Viêm Tủy Răng Có Mủ
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm tủy răng có mủ. Bệnh lý này kéo dài lâu ngày có thể gây ra biến chứng nặng nề và gây ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng. Do đó, người bệnh nên tìm hiểu kỹ về bệnh để có các phương pháp điều trị dứt điểm.
Định nghĩa
Tủy răng là tổ chức mô sống có chứa dây thần kinh và mạch máu nằm sâu bên trong ngà răng, men răng. Cấu tạo của tủy răng bao gồm buồng tủy lớn ở thân răng và ống tủy chân răng. Chức năng của tủy răng nuôi dưỡng tái tạo ngà răng, dẫn truyền cảm giác, miễn dịch,...
Viêm tủy răng là biến chứng nặng nề của nhiều bệnh lý răng miệng, trong đó đa phần do sâu răng gây ra. Bệnh lý này rất dễ gặp phải ở những bệnh nhân vệ sinh răng miệng kém, răng bị sứt mẻ do chấn thương, sức đề kháng yếu,.. Dấu hiệu để nhận biết viêm nướu răng là nướu bị sưng đỏ nhiều ngày và chân răng đau nhức khó chịu.
Viêm tủy răng có mủ là tình trạng tủy viêm không được loại bỏ, âm thầm xâm lấn vào trong xương hàm, phá hủy xương hàm vào tạo ổ mủ bên trong. Ổ mủ này sau một thời gian phát triển sẽ thoát ra bên ngoài ngách lợi ngay dưới chân răng. Nếu tình trạng bệnh không được điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến các răng xung quanh và gây ra hệ lụy nguy hiểm cho sức khỏe răng miệng.
Hình ảnh
Triệu chứng
Một số dấu hiệu nhận biết bị viêm tủy răng đã xuất hiện ổ mủ:
- Ban đầu bạn sẽ thấy có cảm giác đau nhức và ê buốt răng nghiêm trọng. Các cơn đau răng này có thể bùng phát bất cứ lúc nào trong ngày, nhất là khi bị va chạm.
- Phần mô nướu bao xung quanh răng có xu hướng bị sưng tấy, chảy máu và đau nhức.
- Hơi thở có mùi hôi khó chịu ngay cả khi mới vệ sinh răng miệng hoặc áp dụng các mẹo giảm mùi hôi miệng tại nhà.
- Kẽ lợi xuất hiện đầu mủ trắng, khi ấn mạnh vào nướu có thể thấy chảy dịch mủ ra kèm máu tanh.
Ngoài ra tình trạng viêm tủy răng có mủ kéo dài còn có thể gây ra một số triệu chứng toàn thân như đau đầu, mất ngủ, mệt mỏi, chán ăn và suy nhược cơ thể.
Nguyên Nhân
Nguyên nhân chính gây ra tình trạng viêm tủy răng chứa mủ có thể do:
- Không điều trị viêm tủy răng kịp thời: Trường hợp tủy răng bị viêm nếu không tiến hành điều trị kịp thời sẽ khiến cho vi khuẩn phát mạnh, gây tổn thương khoang tủy. Lâu ngày các ổ viêm này lây lan sang các mô lân cận và hình thành ổ mủ.
- Điều trị không đúng cách: Thông thường khi bị viêm tủy răng sẽ được bác sĩ chỉ định điều trị bằng cách loại bỏ ngà răng đã hoại tử và rút tủy. Tuy nhiên, nếu thực hiện không đúng phương pháp hoặc không loại bỏ hết mầm bệnh sẽ khiến vị trí viêm phát triển thành ổ mủ.
- Vệ sinh răng miệng kém: Khi vệ sinh răng miệng không đúng cách sẽ khiến mảng bám tích tụ tạo điều kiện vi khuẩn gây viêm phát triển mạnh. Ban đầu các loại vi khuẩn này chỉ gây ra một số bệnh về răng miệng thông thường. Sau một thời gian, vi khuẩn sẽ tấn công men răng, ngà răng rồi đến tủy răng và gây viêm tủy có mủ.
- Suy giảm miễn dịch: Người có dấu hiệu suy giảm miễn dịch thường dễ mắc các bệnh viêm nhiễm, trong đó có viêm tủy răng.
Biến chứng
Viêm tủy răng có mủ là giai đoạn viêm đã tiến triển nặng do đó có thể gây ra các biến chứng nặng nề như:
- Ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày: Các triệu chứng bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng ăn nhai, làm gián đoạn giấc ngủ và giảm chức năng thẩm mỹ.
