Đau Xương Chậu
Đau xương chậu có dấu hiệu đặc trưng là tình trạng đau nhức đột ngột hoặc âm ỉ kéo dài xảy ra ở khu vực xương chậu. Hiện tượng này thường gặp khi bị chấn thương, vận động không đúng cách hoặc là triệu chứng tiềm ẩn của nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm cần được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt.
Định nghĩa
Đau xương chậu là hiện tượng đau xảy ra ở vùng xương chậu - phần cuối cùng của cột sống thắt lưng, phía trên xương đùi. Bệnh ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, giới tính. Cơn đau có thể vô hại và tự chấm dứt sau một thời gian ngắn nhưng cũng có nhiều trường hợp bị đau xương chậu kéo dài làm ảnh hưởng đến khả năng lao động và chức năng vận động của cơ thể.
Câu hỏi thường gặp
Đau xương chậu là bị gì?
Trong hầu hết các trường hợp, chứng đau xương chậu thường kéo dài và là dấu hiệu cảnh báo nhiều vấn đề về sức khỏe. Bao gồm:
- Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS): Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây đau xương chậu ở phụ nữ. Chị em có thể cảm thấy đau nhói ở vùng bụng dưới hay đau lưng dưới ở phần cuối của cột sống. Cơn đau thường kéo dài trong 1 - 3 ngày kèm theo các triệu chứng khác như lo lắng, dễ bị kích động, nhức đầu, đau ngực, phù, rối loạn cảm xúc...
- Mắc bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục: Nếu vùng xương chậu bị đau kéo dài, bạn nên thận trọng với các bệnh lý có khả năng lây truyền qua đường tình dục, nhất là bệnh lậu hay chlamydia. Các triệu chứng khác có thể gặp khi mắc bệnh bao gồm đau khi tiểu tiện, ra máu âm đạo, tăng tiết dịch bất thường ở âm đạo.
- Bệnh viêm kẽ bàng quang: Bệnh gây ra các cơn đau liên tục ở vùng xương chậu, đi tiểu nhiều lần trong ngày, đau khi tiểu tiện hoặc quan hệ tình dục.
- Viêm ruột thừa: Trường hợp này sẽ bị đau nhói ở vùng bụng dưới bên phải, đau bụng dữ dội, sốt, buồn nôn hoặc nôn ói. Bệnh nhân bị viêm ruột thừa cần được phẫu thuật kịp thời để tránh biến chứng nguy hiểm.
- Chấn thương: Khi bị đau xương chậu đột ngột, chúng ta cũng không loại trừ khả năng bị chấn thương. Cơn đau thường xuất hiện sau khi một cá nhân bị vấp ngã, tai nạn giao thông, chơi thể thao quá sức, vận động không đúng tư thế hoặc gặp tai nạn nghề nghiệp.
- Hội chứng ruột kích thích (IBS): Hội chứng ruột kích thích thường gây đau bụng, tiêu chảy, đau vùng xương chậu và nhiều dấu hiệu bất thường khác. Hãy tìm gặp bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để được thăm khám, chẩn đoán bệnh nếu bạn thường xuyên có các dấu hiệu tương tự như trên.
- Hội chứng tắc nghẽn vùng chậu: Tình trạng tắc nghẽn các mạch máu có thể khiến máu tích tụ nhiều ở vùng chậu và gây sưng đau. Cơn đau xương chậu thường tăng lên khi ngồi hoặc đứng và thuyên giảm khi nằm nghỉ.
- Khối u ở buồng trứng hay tử cung: Đau vùng xương chậu ở phụ nữ có thể là dấu hiệu cảnh báo sự xuất hiện của một khối u xơ ở tử cung hay u nang buồng trứng. Ngoài ra, chị em còn có cảm giác tăng áp lực ở bụng, đau thắt lưng, đau khi quan hệ tình dục, khó mang thai hơn những người phụ nữ khỏe mạnh.
- Rụng trứng: Quá trình rụng trứng có thể gây đau nhói ở vùng bụng dưới rốn và khu vực xương chậu. Đây được xem là một hiện tượng sinh lý bình thường xảy ra ở giữa chu kỳ kinh hàng tháng của nữ giới.
- Bệnh sỏi thận: Sỏi thận được hình thành từ quá trình tích tụ muối và khoáng chất. Những viên sỏi còn nhỏ thường không gây ra triệu chứng bất thường. Theo thời gian, sỏi thận có thể phát triển to hơn và chèn ép gây đau thắt lưng, đau xương chậu, tiểu rắt, tiểu buốt hoặc có máu trong nước tiểu.
- Mang thai ngoài tử cung: Thay vì phải làm tổ trong lòng tử cung, phôi thai lại phát triển trong ống dẫn trứng gây mang thai ngoài tử cung. Lúc này, chị em có thể bị co thắt hoặc đau ở vùng chậu, âm đạo ra máu, choáng váng, buồn nôn...
