Bệnh Loãng Xương Ở Phụ Nữ Mãn Kinh
Bệnh loãng xương ở phụ nữ mãn kinh xảy ra chủ yếu do bị suy giảm nội tiết tố estrogen hoặc do chế độ ăn thiếu canxi. Ngoài thuốc điều trị, người bệnh có thể được chỉ định liệu pháp thay thế hormone kết hợp điều chỉnh lối sống để kiểm soát tốt các triệu chứng và phục hồi cấu trúc xương.
Định nghĩa
Loãng xương ở phụ nữ mãn kinh là bệnh lý thường gặp, ảnh hưởng đến rất nhiều nữ giới ở lứa tuổi từ 50 - 55. Đây là thời kỳ đánh dấu cho sự kết thúc của quá trình sinh sản ở người phụ nữ. Lúc này, chu kỳ kinh nguyệt không còn, kèm theo đó phụ nữ mãn kinh cũng phải đối mặt với rất nhiều vấn đề về sức khỏe như bốc hỏa, suy giảm trí nhớ, rụng tóc, đau nhức xương khớp và cả bệnh loãng xương.
Bệnh loãng xương ở phụ nữ mãn kinh được chẩn đoán khi phát hiện tổn thương trong cấu trúc vi thể của xương, khối lượng xương cũng bị giảm nhiều khiến cho xương trở nên giòn, xốp, suy yếu. Người bệnh phải đối mặt với nguy cơ bị gãy xương rất cao khi có va đập mạnh hoặc khi bị té ngã.
Quá trình loãng xương ở phụ nữ mãn kinh thường tiến triển một cách âm thầm. Một số trường hợp đã bị loãng xương ngay từ khi còn trẻ. Sự khởi phát của bệnh có liên quan mật thiết với tình trạng thiếu hụt estrogen ở tuổi mãn kinh. Ngoài ra, chế độ ăn uống hàng ngày, lối sống cùng nhiều vấn đề về sức khỏe cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh loãng xương ở phụ nữ mãn kinh.
Hình ảnh
Triệu chứng
Bệnh loãng xương ở phụ nữ mãn kinh thường tiến triển trong thời gian dài và không có triệu chứng rõ ràng trong thời gian đầu nên khó phát hiện. Một số trường hợp được chẩn đoán bệnh sớm trong những cuộc kiểm tra sức khỏe định kỳ. Số còn lại chỉ phát hiện bệnh khi xuất hiện các dấu hiệu cụ thể ra bên ngoài như:
- Đau nhức trong xương. Cơn đau thường xuất hiện ở các vùng xương thường xuyên phải chịu áp lực từ trọng lượng cơ thể như xương gót chân, xương chày cẳng chân, xương đùi hay cột sống. Cơn đau do loãng xương thường tăng lên về đêm hoặc khi vận động mạnh, khiêng vác vật nặng. Phụ nữ mãn kinh có thể bị đau âm ỉ hoặc đau dữ dội trong xương tùy theo mức độ loãng xương.
- Đau lưng cấp tính
- Tê yếu chân tay
- Giảm chiều cao, còng lưng, gù vẹo cột sống do bị lún đốt sống. Phụ nữ mãn kinh có thể bị thấp đi khoảng 6,4 cm do ảnh hưởng của bệnh loãng xương.
- Có dáng đi xiêu vẹo
- Gãy xương, nhất là xương hông hoặc đầu dưới xương cẳng tay. Gãy xương do loãng xương ở phụ nữ mãn kinh chiếm 50% các loại gãy và ảnh hưởng đến 25% số người mắc bệnh ở tuổi trên 70.
- Đau dây thần kinh tọa hoặc đau thần kinh liên sườn do bị cột sống chèn ép.
- Thường xuyên có cảm giác ớn lạnh, ra nhiều mồ hôi hoặc hay bị chuột rút cơ bắp.
Nguyên Nhân
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh loãng ở phụ nữ mãn kinh. Trong đó, tình trạng thiếu hụt nội tiết tố nữ estrogen được xem là nguyên nhân phổ biến nhất. Ngoài ra, còn có nhiều yếu tố kết hợp thúc đẩy bệnh loãng xương phát triển nhanh hơn trong giai đoạn mãn kinh.
