Chàm Tổ Đỉa
Chàm tổ đỉa là bệnh gì, có khác chàm không? Thực tế đây là dạng bệnh đặc biệt của chàm, dễ gây nhầm lẫn cho người bệnh trong quá trình điều trị. Hiện nay, bệnh được báo cáo cho thấy xuất hiện ở nhiều đối tượng với các lứa tuổi khác nhau và việc điều trị cần bệnh nhân hết sức kiên trì. Để có cái nhìn cụ thể hơn về chứng bệnh nhân, chúng ta hãy theo dõi các thông tin kiến thức quan trọng trong bài viết sau đây.
Định nghĩa
Bệnh chàm tổ đỉa trong tiếng Anh còn được gọi là Pompholyx hoặc Dyshidrosis. Bệnh đặc trưng bởi các nốt mụn nước ngứa ngáy, kích thước nhỏ và nổi rải rác. Theo đó, bệnh sẽ chủ yếu phát tác ở các khu vực của bàn chân, bàn tay, đặc biệt là giữa các kẽ ngón tay, chân hoặc ở trong lòng bàn tay gây cảm giác vô cùng khó chịu. Chàm tổ đỉa được y học đánh giá là dạng đặc biệt của chứng bệnh chàm, chúng khởi phát khá bất ngờ và thường tái phát liên tục, kéo dài dai dẳng dẫn tới bệnh mãn tính.
Các chuyên gia, bác sĩ về da liễu cho biết, tương tự như nhiều bệnh khác, chàm tổ đỉa xảy ra ở nhiều lứa tuổi, đối tượng khác nhau, không phân biệt giới tính. Theo đó, có không ít bệnh nhân thắc mắc rằng đây có phải chứng bệnh dễ lây lan hay không. Đối với câu hỏi này, các bác sĩ cho biết, bệnh thực tế bệnh thuộc nhóm da liễu nhưng không có khả năng lây truyền từ người mắc sang người khỏe. Bệnh nhân vẫn sinh hoạt, chung sống bình thường với các thành viên khác trong gia đình.
Nhưng nếu chúng ta chủ quan, không điều trị triệt để sẽ dễ làm bệnh lan ra các vùng da khỏe mạnh khác trên cơ thể, làm tăng diện tích mắc bệnh và dẫn tới không ít phiền toái cho người bệnh trong các hoạt động sinh hoạt, làm việc mỗi ngày.
Hình ảnh
Triệu chứng
Bệnh chàm tổ đỉa được các chuyên gia nghiên cứu cho thấy có tính chất khởi phát theo đợt và tương đối bất ngờ. Bệnh đột ngột xuất hiện và sẽ phát triển trong khoảng vài tuần, cũng có bệnh nhân bị lâu hơn. Tuy nhiên, về triệu chứng đều sẽ có những đặc điểm khá phổ biến giữa các bệnh nhân như sau:
- Da xuất hiện các nốt mụn nước: Thông thường, những nốt mụn nước này sẽ tương đối nhỏ, chúng khá khó vỡ và có gốc ăn khá sâu trong bề mặt da. Mụn không mọc rải rác mà thay vào đó sẽ đi theo từng cụm, nổi sần sùi trên bề mặt da. Bệnh nhân sẽ thấy các cơn ngứa dữ dội, nếu ấn xuống còn có cảm giác đau nhẹ. Bên cạnh đó, sau một thời gian, mụn nước sẽ liên kết vào tạo ra những bóng nước tương đối lớn. Lúc này, cơn ngứa sẽ nặng hơn, thậm chí nếu bạn làm vỡ các bóng nước sẽ bị rát da.
- Mụn nước bị nhiễm khuẩn: Khi da có mụn nước, chúng sẽ phát triển sang giai đoạn nhiễm khuẩn, bạn sẽ thấy các nốt mụn này có tình trạng sưng đỏ, màu chuyển sang đục hơn. Đồng thời, lúc này còn có thêm các nốt hạch bạch huyết nổi lên khá rõ rệt ở các vùng da liền kề. Bệnh nhân theo đó có khả năng bị sốt nóng.
