Khớp Cổ Chân Kêu Răng Rắc
Khớp cổ chân kêu răng rắc là hiện tượng khớp phát ra tiếng kêu do bị tổn thương sụn, ít vận động hoặc do ảnh hưởng của các bệnh lý về xương khớp. Bệnh nhân cần xác định chính xác nguyên nhân để có hướng điều trị đúng đắn.
Định nghĩa
Nhiều người thường xuyên than phiền về tình trạng khớp cổ chân kêu răng rắc, nhất là khi đi lại hay xoay khớp. Âm thanh lạ phát ra từ khớp bị ảnh hưởng thường không quá to và không phải ai cũng nghe thấy nếu như không để ý kỹ.
Tình trạng kêu lắc rắc có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên cổ chân. Đôi khi người bệnh còn nghe thấy tiếng kêu lục cục hoặc bắt gặp các triệu chứng khác như:
- Đau cổ chân.
- Sưng đỏ khớp cổ chân.
- Cứng khớp, khó vận động vào buổi sáng.
- Teo cơ.
- Yếu chân hoặc bàn chân.
- Giới hạn phạm vi vận động của khớp cổ chân.
- Khó khăn khi đi lại.
- Sốt...
Cổ chân kêu răng rắc kéo dài kèm theo các triệu chứng bất thường khác khiến người bệnh lo lắng cho sức khỏe của bản thân. Cần tìm hiểu chính xác căn nguyên để có phương pháp xử trí, khắc phục kịp thời nhằm bảo tồn chức năng vận động của cơ thể.
Nguyên nhân
Tình trạng kêu răng rắc ở khớp cổ chân nếu chỉ xuất hiện một vài lần với tần suất không quá thường xuyên thì không đáng lo ngại. Đây có thể là tiếng kêu vô hại xuất phát từ tình trạng kéo căng đột ngột của túi dịch bên trong khớp.
Tuy nhiên, nếu tình trạng này thường xuyên xảy ra trong thời gian dài và xuất hiện cùng với các dấu hiệu bất thường khác, bạn có thể gặp phải các vấn đề dưới đây:
Khô khớp cổ chân
Khô khớp là hiện tượng khớp cổ chân bị thiếu dịch khớp. Bình thường, trong bao hoạt dịch luôn có một lượng chất nhầy nhất định để bôi trơn ổ khớp, giảm hiện tượng ma sát giữa hai đầu xương khi vận động, đảm bảo cho khớp vận hành trơn tru. Tuy nhiên, do quá trình lão hóa tự nhiên, chấn thương hoặc ăn uống thiếu chất, khả năng sản xuất dịch khớp giảm khiến cho khớp cổ chân trở nên khô và cọ sát mạnh mỗi khi vận động tạo ra tiếng kêu răng rắc.
Các dấu hiệu thường gặp khi bị khô khớp cổ chân bao gồm:
- Cứng hoặc đau nhức khớp
- Giảm khả năng chịu lực
- Co duỗi, vận động khớp cổ chân khó khăn và kém linh hoạt
- Có thể bị sưng, viêm khớp chân...
Lớn tuổi:
Hiện tượng khớp cổ chân kêu răng rắc thường gặp ở người già, người cao tuổi. Nguyên nhân là càng lớn tuổi quá trình lão hóa càng diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Điều này khiến cho sụn khớp bị ăn mòn và làm giảm tiết dịch khớp, từ đó khiến cho khớp cổ chân bị khô và tạo ra âm thanh mỗi khi vận động.
Chấn thương sụn và xương dưới sụn
Các chấn thương như rách sụn, nứt xương có thể xảy ra khi bạn gặp tai nạn, té ngã, chơi thể thao hay va đập mạnh. Do sụn bị tổn thương, bong tróc ra ngoài khiến cho các đầu xương trong khớp cổ chân bị lộ ra và ma sát trực tiếp với nhau khi vận động, từ đó phát ra âm thanh răng rắc.
Ngoài ra, người bị tổn thương sụn và xương dưới sụn thường có biểu hiện đau nhức kéo dài, đau dữ dội hoặc sưng phù khớp cổ chân. Đây là những chấn thương nghiêm trọng cần được phát hiện và điều trị sớm để tránh các biến chứng nguy hiểm.
Ăn uống thiếu chất dinh dưỡng:
Chế độ ăn uống không đầy đủ khiến cơ thể bị thiếu hụt các dưỡng chất như canxi, vitamin D, B12, magie, phốt pho hay collagen. Đây là những chất cần thiết cho quá trình tái tạo sụn và các mô khỏe mạnh ở xương khớp.