- Bệnh viêm vùng chậu: Căn bệnh này gây tổn thương ở nhiều cơ quan cùng lúc, bao gồm viêm cổ tử cung và tử cung, viêm buồng trứng hay viêm ống dẫn trứng. Ngoài triệu chứng đau vùng xương chậu, người mắc viêm vùng chậu còn bị đau bụng, sốt cao, ra nhiều khí hư, tiểu tiện đau hoặc đau khi quan hệ tình dục.
- Quan hệ tình dục quá mức: Tần suất quan hệ dày đặc hoặc tư thế quan hệ có cường độ quá mạnh có thể gây căng cơ, tổn thương xương chậu và khởi phát một cơn đau cấp tính.
- Bệnh lạc nội mạc tử cung: Một số tế bào nội mạc tử cung phát triển ở trên buồng trứng hay ống dẫn trứng. Khi đến kỳ hành kinh, chúng bị bong tróc nhưng không thể đào thải ra ngoài dẫn đến hiện tượng đau dữ dội ở vùng xương chậu.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu: Bệnh viêm đường tiết niệu gây sốt, đi tiểu nhiều lần, đái máu, buồn nôn hoặc nôn ói, đau ở một bên lưng dưới hay xương chậu.
- Viêm phúc mạc: Bệnh xảy ra khi lớp mô mỏng lót bên trong bụng bị viêm. Người mắc bệnh viêm phúc mạc thường xuất hiện các cơn đau đột ngột ở vùng bụng dưới rốn, sốt cao khó hạ, nôn mửa, tiêu lỏng nhiều lần trong ngày, nước tiểu ít...
- Sa bàng quang: Bệnh thường gặp ở người già do các cơ ở bàng quang bị căng giãn, suy yếu khiến cho bộ phận này bị sa xuống âm đạo. Bệnh gây đau vùng xương cụt và mang lại nhiều cảm giác khó chịu ở vùng bụng dưới hay lưng dưới.
- Áp xe vùng chậu: Căn bệnh này xảy ra khi nhiễm trùng ở vùng chậu kéo dài. Bệnh nhân có cảm giác đau quặn ở xương chậu, đau bụng và không thể đứng vững.
- Viêm âm hộ: Bệnh viêm âm hộ thường xảy ra ở phụ nữ do nhiễm trùng. Kèm theo sự xuất hiện của các cơn đau là những dấu hiệu bất thường khác như đau hoặc ra máu khi quan hệ, tăng tiết dịch âm đạo, ngứa vùng kín...
- Sảy thai hoặc thai chết lưu: Đây cũng là những nguyên nhân phổ biến gây đau xương chậu ở phụ nữ.
- Các nguyên nhân khác: Sa tử cung, co thắt ruột, táo bón, mang thai, đau cơ xơ hóa, viêm loét đại tràng, viêm tuyến tiền liệt gây đau xương chậu ở nam giới, bệnh crohn, tắc ruột...
Có thể thấy, đau xương chậu là một triệu chứng tiềm ẩn của nhiều vấn đề về y tế. Trong đó có nhiều bệnh lý nguy hiểm cần được chẩn đoán và điều trị sớm để tránh nguy cơ tử vong.
Dấu hiệu nhận biết
Cơn đau xương chậu thường có những đặc điểm như sau:
- Đau nhức âm ỉ, đau nhói hay đau quặn từng cơn ở vùng cuối cùng của cột sống thắt lưng. Đôi khi còn kèm theo tình trạng đau ở phần thấp nhất của bụng.
- Cơn đau có thể khởi phát đột ngột mà không có dấu hiệu báo trước.
- Cường độ đau có thể ở mức độ nhẹ, trung bình hoặc nghiêm trọng. Điều này còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau.
- Cảm giác đau xương chậu chỉ kéo dài trong thời gian ngắn, đau từng cơn hoặc đau kéo dài liên tục khó kiểm soát.
- Cơn đau ở vùng xương chậu có thể lan tỏa sang các vùng lân cần như mông, đùi, thắt lưng.
- Hiện tượng đau thuyên giảm khi nghỉ ngơi và thường có khuynh hướng tăng nặng mỗi khi vận động mạnh, hoạt động tình dục, đứng hay ngồi lâu. Một số bệnh nhân còn bị đau xương chậu rõ rệt hơn ngay cả khi ho hoặc hắt hơi.
- Thường xuyên bị chuột rút cơ bắp.
- Có cảm giác nặng nề ở vùng xương chậu.
Phân loại bệnh
Tùy theo đặc điểm và thời gian bị đau mà chứng đau xương chậu được chia thành 2 thể chính như sau:
- Đau xương chậu cấp tính:
- Cơn đau kéo dài không quá 6 tháng
- Đau xuất hiện một cách đột ngột mà không có dấu hiệu báo trước.
