U Xương Sọ
U xương sọ là sự hình thành của khối u bên trong vòm sọ. Khi khối u phát triển với kích thước lớn sẽ gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ bên ngoài. Đồng thời, chúng còn có thể chèn ép lên mô xung quanh và gây ra một số ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe.
Định nghĩa
U xương có thuật ngữ khoa học là osteoma. Đây là những khối u nằm bên trong mô xương, trông khá giống với xương bình thường của người trưởng thành. U xương có thể xảy ra ở nhiều vị trí trên cơ thể như xương dài và xương vùng đầu cổ (xương sọ, xương mặt, xương hàm dưới,...). Các khối u này có thể là lành tính hoặc ác tính, nhưng thường gặp nhất là u lành tính.
U xương sọ thường là tổn thương lành tính và khá hiếm gặp nên ít được đề cập trong y khoa. Đây là thuật ngữ chuyên khoa dùng để chỉ sự xuất hiện của các khối u bên trong vòm sọ. U xương sọ thuộc nhóm u nguyên phát thường gặp nhất trong vòm sọ. Mức độ tiến triển của khối u khá chậm và không gây ra triệu chứng rõ ràng.
Hình ảnh
Triệu chứng
U xương sọ là bệnh lý rất hiếm gặp. Trong một nghiên cứu của Lê Chí Dũng tại Việt Nam, trong 1712 trường hợp bị u xương nguyên phát thì chỉ có khoảng 22% trường hợp phát triển u xương ở vùng sọ mặt. Hiện tại, u xương sọ có hai dạng cơ bản là dạng hình nấm và dạng lâm sàng hiếm gặp. Một số triệu chứng đặc trưng của bệnh lý này là:
- Xuất hiện khối u cứng và không di động ở vùng đầu, có thể gây đau hoặc không khi dùng tay ấn vào.
- Ở một số trường hợp sẽ bị đau đầu âm ỉ và kéo dài trên 6 tháng, cơn đau thường trở nên nghiêm trọng về đêm.
- Khối u thường xuất hiện và gây đau nhức sau một chấn thương nhẹ ở vùng đầu
Biến chứng
Chuyên gia cho biết, u xương sọ thuộc nhóm tổn thương lành tính sẽ không được xếp vào nhóm bệnh ung thư. Thông thường, u lành tính sẽ có tốc độ tăng trưởng chậm và giới hạn rõ ràng, không viêm và không dính vào mô bên dưới. Thông qua xét nghiệm hình ảnh, xương không có dấu hiệu bị hủy hoại.
Trường hợp u lành tính sẽ không quá nguy hiểm và không đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Tuy nhiên, khi khối u phát triển lớn sẽ gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ bên ngoài. Đồng thời, sự xuất hiện của khối u còn gây ra một vài ảnh hưởng nhất định đến người bệnh như đau đầu, đau xoang,... Nếu khối u xuất hiện ở vị trí đặc biệt, sẽ gây ảnh hưởng đến khả năng nghe và nhìn.
Tuy nhiên, u xương sọ cũng có thể là u ác tính nhưng khá hiếm gặp. Ở trường hợp này, bệnh có nguy cơ tiến triển sang ung thư xương là rất cao. Thông thường, u xương ác tính sẽ có tốc độ tăng trưởng rất nhanh, giới hạn không rõ ràng và gây đau nhức dữ dội. Xét nghiệm hình ảnh cho thấy được, khối u đang dần xâm lấn sang màng xương và mô mềm xung quanh. Bệnh u xương sọ ác tính thường rất khó điều trị và dễ lấy đi tính mạng của người bệnh.
Biện pháp điều trị
Khi có các dấu hiệu của bệnh, bạn nên thăm khám chuyên khoa để được chẩn đoán và hướng dẫn điều trị đúng cách. Bác sĩ chuyên khoa cho biết, việc chẩn đoán bệnh u xương sọ không khó. Tuy nhiên, việc phân biệt u lành hay ác tính sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến việc điều trị bệnh.
Với những trường hợp u xương sọ lành tính không gây ra triệu chứng, bác sĩ sẽ yêu cầu theo dõi thêm và điều trị bảo tồn theo thời gian. Tuy nhiên, phẫu thuật vẫn được chỉ định thực hiện khi cần thiết, điển hình là khối u phát triển lớn gây mất thẩm mỹ hoặc chèn ép lên mô lân cận khiến người bệnh cảm thấy khó chịu. Lúc này, bác sĩ sẽ dựa vào bảng phân loại bướu xương để lựa chọn phương pháp phẫu thuật cho phù hợp.
Khi phẫu thuật, dựa vào kích thước cũng như vị trí của khối u mà bác sĩ sẽ tiến hành gây mê nhẹ hoặc gây mê toàn thân. Sau đó, dùng dao giải phẫu rạch một đường dưới đường chân tóc xa phía u rồi tiến hành lấy khối u ra ngoài. Khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành rạch da thẩm mỹ, tránh để lại sẹo sau phẫu thuật. Sau đó, người bệnh sẽ được yêu cầu ở lại bệnh viện theo dõi một ngày rồi có thể xuất viện. Việc cắt chỉ sẽ được tiến hành khoảng 1 tuần sau đó.
Với những trường hợp u ác tính thì việc điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn. Ngoài việc phẫu thuật, người bệnh còn phải tiến hành thêm nhiều phương pháp trị liệu khác để có thể ức chế sự phát triển của khối u và loại bỏ hoàn toàn tế bào ác tính. Ví dụ như hóa trị, xạ trị, liệu pháp miễn dịch,... Dựa vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị cho phù hợp.
- Chuyên gia
- Cơ sở