Viêm Bao Hoạt Dịch Ngón Chân Cái
Viêm bao hoạt dịch ngón chân cái thường xảy ra sau khi bị chấn thương hoặc do ảnh hưởng của tình trạng béo phì, gout, thấp khớp. Bệnh gây sưng đau, nóng đỏ ở một hay hai bên khớp ngón chân cái và có thể gây biến dạng khớp, mất chức năng vận động nếu không được điều trị đúng cách.
Định nghĩa
Bao hoạt dịch nằm giữa sụn khớp, dây chằng, màng hoạt dịch của khớp ngón chân cái. Bộ phận này chứa đầy chất lỏng có chức năng tương tự như một tấm đệm của khớp, giúp giảm sóc, hạn chế lực ma sát giữa các mô mềm và giảm lực tác động vào trong khớp ngón chân cái. Chính vì vậy, mọi vấn đề xảy ra ở bao hoạt dịch ngón chân cái đều có thể gây đau và hạn chế khả năng vận động của khớp, bao gồm cả tình trạng viêm bao hoạt dịch.
Bệnh viêm bao hoạt dịch ngón chân cái là tình trạng sưng viêm xảy ra ở túi hoạt dịch của khớp. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả hai bên khớp ngón chân cái. Bất cứ ai cũng có thể mắc căn bệnh này, nhất là những người thường xuyên hoạt động thể chất mạnh như các vận động viên thể thao, người lao động tay chân nặng nhọc.
Hình ảnh
Triệu chứng
Các triệu chứng có thể gặp khi bị viêm bao hoạt dịch ngón chân cái bao gồm:
- Sưng phù, tấy đỏ quanh khớp bị ảnh hưởng
- Chạm vào khớp thấy có cảm giác ấm nóng
- Đau nhức khớp ngón chân cái. Cơn đau có khuynh hướng tăng nặng hơn khi vận động khớp, đi lại, đứng nhón trên các đầu ngón chân hoặc sờ nắn bao khớp.
- Có dấu hiệu bầm tím hoặc nổi vết ban đỏ ngoài da quanh vùng khớp ngón chân cái bị viêm bao hoạt dịch.
- Nóng sốt. Triệu chứng này thường xảy ra trong các đợt viêm bao hoạt dịch khớp cấp tính
- Túi hoạt dịch dày hơn
- Vận động khớp ngón chân cái khó khăn, không thể bẻ cong ngón chân như bình thường.
Khi nào bạn nên đi khám bác sĩ?
Nếu có dấu hiệu nghi ngờ hoặc bị sưng đau khớp ngón chân cái kéo dài mà không rõ nguyên nhân, bạn nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán xác định bệnh. Một số trường hợp cần nhận được sự hỗ trợ từ y tế càng sớm càng tốt. Bạn nên tìm gặp bác sĩ ngay trong các trường hợp sau:
- Bệnh không thuyên giảm sau 1 – 2 tuần tự điều trị, khắc phục tại nhà
- Các triệu chứng ngày càng tăng nặng
- Sốt cao, ớn lạnh trong người
- Không thể cử động được khớp bị ảnh hưởng
- Xuất hiện các cơn đau dữ dội hoặc đau nhói tại khớp.
Nguyên Nhân
Bệnh viêm bao hoạt dịch ngón chân cái do một hay nhiều nguyên nhân kết hợp gây ra. Thường gặp nhất là các nguyên nhân sau:
- Chấn thương: Tổn thương ở bao hoạt dịch và các mô mềm quanh khớp ngón chân cái thường xảy ra sau khi gặp tai nạn lao động, chơi thể thao, tai nạn giao thông hay vấp ngã… Tất cả đều có thể kích hoạt phản ứng sưng viêm ở bao hoạt dịch ngón chân cái.
- Nghề nghiệp: Yếu tố này cũng có liên quan mật thiết với bệnh viêm bao hoạt dịch ngón chân cái. Các trường hợp lao động chân tay, vận động viên thể thao, công nhân bốc xếp… có nguy cơ mắc căn bệnh này cao hơn so với người khác do bao hoạt dịch ở khớp ngón chân cái thường xuyên phải chịu nhiều áp lực.
- Béo phì: Trọng lượng cơ thể dư thừa làm tăng sức ép lên khớp ngón chân cái và khiến các mô mềm bên trong dễ bị tổn thương, từ đó dẫn đến bệnh viêm bao hoạt dịch.
- Lớn tuổi: Nguy cơ bị viêm bao hoạt dịch ngón chân cái tăng lên theo tuổi tác do ảnh hưởng của quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể.
