số chủng virus khác xâm nhập và gây nên tình trạng nhiễm trùng.
Các nghiên cứu gần đây còn chỉ ra rằng, những bệnh nhân bị bệnh chàm luôn có làn da khô, nhạy cảm, lớp màng lipid bị suy giảm chức năng. Do vậy, da cũng sẽ mất đi khả năng chống virus và nguy cơ bội nhiễm cao hơn ở những vùng da lành.
Biến chứng
Chàm bội nhiễm không được điều trị đúng cách có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng:
- Nhiễm trùng lan rộng: Vi khuẩn hoặc virus xâm nhập qua vết thương hở do gãi, gây nhiễm trùng da lan rộng, thậm chí nhiễm trùng huyết đe dọa tính mạng.
- Sẹo và thay đổi sắc tố da: Gãi ngứa và viêm nhiễm mãn tính có thể để lại sẹo vĩnh viễn, vùng da bị chàm cũng có thể thay đổi màu sắc.
- Rối loạn giấc ngủ: Ngứa ngáy dữ dội gây khó ngủ, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và sức khỏe tổng thể.
- Ảnh hưởng tâm lý: Căng thẳng, lo lắng, tự ti do ngoại hình và khó chịu do ngứa có thể gây ra các vấn đề tâm lý.
- Biến chứng hiếm gặp: Viêm mô tế bào, viêm hạch bạch huyết, chàm herpeticum (nhiễm trùng do virus herpes simplex).
Phòng ngừa
Chàm bội nhiễm luôn tiềm ẩn nguy cơ tái phát khi có điều kiện thích hợp. Tuy triệu chứng ở những lần tái phát sau sẽ nhẹ hơn lần đầu nhưng có thể để lại sẹo và gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe. Do vậy, bệnh nhân nên chủ động áp dụng các biện pháp phòng tránh sau:
- Tuyệt đối KHÔNG chà xát, cào gãi lên vùng da bị bệnh để tránh làm gia tăng các tổn thương.
- Vệ sinh da đúng cách, trước khi dùng kem/thuốc bôi ngoài nên vệ sinh vùng da rồi chờ khô. Việc vệ sinh kém sạch sẽ có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây bệnh.
- Không tự ý mua và sử dụng thuốc calcineurin và corticoid khi chưa được chỉ định.
- Tránh tiếp xúc vùng da của người bị bệnh, không dùng chung các vật dụng cá nhân như son, khăn mặt, quần áo,...
- Thận trọng trong sử dụng mỹ phẩm, trang điểm. Tuyệt đối nói KHÔNG với những loại mỹ phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
- Trong trường hợp da có vết thương hở, bệnh nhân nên sát trùng để ngăn chặn tình trạng nhiễm trùng xảy ra.
- Khi da có vết thương hở, cần sát trùng da để ngăn ngừa nhiễm trùng.
Biện pháp chẩn đoán
Để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho mỗi bệnh nhân, trước hết bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán lâm sàng và một số xét nghiệm sàng lọc (xét nghiệm PCR, xét nghiệm tế bào học). Những chẩn đoán này được chỉ định nhằm phân biệt với các bệnh lý da liễu như: Chốc lở, zona thần kinh, mụn rộp sinh học, thủy đậu…
Trong trường hợp bệnh nhân bị tổn thương da nặng và không thể chờ kết quả xét nghiệm thì bác sĩ có thể yêu cầu dùng một số loại thuốc kháng virus toàn thân để dự phòng biến chứng, bảo vệ sức khỏe.
Biện pháp điều trị
Sau khi có kết quả chẩn đoán chính xác, bác sẽ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh nhân. Theo các bác sĩ, việc can thiệp sớm sẽ quyết định tới 80% hiệu quả điều trị, 20% còn lại do ý thức chăm sóc, kiêng khem của bệnh nhân. Nếu chậm trễ trong xử lý có thể tạo điều kiện cho virus phát triển mạnh, làm gia tăng các tổn thương cho da, gây nhiều biến chứng nặng nề.
Các biện pháp chăm sóc, giảm triệu chứng tại nhà
Để tránh tình trạng chàm bội nhiễm tái phát và các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn, người bệnh cần chủ động áp dụng các biện pháp chăm sóc da phù hợp ngay tại nhà. Do bệnh lý này có thể xuất hiện ở nhiều đối tượng khác nhau nên việc chăm sóc tại nhà đối với từng nhóm bệnh nhân cũng có sự khác biệt.
Chàm bội nhiễm ở người lớn
Để chàm bội nhiễm nhanh khỏi, không gây ra những biến chứng cho sức khỏe, mỗi người nên chủ động thực hiện những biện pháp sau:
- Tránh xa các tác nhân dị ứng nhằm bảo vệ da khỏi những tổn thương nghiêm trọng hơn.