- Phá vỡ cấu trúc men răng và tủy: Tủy răng bị viêm có mủ khiến chân răng suy yếu, dễ bị mẻ, vỡ. Tình trạng viêm kéo dài có thể dẫn đến viêm toàn bộ xương hàm, thậm chí còn lan rộng đến các răng xung quanh.
- Áp xe chân răng: Ổ mủ có thể phát triển thành áp xe (một dạng nhiễm trùng nghiêm trọng) và gây tổn thương mô nướu xung quanh chân răng. Nếu áp xe chân răng bị vỡ đi còn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng huyết và áp xe não.
- Gây rụng răng, mất răng: Tủy răng bị viêm nếu không được loại bỏ hoàn toàn có thể ăn mòn chân răng và khiến răng mất đi. Đây là một trong những biến chứng nặng nề nhất, người bệnh phải trồng răng giả hoặc trồng răng Implant mới có thể đảm bảo chức năng ăn nhai và thẩm mỹ.
Viêm tủy răng có mủ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, việc tìm hiểu kỹ tình trạng bệnh và áp dụng đúng cách điều trị là rất quan trọng.
Phòng ngừa
Ngoài chế độ ăn uống, để đảm bảo điều trị tận gốc viêm tủy răng có mủ, bệnh nhân cần chú ý chăm sóc sức khỏe răng miệng như sau:
- Cần đánh răng ít nhất 2 lần/ngày vào sau khi ăn, sau khi ngủ dậy và trước khi đi ngủ. Nên chải răng nhẹ nhàng bằng bàn chải lông mềm để tránh tích tụ mảng bám và thức ăn thừa.
- Để làm sạch răng miệng hoàn toàn nên kết hợp sử dụng thêm chỉ nha khoa và nước súc miệng chuyên dụng.
- Không nên dùng tăm xỉa răng vì thói quen này có thể gây hư hại men răng, mô nướu và làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh nha khoa khác.
- Bệnh nhân cần thay bàn chải sau 2 – 4 tháng sử dụng hoặc khi lông chải bị tưa. Vì bàn chải dùng lâu có chứa rất nhiều vi khuẩn có hại, còn bàn chải bị tưa có thể gây tổn thương nướu khi đánh răng.
- Nên lựa chọn kem đánh răng có chứa fluoride và canxi để giúp răng chắc khỏe và nhanh hồi phục hơn.
- Nên lấy cao răng và thăm khám sức khỏe răng miệng tổng quát khoảng 2 lần/năm để có biện pháp xử lý biến chứng kịp thời.
Biện pháp điều trị
Dựa vào mức độ tổn thương cũng như cơ địa của bản thân bệnh nhân có thể áp dụng một trong các cách điều trị sau:
Điều trị bằng mẹo dân gian
Trong dân gian có rất nhiều mẹo hay giúp kháng khuẩn, tiêu viêm hiệu quả. Khi áp dụng các cách này tại nhà có thể loại bỏ cơn đau nhức và cải thiện tình trạng viêm tủy.
Một số mẹo thường được sử dụng để điều trị bệnh gồm có:
Dùng nước muối:
Súc miệng nước muối hàng ngày là cách đơn giản nhất để giảm đau nhức và loại bỏ vi khuẩn gây bệnh. Cách dùng rất đơn giản: Lấy 1 thìa muối nhỏ cho vào cốc nước ấm sau đó khuấy đều. Dùng nước muối ấm súc miệng vào mỗi buổi sáng sau khi đánh răng và trước khi ngủ để đạt hiệu quả tốt nhất.
Dùng hành tây:
Hành tây vị cay, có tác dụng sát khuẩn cực kỳ hiệu quả. Do đó rất nhiều người dùng hành tây để giảm triệu chứng viêm đau tủy răng tại nhà theo cách sau: Lấy củ hành tây, bỏ vỏ rồi thái một miếng vừa đủ để đắp lên vị trí răng bị viêm. Giữ nguyên trong khoảng 5 phút rồi dùng nước sạch súc miệng lại để loại bỏ vi khuẩn và mùi hành tây trong khoang miệng.
Dùng lá trà xanh:
Trà xanh có chứa nhiều tinh chất giúp giảm triệu chứng viêm trong khoang miệng rất hiệu quả. Cách dùng: Lấy 1 nắm lá trà xanh sau đó rửa sạch và cho lên bếp sắc lấy nước. Dùng nước trà xanh để súc miệng vào buổi sáng, buổi tối hoặc sau khi ăn để loại bỏ vi khuẩn gây viêm và giúp hơi thở thơm mát hơn.
