Đau Buốt Thắt Lưng
Đau buốt thắt lưng là tình trạng mà rất nhiều người mắc phải. Đây có thể là dấu hiệu của bệnh lý tại cột sống, cần được phát hiện và điều trị đúng cách để tránh phát sinh biến chứng. Vậy nguyên nhân gây đau buốt thắt lưng là gì và cách khắc phục ra sao? Theo dõi bài viết bên dưới đây sẽ giúp bạn tìm ra câu trả lời.
Định nghĩa
Đau buốt thắt lưng được xem là hiện tượng đau cấp tính hoặc mạn tính ở vùng đốt sống thắt lưng. Khi cơn đau buốt khởi phát, người bệnh sẽ có cảm giác như một luồn điện chạy qua cột sống hoặc như dao chọc vào cột sống. Tình trạng đau sẽ trở nên nghiêm trọng hơn khi bạn làm việc nặng, cúi người, đứng lên đột ngột hoặc khi thời tiết chuyển biến lạnh. Lúc này, người bệnh không thể đứng thẳng hoặc thực hiện các vận động một cách bình thường.
Nguyên nhân
Cơn đau có thể xuất hiện một cách đột ngột, kéo dài hoặc tái phát nhiều lần. Điều này đã khiến cho chất lượng cuộc sống và năng suất lao động của người bệnh bị ảnh hưởng đáng kể. Chuyên gia cho biết, đau buốt thắt lưng không phải là bệnh mà là triệu chứng của các bệnh lý tại cột sống thắt lưng như:
- Thoái hóa cột sống thắt lưng: Bệnh thường xảy ra ở những người đã bước qua độ tuổi 30 do ảnh hưởng từ quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể kết hợp với chế độ ăn uống thiếu khoa học. Điều này đã khiến cho cấu trúc xương khớp trong cơ thể dần suy yếu và đẩy nhanh tốc độ thoái hóa.
- Thoát vị đĩa đệm: Cột sống thắt lưng phải chịu áp lực rất lớn khi thực hiện các hoạt động sống hàng ngày. Nếu bạn có thói quen vận động sai tư thế, đĩa đệm giữa các đốt sống sẽ bị áp lực nhiều hơn bình thường và trượt ra khỏi vị trí ban đầu. Hiện tượng này được gọi là thoát vị đĩa đệm. Khi đĩa đệm chèn ép lên rễ thần kinh sẽ gây đau buốt thắt lưng, tê bì lan rộng từ hông xuống chân,...
- Gai cột sống: Bệnh thoái hóa cột sống nếu không được phát hiện và xử lý đúng cách ngay từ sớm sẽ hình thành nên gai xương và gây ra bệnh gai cột sống. Theo thời gian, các gai xương này sẽ phát triển lớn dần và chèn ép lên các mô mềm xung quanh. Đau buốt thắt lưng cũng là triệu chứng có thể gặp khi bị gai cột sống.
- Viêm cột sống: Viêm cột sống gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lớp sụn khớp và xương dưới sụn. Lúc này, lớp sụn bao bọc ở đầu xương sẽ bị bào mòn và mất đi chức năng vốn có. Khi vận động, đầu xương sẽ cọ xát vào nhau gây đau buốt khá khó chịu. Lâu dần, khả năng vận động của người bệnh sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
- Đau dây thần kinh tọa: Bệnh lý này khởi phát khi dây thần kinh tọa bị tổn thương do chèn ép quá mức. Lúc này, cơn đau nhức hoặc đau buốt sẽ xuất hiện ở vùng thắt lưng rồi chạy dọc theo đường đi của rễ thần kinh đến chân. Ngoài ra, người bệnh còn có cảm giác tê bì và rối loạn cảm giác ở hai chi
- Hẹp ống sống: Hẹp ống sống thường là biến chứng của các bệnh lý cột sống như thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm,... Lúc này, khối nhân nhầy của đĩa đệm sẽ tràn vào ống sống và gây chèn ép lên tủy sống. Lúc này, người bệnh sẽ có cảm giác đau buốt kéo dài ở thắt lưng khá khó chịu. Đồng thời, khả năng vận động cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Chăm sóc tại nhà
Bên cạnh việc thực hiện điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, bạn cũng có thể chủ động đưa ra các biện pháp hỗ trợ điều trị tại nhà giúp tình trạng bệnh nhanh chóng chuyển biến tốt. Cụ thể là:
- Dành khoảng 30 phút mỗi ngày để tập luyện thể dục thể thao giúp nâng cao thể lực cũng như sức đề kháng của cơ thể. Đồng thời, các này còn có tác dụng cải thiện độ chắc khỏe của xương khớp, hỗ trợ làm lành tổn thương tại cột sống.