- Bong vảy: Khi mụn trên da tự khô, chúng sẽ dần hình thành nên lớp vảy khô và bong tróc trên da như các lớp sừng.
- Bị đổ nhiều mồ hôi: Người bệnh còn có thêm triệu chứng là đổ mồ hôi ở những vùng da đang có mụn nước. Mồ hôi tiết ra càng khiến cho các nốt mụn dễ ngứa ngáy và da khó chịu hơn.
- Móng biến dạng: Cũng tương tự như các bệnh lý về da khác, chàm tổ đỉa có thể khiến cho móng tay và móng chân bị biến dạng khi chúng ăn dần ra phần móng.
Nhìn chung, bệnh chàm tổ đỉa có nhiều dấu hiệu rất nổi bật, dễ dàng quan sát, theo dõi. Vì vậy, bệnh nhân cần chú ý làn da, nếu thấy có những triệu chứng kể trên cần sớm tới các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám cụ thể, tránh tự mua thuốc về chữa tại nhà sẽ dễ gây ra biến chứng.
Nguyên Nhân
Bệnh chàm tổ đỉa được các chuyên gia cho rằng có liên quan không ít tới tính di truyền cũng như cơ địa dị ứng. Tuy chưa thể đưa ra được nguyên do chính xác cho việc khởi phát bệnh nhưng hiện nay chúng ta có thể đưa ra một số yếu tố sau đây:
- Cơ địa: Bệnh chàm tổ đỉa có thể gây ra bởi nguyên do cơ địa bị dị ứng, có tiền sử dị ứng. Đặc biệt những bệnh nhân mắc viêm da dị ứng, bệnh về thận, gan, hen suyễn đều làm tăng khả năng bị bệnh cao hơn.
- Chàm tổ đỉa do di truyền: Hiện nay, các cơ sở y tế cho biết, bệnh chàm tổ đỉa có tới hơn nửa số ca mắc bệnh là do yếu tố di truyền. Gia đình nếu có bố mẹ bị bệnh thì con cái sẽ dễ bị bệnh hơn so với những đứa trẻ khác.
- Bị dị ứng hoá chất: Các loại hoá chất độc hại từ chất tẩy rửa, hoá mỹ phẩm, chất độc kim loại đều gây ảnh hưởng không ít tới sức khoẻ và làn da.
- Nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm: Nếu chúng ta sống ở những khu vực có nguồn nước bị ô nhiễm, nhiễm các chất thải sinh hoạt sẽ dễ gây ra chàm, tổ đỉa, lở loét,...
- Mồ hôi tiết quá mức: Với những bệnh nhân đổ nhiều mồ hôi, làn da sẽ thường trong tình trạng ẩm ướt, đặc biệt khi có vết thương hở. Đây là điều kiện thuận lợi để phát sinh ra các bệnh lý về da liễu khác nhau.
- Tác dụng phụ của thuốc: Bệnh nhân mắc chàm tổ đỉa còn có thể do tác dụng phụ của một số loại thuốc gây ra khi lạm dụng quá mức.
Theo đó, bên cạnh các nguyên nhân chính chúng tôi vừa đưa ra, bệnh chàm tổ đỉa còn có thể xảy ra bởi bệnh nhân thường xuyên căng thẳng quá mức, môi trường làm việc độc hại có chứa các loại muối kim loại.
Biến chứng
Nghiên cứu y học cho biết, bệnh chàm tổ đỉa thuộc vào nhóm bệnh lành tính, không có yếu tố gây hại cho sức khỏe của người bệnh. Nhưng thay vào đó, bệnh lại tái phát thường xuyên trong năm, có tính phát triển liên tục và bất ngờ. Bệnh lý này cũng gây ra không ít bất lợi gây giảm tính thẩm mỹ cho ngoại hình, cản trở các hoạt động sinh hoạt của bệnh nhân cũng như làm cản trở công việc.
Bên cạnh đó, việc điều trị sai cách, sao thuốc hay lạm dụng các loại thuốc điều trị khiến bệnh có thể xảy ra những biến chứng như sau:
- Gây ra bội nhiễm: Bệnh nhân khi bị ngứa ngáy, xuất hiện các nốt mụn nước thường muốn đưa tay lên cào gãi. Nhưng chính bởi hành động này mà làn da bị tổn thương, dịch từ mụn nước chảy ra và lan sang những khu vực da khỏe mạnh xung quanh. Nếu để vi khuẩn xâm nhập và sinh sôi, bệnh nhân sẽ bị sưng tấy da, thậm chí là lở loét, nhiễm trùng máu rất nguy hiểm.