- Không cào gãi hay chà xát lên vùng da bị tổn thương để tránh nhiễm trùng nặng hơn và tạo thành vòng lặp “ngứa - gãi - nhiễm trùng”.
- Luôn dưỡng ẩm cho da bằng những biện pháp phù hợp, bởi da khô rất dễ khiến chàm bội nhiễm trở nên trầm trọng hơn.
- Lựa chọn quần áo rộng rãi, chất liệu thấm hút mồ hôi để không gây cọ xát vào da.
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thường xuyên tắm rửa và giặt giũ quần áo, vệ sinh nhà cửa, chăn gối thường xuyên.
Chàm bội nhiễm ở trẻ em, trẻ sơ sinh
Đối với tình trạng chàm bội nhiễm ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ bố mẹ nên làm những điều sau tại nhà:
- Luôn giúp cơ thể trẻ thoáng mát bằng việc lựa chọn quần áo, bố trí phòng ngủ. Bởi thời tiết nóng bức, quần áo chật chội cũng có thể làm bệnh trầm trọng hơn.
- Hãy cắt móng tay cho bé thường xuyên. Nếu bé còn là trẻ sơ sinh, hãy đeo bao tay cho bé để tránh việc bé vô tình cào vào những vùng da đang bị tổn thương.
- Lựa chọn các loại kem dưỡng ẩm phù hợp, tránh gia tăng tổn thương cho da của bé.
Chàm bội nhiễm ở bà bầu
Nếu như mẹ bầu bị chàm bội nhiễm, chế độ chăm sóc tại nhà cần đặc biệt hơn vì đây là đối tượng tương đối nhạy cảm. Cụ thể chị em có thể tham khảo một số gợi ý sau:
- Thường xuyên dưỡng ẩm cho da bằng các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, an toàn.
- Tránh xa các loại hóa chất.
- Luôn giữ cơ thể thoáng mát, duy trì trạng thái tinh thần thư giãn thoải mái.
Cảnh báo: Tuyệt đối tránh tự ý điều trị chàm bằng phương pháp dân gian khi đã bị bội nhiễm. Việc này có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho da, làm bệnh lan rộng và cản trở quá trình điều trị chuyên khoa sau này.
Điều trị chàm bội nhiễm bằng thuốc Tây
Đối với bệnh chàm bội nhiễm, việc điều trị đặc hiệu thường đòi hỏi sử dụng thuốc Tây. Dưới đây là một số loại thuốc thường được bác sĩ chỉ định:
- Nhóm thuốc kháng virus: Những loại thuốc này thường được chỉ định trong vòng 72 giờ sau khi các tổn thương trên da khởi phát nhằm ức chế chủng virus điển hình như virus Herpes simplex 1, Epstein Barr, Varicella zoster… Tuy nhiên, nhóm thuốc này chống chỉ định cho bệnh nhân bị suy thận, suy gan…
- Nhóm thuốc kháng sinh: Sử dụng cho những bệnh nhân bị bội nhiễm do vi khuẩn (điển hình nhất là tụ cầu vàng). Trong đó thuốc kháng sinh đường uống nhóm beta-lactam là phổ biến hơn cả.
- Nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt: Chàm bội nhiễm khiến bệnh nhân tăng thân nhiệt, gây ra các triệu chứng đau nhức và mệt mỏi. Để cải thiện những tình trạng trên, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân dùng thuốc giảm đau, hạ sốt hoặc thuốc kháng viêm như Paracetamol hay NSAID.
Sau khi tình trạng bội nhiễm đã được kiểm soát, bên nhân cần tích cực áp dụng các biện pháp nhằm làm giảm tổn thương và thâm sẹo. Quá trình này sẽ mất khoảng 6-8 tuần nếu các vùng tổn thương mới không khởi phát.
Bài thuốc Đông trị chàm bội nhiễm
Trong Đông y, chàm bội nhiễm được xem là do sự mất cân bằng âm dương, nhiệt độc tích tụ và phong tà xâm nhập. Dưới đây là một số bài thuốc Đông y thường được sử dụng để điều trị chàm bội nhiễm.
Bài thuốc thanh nhiệt giải độc
- Thành phần: Kim ngân hoa, bồ công anh, hạ khô thảo, ké đầu ngựa, sài đất, mỗi vị 12g.
- Cách sử dụng: Sắc thuốc mỗi ngày một thang, chia thành 2-3 lần uống trong ngày.
- Tác dụng: Làm mát, giải độc, kháng viêm, giảm ngứa.
Bài thuốc trừ phong thấp
- Thành phần: Hy thiêm, phòng phong, bạch chỉ, kinh giới, độc hoạt, mỗi vị 10g.
- Cách sử dụng: Sắc thuốc mỗi ngày một thang, chia thành 2-3 lần uống trong ngày.
- Công dụng: Trừ phong thấp, giảm đau nhức, giảm ngứa.