- Thiếu hụt estrogen:
Ở tuổi mãn kinh, quá trình sản xuất estrogen giảm khiến cho nội tiết tố nữ bị thiếu hụt nghiêm trọng. Tình trạng này có thể dẫn đến suy giảm hoạt động của các tế bào có chức năng tạo xương. Trong khi đó, lượng protein, canxi cùng photphate trong xương cũng bị giảm khiến cho phụ nữ tuổi mãn kinh phải đối mặt với tình trạng loãng xương.
Hiện tượng loãng xương ở phụ nữ mãn kinh được xem là quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể theo tuổi tác. Bệnh phát triển trong nhiều năm và tiến triển nhanh hơn dưới sự ảnh hưởng của tình trạng thiếu hụt estrogen.
- Chế độ dinh dưỡng không hợp lý:
Ăn uống thiếu chất dinh dưỡng, bữa ăn hàng ngày không cung cấp đầy đủ các dưỡng chất như canxi, vitamin D, phốt pho hay protein cho cơ thể đều khiến phụ nữ mãn kinh có nguy cơ bị loãng xương cao hơn. Đây đều là những chất cần thiết cho quá trình tái tạo tế bào xương.
- Lạm dụng rượu bia, thuốc lá:
Hút thuốc lá, sử dụng thức uống chứa cồn thường xuyên có thể gây thất thoát canxi, từ đó làm giảm mật độ xương và dẫn đến loãng xương. Đây là nguyên nhân phổ biến dẫn đến loãng xương ở người trẻ, đặc biệt là nam giới. Tuy nhiên, một số ít phụ nữ tuổi mãn kinh cũng có thể bị loãng xương vì lý do này.
- Tác dụng phụ của thuốc Tây:
Một số loại thuốc tây khi sử dụng kéo dài có thể làm mất canxi và gây loãng xương ở phụ nữ mãn kinh. Chẳng hạn như:
- Thuốc corticoid
- Thuốc Heparin
- Các thuốc lợi tiểu
- Thuốc chống động kinh...
- Do thói quen sống không lành mạnh:
Các thói quen thiếu lành mạnh như nhịn ăn sáng, thường xuyên bỏ bữa hoặc ngủ không đủ giấc đều có thể ảnh hưởng đến khả năng tái tạo các tế bào xương mới. Lâu dần, cấu trúc xương sẽ thưa dần và khiến cho phụ nữ mãn kinh bị loãng xương, gãy xương.
- Ảnh hưởng của bệnh lý:
Bệnh loãng xương ở phụ nữ mãn kinh có thể phát triển thứ phát sau khi gặp phải các vấn đề về sức khỏe như:
- Viêm khớp dạng thấp
- Bệnh cường giáp
- Suy thận
- Ung thư
- Đa u tủy xương
- Tiểu đường
- Bệnh Celiac...
Yếu tố nguy cơ
Bên cạnh các nguyên nhân chính ở trên, một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ khiến phụ nữ mãn kinh bị loãng xương như:
- Có tiền sử bị loãng xương, yếu xương trong gia đình
- Thừa cân, béo phì
- Từng bị còi xương khi còn nhỏ
- Phụ nữ có cân nặng dưới 40kg hoặc bị giảm cân nhanh không rõ nguyên nhân
- Có tiền sử bị gãy xương
- Phụ nữ từng làm phẫu thuật cắt buồng trứng
- Chế độ ăn giàu chất đạm có thể làm mất canxi
- Uống quá nhiều cà phê
- Từng cắt dạ dày
- Mắc bệnh di truyền, chẳng hạn như chứng nhiễm sắc tố sắt.
Biến chứng
Bệnh loãng xương ở phụ nữ mãn kinh mặc dù có tiến triển âm thầm nhưng lại gây nhiều hậu quả nặng nề nếu không được điều trị tốt. Do mật độ xương bị giảm, xương trở nên giòn, dễ gãy hoặc bị rạn nứt. Chỉ cần một va đập nhẹ, người bệnh cũng có nguy cơ bị gãy xương rất cao.