- Tâm lý bị tác động lớn: Các bệnh da liễu nói chung đều gây ra những ảnh hưởng xấu tới tâm lý bệnh nhân. Khiến người bệnh tư tị, lo lắng, mặc cảm khi tiếp xúc những nơi đông người. Đặc biệt nếu bị những người xung quanh tỏ ra kỳ thị càng khiến bệnh nhân hoang mang hơn.
Phòng ngừa
Nếu chúng ta không có các cách chăm sóc, điều trị cũng như phòng ngừa hợp lý, bệnh chàm tổ đỉa sẽ xuất hiện quanh năm, khó chữa dứt điểm và dễ kéo theo nhiều bệnh lý về da liễu khác. Lúc này bạn cần chú ý những điều sau:
- Chúng ta không chà xát mạnh lên da, hãy sử dụng nước muối để vệ sinh những vùng da đang bị bệnh nhằm sát khuẩn, tránh nhiễm trùng.
- Khi tiếp xúc với các hóa chất cần có đồ bảo hộ, tránh để các chất độc hại trực tiếp dính lên da.
- Chế độ ăn uống luôn cân bằng các chất dinh dưỡng và tránh dùng những thực phẩm, các chất gây hại cho cơ thể.
- Các bạn cần giữ gìn vệ sinh thân thể sạch sẽ, sử dụng các sản phẩm làm sạch da dịu nhẹ, không làm mất cân bằng pH trên da cũng như tránh dùng chất tẩy rửa mạnh.
- Giữ không gian sống sạch sẽ, thoáng mát, không để bụi bẩn, nấm mốc tích tụ gây ra nguồn cơn của các bệnh về da liễu.
Biện pháp chẩn đoán
Tiền sử bệnh và khám lâm sàng:
- Tiền sử bệnh: Bác sĩ sẽ tìm hiểu về triệu chứng, thời gian, yếu tố ảnh hưởng, tiền sử dị ứng và tiền sử gia đình về bệnh dị ứng hoặc chàm.
- Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ kiểm tra kỹ các tổn thương trên da, vị trí, hình dạng, kích thước, màu sắc, mức độ viêm, và các dấu hiệu khác như nứt nẻ, chảy dịch, đóng vảy.
Các xét nghiệm bổ sung:
- Xét nghiệm dị nguyên: Thực hiện các xét nghiệm da để xác định các dị nguyên có thể gây ra phản ứng dị ứng và làm nặng thêm chàm tổ đỉa, như mạt bụi nhà, phấn hoa, lông động vật, thực phẩm,...
- Sinh thiết da: Trong 1 số trường hợp bác sĩ có thể chỉ định lấy một mẫu da nhỏ để phân tích chi tiết dưới kính hiển vi, nhằm loại trừ các bệnh ngoài da khác có triệu chứng giống với chàm tổ đỉa, từ đó đưa ra chẩn đoán chính xác hơn.
- Xét nghiệm máu: Có thể được chỉ định để kiểm tra số lượng bạch cầu ái toan, một loại tế bào bạch cầu tăng cao trong các phản ứng dị ứng.
Tiêu chuẩn chẩn đoán:
Bác sĩ sẽ dựa trên các tiêu chuẩn chẩn đoán quốc tế để xác định chàm tổ đỉa, bao gồm:
- Tổn thương da: Xuất hiện các mụn nước nhỏ, ngứa dữ dội, thường ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, hoặc các mặt bên của ngón tay, ngón chân.
- Tiền sử tái phát: Các đợt bùng phát và thuyên giảm của triệu chứng.
- Loại trừ các bệnh khác: Loại trừ các bệnh lý da khác có thể gây ra các triệu chứng tương tự, như nấm da, vảy nến, viêm da tiếp xúc,...