- Chế độ ăn uống hàng ngày cần bổ sung đầy đủ các nhóm dưỡng chất cần thiết cho cơ thể như canxi, vitamin D, vitamin K, vitamin B, magie, omega-3,... Loại bỏ các thói quen ăn uống xấu gây ảnh hưởng không tốt đến hệ xương khớp.
- Cần bổ sung đủ nước cho cơ thể mỗi ngày để kích thích tăng trao đổi chất và giúp quá trình bôi trơn khớp diễn ra tốt hơn. Người bệnh nên uống nước lọc, nước ép trái cây tươi, nước ép rau xanh,... Tránh uống rượu bia, cà phê, nước ngọt có gas,...
- Tiến hành chườm nóng hoặc chườm lạnh mỗi khi cơn đau buốt khởi phát ở vùng thắt lưng. Để việc chườm nóng có thể mang lại hiệu quả tốt nhất, bạn nên sao nóng dược liệu rồi chườm đắp lên vùng thắt lưng. Các loại thảo dược thường được sử dụng là ngải cứu, lá lốt, xương rồng,...
Biến chứng
Như được nhắc ở trên, đau buốt thắt lưng là triệu chứng của nhiều bệnh lý nghiêm trọng tại cột sống. Nếu bạn không thăm khám chuyên khoa và điều trị đúng cách ngay từ sớm, tổn thương tại cột sống sẽ trở nên ngày càng nghiêm trọng và phát sinh ra nhiều biến chứng nặng nề. Cụ thể là:
- Đau buốt ở mức độ dữ dội và kéo dài, cường độ đau buốt và tần suất xuất hiện cơn đau cũng tăng dần theo thời gian. Điều này đã khiến cho người bệnh cảm thấy rất mệt mỏi, tác động tiêu cực đến cả thể chất và tinh thần.
- Gai xương nếu phát triển quá nhiều hoặc phát triển với kích thước lớn sẽ chèn ép lên các rễ thần kinh phân bố tại đây. Điều này đã sẽ làm gia tăng nguy cơ bị rối loạn cảm giác, mất kiểm soát đại tiểu tiện, khó kiểm soát khả năng vận động,...
- Bệnh có thể gây phá hủy xương và đốt sống khiến chức năng vận động bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều trường hợp sẽ bị teo cơ hoặc tàn thế, không thể tự di chuyển một cách bình thường. Lúc này, các hoạt động sống hàng ngày của người bệnh phải phụ thuộc vào sự giúp đỡ của người thân.
Điều trị
Việc điều trị đau buốt thắt lưng nhằm mục đích cải thiện triệu chứng, hỗ trợ làm lành tổn thương tại cột sống và ngăn ngừa bệnh tình chuyển biến nặng. Thông thường, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh tiến hành điều trị bệnh bằng các phương pháp sau đây:
+ Vật lý trị liệu: Một số phương pháp vật lý trị liệu có thể áp dụng để cải thiện chứng đau buốt thắt lưng là nhiệt trị liệu, siêu âm, kích thích điện,.. Ngoài ra, người bệnh còn được yêu cầu thực hiện thêm một số bài tập trị liệu giúp tăng cường độ dẻo dai và linh hoạt cho cột sống. Dựa vào tình trạng bệnh của mỗi người, bác sĩ sẽ lên phác đồ trị liệu sao cho phù hợp.
+ Kéo giãn cột sống: Kéo giãn cột sống được tiến hành bằng cách dùng lực cơ học kéo cột sống theo chiều dọc giúp làm giãn nở khoảng cách giữa các khoang đốt sống. Sau khi trị liệu, đĩa đệm sẽ trở về vị trí ban đầu và giải phóng chèn ép lên rễ thần kinh. Từ đó, triệu chứng đau buốt ở vùng thắt lưng cũng được cải thiện đáng kể.
+ Dùng thuốc Tây y: Dùng thuốc Tây y có tác dụng giảm đau nhanh chóng và tiện lợi khi sử dụng nên được ưu tiên áp dụng hiện nay. Thành phần dược tính trong thuốc sau khi được cơ thể hấp thụ sẽ đẩy lùi triệu chứng đau buốt một cách tức thời, giúp người bệnh cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn. Khi dùng thuốc Tây y, người bệnh cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn điều trị mà bác sĩ chuyên khoa đã đưa ra để tránh phát sinh tác dụng phụ.
+ Phẫu thuật: Phương pháp này hiếm khi được áp dụng để điều trị tình trạng đau buốt thắt lưng do tiềm ẩn nhiều rủi ro không mong muốn. Thông thường, bác sĩ chỉ yêu cầu thực hiện phẫu thuật với những trường hợp bệnh nặng gây đau nhức dữ dội kéo dài hoặc có nguy cơ biến chứng sang teo cơ, bại liệt.