Bài thuốc dưỡng huyết nhuận da
- Thành phần: Cần chuẩn bị các vị thuốc sau, cân đều mỗi vị 10g đương quy, sinh địa, bạch thược, xuyên khung.
- Cách sử dụng: Sắc thuốc mỗi ngày một thang, chia thành 2-3 lần uống trong ngày.
- Công dụng: Dưỡng huyết, nhuận da, giảm khô da, nứt nẻ.
Bài thuốc bôi ngoài
- Thành phần: Hoàng bá, khổ sâm, đại hoàng, long não, mỗi vị 10g, nghiền thành bột mịn.
- Cách dùng: Trộn bột với dầu dừa hoặc dầu vừng, bôi lên vùng da bị chàm 2-3 lần/ngày.
- Công dụng: Kháng khuẩn, chống viêm, giảm ngứa.
Bài thuốc ngâm rửa
- Thành phần: Kim ngân hoa, khổ sâm, hoàng bá, mỗi vị 20g.
- Cách dùng: Sắc lấy nước, để nguội, ngâm rửa vùng da bị chàm 2-3 lần/ngày.
- Công dụng: Làm sạch da, giảm viêm, giảm ngứa.
Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà
Chàm bội nhiễm kiêng ăn gì, kiêng gì rất quan trọng. Bởi chế độ dinh dưỡng tác động trực tiếp vào quá trình hồi phục của bệnh nhân. Dưới đây là những khuyến cáo của chuyên gia da liễu về việc xây dựng thực đơn cho người bệnh:
Những thực phẩm nên ăn
Người bệnh chàm bội nhiễm nên tăng cường sử dụng những thực phẩm sau:
- Thực phẩm giúp giải độc: Cải bắp, súp lơ xanh, rau xà lách,... chúng giúp thanh nhiệt, bài trừ độc tố cho cơ thể hiệu quả.
- Đồ ăn chứa hoạt chất chống viêm: Dầu cá, hạt anh thảo, hạt lanh,... chứa hoạt chất chống viêm, giúp củng cố hệ miễn dịch và ngăn ngừa bệnh tái phát.
- Thực phẩm giàu kẽm: Việc thiếu hụt kẽm không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn tạo điều kiện cho các bệnh về da phát triển. Do đó bệnh nhân nên tăng cường ăn thịt lợn nạc, trà xanh, hạnh nhân,...
- Những món ăn giàu vitamin: Đậu tương, lúa mạch, cà rốt, đu đủ, dứa, cam, bưởi,... giúp làm lành tổn thương, loại bỏ những triệu chứng ngứa ngáy của bệnh.
Những thực phẩm nên kiêng
Bệnh nhân bị chàm bội nhiễm nên kiêng ăn các thực phẩm chứa chất kích ứng, có thể khiến tình trạng viêm nhiễm thêm nghiêm trọng như:
- Thực phẩm dễ gây dị ứng: Gồm đậu nành, lúa mì, lúa mạch, sữa, sản phẩm từ sữa,... chúng có thể khiến bệnh chuyển biến xấu đi, khiến tổn thương thêm nặng nề.
- Đồ ăn chứa Niken và coban: Thịt hộp, socola, cá có vảy, đậu lăng… những thực phẩm này dễ khiến hệ miễn dịch hiểu lầm là vi khuẩn, virus gây hại, từ đó kích hoạt hệ thống gây viêm trung gian.
- Chất phụ gia thực phẩm: Các chất bảo quản, chất phụ gia có trong thực phẩm có thể làm bùng phát tình trạng viêm nhiễm, ngứa ngáy ở bệnh nhân. Do vậy, cần tránh xa những loại đồ ăn có chứa những chất này, nhất là đồ đóng hộp, các loại hoa quả sấy khô, đồ ăn vặt đóng gói...
- Đồ ăn nhiều đường: Bánh ngọt, kẹo, socola, nước ngọt… chứa rất nhiều đường, chúng có thể làm tăng nồng độ insulin trong máu, từ đó kích thích phản ứng viêm.
Chàm bội nhiễm được giới y khoa nhắc đến là bệnh lý da liễu với các tổn thương thứ phát do virus Herpes simplex 1. Không đơn thuần gây nên các tổn thương da, bệnh còn đe dọa trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng. Do vậy, nếu phát hiện các triệu chứng ban đầu, mỗi người nên chủ động chăm sóc và thăm khám để tránh biến chứng xấu.
Câu hỏi thường gặp
- Bệnh nhân bị chàm nên kiêng các loại thực phẩm tanh sống, thịt gà, các chế phẩm từ sữa, nội tạng động vật, thực phẩm chứa nhiều đường, muối.
- Nên ăn các loại thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất, nhóm thực phẩm giàu omega-3 và kẽm
- Chuyên gia
- Cơ sở