Việc thiếu chất dinh dưỡng khiến có nguy cơ gặp phải nhiều vấn đề về xương khớp như loãng xương, thoái hóa khớp cổ chân hay thiếu dịch khớp. Tiếng kêu răng rắc phát ra ở khớp cổ chân cũng chính là một hậu quả tất yếu.
Viêm gân:
Gân làm nhiệm vụ kết nối xương và cơ. Khi bị viêm, gân có biểu hiện sưng phù và cọ sát vào xương khớp cổ chân làm phát ra tiếng kêu. Bên cạnh đó, người bệnh còn có cảm giác đau nhức dữ dội. Một số trường hợp bị sốt do nhiễm trùng.
Vận động quá sức
Chơi thể thao, lao động quá sức hoặc làm việc không đúng tư thế khiến cho các gân quanh khớp cổ chân bị lệch ra khỏi vị trí ban đầu và phát ra âm thanh lạ từ khớp. Thêm vào đó, việc vận động quá sức còn khiến các mô sụn và đầu xương trong khớp bị tổn thương, tạo ra tiếng kêu răng rắc mỗi khi cử động.
Viêm khớp dạng thấp
Bệnh viêm khớp dạng thấp có thể ảnh hưởng đến bất cứ khớp nào trên cơ thể, bao gồm cả khớp cổ chân. Các triệu chứng bệnh có tính chất đối xứng, tức xảy ra ở cả hai bên chân cùng lúc. Nguyên nhân gây bệnh chưa được xác định rõ ràng nhưng có liên quan mật thiết với phản ứng quá mẫn của hệ miễn dịch.
Người bị viêm khớp dạng thấp thường có các triệu chứng sau:
- Sưng viêm, nóng đỏ khớp cổ chân
- Cứng khớp
- Đau nhức trong khớp, nhất là khi vận động
- Khớp cổ chân phát ra tiếng kêu răng rắc hay lục cục.
Ít vận động:
Ít vận động khiến khí huyết kém lưu thông và khớp cổ chân không được cung cấp máu nuôi dưỡng đầy đủ. Tình trạng này diễn ra trong thời gian dài khiến khớp bị suy yếu, kém sản xuất dịch. Đây chính là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến khớp cổ chân kêu răng rắc, nhất là ở dân văn phòng.
Do thoái hóa khớp
Hiện tượng kêu răng rắc tại khớp cũng là triệu chứng thường thấy ở những người bị thoái hóa khớp cổ chân. Bệnh gây tổn thương cho sụn khớp, bao hoạt dịch hay xương dưới sụn khiến các đầu xương ma sát mạnh vào nhau khi vận động mà phát ra tiếng kêu.
Cùng với đó, người bị thoái hóa khớp cũng thường xuyên phải đối mặt với tình trạng cứng khớp, đau nhức cổ chân hoặc thậm chí là sưng đỏ khớp. Tất cả đều gây bất tiện và khó khăn cho việc đi lại.
Béo phì:
Béo phì khiến khớp cổ chân phải chịu nhiều áp lực và dễ bị tổn thương. Điều này làm tăng nguy cơ bị khô khớp, thoái hóa hay gai khớp cổ chân dẫn đến âm thanh răng rắc phát ra khi cử động.
Gai khớp cổ chân
Gai khớp cổ chân là hậu quả của chấn thương, viêm khớp hoặc thoái hóa khớp cổ chân. Các gai chính là những mấu xương nhỏ hình thành do sự tích tụ của canxi. Chúng chèn ép vào dây thần kinh và các mô mềm khiến người bệnh bị đau nhức dữ dội.
Ngoài ra, bệnh gai khớp cổ chân còn gây khô khớp, tổn thương mô sụn, giảm tiết dịch khớp. Chính vì vậy mà mỗi khi di chuyển, các đầu xương tạo thành khớp cổ chân sẽ có sát vào nhau và phát ra tiếng kêu răng rắc.
Viêm khớp cổ chân mãn tính
Tình trạng viêm khớp mãn tính cũng có thể khiến khớp cổ chân kêu khi vận động. Kèm theo đó là tình trạng sưng đau khớp, giảm phạm vi vận động. Bệnh viêm khớp cổ chân mãn tính nếu không được điều trị tốt cho thể gây hủy hoại khớp nghiêm trọng và dẫn đến tàn phế.
Các nguyên nhân khác:
- Viêm khớp nhiễm khuẩn.