- Vận động sai tư thế: Đứng lâu, ngồi nhiều, thường xuyên vọp bẻ khớp hoặc đứng nhón trên ngón chân… Những tư thế sinh hoạt xấu này đều có thể gây tổn thương cho khớp và tạo mầm mống cho bệnh viêm bao hoạt dịch ngón chân cái phát triển.
- Nhiễm trùng: Tình trạng viêm bao hoạt dịch ở ngón chân cái có thể xảy ra sau khi bị nhiễm trùng cấp ngoài da hay các bộ phận khác trong khớp. Do không được kiểm soát tốt, vi khuẩn lây lan đến bao hoạt dịch và khiến cho cơ quan này bị viêm nhiễm.
- Bệnh gout: Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây viêm bao hoạt dịch ngón chân cái. Nguyên nhân gây bệnh gout do tinh thể muối urat tích tụ tại khớp gây tổn thương cho các mô sụn, gân, cơ và cả bao hoạt dịch.
- Các bệnh lý khác: bệnh viêm bao hoạt dịch ngón chân cái có thể phát triển thứ phát sau khi mắc các bệnh lý như thấp khớp cấp, tiểu đường, bệnh tuyến giáp, u sụn khớp ngón chân cái…
Biến chứng
Bệnh viêm bao hoạt dịch ngón chân cái có thể chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị sớm. Tuy nhiên, một số trường hợp do chủ quan không đi khám và chữa trị sớm khiến cho bệnh ngày càng phát triển nghiêm trọng hơn và gây ra các biến chứng như:
- Lo âu, căng thẳng do các triệu chứng bệnh kéo dài
- Mất khả năng vận động khớp
- Teo cơ, yếu cơ do ít vận động khớp
- Khớp ngón chân cái bị hư hại nghiêm trọng và không có khả năng phục hồi.
- Biến dạng khớp ngón chân cái.
- Rối loạn giấc ngủ, mất ngủ do cơn đau nhức, khó chịu ở ngón chân cái bị bệnh thường xuyên xuất hiện vào ban đêm.
- Rối loạn cảm giác.
Phòng ngừa
Để giảm nguy cơ mắc bệnh viêm bao hoạt dịch ngón chân cái, bạn có thể áp dụng một số giải pháp sau:
- Hoạt động đúng cách, không chơi thể thao hay lao động quá sức
- Dùng dụng cụ trợ giúp khi nâng vật nặng.
- Giảm cân trong trường hợp đang bị béo phì. Cần kiểm soát tốt trọng lượng cơ thể để hạn chế áp lực lên ngón chân cái.
- Xây dựng thói quen tập thể dục mỗi ngày để củng cố sức khỏe cho hệ cơ xương khớp và bao hoạt dịch.
- Có chế độ dinh dưỡng cân bằng để duy trì cân nặng ở mức hợp lý, hỗ trợ giảm sưng đau và ngăn ngừa viêm bao hoạt dịch ngón chân cái hiệu quả hơn.
- Kiểm soát tốt các bệnh lý liên quan để không ảnh hưởng tới bao hoạt dịch.
Biện pháp chẩn đoán
Bệnh viêm bao hoạt dịch ngón chân cái được khám tại chuyên khoa cơ xương khớp. Tại đây, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám thực thể, khai thác tiền sử bệnh và các triệu chứng đang gặp phải nhằm thu thập các thông tin cần thiết phục vụ cho công tác chẩn đoán bệnh cùng nguyên nhân.
Để đưa ra kết quả chẩn đoán chính xác nhất, một số phương pháp khác có thể được chỉ định sau khi thăm khám lâm sàng. Bao gồm:
- Xét nghiệm hình ảnh: Chụp X-quang, chụp MRI, siêu âm khớp.
- Xét nghiệm máu: Giúp phát hiện các nguyên nhân gây viêm bao hoạt dịch ngón cái như nhiễm trùng, bệnh gout, đái tháo đường, thấp khớp,…
- Xét nghiệm dịch khớp.
Chẩn đoán phân biệt:
Bệnh viêm bao hoạt dịch ngón chân cái có nhiều triệu chứng tương đồng với các bệnh lý khác như viêm khớp, viêm gân. Vì vậy, cần chẩn đoán phân biệt để không bị chẩn đoán nhầm bệnh dẫn đến sai lầm trong điều trị.
- Bệnh viêm khớp: Bệnh gây sưng viêm, hao mòn hay rách sụn bảo vệ giữa hai đầu xương. Nguyên nhân chủ yếu là do bị nhiễm trùng, chấn thương hoặc viêm khớp phản ứng. Các triệu chứng khác có thể gặp khi bị viêm khớp bao gồm cứng khớp ngón chân cái, sưng đau, nóng đỏ khớp, giới hạn phạm vi vận động.