Các xương dễ bị gãy nhất do ảnh hưởng của bệnh loãng xương ở phụ nữ mãn kinh là xương đùi, khớp háng, xương cẳng chân - cẳng tay , xương cột sống hay xương cẳng chân. Nguyên nhân là do những xương này thường xuyên phải chịu nhiều áp lực từ trọng lượng cơ thể và chịu nhiều tác động đến từ bên ngoài.
Khi bị gãy xương, cơ thể sẽ bị biến dạng, đau đớn, giảm khả năng vận động và làm việc. Hơn nữa, xương bị gãy cũng rất lâu lành do khả năng tái tạo xương ở phụ nữ mãn kinh kém hơn so với người trẻ tuổi. Theo nghiên cứu, phụ nữ mãn kinh bị gãy xương đùi sẽ làm tăng nguy cơ bị gãy xương kế tiếp lên gấp 2,5 lần. Trong trường hợp bị gãy cổ xương đùi, có đến 25% bệnh nhân tử vong sau một năm và có đến 40% bệnh nhân bị tàn phế suốt đời và phải sống phụ thuộc vào người khác do mất khả năng đi lại hoàn toàn.
Ngoài ra, phụ nữ mãn kinh bị loãng xương còn có nguy cơ gặp biến chứng ở các cơ quan khác như hô hấp, tim mạch... Nhiều trường hợp phải nhập viện điều trị và nằm bất động trong thời gian dài do bị nứt xương, gãy xương. Từ đó làm tăng gánh nặng kinh tế cho gia đình.
Phòng ngừa
Do quá trình giảm mật độ xương và estrogen tự nhiên, phụ nữ tuổi mãn kinh có nguy cơ bị loãng xương rất cao. Chính vì vậy, nữ giới nên chủ động thực hiện các phương pháp dự phòng bệnh ngay từ khi còn trẻ.
Một số lời khuyên dưới đây có thể giúp giảm nguy cơ bị loãng xương ở phụ nữ mãn kinh:
- Duy trì chế độ ăn giàu canxi và vitamin D bằng cách thường xuyên sử dụng các thực phẩm như sữa tươi, sữa chua, cá nhỏ, đậu nành, súp lơ xanh...
- Có thói quen tắm nắng mỗi ngày để tăng lượng vitamin D cho cơ thể một cách tự nhiên. Chất này sẽ giúp hấp thụ canxi hiệu quả hơn.
- Điều trị tốt các bệnh lý ở đường tiêu hóa hay bệnh ở tuyến giáp
- Tập thể dục mỗi ngày
- Kiểm soát trọng lượng cơ thể. Xây dựng kế hoạch giảm cân ngay đối với các trường hợp đang bị béo phì
- Khám sức khỏe định kỳ để sớm phát hiện và điều trị bệnh loãng xương ở phụ nữ mãn kinh nếu có.
Biện pháp chẩn đoán
Bên cạnh các dấu hiệu lâm sàng, khai thác tiền sử mắc bệnh, bác sĩ còn dựa vào kết quả đo chỉ số mật độ xương (T-Score) để chẩn đoán bệnh loãng xương ở phụ nữ mãn kinh. Chỉ số này sẽ được đem so sánh với mật độ xương của người trẻ tuổi ( từ 20 - 35 tuổi) để đưa ra kết luận chính xác.
- T- score ≥ - 1: Xương bình thường
- - 1 > T- score > - 2,5: Có dấu hiệu thiếu xương. Đây là dấu hiệu cảnh báo giai đoạn tiền loãng xương. Nếu không có biện pháp khắc phục sớm thì phụ nữ mãn kinh có nguy cơ bị loãng xương trong tương lai rất cao.
- T - score ≤ - 2,5: Bị loãng xương mức độ vừa
- T-score ≤ -2,5SD: Người bệnh bị loãng xương ở mức độ nặng. Người bệnh từng có tiền sử bị gãy xương hoặc hiện đang bị gãy xương ở một hay nhiều vị trí.