- Cơn đau diễn ra trong ngắn hạn nhưng lại có tính chất nghiêm trọng. Người bệnh thường bị đau nhói, đau quặn từng cơn khó kiểm soát.
- Đau xương chậu mãn tính:
- Cơn đau kéo dài trên 6 tháng
- Người bệnh thường bị đau âm ỉ dai dẳng. Đôi khi kèm theo các cơn đau quặn.
- Triệu chứng đau dễ tái phát.
Chẩn đoán
Tại phòng khám chuyên khoa, bác sĩ có thể yêu cầu bạn liệt kê các triệu chứng đang gặp phải, tính chất, mức độ, tần suất của cơn đau xương chậu... Bạn nên thông báo cho bác sĩ biết về tất cả các vấn đề sức khỏe đang gặp phải để làm căn cứ chẩn đoán nguyên nhân gây đau.
Trong quá trình thăm khám lâm sàng, bác sĩ cũng quan sát, thăm khám bên ngoài vùng xương chậu bị đau. Dùng tay ấn để xác định chính xác vị trí đau kết hợp tìm kiếm một số dấu hiệu bên ngoài như sưng, viêm xương chậu...
Để đánh giá chức năng vận động của cơ thể, bạn sẽ được nhân viên y tế đề nghị thực hiện một số cử động thông thường. Chẳng hạn như đứng lên, ngồi xuống, cúi khom người...
Một số phương pháp cận lâm sàng có thể được chỉ định để chẩn đoán nguyên nhân gây đau và tình trạng tổn thương trong xương chậu. Bao gồm:
- Xét nghiệm máu
- Xét nghiệm dịch tiết
- Kiểm tra nước tiểu
- Phết tế bào cổ tử cung tìm kiếm dấu hiệu của nhiễm trùng, ung thư.
- Các xét nghiệm hình ảnh: Siêu âm, nội soi vùng chậu, chụp X-quang xương chậu, chụp CT, chụp MRI.
Cách điều trị
Phương pháp chữa đau xương chậu thường được bác sĩ quyết định dựa trên nguyên nhân gây đau và mức độ đau. Bạn có thể được điều trị bằng phương pháp nội khoa hoặc ngoại khoa.
1. Trị đau xương chậu bằng nội khoa
Các phương pháp nội khoa bao gồm sử dụng thuốc kết hợp với vật lý trị liệu giúp điều trị nguyên nhân, giảm đau và bảo tồn chức năng của khung xương chậu.
Bị đau xương chậu uống thuốc gì?
Một số loại thuốc được kê đơn để điều trị đau xương chậu. Thường được sử dụng là:
- Thuốc kháng sinh: Dùng cho bệnh nhân bị đau ở vùng xương chậu có liên quan đến nhiễm trùng.
- Thuốc giảm đau thông thường: Acetaminophen, Tylenol, Paracetamol... Chúng có thể giúp giảm các cơn đau ở mức độ nhẹ và vừa.
- Thuốc kháng viêm non-steroid: Aspirin hay Ibuprofen...
- Thuốc tránh thai dùng cho người bị đau xương chậu trong kỳ kinh nguyệt do rối loạn nội tiết.
- Thuốc chống trầm cảm
- Thuốc giảm đau gây nghiện: Các thuốc như Codein hay Morphin có tác dụng giảm đau mạnh nhưng lại gây nghiện thuốc, phụ thuộc vào thuốc. Bệnh nhân chỉ được sử dụng khi không đáp ứng được với thuốc giảm đau thông thường.
- Vật lý trị liệu chữa đau xương chậu:
Phương pháp vật lý trị liệu thường được chỉ định cho người bị đau xương chậu mãn tính. Bệnh nhân được hướng dẫn thực hành các bài tập kéo giãn hoặc thực hiện một số kỹ thuật trị liệu khác nhằm mục đích giảm đau, ổn định khung xương chậu, làm giãn cơ và tăng cường tuần hoàn máu ở khu vực bị tổn thương.
Một số phương pháp vật lý trị liệu có thể được áp dụng:
- Chiếu hồng ngoại
- Điện trị liệu
- Thủy trị liệu
- Điều trị bằng sóng ngắn, siêu âm, tia laser...
2. Điều trị đau xương chậu bằng ngoại khoa
Trong nhiều trường hợp, bệnh nhận được đề nghị làm phẫu thuật để điều trị các nguyên nhân gây đau. Thường gặp nhất là các đối tượng bị đau xương chậu có liên quan đến các bệnh lý như viêm ruột thừa, mang thai ngoài tử cung, áp xe vùng chậu, khối u hay tắc ruột.
Câu hỏi thường gặp
Phụ nữ bị viêm vùng chậu vẫn có thể mang thai nhưng nó có thể làm giảm tỷ lệ thành công trong quá trình thụ tinh và tăng nguy cơ vô sinh, hiếm muộn.
Xem chi tiết