- Bệnh gout.
- Viêm bao hoạt dịch khớp cổ chân.
- Lạm dụng rượu bia, thuốc lá.
- Mang thai.
Chăm sóc tại nhà
- Chườm nóng hoặc ngâm chân vào nước ấm mỗi tối trước khi đi ngủ. Phương pháp này có tác dụng giảm đau, kích thích lưu thông máu đến nuôi dưỡng khớp cổ chân. Điều này có thể giúp thúc đẩy quá trình chữa lành tổn thương ở xương, gân, cơ và các mô sụn, hạn chế phát ra âm thanh khi cử động khớp.
- Chườm lạnh: Kỹ thuật này được áp dụng cho các trường hợp bị bệnh có liên quan đến chấn thương. Tốt nhất bạn nên thực hiện trong vòng 48 tiếng đầu tiên. Mỗi lần chườm khoảng 15 phút và có thể lặp lại 4 - 5 lần trong ngày.
- Mang nẹp: Khớp cổ chân được cố định bởi nẹp sẽ hạn chế được tác động từ bên ngoài khiến khớp bị đau hoặc kêu răng rắc khi vận động. Phương pháp này cũng giúp khớp được nghỉ ngơi và nhanh lành tổn thương.
- Tập thể dục: Vận động nhẹ nhàng có tác dụng cải thiện chức năng vận động cho khớp cổ chân, kích thích tuần hoàn máu, giảm cứng khớp và cải thiện tình trạng khớp cổ chân kêu khi vận động. Tuy nhiên, nếu đang có dấu hiệu sưng đau khớp nghiêm trọng thì nên để khớp được nghỉ ngơi cho đến khi tình trạng này thuyên giảm.
- Vật lý trị liệu phục hồi chức năng khớp: Siêu âm trị liệu, chiếu sóng ngắn, chiếu đèn hồng ngoại, điện trị liệu... Những phương pháp này kết hợp với các bài tập vận động sẽ giúp hỗ trợ giảm đau, kháng viêm, khôi phục chức năng vận động và giảm thiểu tần suất kêu răng rắc ở khớp.
- Sử dụng thuốc: Các thuốc giảm đau không kê đơn, thuốc kháng viêm non-steroid, thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm, thuốc giãn cơ hay các chất bổ sung có thể được bác sĩ chỉ định để khắc phục triệu chứng và nguyên nhân khiến khớp cổ chân kêu răng rắc. Bạn nên dùng thuốc đúng theo hướng dẫn của bác sĩ để hạn chế những tác dụng phụ không mong muốn.
Chẩn đoán bệnh
Tình trạng kêu răng rắc ở cổ chân nếu kéo dài hoặc xuất hiện các bất thường khác, bạn nên đi khám để tìm hiểu rõ nguyên nhân và tiếp nhận điều trị sớm. Trước tiên, bác sĩ sẽ tiến hành khai thác tiền sử bệnh, các triệu chứng gặp phải cùng thói quen ăn uống, sinh hoạt của người bệnh.
Việc kiểm tra ngoài khớp cũng được tiến hành cùng lúc để tìm kiếm dấu hiệu khác, chẳng hạn như sưng viêm, nóng đỏ khớp... Bạn cũng sẽ được yêu cầu đi lại hoặc thực hiện một số cử động để đánh giá chức năng vận động của khớp cổ chân.
Ngoài ra, một số phương pháp cận lâm sàng cũng được thực hiện để chẩn đoán nguyên nhân khiến khớp cổ chân kêu răng rắc. Chẳng hạn như siêu âm khớp, chụp X-quang, chụp CT, chụp cộng hưởng từ, xét nghiệm máu, kiểm tra dịch khớp... Sau khi có kết luận chính thức, bác sĩ sẽ xây dựng phác đồ điều trị thích hợp cho bạn.
Phẫu thuật chữa bệnh
Chỉ một số ít trường hợp có khớp cổ chân kêu răng rắc mới cần làm phẫu thuật. Bao gồm:
- Người không đáp ứng với điều trị nội khoa
- Tổn thương sụn và xương dưới sụn nghiêm trọng
- Có nguy cơ gặp biến chứng biến dạng khớp, tàn phế nếu không được làm phẫu thuật sớm.
Các phương pháp phẫu thuật có thể được áp dụng bao gồm mổ nội soi hay mổ hở. Trong đó, phẫu thuật nội soi được áp dụng phổ biến do ít gây biến chứng và có tốc độ hồi phục nhanh.