Chú ý: Các mẹo dân gian thực hiện đơn giản, nguyên liệu dễ tìm kiếm nhưng hiệu quả chưa cao. Người bệnh cần kiên trì áp dụng mới có thể giảm nhanh triệu chứng bệnh. Bên cạnh đó, các mẹo này chỉ áp dụng cho người bị viêm nhẹ, nếu ổ mủ xuất hiện nhiều và thường xuyên bị vỡ bệnh nhân nên lựa chọn cách khác.
Điều trị bằng bài thuốc Đông y
Ưu điểm của các bài thuốc Đông y là có tác dụng cải thiện triệu chứng bệnh hiệu quả hơn so với khi dùng các mẹo dân gian. Tuy nhiên, bệnh nhân cần áp dụng đúng cách và kiên trì mới có thể đạt hiệu quả.
Một số bài thuốc Đông y được chỉ định điều trị bệnh viêm tủy răng có mủ:
Bài thuốc 1:
Chuẩn bị: Sa sâm, bạch thược, kỷ tử, sinh địa với liều lượng phù hợp.
Cách dùng: Cho tất cả nguyên liệu vào 1,5 lít nước rồi sắc trên lửa nhỏ trong khoảng 1 giờ. sắc trong 1 giờ. Sau đó dùng nước thuốc để uống ngay khi còn ấm. Mỗi ngày sắc uống 1 thang, kiên trì hàng ngày triệu chứng viêm tủy sẽ suy giảm dần.
Bài thuốc 2:
Chuẩn bị: Bạc hà, kim ngân hoa, bồ công anh và một số dược liệu khác theo liều lượng phù hợp với tình trạng bệnh.
Cách dùng: Đem các nguyên liệu sắc cùng với 1 lít nước cho đến khi cạn còn khoảng ⅓ thì tắt bếp. dùng nước thuốc uống 2 - 3 lần trong ngày, kiên trì mỗi ngày 1 thang sẽ có hiệu quả.
Điều trị tại cơ sở nha khoa
Trong trường hợp áp dụng các cách điều trị tại nhà không hiệu quả, tủy răng viêm nặng, các ổ mủ bị vỡ ra thì bệnh nhân nên đến nha khoa để điều trị. Vì khi đó tình trạng bệnh đã ở giai đoạn nặng, nếu không trị dứt điểm sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
Tại nha khoa, đầu tiên bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra sức khỏe răng miệng của bệnh nhân. Sau đó xác định tình trạng viêm tủy rồi mới đưa ra cách xử lý phù hợp nhất. thông thường, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị viêm tủy răng có mủ bằng các cách sau:
Sử dụng thuốc Tây y:
Trong trường hợp tình trạng viêm khiến bệnh nhân đau đớn không chịu được thì bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc Tây y. Các loại thuốc được chỉ định có tác dụng kháng viêm, giảm đau tức thì. Từ đó giúp người bệnh dễ chịu hơn, có thể sinh hoạt như bình thường. Bác sĩ thường chỉ định cho bệnh nhân bị viêm tủy răng có mủ sử dụng thuốc Amoxicillin, Metronidazole, Lysozym 90mg, Prednisone 5mg, Paracetamol,...
Sử dụng thuốc Tây y có tác dụng giảm triệu chứng bệnh ngay sau khi uống. Tuy nhiên, chúng có thể gây ra nhiều tác dụng phụ không tốt cho sức khỏe. Chính vì vậy, để tránh biến chứng không mong muốn bệnh nhân cần tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Điều trị nội nha:
Điều trị nội nha (rút tủy) là biện pháp giúp loại bỏ ổ viêm nhiễm, bảo tồn chân răng và làm giảm nguy cơ mất răng cho bệnh nhân. Bác sĩ sẽ tiến hành gây tê sau đó dùng mũi khoan chuyên dụng để mở đường vào khoang tủy rồi dùng dụng cụ hút dịch tủy bị viêm nhiễm. Khi tủy viêm được hút sạch, bác sĩ tiến hành vệ sinh sạch sẽ rồi tiến hành trám bít hoặc bọc răng sứ để bảo vệ răng.
Điều trị nội nha giúp loại bỏ hoàn toàn tủy răng, tuy nhiên sau khi áp dụng răng thường hư yếu, giòn và dễ nứt nẻ. Vì vậy, sau khi thực hiện biện pháp này người bệnh cần phải chú ý chăm sóc răng miệng kỹ lưỡng.
Nhổ bỏ răng bị viêm:
Nếu răng đã bị hư hại phần chân răng hoàn toàn và lây lan sang các răng bên cạnh thì bác sĩ sẽ chỉ định nhổ bỏ răng. Đây là giải pháp giúp ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng lan rộng, gây ảnh hưởng đến cấu trúc cung hàm và các cơ quan lân cận.