Biện pháp điều trị
Khi kịp thời có các biện pháp điều trị, chữa bệnh đúng cách và tuân thủ nghiêm túc các hướng dẫn, bệnh có thể nhanh chóng thuyên giảm chỉ sau khoảng 1 tháng.
Tuy vậy, nếu bệnh nhân không có hướng chữa bệnh phù hợp, bệnh sẽ tái phát liên tục, liên tiếp từ đợt này tới đợt khác rất dai dẳng khó điều trị về sau. Vì vậy, để có thể phục hồi làn da một cách tốt nhất, bạn cần sớm tới bệnh viện, cơ sở y tế để tiến hành trị bệnh.
Phương pháp chữa trị trong Tây y
Đối với y học hiện đại, bệnh chàm sẽ có nhiều loại thuốc có thể sử dụng khác nhau, liều lượng và loại thuốc được sắp xếp tùy theo tình trạng bệnh và sức khỏe của người mắc. Dưới đây là một số loại thuốc thường dùng nhất.
Nhóm thuốc bôi ngoài da:
- Có thể dùng các loại dung dịch sát khuẩn ở những trường hợp bệnh nhân có mụn nước chưa bị vỡ. Thuốc có thể dùng là loại cồn BSI 1- 3 % hoặc là thuốc tím, thuốc xanh tùy theo chỉ định của bác sĩ.
- Nhóm thuốc kháng sinh và Corticoid được sử dụng với mục đích ngăn chặn bệnh phát triển mạnh, hạn chế sự lây lan ra khắp cơ thể cũng như kháng viêm, phòng ngừa bội nhiễm.
- Ngoài ra, người bệnh có thể được dùng thuốc chống nấm ngoài da, thuốc ức chế miễn dịch. Cụ thể dùng loại nào sẽ được bác sĩ kê đơn sau khi đã thăm khám hoàn tất.
Nhóm thuốc uống: Bệnh nhân khi mắc chàm tổ đỉa sẽ được kê cho các thuốc uống bao gồm: Nhóm Corticoid uống, vitamin tổng hợp, các thuốc chống nấm, thuốc kháng sinh, kháng histamin, thuốc có công dụng chống dị ứng.
Bệnh nhân cần lưu ý rằng, các loại thuốc này bắt buộc phải có chỉ định từ bác sĩ để sử dụng sao cho phù hợp. Người bệnh không tự xin đơn thuốc của bệnh nhân khác, kê đơn tại nhà hoặc thay đổi đơn thuốc dẫn tới việc điều trị sai cách, làm bệnh không thuyên giảm, thậm chí nặng hơn và bệnh nhân còn có thể bị nhờn thuốc.
Mẹo dân gian trị bệnh tại nhà đơn giản
Bên cạnh các phương pháp điều trị hiện đại, nhiều bài thuốc dân gian đã được sử dụng từ lâu đời và cho thấy hiệu quả nhất định trong việc kiểm soát triệu chứng và hỗ trợ quá trình điều trị. Dưới đây là một số bài thuốc được áp dụng rộng rãi:
Lá trầu không:
Lá trầu không có chứa nhiều hoạt chất có tính kháng khuẩn, kháng nấm và chống viêm, giúp giảm ngứa, sưng đỏ và ngăn ngừa nhiễm trùng.
Cách dùng:
- Lấy một nắm lá trầu không rửa sạch, giã nát hoặc xay nhuyễn.
- Đắp trực tiếp lên vùng da bị tổ đỉa, để khoảng 30 phút rồi rửa sạch.
- Thực hiện 2-3 lần mỗi ngày.
Cây lược vàng:
Cây lược vàng có chứa các flavonoid và saponin, có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa và kháng khuẩn, giúp làm dịu da, giảm ngứa và thúc đẩy quá trình lành vết thương.
Cách dùng:
- Chuẩn bị một nắm lá lược vàng tươi, rửa sạch dưới vòi nước để loại bỏ bụi bẩn. Sau đó, bạn có thể giã nát lá bằng cối hoặc xay nhuyễn bằng máy xay sinh tố để dễ dàng sử dụng.
- Đắp lên vùng da bị tổ đỉa, để khoảng 30 phút rồi rửa sạch.
- Thực hiện 2-3 lần mỗi ngày.