Biện pháp điều trị
Mục tiêu điều trị:
- Tăng cường mật độ xương
- Ngăn chặn tình trạng mất xương
- Phục hồi cấu trúc xương cũng như vô cơ hóa xương ở những khu vực bị ảnh hưởng.
- Điều trị các biến chứng, giảm nguy cơ bị gãy xương, bảo tồn chức năng vận động cho người bệnh.
Quá trình điều trị loãng xương ở phụ nữ mãn kinh có sự phối hợp toàn diện giữa liệu pháp dùng thuốc và không dùng thuốc. Bao gồm:
1. Các biện pháp chữa loãng xương ở phụ nữ mãn kinh không dùng thuốc
- Tăng cường các các hoạt động thể chất, lao động vừa sức
- Siêng năng tập thể dục để xương khớp chắc khỏe và vận động linh hoạt hơn
- Phơi nắng vào buổi sáng sớm để bổ sung vitamin D cho cơ thể, từ đó tăng cường khả năng hấp thụ canxi cho xương, làm tăng mật độ xương.
- Duy trì các tư thế đúng trong sinh hoạt hàng ngày. Không ngồi hoặc đứng ở một tư thế quá lâu, tránh khuân vác vật nặng. Sau mỗi giờ làm việc, người bệnh nên dành ra vài phút để đi lại, vận động nhẹ nhàng để xương khớp không bị cứng và giúp khí huyết lưu thông tốt.
- Bổ sung các thực phẩm giàu canxi trong chế độ ăn. Tránh dùng các chất kích thích, đặc biệt là rượu bia, thuốc lá hay cà phê.
2. Thuốc trị loãng xương ở phụ nữ mãn kinh
- Thuốc bổ sung:
- Canxi: Đảm bảo cung cấp khoảng 1.000 – 1200mg canxi mỗi ngày cho cơ thể.
- Vitamin D: Cần bổ sung khoảng 800 – 1.000IU/ ngày.
Khi dùng các thuốc trên, cần tính toán lượng canxi và vitamin D trong bữa ăn hàng ngày để đưa ra liều lượng bổ sung cho phù hợp.
- Thuốc chống hủy xương:
Nhóm thuốc này có tác dụng ức chế hoạt động của các tế bào hủy xương. Thường được chỉ định là:
- Thuốc nhóm Biphosphonate
- Chất điều hòa chọn lọc thụ thể estrogen (SERMs)
- Nhóm thuốc tăng tạo xương và ức chế hủy xương
- Thuốc làm tăng quá trình đồng hóa.
Người bệnh chỉ nên dùng thuốc khi được bác sĩ chỉ định. Trong quá trình điều trị, cần tái khám thường xuyên và theo dõi chặt chẽ để điều chỉnh liều dùng thuốc cho phù hợp.
3. Cách chữa bệnh loãng xương ở phụ nữ mãn kinh bằng liệu pháp thay thế hormon
Liệu pháp thay thế hormone có thể giúp làm tăng đáng kể mật độ xương cho phụ nữ mãn kinh bị loãng xương. Sau khoảng 3 năm điều trị, mật độ xương sống của người bệnh có thể tăng từ 3,5 - 5%.
Mặc dù mang lại nhiều tác dụng tương đối khả quan nhưng thuốc bổ sung hormone có thể đem lại một số tác dụng phụ cho người bệnh. Loại thuốc này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ung thư vú và nhiều biến chứng khác. Quá trình điều trị cần có sự hướng dẫn cụ thể và theo dõi sát bởi bác sĩ chuyên khoa.
4. Các phương pháp điều trị khác
- Điều trị đau: Áp dụng theo bậc thang giảm đau do tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo kết hợp cùng Calcitonine.
- Vật lý trị liệu giảm đau, tăng cường chức năng vận động cho người bệnh
- Điều trị gãy xương bằng các phương pháp như đeo nẹp, thay khớp, kết xương, bơm xi măng vào thân đốt sống hoặc làm phẫu thuật thay đốt sống nhân tạo.
- Điều trị lâu dài và sau mỗi 1 - 2 năm cần đo lại mật độ xương để đánh giá được kết quả điều trị.
- Chuyên gia
- Cơ sở