- Bệnh viêm gân: Hoạt động ở ngón chân cái lặp đi lặp lại nhiều lần có thể gây kích ứng dây chằng, viêm gân. Bác sĩ có thể chẩn đoán phân biệt căn bệnh này với tình trạng viêm bao hoạt dịch ngón chân cái dựa trên vị trí đau hoặc thực hiện các xét nghiệm hình ảnh.
- Trật khớp: Đây là một chấn thương ở khớp thường gặp sau khi bị vấp ngã hoặc tai nạn. Khi bị trật khớp, khớp bị sưng đau một cách đột ngột. Người bệnh có cảm giác đau dữ dội. Quan sát khớp ngón chân cái thấy khớp bị biến dạng, đầu xương lệch ra ngoài.
- Chấn thương mô mềm: Các chấn thương xảy ra ở phần mềm như gân, cơ, dây chằng cũng có thể gây sưng đau khớp ngón chân cái. Cần thực hiện các xét nghiệm hình ảnh để chẩn đoán xác định chính xác bệnh.
Biện pháp điều trị
Sau khi thăm khám, tùy theo nguyên nhân và các triệu chứng đang gặp phải, bác sĩ có thể chỉ định cho bạn điều trị bằng nội khoa hoặc ngoại khoa. Cụ thể như sau:
– Dùng thuốc:
- Sử dụng thuốc giảm đau thông không kê toa: Paracetamol hay các thuốc giảm đau không kê toa khác có thể giúp ngón chân cái bớt đau nhức, khó chịu. Nhóm thuốc này thích hợp với người bị đau mức độ nhẹ và trung bình. Thuốc còn có tác dụng hạ sốt.
- Thuốc kháng viêm không steroid: Ngoài tác dụng giảm sưng viêm khớp và bao hoạt dịch ngón chân cái, thuốc còn có tác dụng giảm đau. Thuốc kháng viêm không steroid chỉ được sử dụng trong ngắn hạn. Lạm dụng loại thuốc này quá mức có thể gây viêm loét dạ dày, đau dạ dày, men gan cao, suy giảm chức năng thận và nhiều tác dụng phụ khác.
- Thuốc kháng sinh: Nhóm thuốc này được bác sĩ kê đơn khi có nhiễm trùng.
- Thuốc hạ đường huyết dùng cho bệnh nhân bị tiểu đường.
- Trường hợp bị viêm bao hoạt dịch ngón chân cái do gout được chỉ định thêm thuốc hạ axit uric trong máu.
- Tiêm corticosteroid: Nếu không đáp ứng được với thuốc giảm đau, kháng viêm thông thường, bác sĩ có thể đề nghị tiêm corticosteroid trực tiếp vào trong túi dịch để giảm sưng viêm, xoa dịu cơn đau ở khớp nhanh hơn.
Vật lý trị liệu chữa viêm bao hoạt dịch ngón chân cái:
- Thực hành các bài tập có tác dụng tăng cường sức mạnh cho cơ và dây chằng quanh khớp ngón chân cái bị bệnh, đồng thời làm tăng khả năng vận động cho khớp.
- Trị liệu bằng điện, tia laser, đèn hồng ngoại hay thủy trị liệu…
– Phẫu thuật:
Phẫu thuật được chỉ định để điều trị viêm bao hoạt dịch ngón chân cái khi không đáp ứng với các phương pháp nội khoa. Trong ca mổ, bác sĩ sẽ tiến hành dẫn lưu dịch viêm ra khỏi túi dịch. Phẫu thuật cắt bỏ túi dịch hiếm khi được thực hiện.
Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà
Một số trường hợp có thể giảm đau, cải thiện tình trạng viêm nhiễm trong bao hoạt dịch nhờ các mẹo tự nhiên như:
- Chườm đá lạnh giảm sưng đau ngay từ khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng. Sau khoảng 48 tiếng có thể chuyển qua chườm nóng để làm giãn cơ, kích thích lưu thông máu đến chữa lành tổn thương ở bao hoạt dịch.
- Nghỉ ngơi nhiều nếu bị đau nặng, không vận động khớp ngón chân cái nhiều.
- Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn
- Mang gậy hỗ trợ để việc đi lại được dễ dàng hơn.
- Mang nẹp cố định ngón chân cái bị bệnh để hạn chế tác động từ bên ngoài. Dụng cụ này có thể giúp hạn chế cơn đau và thúc đẩy quá trình chữa lành tổn thương viêm ở bao hoạt dịch.
- Mang giày, dép có kích cỡ vừa vặn, thoải mái để không chèn ép vào ngón chân cái.
- Kê gối năng cao chân hơn tim khi nằm cũng giúp giảm triệu chứng sưng đau ngón chân cái có bao hoạt dịch bị viêm khi nằm ngủ.
- Chuyên gia
- Cơ sở