Rau má:
Rau má có chứa nhiều triterpenoids, có tác dụng chống viêm, chống oxy hóa và kích thích tái tạo tế bào da, giúp giảm ngứa, sưng đỏ và thúc đẩy quá trình lành vết thương.
Cách dùng:
- Lấy một nắm rau má tươi, rửa sạch, giã nát hoặc xay nhuyễn.
- Đắp trực tiếp lên vùng da bị tổ đỉa, để khoảng 30 phút rồi rửa sạch.
- Thực hiện 2-3 lần mỗi ngày.
- Ngoài ra, có thể uống nước rau má ép hàng ngày để tăng cường hiệu quả điều trị.
Muối Epsom:
Muối Epsom (magie sulfat) có tác dụng làm mềm da, giảm viêm và kháng khuẩn, giúp giảm ngứa, sưng đỏ và ngăn ngừa nhiễm trùng.
Cách dùng:
- Hòa tan một lượng muối Epsom vừa đủ vào nước ấm.
- Ngâm vùng da bị tổ đỉa trong nước muối khoảng 15-20 phút.
- Thực hiện 1-2 lần mỗi ngày.
Bài thuốc Đông y điều trị toàn diện
Trong y học cổ truyền, chàm tổ đỉa được xem là biểu hiện của sự mất cân bằng âm dương, khí huyết trong cơ thể, thường do các yếu tố phong, thấp, nhiệt xâm nhập từ bên ngoài hoặc do thể trạng tạng phủ suy yếu, đặc biệt là chức năng của tỳ và thận.
Đông y điều trị chàm tổ đỉa dựa trên nguyên tắc "biện chứng luận trị", tức là phân tích căn nguyên và biểu hiện cụ thể của từng bệnh nhân để đưa ra pháp đồ điều trị phù hợp. Mục tiêu chính là điều hòa âm dương, khí huyết, tăng cường chức năng tạng phủ, từ đó đẩy lùi căn nguyên gây bệnh và làm giảm các triệu chứng khó chịu.
Các bài thuốc Đông y thường dùng:
Bài thuốc thanh nhiệt giải độc, trừ thấp:
- Thành phần: Kim ngân hoa, Liên kiều, Ké đầu ngựa, Kinh giới, Thuyền thoái, Tri mẫu, Thạch cao.
- Cách dùng uống: Sắc tất cả các vị thuốc với 3 bát nước, đun nhỏ lửa đến khi còn 1 bát. Uống 2-3 lần mỗi ngày, chia đều lượng thuốc đã sắc.
- Cách dùng ngoài da: Sắc thuốc như trên, để nguội rồi dùng nước thuốc rửa hoặc thấm vào gạc đắp lên vùng da bị tổn thương.
Bài thuốc dưỡng huyết nhuận táo, khu phong:
- Thành phần: Sinh địa, Huyền sâm, Bạch thược, Đương quy, Xích thược, Đan bì, Kinh giới, Phòng phong.
- Cách dùng: Sắc uống mỗi ngày chỉ 1 thang.
Bài thuốc kiện tỳ, thẩm thấp, chỉ dương:
- Thành phần: Bạch truật, Ý dĩ, Phục linh, Xa tiền tử, Bạch linh, Trạch tả, Đảng sâm, Hoàng kỳ.
- Cách dùng: Sắc uống mỗi ngày chỉ 1 thang.
Bài thuốc bôi ngoài da
- Thành phần: Hoàng bá, Khổ sâm, Thạch cao, Thanh đại, Địa phu tử, Long não.
- Cách dùng: Nghiền mịn các vị thuốc, trộn với dầu vừng hoặc dầu dừa, bôi lên vùng da tổn thương 2-3 lần/ngày.
Bệnh chàm tổ đỉa điều trị như thế nào đã được Hệ sinh thái kết nối y tế Vietmec chia sẻ rất chi tiết trong bài viết này. Bạn đọc qua những thông tin về nguyên nhân, biểu hiện trên sẽ dễ dàng hơn trong việc xác định bệnh cũng như đưa ra các cách phòng tránh sao cho phù hợp để chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất.
- Chuyên gia
- Cơ sở