Sau khi nhổ răng sẽ tạo khoảng trống trên cung hàm làm ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai, thẩm mỹ và khả năng phát âm. Vì vậy, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân phục hình răng bằng cách dùng hàm giả tháo lắp, bọc răng sứ và cấy Implant.
Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà
Ngoài áp dụng các cách điều trị, khi bị viêm tủy răng có mủ bệnh nhân cần xây dựng chế độ ăn uống hợp lý để bệnh nhanh khỏi hơn. Một số thực phẩm nên ăn và không nên ăn khi mắc bệnh gồm:
Thực phẩm nên ăn:
- Đồ ăn mềm dễ nhai nuốt: Bệnh nhân nên ăn các loại đồ ăn được chế biến ở dạng mềm, lỏng và dễ nuốt như cháo, súp, canh, miến, phở,… Vì khi viêm tủy răng, chân răng yếu đi, các loại đồ ăn này không làm tăng áp lực lên răng, làm ảnh hưởng xấu đến kết quả điều trị.
- Thực phẩm có tính mát: Khi bị viêm tủy, vùng răng có hiện tượng sưng viêm, phù nề. Chính vì vậy, để giảm triệu chứng khó chịu, người bệnh nên ăn các loại thực phẩm có khả năng thanh nhiệt, làm mát như súp lơ, dưa leo, cà chua, bắp cải tím, cà rốt hầm,…
- Thực phẩm có nhiều chất xơ: Hàm lượng chất xơ tự nhiên có trong rau củ quả giúp tăng lợi khuẩn, làm sạch mảng bám và ngăn ngừa hình thành cao răng. Để bổ sung chất xơ, người bệnh nên ăn nhiều các loại rau củ quả hàng ngày.
- Thực phẩm giàu vitamin: Nguyên nhân quan trọng dẫn đến viêm tủy răng là do hệ miễn dịch suy giảm. Do đó, để khắc phục triệu chứng bệnh tốt nhất, người bệnh nên ăn thực phẩm giàu các loại vitamin như trứng, thịt lợn, cá, bông cải xanh, rau có lá màu xanh, ớt chuông, nấm, bí,…
- Sữa và sữa chua: Nếu sử dụng nhiều sữa và sữa chua giúp cung cấp hàm lượng protein và khoáng chất đặc biệt là canxi cho cơ thể. Từ đó làm giảm các triệu chứng sưng viêm và giúp răng chắc khỏe hơn.
Không nên ăn:
- Khi bị viêm tủy răng có mủ, men răng và ngà răng rất yếu do đó bệnh nhân không nên ăn các loại thực phẩm dai, cứng, khó nhai như: Thịt khô bò, khô mực, hoa quả sấy, các loại hạt,… Vì khi ăn các thực phẩm này sẽ khiến răng phải chịu một áp lực lớn, từ đó kích thích các triệu chứng sưng đau, răng nhạy cảm diễn tiến nặng hơn.
- Đồ ăn nhiều đường cũng là một trong các loại thực phẩm không nên ăn khi bị sâu răng, viêm tủy răng. Vì chúng có thể kích thích vi khuẩn Streptococcus mutans và một số loại vi khuẩn có hại khác phát triển nhanh chóng.
- Thực phẩm nhiều gia vị không chỉ ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa mà còn ảnh hưởng đến thời gian hồi phục nướu răng khi bị viêm tủy.
- Người bệnh cũng cần phải kiêng đồ uống có cồn, chất kích thích, cafein, thuốc lá,... Vì khi sử dụng những đồ uống này sẽ gây ra tình trạng khô miệng kích thích vi khuẩn phát triển và ảnh hưởng đến thời gian hồi phục bệnh.
Viêm tủy răng có mủ là tình trạng viêm nhiễm nặng dễ khiến người bệnh gặp phải các biến chứng nguy hiểm. Do đó, khi nhận thấy dấu hiệu bất thường trong khoang miệng bệnh nhân cần đến nha khoa thăm khám và điều trị kịp thời.
Câu hỏi thường gặp
Để hỗ trợ quá trình điều trị và giảm bớt các triệu chứng khó chịu, người bị viêm tủy răng cần chú ý đến chế độ ăn uống.
Nên ăn:
- Thức ăn mềm, dễ nhai: Cháo, súp, canh,...
- Rau củ quả mát: Dưa chuột, cà chua, cam, bưởi,...
- Thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất: Sữa, sữa chua, rau xanh,...
Kiêng ăn:
- Thức ăn cứng, dai: Đá lạnh, kẹo cứng, xương, thịt dai,...
- Đồ ăn cay nóng, nhiều đường, nhiều gia vị: Ớt, nước ngọt, bánh kẹo,...
- Chuyên gia
- Cơ sở